A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. Những vấn đề chung của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX
- Văn học Việt Nam từ 1945 - hết TK XX được chia thành hai giai đoạn lớn:
+ Từ năm1945 đến năm 1975
+ Từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX.
- Nền văn học mới được khai sinh sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 mang những đặc điểm lớn sau:
+ Mang đậm lí tưởng độc lập tự do.
+ Mục tiêu chủ nghĩa xã hội.
+ Hình thành đội ngũ nhà văn kiểu mới: nhà văn - chiến sĩ.
II. Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975
1. Hoàn cảnh lịch sử
- Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Do đó, nền văn học vận hành và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Điều này giúp cho nền văn học thống nhất về khuynh hướng tư tưởng, thống nhất về tổ chức và về quan niệm nhà văn kiểu mới: nhà văn - chiến sĩ.
- Đất nước diễn ra nhiều sự kiện lớn lao: Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt ba mươi năm, công cuộc xây dựng cuộc sống mới, còn người mới ở miền Bắc, sau đó là trên toàn quốc.
2. Các chặng đường chính
- Từ năm 1945 đến năm 1954: những năm kháng chiến chống Pháp.
- Từ năm 1955 đến năm 1964: những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước.
- Từ năm 1965 đến năm 1975: những năm kháng chiến chống đế quốc Mĩ.
3. Những nội dung - thành tựu cơ bản
a. Chặng đường từ 1945 đến 1954
- Nội dung cơ bản:
+ Ca ngợi Tổ quốc và quần chúng nhân dân; kêu gọi tinh thần đoàn kết toàn dân, cổ vũ tinh thần Nam tiến, biểu dương những tấm gương quên mình vì nước.
+ Tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
+ Thơ, truyện, kịch, kí, lí luận văn học đạt nhiều thành tựu.
- Tác giả, tác phẩm tiêu biểu: Huế tháng Tám (Tố Hữu), Hội nghị non sông (Xuân Diệu), Đôi mắt (Nam Cao), Làng (Kim Lân), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Truyện Tây Bắc (Tô Hoài)...
b. Chặng đường từ 1955 đến 1964
- Nội dung cơ bản:
+ Sự hoà hợp giữa cái chung và cái riêng, nỗi đau chia cắt hai miền đất nước.
+ Thể hiện hình ảnh người lao động và sự đổi đời nhờ cách mạng.
+ Có sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và yếu tố lãng mạn cách mạng.
+ Khát vọng giải phóng miền Nam, nỗi đau đất nước bị chia cắt, lòng căm thù giặc ... là cảm hứng cơ bản của văn học chặng đường này.
- Tác giả, tác phẩm tiêu biểu: Gió lộng (Tố Hữu), Mùa lạc (Nguyễn Khải), Ánh sáng và phù sa (Chế Lan Viên), Gửi miền Bắc (Tế Hanh), Nổi gió (Đào Hồng Cẩm), Bài thơ Hắc Hải (Nguyễn Đình Thi),
c. Chặng đường từ 1965 đến 1975
- Nội dung cơ bản:
+ Tập trung viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ, ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
+ Khắc hoạ thành công hình ảnh con người anh hùng Việt Nam.
+ Thơ ca tăng cường sức khái quát, chất suy tưởng, chính luận.
+ Nhiều công trình phê bình, lí luận có giá trị xuất hiện.
- Tác giả, tác phẩm tiêu biểu: Ra trận, Máu và hoa (Tố Hữu), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm), ...
4. Những đặc điểm cơ bản
- Nền văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hoá, gắn bó sâu sắc với vận mệnh của đất nước. Khuynh hướng tư tưởng chủ đạo là tư tưởng cách mạng, văn học trở thành vũ khí phụng sự cách mạng. Văn học tập trung nhiều ở đề tài Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội: Bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhân vật trung tâm là người chiến sĩ. Văn học tập trung ca ngợi lao động và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người lao động (những con người mới).
- Nền văn học hướng về đại chúng, tìm đến những hình thức nghệ thuật quen thuộc với nhân dân. Văn học giai đoạn này hình thành một quan niệm mới, một cảm hứng chủ đạo: Đất nước là của nhân dân; nói lên nỗi bất hạnh của người lao động nghèo bị áp bức; tập trung xây dựng hình tượng quần chúng cách mạng. Những tác phẩm ngắn gọn, nội dung dễ hiểu, chủ đề rõ ràng chiếm đa phấn.
- Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Đề cập tới số phận chung của cả cộng đồng, của toàn dân tộc, nền văn học của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Nhân vật lí tưởng là những con người của cộng đồng, kết tinh những phẩm chất cao đẹp của cả cộng đồng. Lời văn mang giọng điệu ngợi ca, trang trọng và tráng lệ, hào hùng. Cảm hứng lãng mạn: khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
II. VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ NĂM 1975 ĐẾN HẾT THẾ KỈ XX
1. Hoàn cảnh lịch sử
- Năm 1975 kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ.
- Mười năm tiếp theo, xã hội gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế.
- Năm 1986, đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, kinh tế chuyển dần theo hướng kinh tế thị trường, văn hoá có điều kiện giao lưu rộng với nền văn hoá trên thế giới.
2. Những thành tựu cơ bản
- Đề tài văn học mở rộng hơn. Một số tác phẩm đã phơi bày những mặt tiêu cực trong xã hội, hoặc nhìn thẳng vào tổn thất của chiến tranh, hay bước đầu đề cập đến bi kịch cá nhân và đời sống tâm hồn.
- Nhất là sau 1986, văn học có sự đổi mới mạnh mẽ về ý thức nghệ thuật, ý thức cá nhân và có quan niệm mới mẻ về con người.
- Các thể loại phóng sự phát triển mạnh, truyện ngắn và tiểu thuyết có nhiều khởi sắc hơn. Thể loại trường ca gặt hái nhiều thành tựu lớn. Nghệ thuật sân khấu thành công ở nhiều đề tài. Lí luận phê bình cũng sôi nổi.
B. BÀI TẬP VẬN DỤNG
I. ĐỀ BÀI
1. Đề số 1:
Trong bài Nhận đường, Nguyễn Đình Thi viết: “Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta”.
Hãy bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
2. Đề số 2:
Hãy trình bày những nét chính về lịch sử, xã hội, văn hoá có ảnh hưởng tới sự phát triển của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.
II. GỢI Ý BÀI LÀM
1. Đề số 1: Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
• Văn nghệ phụng sự kháng chiến.
+ Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, việc chọn lựa hướng đi cho văn nghệ là một việc làm tối cần thiết. Văn học “vị nghệ thuật” hay “dị nhân sinh” là vấn đề không phải bất kì văn nghệ sĩ nào cũng có thể nhận diện rõ ràng.
+ Trước yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ nền độc lập tự do cho dân tộc, nền văn nghệ chân chính phải có trách nhiệm với Tổ quốc. Vậy nên, lẽ đương nhiên, văn nghệ phải phụng sự cuộc kháng chiến đó.
+ Như thế, văn nghệ là một vũ khí đấu tranh bảo vệ nền độc lập. Tác phẩm văn học phải hướng đến mục tiêu đó và mỗi một nhà văn phải là một chiến sĩ trên trận tuyến đánh quân thù.
+ Đây chính là con đường đúng đắn mà bất kì một người dân yêu nước nào cũng phải tuân theo. Nhà văn hay nhà nghệ sĩ có thể không trực tiếp cầm súng, nhưng tác phẩm của họ sẽ là thứ vũ khí hữu hiệu để vạch trần tội ác của quân thù, ngợi ca kịp thời những gương chiến đấu anh dũng của quân và dân ta để động viên cổ vũ mọi người tiến tới làm nên chiến thắng.
- Kháng chiến là nền tảng của nền văn nghệ mới:
+ Kháng chiến cung cấp chất liệu để hình thành nên nền văn nghệ mới, theo hai cách:
Một là, những nhà văn xuất thân hoặc trưởng thành từ cuộc kháng chiến, họ là chủ thể sáng tạo. Không có những nhà văn chiến sĩ thì sẽ không có văn chương chiến đấu.
Hai là, cuộc kháng chiến còn cung cấp sự kiện, chi tiết, con người,... cho văn học. Đây chính là mảng hiện thực tuyệt vời, nguồn sữa nuôi dưỡng văn nghệ không bao giờ cạn kiệt.
+ Văn nghệ bắt nguồn từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống. Từ nguyên lí tồn tại này, ta thấy chính hiện thực kháng chiến là nền tảng, động lực cho ra đời một nền văn nghệ mới. Nền văn nghệ mang tính chiến đấu cao được hình thành. Nền văn nghệ phục vụ đắc lực công cuộc kháng chiến.
2. Đề số 2
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là nền văn học vận động, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng.
+ Văn học lúc này vừa là một hoạt động tinh thần phong phú vừa trở thành một bộ phận trong sự nghiệp cách mạng.
+ Sự nghiệp văn học là của nhân dân và mỗi nhà văn là một chiến sĩ.
+ Đường lối văn nghệ của Đảng đã định hướng lập trường nhân dân cho văn nghệ sĩ, văn sĩ phát huy được những truyền thống, tinh hoa của dân tộc, kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại.
- Hiện thực đời sống xã hội giai đoạn này vô cùng phong phú, mở ra nhiều trận tuyến từ hậu phương đến tiền tuyến, từ miền xuôi, vùng núi rừng đến những nơi xa xôi hải đảo,... Đời sống hiện thực bấy giờ mở ra nhiều vẻ đẹp, gợi nhiều niềm vui và mơ ước dễ làm nảy sinh cảm hứng lãng mạn và nhất là chất trữ tình chính trị là một thành tố quan trọng của văn học giai đoạn này.
- Một đội ngũ nhà văn - chiến sĩ giàu nhiệt tình cách mạng và giàu sức sáng tạo cũng được hình thành từ giai đoạn này.