KHÁI QUÁT VỀ CHUYỂN ĐỘNG CƠ HỌC

A)Tóm tắt lý thuyết:

1,Chuyển động cơ:

-Chuyển động cơ là sự dời chỗ của vật theo thời gian.

-Khi vật dời chỗ thì có sự thay đổi khoảng cách giữa các vật và những vật khác được coi như đứng yên.

-Vật đứng yên gọi là vật mốc.

-Chuyển động cơ có tính tương đối.

2,Chất điểm:

-Chất điểm là vật có kích thước rất nhỏ so với khoảng cách mà ta xét.

Ví dụ: So với chiều dài của cái bàn thì con kiến được coi là một chất điểm.

           So với quãng đường từ Hà Nội đến Hải Phòng các phương tiện chuyển động                      như xe đạp, xe máy, ô tô,… được coi là chất điểm.

-Tập hợp tất cả các vị trí của một chất điểm chuyển động tạo ra một đường nhất định. Đường này gọi là quỹ đạo của chuyển động.

-Để xác định vị trí của một chất điểm, người ta chọn một vật mốc, gắn vào đó một hệ tọa độ, vị trí của chất điểm được xác định bằng tọa độ của nó trong hệ tọa độ này.

3,Thời gian:

-Mốc thời gian (gốc thời gian): là thời điểm mà ta bắt đầu đo thời gian.

-Thời điểm: là giá trị mà đồng hồ hiện đang chỉ đến theo một mốc cho trước mà ta xét.

-Thời gian: là khoảng thời gian trôi đi trong thức tế giữa hai thời điểm mà ta xét.

-Dụng cụ đo thời gian: Đồng hồ.

4,Hệ quy chiếu:

-Một vật mốc gắn với một hệ tọa độ và một gốc thời gian cùng với một đồng hồ hợp thành một hệ quy chiếu.

Hệ quy chiếu = Hệ tọa độ gắn với vật mốc + Đồng hồ và gốc thời gian

5,Chuyển động tịnh tiến:

-Chuyển động tịnh tiến, mọi điểm của nó có quỹ đạo giống hệt nhau, có thể chồng khít lên nhau được.

6,Độ dời:

                                

$\Delta x={{x}_{2}}-{{x}_{1}}$

Độ dời = Độ biến thiên tọa độ = Tọa độ lúc cuối – Tọa độ lúc đầu

-Độ dời không phụ thuộc vào hình dạng của quỹ đạo chuyển động mà chỉ phụ thuộc vào vị trí điểm đầu và vị trí điểm cuối.

-Vecto $\overrightarrow{AB}$ gốc tại điểm A hướng về điểm B gọi là vecto độ dời.

7,Độ dời và quãng đường đi:

-Quãng đường: là độ dài quỹ đạo chuyển động của vật.

-Khi chất điểm chuyển động, quãng đường nó đi được có thể không trùng với độ dời của nó.

8,Vận tốc:

-Định nghĩa: Vận tốc là một đại lượng vecto, đặc trưng cho sự chuyển động nhanh hay chậm của vật.

-Vận tốc trung bình: ${{v}_{tb}}=\frac{\Delta x}{\Delta t}=\frac{{{x}_{2}}-{{x}_{1}}}{{{t}_{2}}-{{t}_{1}}}$

Với ${{x}_{1}},{{x}_{2}}$ là tọa độ của chất điểm tại các thời điểm t$_{1}$ và t$_{2}$ .

Vận tốc trung bình có phương, chiều trùng với phương, chiều của vecto độ dời.

-Vận tốc tức thời:

Vận tốc tức thời tại một thời điểm t đặc trưng cho chiều và độ nhanh hay chậm của chuyển động tại thời điểm đó.

Khi $\Delta t\to $ 0 thì $\frac{\Delta x}{\Delta t}\simeq \frac{\Delta s}{\Delta t}$

Tức là: Vận tốc tức thời luôn bằng tốc độ tức thời.

9,Gia tốc:

-Gia tốc là đại lượng vật lý đặc trưng cho khả năng thay đổi vận tốc (cả hướng và độ lớn) của vật và được xác định bằng biểu thức:

                                                       $\overrightarrow{a}=\frac{\overrightarrow{v}-\overrightarrow{{{v}_{0}}}}{t-{{t}_{0}}}=\frac{\Delta \overrightarrow{v}}{\Delta t}$

Trong đó:

+ $\overrightarrow{v}$: vận tốc tức thời tại thời điểm t (thời điểm lúc sau).

+ $\overrightarrow{{{v}_{0}}}$: vận tốc tức thời tại thời điểm t$_{0}$ (thời điểm ban đầu).

+ $\Delta t=t-{{t}_{0}}$ : thời gian vận tốc thay đổi từ $\overrightarrow{{{v}_{0}}}$ sang $\overrightarrow{v}$.

+Độ lớn gia tốc: $a=\frac{v-{{v}_{0}}}{\Delta t}$

+Đơn vị của gia tốc: m/s$^{2}$

-Vecto gia tốc của một vật tại một điểm là một vecto có:

+Gốc tại vật chuyển động.

+Chiều: cùng chiều với vận tốc nếu vật chuyển động thẳng nhanh dần đều, ngược chiều với chiều chuyển động nếu vật chuyển động chậm dần đều.

B)Bài tập minh họa:

Câu 1: Chuyển động cơ học là sự thay đổi:

A.Trạng thái của vật theo thời gian.

B.Tốc độ của vật theo thời gian.

C.Năng lượng của vật theo thời gian.

D.Vị trí của vật theo thời gian.

Câu 2: Chất điểm là:

A.Vật chuyển động trên khoảng cách mà ta xét.

B.Vật có kích thước lớn so với khoảng cách mà ta xét.

C.Vật có kích thước rất nhỏ so với khoảng cách mà ta xét.

D.Vật có kích thước lớn chuyển động trên khoảng cách mà ta xét.

Câu 3: Trường hợp nào sau đây không thể coi vật chuyển động là chất điểm?

A.Con kiến bò trên tường.

B.Viên đạn bay trong không khí.

C.Ô tô chuyển động trên đường.

D.Cánh cửa chuyển động quanh bản lề.

Câu 4: Trường hợp nào dưới đây có thể coi vật chuyển động như một chất điểm?

A.Viên đạn đang chuyển động trong nòng súng.

B.Trái Đất trong chuyển động quanh Mặt Trời.

C.Tàu hỏa đứng yên trong sân ga.

D.Trái Đất trong chuyển động tự quay quanh trục của nó.

Câu 5: Từ thực tế, hãy xem trường hợp nào dưới đây, quỹ đạo chuyển động của vật là một đường thẳng?

A.Một hòn đá được ném theo phương ngang.

B.Một ô tô đang chạy trên quốc lộ 1 theo hướng Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh.

C.Một viên bi rơi từ độ cao 2 m.

D.Một tờ giấy rơi từ độ cao 3 m.

Câu 6: “Lúc 15 giờ 30 phút hôm qua, xe chúng tôi đang chạy trên quốc lộ 5 , cách Hải Dương 10 km”. Việc xác định vị trí của ô tô như trên còn thiếu yếu tố gì?

A.Vật làm mốc.

B.Mốc thời gian.

C.Thước đo và đồng hồ.

D.Chiều dương trên đường đi.

Câu 7: Để xác định hành trình của một con tàu trên biển, người ta không dùng đến thông tin nào dưới đây?

A.Kinh độ của con tàu tại mỗi điểm.

B.Vĩ độ của con tàu tại điểm đó.

C.Ngày, giờ con tàu đến điểm đó.

D.Hướng đi của con tàu tại điểm đó.

Câu 8: Trong trường hợp nào dưới đây số chỉ thời điểm mà ta xét trùng với số đo khoảng thời gian trôi?

A.Một trận bóng đá diễn ra từ 15 giờ đến 16 giờ 45 phút.

B.Lúc 8 giờ một xe ô tô khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh, sau 3 giờ chạy thì xe đến Vũng Tàu.

C.Một đoàn tàu xuất phát từ Vinh lúc 0 giờ, đến 8 giờ 05 phút thì đoàn tàu đến Huế.

D.Không có trường hợp nào phù hợp với yêu cầu nêu ra.

Câu 9: Để xác định vị trí của một tàu biển giữa đại dương, người ta dùng cách chọn hệ trục tọa độ và mốc thời gian như sau:

A.Kinh độ, vĩ độ địa lí, t = 0 lúc tàu khởi hành.

B.Khoảng cách tới 3 hải cảng lớn, t = 0 là không giờ quốc tế.

C.Khoảng cách tới 3 hải cảng lớn, t = 0 lúc tàu khởi hành.

D.Kinh độ, vĩ độ địa lí, t = 0 là không giờ quốc tế.

Câu 10: Một ô tô chở khách chạy trên đường. Hãy làm rõ vật làm mốc khi nói ô tô đang đứng yên:

A.Đường                                                                                         B.Ô tô

C.Hành khách                                                                                D.Không vật nào

Câu 11: Một người chỉ đường cho một khách du lịch như sau: “Ông hãy đi dọc theo phố này đến bờ một hồ lớn. Đứng tại đó, nhìn sang bên kia hồ theo hướng Tây Bắc, ông sẽ thấy tòa nhà của khách sạn S”. Người chỉ đường đã xác định vị trí của khách sạn S theo cách nào?

A.Dùng đường đi làm vật mốc.

B.Dùng các hệ trục tọa độ.

C.Dùng cả hai cách A và B.

D.Không dùng cả hai cách A và B.

Câu 12: Một người đứng trên đường quan sát chiếc ô tô chạy qua trước mặt. Dấu hiện nào cho biết ô tô đang chuyển động?

A.Khói phụt ra từ ống thoát khí đặt dưới gầm xe.

B.Khoảng cách giữa xe và người đó thay đổi.

C.Bánh xe quay tròn.

D.Tiếng nổ của động cơ vang lên.

Câu 13: Chọn đáp án đúng:

A.Quỹ đạo là một đường thẳng mà trên đó chất điểm chuyển động.

B.Một đường cong mà trên đó chất điểm chuyển động gọi là quỹ đạo.

C.Quỹ đạo là một đường mà chất điểm vạch ra trong không gian khi nó chuyển động.

D.Một đường vạch sẵn trong không gian trên đó chất điểm chuyển động gọi là quỹ đạo.

Câu 14: Khi chọn Trái Đất làm vật mốc thì câu nói nào sau đây đúng?

A.Trái Đất quay quanh Mặt Trời.

B.Mặt Trời quanh quanh Trái Đất.

C.Mặt Trời đứng yên còn Trái Đất chuyển động.

D.Cả Mặt Trời và Trái Đất đều chuyển động.

Câu 15: Hành khách trên tàu A thấy tàu B đang chuyển động về phía trước. Còn hành khách trên tàu B lại thấy tàu C cũng đang chuyển động về phía trước. Vậy hành khách trên tàu A sẽ thấy tàu C:

A.Đứng yên.

B.Chạy lùi về phía sau.

C.Tiến về phía trước.

D.Tiến về phía trước rồi sau đó lùi về phía sau.

Câu 16: Chọn phát biểu đúng?

A.Độ dời phụ thuộc vào hình dạng của quỹ đạo chuyển động và không phụ thuộc vào vị trí điểm đầu và vị trí điểm cuối.

B.Độ dời không phụ thuộc vào hình dạng của quỹ đạo chuyển động và vị trí điểm đầu và vị trí điểm cuối.

C.Độ dời không phụ thuộc vào hình dạng của quỹ đạo chuyển động mà chỉ phụ thuộc vào vị trí điểm đầu và vị trí điểm cuối.

D.Độ dời phụ thuộc vào hình dạng của quỹ đạo chuyển động và vị trí điểm đầu và vị trí điểm cuối.

Câu 17: Chọn phương án sai?

A.Quãng đường là độ dài quỹ đạo chuyển động của vật.

B.Độ dời không phụ thuộc vào hình dạng của quỹ đạo chuyển động mà chỉ phụ thuộc vào vị trí điểm đầu và vị trí điểm cuối.

C.Khi chất điểm chuyển động, quãng đường nó đi được trùng với độ dời của nó.

D.Độ dời bằng độ biến thiên tọa độ.

Câu 18: Gia tốc là đại lượng vật lý đặc trưng cho:

A.Độ nhanh chậm của chuyển động.

B.Khả năng thay đổi độ lớn vận tốc của vật.

C.Khả năng thay đổi hướng vận tốc của vật.

D.Khả năng thay đổi vận tốc (cả hướng và độ lớn) của vật.

Câu 19: Một người tập thể dục chạy trên một đường thẳng. Lúc đầu người đó chạy với vận tốc trung bình 5 m/s trong thời gian 4 phút. Sau đó người ấy giảm vận tốc còn 4 m/s trong thời gian 3 phút. Người đó chạy được trên quãng đường bằng bao nhiêu?

A.1,2km                         B.0,72km                            C.1,92km                          D.2km

Câu 20: Một người tập thể dục chạy trên một đường thẳng. Lúc đầu người đó chạy vận tốc trung bình 5 m/s trong thời gian 4 phút. Sau đó người ấy giảm vận tốc còn 4 m/s trong thời gian 3 phút. Vận tốc trung bình trong toàn bộ thời gian chạy bằng bao nhiêu? Chọn trục Ox trùng với đường chạy và có gốc là điểm xuất phát của người. Vì chuyển động theo một chiều nên độ dời trùng với quãng đường chạy được của người đó.

A.2,3 m/s                     B.4,3 m/s                           C.4,57 m/s                       D.5 m/s

Đáp án:

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

D

C

D

B

C

D

C

C

D

C

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

C

B

C

B

C

C

C

D

C

C

 

 

 

 

Bài viết gợi ý: