HIỆN TƯỢNG DÍNH ƯỚT VÀ KHÔNG DÍNH ƯỚT – HIỆN TƯỢNG MAO DẪN

A)Tóm tắt lý thuyết:

1,Hiện tượng dính ướt và không dính ướt:

-Thí nghiệm:

+Giọt nước nhỏ lên bàn thủy tinh sẽ bị lan rộng ra thành một hình dạng bất kì, vì nước dính ướt thủy tinh.

+Giọt nước nhỏ lên bàn thủy tinh phủ một lớp nilon sẽ vo tròn lại và bị dẹt xuống do tác dụng của trọng lực, vì nước không dính ướt với nilon.

-Khái niệm: Bề mặt chất lỏng ở sát thành bình chứa nó có dạng mặt khum lỏm khi thành bình bị dính ướt và có dạng mặt khum lồi khi thành bình không bị dính ướt.

-Giải thích: Khi chất lỏng đựng trong bình (hoặc ở trên bề mặt vật rắn), tại phần tiếp giáp với thành bình có lực hút giữa phân tử chất lỏng với phân tử chất rắn.

+Khi lực hút giữa các phân tử chất rắn với các phân tử chất lỏng mạnh hơn lực hút giữa các phân tử chất lỏng với nhau $\Rightarrow $ Hiện tượng dính ướt.

+Khi lực hút giữa các phân tử chất rắn với các phân tử chất lỏng yếu hơn $\Rightarrow $ Hiện tượng không dính ướt.

-Ứng dụng: Hiện tượng vật rắn bị dính ướt chất lỏng được ứng dụng để làm giàu quặng theo phương pháp “tuyển nổi”.

2,Hiện tượng mao dẫn:

-Thí nghiệm: Nhúng các ống thủy tinh có đường kính trong nhỏ vào trong chất lỏng ta thấy:

+Nếu thành ống bị dính ướt, mức chất lỏng bên trong ống sẽ dâng cao hơn bề mặt chất lỏng ở ngoài ống và bề mặt chất lỏng trong ống có dạng mặt khum lỏm.

+Nếu thành ống không bị dính ướt, mức chất lỏng bên trong ống sẽ hạ thấp hơn bề mặt chất lỏng ở ngoài ống và bề mặt chất lỏng trong ống có dạng mặt khum lồi.

+Nếu có đường kính trong càng nhỏ, thì mức độ dâng cao hoặc hạ thấp của mức chất lỏng bên trong ống so với bề mặt chất lỏng ở bên ngoài ống càng lớn.

-Định nghĩa: Hiện tượng mao dẫn là hiện tượng dâng lên hay hạ xuống của mực chất lỏng ở bên trong các ống có bán kính trong nhỏ, trong các vách hẹp, khe hẹp, các vật xốp,… so với mực chất lỏng ở ngoài.

-Các ống trong đó xảy ra hiện tượng mao dẫn gọi là ống mao dẫn.

-Độ dâng lên hay hạ xuống của mực chất lỏng trong ống mao dẫn:

                                                                 $h=\frac{4\sigma }{\rho gd}$

Trong đó:

+ $\sigma $ : hệ số căng mặt ngoài của chất lỏng.

+ $\rho $ : khối lượng riêng của chất lỏng.

+ g : gia tốc trọng trường.

+ d : đường kính trong của ống.

Chú thích:

+Trong trường hợp dính ướt thì h là độ dâng lên, còn trong trường hợp không dính ướt thì h là độ hạ xuống.

+Hệ số căng mặt ngoài $\sigma $ càng lớn, đường kính trong của ống càng nhỏ, mức chênh lệch chất lỏng trong ống và ngoài ống càng lớn.

-Ứng dụng:

+Các ống mao dẫn trong bộ rễ và thân cây dẫn nước hòa tan khoáng chất lên nuôi cây.

+Dầu hỏa có thể ngấm theo các sợi nhỏ trong bấc đèn đến ngọn bấc để cháy.

B)Bài tập tự luyện:

Câu 1: Chất lỏng làm dính ướt chất rắn là do:

A.Lực hút giữa các phân tử chất lỏng với nhau nhỏ hơn lực hút giữa các phân tử chất rắn với các phân tử chất lỏng.

B.Lực hút giữa các phân tử chất lỏng với nhau lớn hơn lực hút giữa các phân tử chất rắn với các phân tử chất lỏng.

C.Chất lỏng sử dụng là nước.

D.Chất rắn thuộc loại dễ tính ướt.

                                                          Hướng dẫn

Khi chất lỏng đựng trong bình (hoặc ở trên bề mặt vật rắn), tại phần tiếp giáp với thành bình có lực hút giữa phân tử chất lỏng với phân tử chất rắn.

+Khi lực hút giữa các phân tử chất rắn với các phân tử chất lỏng mạnh hơn lực hút giữa các phân tử chất lỏng với nhau $\Rightarrow $ Hiện tượng dính ướt.

+Khi lực hút giữa các phân tử chất rắn với các phân tử chất lỏng yếu hơn $\Rightarrow $ Hiện tượng không dính ướt.

Chọn đáp án A.

Câu 2: Chọn phát biểu sai: Dạng mặt chất lỏng ở chỗ tiếp giáp với thành bình

A.Là mặt lồi.                                                                                 B.Là mặt lõm.

C.Là mặt phẳng.                                                                          D.Là mặt cong.

                                                               Hướng dẫn

Ta có dạng mặt chất lỏng ở chỗ tiếp giáp với thành bình sẽ có dạng mặt lồi nếu không dính ướt và lõm khi dính ướt.

$\Rightarrow $ Tổng quát: Dạng mặt chất lỏng ở chỗ tiếp giáp với thành bình là mặt cong thấp hơn trong chậu.

Chọn đáp án C.

Câu 3: Hiện tượng dính ướt của chất lỏng được ứng dụng để:

A.Làm giàu quặng (loại bẩn quặng) theo phương pháp tuyển quặng.

B.Dẫn nước từ nhà máy đến các gia đình bằng ống nhựa.

C.Thấm vết mực loang trên mặt giấy bằng giấy thấm.

D.Chuyển chất lỏng từ bình nọ sang bình kia bằng ống xi phông.

                                                              Hướng dẫn

Hiện tượng dính ướt có nhiều ứng dụng trong đó nổi bật nhất là ứng dụng vào việc tuyển quặng.

Chọn đáp án A.

Câu 4: Chọn phương án đúng trong các phương án sau:

A.Nếu lực tương tác giữa các phân tử chất rắn với chất lỏng yếu hơn lực tương tác giữa các phân tử chất lỏng với nhau thì có hiện tượng dính ướt.

B.Nếu lực tương tác giữa các phân tử chất rắn với chất lỏng mạnh hơn lực tương tác giữa các phân tử chất lỏng với nhau thì có hiện tượng không dính ướt.

C.Sự dính ướt hay không dính ướt là hệ quả của tương tác rắn lỏng.

D.Khi lực hút của các phân tử chất lỏng với nhau lớn hơn lực hút của các phân tử chất khí với chất lỏng thì có hiện tượng không dính ướt.

                                                            Hướng dẫn

A – sai vì hiện tượng dính ướt xảy ra khi lực tương tác giữa các phân tử chất rắn với chất lỏng mạnh hơn lực tương tác giữa các phân tử chất lỏng với nhau.

B – sai vì hiện tượng không dính ướt xảy ra khi lực tương tác giữa các phân tử chất rắn với chất lỏng yếu hơn lực tương tác giữa các phân tử chất lỏng với nhau.

C – đúng

D – sai vì hiện tượng không dính ướt xảy ra khi lực tương tác giữa các phân tử chất rắn với chất lỏng yếu hơn lực tương tác giữa các phân tử chất lỏng với nhau.

Chọn đáp án C.

Câu 5: Hiện tượng mao dẫn:

A.Chỉ xảy ra khi ống mao dẫn đặt vuông góc với chậu chất lỏng.

B.Chỉ xảy ra khi chất lỏng không làm dính ướt ống mao dẫn.

C.Là hiện tượng mực chất lỏng dâng lên hay hạ xuống trong ống có tiết diện nhỏ so với chất lỏng bên ngoài ống.

D.Chỉ xảy ra khi ống mao dẫn là ống thẳng.

                                                               Hướng dẫn

Hiện tượng mao dẫn là hiện tượng dâng lên hay hạ xuống của mực chất lỏng ở bên trong các ống có bán kính trong nhỏ, trong các vách hẹp, khe hẹp, các vật xốp,… so với mực chất lỏng ở bên ngoài.

Chọn đáp án C.

Câu 6: Chọn phương án đúng nhất trong các phương án sau:

A.Hiện tượng mao dẫn là hiện tượng nước trong các ống có tiết diện nhỏ (hoặc các khe nhỏ) được dâng lên hay hạ xuống so với mực nước trong bình chứa.

B.Hiện tượng mao dẫn là hiện tượng trong các ống có tiết diện nhỏ (hoặc các khe nhỏ) được dâng lên so với mực chất lỏng trong bình chứa.

C.Hiện tượng mao dẫn là hiện tượng trong các ống mao quản ( hoặc các khe nhỏ) được dâng lên hay hạ xuống so với mực chất lỏng trong bình chứa.

D.Nếu ống mao dẫn có tiết diện rất nhỏ thì xảy ra hiện tượng mao dẫn.

                                                        Hướng dẫn

Hiện tượng mao dẫn là hiện tượng dâng lên hay hạ xuống của mực chất lỏng ở bên trong các ống có bán kính trong nhỏ, trong các vách hẹp, khe hẹp, các vật xốp,… so với mực chất lỏng ở bên ngoài.

$\Rightarrow $ Các phương án:

A – đúng

B,C,D – sai

Chọn đáp án A.

Câu 7: Nhúng một ống thủy tinh có đường kính trong nhỏ vào một chậu nước thì:

A.Mực nước trong ống thấp hơn mực nước trong chậu vì ống có đường kính rất nhỏ.

B.Mực nước trong ống cao hơn mực nước trong chậu vì nước làm dính ướt thủy tinh.

C.Mực nước trong ống bằng với mực nước trong chậu do nguyên tắc bình thông nhau.

D.Mực nước trong ống có thể cao hơn hoặc thấp hơn trong chậu tùy vào đường kính ống.

                                                       Hướng dẫn

Khi nhúng một ống thủy tinh có đường kính trong nhỏ vào một chậu nước thì mực nước trong ống cao hơn mực nước trong chậu vì nước làm dính ướt thủy tinh.

Chọn đáp án B.

Câu 8: Tại sao nước mưa lại không lọt qua lỗ nhỏ trên vải bạt, ô?

A.Vì lực căng bề mặt của nước không cho nước lọt qua.

B.Vì lỗ quá nhỏ, nước không lọt qua.

C.Vì nước không dính ướt vải bạt.

D.Vì nước làm dính ướt vải bạt.

                                                           Hướng dẫn

Nước mưa không lọt qua lỗ nhỏ trên vải bạt, ô là vì lực căng bề mặt của chất lỏng không cho nước lọt qua.

Chọn đáp án A.

Câu 9: Hiện tượng nào sau đây không liên quan tới hiện tượng mao dẫn?

A.Cốc nước đá có nước đọng trên thành cốc.

B.Mực ngấm theo rãnh ngòi bút.

C.Bấc đèn hút dầu.

D.Giấy thấm hút mực.

                                                        Hướng dẫn

Sử dụng định nghĩa về hiện tượng mao dẫn.

Chọn đáp án A.

Câu 10: Nhúng thẳng đứng hai ống mao dẫn vào thủy ngân, với đường kính trong là 1mm và 2mm. Hệ số căng bề mặt của thủy ngân là 0,47 N/m. Tìm độ chênh lệch ở hai ống lấy g = 10 m/s$^{2}$ ; khối lượng riêng của thủy ngân 13600 kg/m$^{3}$.

A.0,69mm                      B.6,9mm                      C.0,069mm                     D.69mm

                                                               Hướng dẫn

$\Delta h=\frac{4\sigma }{\rho g}\left( \frac{1}{{{d}_{1}}}-\frac{1}{{{d}_{2}}} \right)$ = 6,9 mm

Chọn đáp án B.

Câu 11: Trong một ống mao dẫn bán kính 0,5mm ; mực chất lỏng dâng lên 11 mm. Tìm khối lượng riêng của chất lỏng này, biết hệ số căng bề mặt của nó là 0,022 N/m.

A.816 kg/m$^{3}$               B.81,6 kg/m$^{3}$              C.8,16 kg/m$^{3}$                 D.0,816 kg/m$^{3}$

                                                        Hướng dẫn

$h=\frac{4\sigma }{\rho gd}\Rightarrow \rho $ = 816 kg/m$^{3}$

Chọn đáp án A.

 

         

 

 

Bài viết gợi ý: