1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả

  • Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

  • Quê quán: Làng Tân Thới, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

  • Cuộc đời:

    • Ông xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ, học giỏi, giàu lòng hiếu thảo, cả cuộc đời sáng ngời nhân nghĩa, tình yêu nước thương dân.

    • Cuộc đời riêng đầy bi kịch: bị mù, công danh dở dang.

    • Tình chung đau xót: đất nước ta bị giặc Pháp xâm lăng, đất Nam Bộ mất dần vào tay giặc.

    • Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của đất nước ta trong những nửa sau thế kỉ XIX.

b. Tác phẩm

  • Các tác phẩm chính của ông:

    • Các truyện thơ: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp.

    • Nhiều bài thơ, bài văn tế tuyệt tác: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, v.v...

    • Tất cả văn thơ Nguyễn Đình Chiểu đều viết bằng chữ Nôm thấm đẫm tư tưởng nhân nghĩa, giàu lòng yêu nước thương dân và căm thù giặc sôi sục.

  • Đoạn trích

    • Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu của truyện.

    • Thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa những phẩm chất đẹp của hai nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.

c. Bố cục: 3 phần

  • Đoạn trích được chia làm hai phần.

    • Phần 1: 14 câu đầu: Lục Vân Tiên đánh tan bọn cướp, tiêu diệt tên cầm đầu Phong Lai.

    • Phần 2: 44 câu còn lại: Cuộc trò chuyện giữa Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga sau trận đánh

2. Đọc hiểu văn bản

Câu 1. Truyện Lục Vân Tiên được kết cấu theo kiểu thông thường của các loại truyện truyền thống xưa như thế nào? Đối với loại văn chương nhằm tuyên truyền đạo đức thì kiểu kết cấu đó có ý nghĩa gì?

+ Kết cấu của truyện: theo trình tự thời gian, đây là kết cấu quen thuộc của loại truyện truyền thống. Sự việc nào có trước kể trước, sự việc nào có sau kể sau. Nó không bị chồng chéo đan xen nhiều tầng lớp quá khứ và hiện tại như các chuyện hiện đại sau này.

+ Ý nghĩa: đối với loại văn chương nhằm tuyên truyền đạo đức thì kiểu kết câu đó rất có ý nghĩa. Nó làm cho mạch truyện rõ ràng, mạch lạc, dễ nắm bắt, phù hợp với sở thích của quần chúng lao động.

Câu 2. Đọc đoạn trích em cảm nhận Lục Vân Tiên là một con người như thế nào? Hãy phân tích những phẩm chất của nhân vật qua hành động đánh cướp và qua cách cư xử với Kiều Nguyệt Nga.

Lục Vân Tiên là mẫu người lí tưởng mà tác giả muốn đề cao. Qua đoạn trích, Lục Vân Tiên thể hiện những phẩm chất sau:

+ Lục Vân Tiên là chàng trai dũng cảm, văn võ song toàn, trên đường về kinh dự thi gặp bọn cướp quấy nhiễu nhân dân ngay lập tức Lục Vân Tiên đã: Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha, chàng ra tay anh hào cứu giúp nhân dân. Vân Tiên không chỉ nổi tiếng về tài thi phú mà còn là một người anh hùng thật sự. Một mình thân cô, thế cô và chỉ có cành cây làm gậy, chàng vẫn cứ xông vào đánh bọn cướp có đủ quân đông thế mạnh. Vân Tiên đã tả đột hữu xông như một dũng sĩ ở ngoài trận tuyến làm cho bọn cướp kẻ thì tháo chạy kẻ thì bị Vân Tiên cho một gậy thác rầy thân vong.

+ Văn Tiên là chàng trai rất trọng lễ nghĩa đạo lí: sau khi đánh xong bọn cướp thấy hai người con gái nép mình than khóc sợ hãi chàng đã ân cần hỏi han. Nhưng khi thấy Kiều Nguyệt Nga định ra trả ơn chàng đã ngăn lại:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,

Nàng là phận gái, ta là phận trai.

Điều đó chứng tỏ chàng là người rất trọng lễ nghĩa, đạo lí, chàng không muốn vì trả nghĩa mà Kiều Nguyệt Nga bị ảnh hưởng đến danh dự, tiết nghĩa của người con gái.

+ Vân Tiên là người coi trọng nghĩa khí, chàng đã đánh tan bọn cướp cứu Nguyệt Nga, đối với Nguyệt Nga đó là cái ơn rất lớn. Thế nhưng khi thấy Kiều Nguyệt Nga có ý định đền ơn chàng đã từ chối một cách rất nghĩa khí: Làm ơn há dễ trông người trả ơn.

Câu 3. Với tư cách là người chịu ơn, Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích này đã bộc lộ những nét đẹp tâm hồn như thế nào? Hãy phân tích điều đó qua ngôn ngữ, cử chỉ của nàng.

Vẻ đẹp tâm hồn của Kiều Nguyệt Nga:

+ Nguyệt Nga là người con gái gia giáo, nền nếp: là một tiểu thư khuê các, thể hiện qua lời nói và hành động rất mực đoan trang dịu dàng, khuôn phép: Thưa rằng, xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa...

+ Nguyệt Nga là người con gái hiếu thảo: cha mẹ bảo về nhà để làm lễ nghi gia, đó là điều mà nàng không muốn. Vì nhưng nàng vẫn vâng lời vì “làm con đâu dám cãi cha”.

+ Nguyệt Nga là người ân nghĩa thuỷ chung: mặc dù xuất thân từ tầng lớp trên, nhưng khi được Vân Tiên cứu khỏi bọn cướp thái độ của nàng rất kính trọng và đầy hàm ơn. Nàng vừa hết mực cảm ơn Vân Tiên và vừa mong muốn chàng về nhà để được báo đáp ơn cứu mạng, có trước có sau tình nghĩa.

Ngẫm câu báo đức thù công

Lấy chi cho phải tấm lòng cùng ngươi.

Câu 4. Theo em nhân vật trong đoạn trích này được miêu tả chủ yếu qua ngoại hình, nội tâm hay hành động, cử chỉ? Điều đó cho thấy truyện Lục Vân Tiên gần với loại truyện nào mà em đã được học.

+ Cách miêu tả: cả hai nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích này chủ yếu được miêu tả qua hành động và ngôn ngữ, không miêu tả ngoại hình, tâm trạng.

- Hành động của Vân Tiên dũng cảm, mạnh mẽ, lời nói thì dứt khoát, thẳng thắn.

- Hành động của Nguyệt Nga thì e dè kính cẩn, lời nói thì dịu dàng, nhỏ nhẹ.

+ về thể loại: qua cách miêu tả ta thấy, truyện Lục Vân Tiên rất gần với các truyện dân gian (truyền thuyết, cổ tích, và truyện thơ Nôm bình dân,...). Nhân vật có tính cách nhất quán từ đầu đến cuối tốt là luôn luôn tốt, xấu là luôn luôn xấu, đại diện cho hai phe chính nghĩa và gian tà. Hành động của nhân vật diễn biến theo trật tự thời gian tuyến tính.

Câu 5. Em có nhận xét gì về ngôn ngữ của tác giả trong đoạn thơ trích ?

Ngôn ngữ trong đoạn trích có hai đặc điểm sau:

+ Mang đậm màu sắc Nam Bộ: chất Nam Bộ được thấm sâu từ tính cách bộc trực, thẳng thắn, yêu ghét rạch ròi phân minh, nghĩa khí hào hiệp cho đến lời ăn tiếng nói.

+ Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc: thể hiện sự chân mộc chứ không đẽo gọt bóng bẩy như Truyện Kiều. Một phần là do chất Nam Bộ, nhưng có lẽ chủ yếu do tác giả bị mù phải nhờ người khác chép hộ nên không có điều kiện trau chuốt.

Bài viết gợi ý: