Lý thuyết Sinh10 - Loga.vn: Bài 5:

Prôtêin

          Prôtêin là đại phân tử hữu cơ có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự sống, thể hiện ngay qua tên gọi của nó (tiếng Hi Lạp là proteios có nghĩa là “vị trí số một”). Prôtêin chiếm tới 50% khối lượng khô của hầu hết các loại tế bào. Cơ thể người có tới hàng chục nghìn loại phân tử prôtêin.

I. Cấu Trúc Của Prôtêin

 1. Thành phần hóa học

          - Prôtêin là chất hữu cơ, có cấu trúc đa phân được cấu tạo từ các đơn phân là axit amin.

          - Có 20 loại axit amin. Từ 20 loại axit amin này có thể cấu tạo nên vô số prôtêin khác nhau về thành phần, số lượng và trình tự các axit amin, đảm bảo tính đa dạng và đặc thù của từng loại prôtêin.

 

Hình 1. Cấu trúc của Prôtêin.

 2. Cấu trúc vật lý

          Prôtêin có 4 bậc cấu trúc.

          - Cấu trúc bậc 1:

           + Các axit amin liên kết với nhau tạo thành chuỗi pôlipeptit.

           + Chuỗi pôlipeptit có dạng mạch thẳng.

 

Hình 2. Cấu trúc bậc 1 của Prôtêin.

          - Cấu trúc bậc 2: Là cấu trúc vòng xoắn lò xo đều đặn hoặc gấp bêta, các nếp gấp và vòng xoắn được cố định bởi các liên kết hiđrô giữa các axit amin gần nhau.

 

Hình 3. Cấu trúc bậc 2 của Prôtêin.

          - Cấu trúc bậc 3: Chuỗi xoắn cuộn xếp tạo thành cấu trúc đặc thù trong không gian 3 chiều, tạo nên tính đặc trưng cho từng loại prôtêin bằng các liên kết đisunfua, liên kết ion,… tăng tính bền vững của phân tử prôtêin.

Hình 4. Cấu trúc bậc 3 của Prôtêin.

          - Cấu trúc bậc 4: Do hai hay nhiều chuỗi cuộn xếp bậc 3 liên kết với nhau tạo thành phân tử prôtêin hoàn chỉnh, có cấu hình không gian đặc trưng cho từng loại prôtêin, giúp nó thực hiện chức năng hoàn chỉnh.

Hình 5. Cấu trúc bậc 4 của Prôtêin.

II. Chức Năng Của Prôtêin

          - Tham gia cấu tạo nên tế bào và cơ thể.

           + Ví dụ: Prôtêin tham gia cấu tạo màng sinh học.

Hình 6. Prôtêin tham gia cấu tạo màng sinh học.

          - Dự trữ các axit amin.

           + Ví dụ: Prôtêin trong sữa, trong các loại hạt…

Hình 7. Prôtêin trong sữa, trong các loại hạt.

          -  Vận chuyển các chất.

           + Ví dụ: Helmôglôbin trong máu.

Hình 8. Helmôglôbin trong máu.

          - Bảo vệ cơ thể.

           + Ví dụ: Kháng thể.

Hình 9. Các độc tố bị trung hòa bởi kháng thể.

          - Thu nhận thông tin.

          - Xúc tác cho các phản ứng sinh hóa.

Bài Tập Lý Thuyết

 A. Mức độ thông hiểu

Câu 1: Nguyên tố hoá học nào sau đây có trong Prôtêin nhưng không có trong lipit và đường:

A. Photpho.

B. Natri.

C. Nitơ.

D. Canxi.

 * Hướng dẫn giải:

 - Nitơ không có trong lipit và đường.

 Nên ta chọn đáp án C.

Câu 2: Đơn phân cấu tạo của Prôtêin là:

A. Mônôsaccarit.

B. Axit amin.

C. Photpholipit.

D. Stêrôit.

 * Hướng dẫn giải:

 - Đơn phân cấu tạo của Prôtêin là axit amin.

 Nên ta chọn đáp án B.

Câu 3: Loại liên kết hoá học chủ yếu giữa các đơn phân trong phân tử Prôtêin là:

A. Liên kết hoá trị.

B. Liên kết este.

C. Liên kết peptit.

D. Liên kết hidrô.

 * Hướng dẫn giải:

 - Liên kết peptit là liên kết hoá học chủ yếu giữa các đơn phân trong phân tử Prôtêin.

 Nên ta chọn đáp án C.

Câu 4: Tính đa dạng của prôtêin được qui định bởi:

A. Nhóm amin của các axit amin.

B. Nhóm R của các axit amin.

C. Liên kết peptit.

D. Thành phần, số lượng và trật tự axitamin trong phân tử prôtêin.

 * Hướng dẫn giải:

 - Tính đa dạng của prôtêin được qui định bởi thành phần, số lượng và trật tự axitamin trong phân tử prôtêin.

 Nên ta chọn đáp án D.

Câu 5: Prôtêin thực hiện được chức năng của nó chủ yếu ở những bậc cấu trúc nào sau đây:

A. Cấu trúc bậc 1 và bậc 4.

B. Cấu trúc bậc 1 và bậc 2.

C. Cấu trúc bậc 2 và bậc 3.

D. Cấu trúc bậc 3 và bậc 4.

 * Hướng dẫn giải:

 - Prôtêin thực hiện được chức năng của nó chủ yếu ở bậc cấu trúc 3 và cấu trúc bậc 4.

 Nên ta chọn đáp án D.

Câu 6: Đặc điểm khác nhau giữa cacbôhiđrat với lipit?

A. Là những phân tử có kích thước và khối lượng lớn.

B. Tham gia vào cấu trúc tế bào.

C. Dự trữ và cung cấp năng lượng cho tế bào và cơ thể.

D. Cấu tạo theo nguyên tắc đa phân.

 * Hướng dẫn giải:

- Cấu tạo theo nguyên tắc đa phân là đặc điểm khác nhau giữa cacbôhiđrat với lipit.

 Nên ta chọn đáp án D.

Câu 7: Cho các nhận định sau về prôtêin, nhận định nào đúng?

A. Prôtêin được cấu tạo từ các loại nguyên tố hóa học: C, H, O.

B. Prôtêin mất chức năng sinh học khi cấu trúc không gian bị phá vỡ.

C. Prôtêin ở người và động vật được tổng hợp bởi 20 loại axit amin lấy từ thức ăn.

D. Prôtêin đơn giản gồm nhiều chuỗi pôlipeptit với hàng trăm axit amin.

 * Hướng dẫn giải:

 - Prôtêin mất chức năng sinh học khi cấu trúc không gian bị phá vỡ.

 Nên ta chọn đáp án B.

Câu 8: Các loại axit amin trong phân tử prôtêin phân biệt với nhau bởi?

A. Số nhóm NH2.

B. Cấu tạo của gốc R.

C. Số nhóm COOH.

D. Vị trí gắn của gốc R.

 * Hướng dẫn giải:

 - Các loại axit amin trong phân tử prôtêin phân biệt với nhau bởi cấu tạo của gốc R.

Câu 9: Cho các ý sau:

(1) Phân tử prôtêin có cấu trúc bậc 4 khi có từ 2 chuỗi pôlipeptit trở lên.

(2) Prôtêin trong cơ thể luôn được phân hủy và luôn được tổng hợp mới.

(3) Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm ở người do sai lệch trong quá trình tự sắp xếp của một axit amin trong chuỗi β của phân tử hêmoglobin.

(4) Prôtêin được cấu tạo từ axit amin không thay thế và axit amin thay thế.

(5) Thức ăn động vật có giá trị dinh dưỡng cao vì chứa nhiều loại axit amin không thy thế.

(6) Prôtêin tham gia vào quá trình truyền đạt thông tin di truyền của tế bào.

Trong các ý trên, có mấy ý đúng?

A. 3.

B. 4.

C. 5.

D. 6.

 * Hướng dẫn giải:

 - Các ý đúng gồm:

          + (1) Phân tử prôtêin có cấu trúc bậc 4 khi có từ 2 chuỗi pôlipeptit trở lên.

          + (2) Prôtêin trong cơ thể luôn được phân hủy và luôn được tổng hợp mới.

          + (3) Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm ở người do sai lệch trong quá trình tự sắp xếp của một axit amin trong chuỗi β của phân tử hêmoglobin.

          + (4) Prôtêin được cấu tạo từ axit amin không thay thế và axit amin thay thế.

          + (5) Thức ăn động vật có giá trị dinh dưỡng cao vì chứa nhiều loại axit amin không thay thế.

 Nên ta chọn đáp án C.

Câu 10: Prôtêin bị biến tính chỉ cần bậc cấu trúc nào sau đây bị phá vỡ?

A. Cấu trúc bậc 1 của prôtêin.

B. Cấu trúc bậc 2 của prôtêin.

C. Cấu trúc bậc 4 của prôtêin.

D. Cấu trúc không gian ba chiều của prôtêin.

 * Hướng dẫn giải:

 - Prôtêin bị biến tính chỉ cần bậc cấu trúc không gian ba chiều của prôtêin bị phá vỡ.

 Nên ta chọn đáp án D.

 B. Bài tập tự luyện

Câu 1: Cho các hiện tượng sau:

(1) Lòng trắng trứng đông lại sau khi luộn.

(2) Thịt cua vón cục và nổi lên từng mảng khi đun nước lọc cua.

(3) Sợi tóc duỗi thẳng khi được ép mỏng.

(4) Sữa tươi để lâu ngày bị vón cục.

Có mấy hiện tưởng thể hiện sự biến tính của prôtêin?

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Câu 2: Prôtêin không có chức năng nào sau đây?

A. Cấu tạo nên chất nguyên sinh, các bào quan, màng tế bào.

B. Cấu trúc nên enzim, hoocmon, kháng thể.

C. Lưu trữ và truyền đạt thông tin di truyền.

D. Thực hiện việc vận chuyển các chất, co cơ, thu nhận thông tin.

Câu 3: Chất nào sau đây được cấu tạo từ các axit amin?

A. Colesteron - tham gia cấu tạo nên màng sinh học.

B. Pentozo - tham gia cấu tạo nên axit nucleic trong nhân tế bào.

C. Ơstogen - hoocmon do buồng trứng ở nữ giới tiết ra.

D. Insulin - hoocmon do tuyến tụy ở người tiết ra.

Câu 4: Nếu ăn quá nhiều prôtêin (chất đạm), cơ thể có thể mắc bệnh gì sau đây?

A. Bệnh gút.

B. Bệnh mỡ máu.

C. Bệnh tiểu đường.

D. Bệnh đau dạ dày.

Câu 5: Điểm giống nhau giữa prôtêin và lipit là?

A. Cấu trúc theo nguyên tắc đa phân.

B. Có chức năng dự trữ và cung cấp năng lượng cho tế bào và cơ thể.

C. Đều có liên kết hidro trong cấu trúc phân tử.

D. Gồm các nguyên tố C, H, O.

Câu 6: Ở cấu trúc không gian bậc 2 của prôtêin, các axit amin liên kết với nhau bằng các?

A. Liên kết glicozit.

B. Liên kết ion.

C. Liên kết peptit.

D. Liên kết hidro.

Câu 7: Cấu trúc quyết định tính đặc thù và đa dạng của phân tử prôtêin là?

A. Cấu trúc bậc 1.

B. Cấu trúc bậc 2.

C. Cấu trúc bậc 3.

D. Cấu trúc bậc 4.

Câu 8: Prôtêin nào sau đây có vai trò điều hòa nồng độ các chất trong cơ thể?

A. Insulin có trong tuyến tụy.

B. Kêratin có trong tóc.

C. Côlagen có trong da.

D. Hêmoglobin có trong hồng cầu.

Câu 9: Cho các ví dụ sau:

(1) Côlagen cấu tạo nên mô liên kết ở da.

(2) Enzim lipaza thủy phân lipit.

(3) Insulin điều chỉnh hàm lượng đường trong máu.

(4) Glicogen dự trữ ở trong gan.

(5) Hêmoglobin vận chuyển O2 và CO2.

(6) Inteferon chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.

Có mấy ví dụ minh họa cho các chức năng của protein?

A. 3.

B. 4.

C. 5.

D. 6.

Câu 10: Cho các loại liên kết hóa học sau:

(1) Liên kết peptit.

(2) Liên kết hidro.

(3) Liên kết đisunphua (- S - S -).

(4) Liên kết phôtphodieste.

(5) Liên kết glucozit.

Có mấy loại liên kết tham gia duy trì cấu trúc của protein bậc 3?

A. 2.

B. 3.

C. 4.

D. 5.

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Đáp án

D

C

D

A

B

D

A

A

C

B

Bài viết gợi ý: