Lý thuyết Sinh10 - Loga.vn: Bài 9:

Tế Bào Nhân Thực (Tiếp Theo)

V. Ti Thể

 1. Cấu tạo

          - Dạng hạt, kích thước và số lượng tùy thuộc từng tế bào.

          - Ti thể được cấu tạo bởi hai lớp màng tế bào.

           + Màng ngoài không gấp khúc.

           + Màng trong gấp khúc thành các mào trên đó có rất nhiều loại enzim hô hấp. Màng trong chia xoang ti thể thành hai xoang:

            . Xoang ngoài nằm giữa màng trong mà màng ngoài rộng khoảng 60 – 80 Å và thông với xoang của các vách răng lược.

            . Xoang trong được giới hạn bởi màng trong và chứa chất nền (matrix).

          - Chất nền chứa ADN và ribôxôm.

Hình 7. Cấu tạo của ti thể.

 2. Chức năng

          Là nhà máy điện cung cấp nguồn năng lượng chính cho tế bào hoạt động là các phân tử ATP (vì có nhiều enzim chuyển hóa đường và các hợp chất hữu cơ khác thành ATP).

VI. Lục Lạp

 1. Cấu tạo

          - Có hình bầu dục gồm hai lớp màng bao bọc. Bên trong có chứa chất nền cùng với các hệ thống túi dẹp được gọi là tilacôit.

           + Màng ngoài dễ thắm.

           + Màng trong ít thắm, không xếp lại thành mào. Màng trong bao bọc một vùng có màu xanh lục được gọi là chất nền (stroma), chứa các enzim, các ribôxôm, ARN và ADN.

           + Chất nền:

            . Trong chất nền có nhiều túi dẹt là tilacôit trên màng tilacôit chứa nhiều diệp lục và enzim quang hợp.

            . Nhiều phiến tilacôit xếp chồng lên nhau thành cấu trúc Grana.

Hình 8. Cấu trúc của lục lạp.

 2. Chức năng

           Là bào quan chỉ có ở tế bào thực vật, có chứa chất diệp lục có khả năng chuyển đổi ánh sáng thành năng lượng hóa học tích lũy dưới dạng tinh bột.

VII. Một Số Bào Quan Khác

 1. Không Bào

          - Các tế bào chưa trưởng thành chứa nhiều không bào nhỏ. Trong qua trình lớn lên, các tế bào hút thêm nước to ra và nhập lại với nhau thành một không bào lớn chiếm hầu hết thể tích của tế bào trưởng thành.

          - Mỗi không bào được bao bọc bởi một lớp màng, bên trong là dịch chứa các hữu cơ và các ion khoáng tạo áp suất thẩm thấu cho tế bào.

Hình 9. Không bào ở thực vật.

          - Chức năng của không bào phụ thuộc vào từng sinh vật và từng tế bào.

           + Ở tế bào lông hút của rễ, không bào có chức năng như chiếc máy bơm.

           + Ở tế bào cánh hoa, không bào chứa sắc tố…

           + Một tế bào động vật cũng có thể chứa không bào nhưng có kích thước rất nhỏ. Các tế bào động vật có thể có các không bào thức ăn (không bào tiêu hóa) và không bào co bóp (có ở một số loài sinh vật đơn bào).

 2. Lizôxôm

          - Lizôxôm là một bào quan của tế bào động vật được bao bọc bởi một màng liporoteide (màng tế bào).

          - Kích thước, hình dạng của lizôxôm rất đa dạng và tùy thuộc vào các chất khác nhau mà thể lizôxôm thu thập vào để phân giải.

Hình 10. Cấu trúc của lizôxôm.

          - Lizôxôm có một lớp màng bao bọc chứa nhiều enzim thủy phân làm nhiệm vụ tiêu hóa nội bào, các enzim này phân cắt nhanh chóng các đại phân tử như prôtêin, axit nuclêic, cacbohiđrat, lipit. Lizôxôm tham gia vào quá trình phân hủy các tế bào già, các tế bào bị tổn thương cũng như các bào quan đã hết thời hạn sử dụng.

Hình 11. Lizôxôm bị vỡ ra.

          - Trong tế bào, nếu lizôxôm bị vỡ ra thì các enzim của nó sẽ phân hủy luôn cả tế bào.

Bài Tập Lý Thuyết

 A. Mức độ thông hiểu

Câu 1: Ở lớp màng trong của ti thể có chứa nhiều chất nào sau đây?

A. Enzim hô hấp.

B. Kháng thể.

C. Hoocmon.

D. Sắc tố.

 * Hướng dẫn giải:

 - Ở lớp màng trong của ti thể có chứa nhiều enzim hô hấp.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 2: Điểm giống nhau về cấu tạo giữa lục lạp và ti thể trong tế bào là:

A. Có chứa sắc tố quang hợp.

B. Có chứa nhiều loại enzim hô hấp.

C. Được bao bọc bởi lớp màng kép.

D. Có chứa nhiều phân tử ATP.

 * Hướng dẫn giải:

 - Điểm giống nhau về cấu tạo giữa lục lạp và ti thể trong tế bào là đều được bao bọc bởi lớp màng kép.

 Nên ta chọn đáp án C.

Câu 3: Tên gọi strôma để chỉ cấu trúc nào sau đây:

A. Chất nền của lục lạp.

B. Màng ngoài của lục lạp.

C. Màng trong của lục lạp.

D. Enzim quang hợp của lục lạp.

 * Hướng dẫn giải:

 - Tên gọi strôma để chỉ cấu trúc chất nền của lục lạp.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 4: Trong lục lạp, ngoài diệp lục tố và Enzim quang hợp, còn có chứa:

A. ADN và ribôxôm.

B. ARN và nhiễm sắc thể.

C. Không bào.

D. Photpholipit.

 * Hướng dẫn giải:

 - Trong lục lạp, ngoài diệp lục tố và Enzim quang hợp, còn có chứa ADN và ribôxôm.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 5: Hoạt động nào sau đây của Lizôxôm cần phải kết hợp với không bào tiêu hoá?

A. Phân huỷ thức ăn.

B. Phân huỷ tế bào già.

C. Phân huỷ các bào quan đã hết thời gian sử dụng.

D. tất cả các hoạt động trên.

 * Hướng dẫn giải:

 - Phân huỷ thức ăn của Lizôxôm cần phải kết hợp với không bào tiêu hoá.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 6: Điều nào sau đây là chức năng chính của ti thể?

A. Chuyển hóa năng lượng trong các hợp chất hữu cơ thành ATP cung cấp cho tế bào hoạt động.

B. Tổng hợp các chất để cấu tạo nên tế bào và cơ thể.

C. Tạo ra nhiều sản phẩm trung gian cung cấp cho quá trình tổng hợp các chất.

D. Phân hủy các chất độc hại cho tế bào.

 * Hướng dẫn giải:

 Chức năng chính của ti thể là chuyển hóa năng lượng trong các hợp chất hữu cơ thành ATP cung cấp cho tế bào hoạt động.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 7: Đặc điểm nào sau đây không phải của ti thể?

A. Hình dạng, kích thước, số lượng ti thể ở các tế bào là khác nhau.

B. Trong ti thể có chứa ADN và ribôxôm.

C. Màng trong của ti thể chứa hệ enzim hô hấp.

D. Ti thể được bao bọc bởi hai lớp màng trơn nhẵn.

 * Hướng dẫn giải:

 - Ti thể có:

          + Hình dạng, kích thước, số lượng ti thể ở các tế bào là khác nhau.

          + Trong ti thể có chứa ADN và ribôxôm.

          + Màng trong của ti thể chứa hệ enzim hô hấp.

 Nên ta chọn đáp án D.

Câu 8: Lục lạp có chức năng nào sau đây?

A. Chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa năng.

B. Đóng gói, vận chuyển các sản phẩm hữu cơ ra ngoài tế bào.

C. Chuyển hóa đường và phân hủy chất độc hại trong cơ thể.

D. Tham gia vào quá trình tổng hợp và vận chuyển lipit.

 * Hướng dẫn giải:

 - Lục lạp có chức năng chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa năng.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 9: Loại tế bào có khả năng quang hợp là?

A. Tế bào vi khuẩn lam.

B. Tế bào nấm rơm.

C. Tế bào trùng amip.

D. Tế bào động vật.

 * Hướng dẫn giải:

 - Tế bào vi khuẩn lam là loại tế bào có khả năng quang hợp.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 10: Trong các yếu tố cấu tạo sau đây, yếu tố nào có chứa diệp lục và enzim quang hợp?

A. Màng tròn của lục lạp.

B. Màng của tilacôit.

C. Màng ngoài của lục lạp.

D. Chất nền của lục lạp.

 * Hướng dẫn giải:

 - Màng của tilacôit có chứa diệp lục và enzim quang hợp.

 Nên ta chọn đáp án B.

 B. Bài tập tự luyện

Câu 1: Cho các ý sau:

(1) Có màng kép trơn nhẵn.

(2) Chất nền có chứa ADN và ribôxôm.

(3) Hệ thống enzim được đính ở lớp màng trong.

(4) Có ở tế bào thực vật.

(5) Có ở tế bào động vật và thực vật.

(6) Cung cấp năng lượng cho tế bào.

Có mấy đặc điểm chỉ có ở lục lạp?

A. 2.

B. 4.

C. 5.

D. 6.

Câu 2: Cho các ý sau:

(1) Có màng kép trơn nhẵn.

(2) Chất nền có chứa ADN và ribôxôm.

(3) Hệ thống enzim được đính ở lớp màng trong.

(4) Có ở tế bào thực vật.

(5) Có ở tế bào động vật và thực vật.

(6) Cung cấp năng lượng cho tế bào.

Có mấy đặc điểm chỉ có ở ti thể và lục lạp?

A. 2.

B. 4.

C. 5.

D. 6.

Câu 3: Không bào lớn, chứa các ion khoáng và chất hữu cơ tạo nên áp suất thẩm thấu lớn có ở loại tế bào nào sau đây?

A. Tế bào lông hút.

B. Tế bào lá cây.

C. Tế bào cánh hoa.

D. Tế bào thân cây.

Câu 4: Không bào tiêu hóa phát triển mạnh ở?

A. Người.

B. Lúa.

C. Trùng giày.

D. Nấm men.

Câu 5: Chức năng của không bào là:

A. Các tế bào thực vật thường có không bào lớn chứa chất dự trữ hoặc các chất phế thải hoặc giúp các tế bào hút nước.

B. Các tế bào thực vật thường có không bào nhỏ chứa chất dự trữ hoặc các chất phế thải hoặc giúp các tế bào hút nước.

C. Các tế bào động vật thường có không bào lớn chứa chất dự trữ hoặc các chất phế thải hoặc giúp các tế bào hút nước.

D. Các tế bào thực vật thường có không bào nhỏ chứa chất dự trữ hoặc các chất phế thải hoặc giúp các tế bào hút nước.

Câu 6: Không bào trong đó tích các chất độc, chất phế thải thuộc tế bào

A. Lông hút của rễ cây.

B. Cánh hoa.

C. Đỉnh sinh trưởng.

D. Lá cây của một số loài cây mà động vật không dám ăn.

Câu 7: Không bào trong đó chứa các muối khoáng:

A. Lông hút của rễ cây.

B. Cánh hoa.

C. Đỉnh sinh trưởng.

D. Lá cây của một số loài cây mà động vật không dám ăn.

Câu 8: Các tế bào sau trong cơ thể người, tế bào có nhiều ti thể nhất là tế bào:

A. Hồng cầu.

B. Cơ tim.

C. Biểu bì.

D. Xương.

Câu 9: Cho các nhận định sau về không bào, nhận định nào sai?

A. Không bào ở tế bào thực vật có chứa các chất dự trữ, sắc tố, ion khoáng và dịch hữu cơ.

B. Không bào được tạo ra từ hệ thống lưới nội chất và bộ máy Gôngi.

C. Không bào được bao bọc bởi lớp màng kép.

D. Không bào tiêu hóa ở động vật nguyên sinh khá phát triển.

Câu 10: Thành tế bào thực vật không có chức năng:

A. Bảo vệ, chống sức trương của nước làm vỡ tế bào.

B. Quy định khả năng sinh sản và sinh trưởng của tế bào.

C. Quy định hình dạng, kích thước của tế bào.

D. Giúp các tế bào ghép nối và liên lạc với nhau bằng cầu sinh chất.

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Đáp án

A

A

A

C

A

D

A

B

C

B

Bài viết gợi ý: