Đề bài :
Học mà chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc thì khó đạt hiệu quả.
Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 300 từ) bày tỏ suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Hướng dẫn cách làm bài :
Đây là dạng đề Nghị luận về tư tưởng đạo lí,bài viết cần có các ý : Giải thích- Bình luận, chứng minh, bài học rút ra. Cụ thể :
Mở bài:
-Dẫn dắt, giới thiệu câu nói : Học tập là một hành trình gian nan, vất vả, đòi hỏi mỗi người cần nỗ lực phấn đấu không ngừng. Tuy nhiên để quá trình học tập đạt hiệu quả, mỗi người cần có một phương pháp học cụ thể. Có ý kiến cho rằng :Học mà chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc thì khó đạt hiệu quả.
– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: mặt hạn chế của cách học chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.
Thân bài :
Bước 1 : Giải thích câu nói
Giải thích các khái niệm :Học là gì? Học hay còn gọi là học tập, học hành, học hỏi là quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, giá trị nhận thức, hoặc sở thích và có thể liên quan đến việc tổng hợp các loại thông tin khác nhau.
Học mà chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc là như thế nào ? Học thiếu linh hoạt, thiếu sáng tạo, chỉ biết nói, làm theo đúng những gì đã có sẵn, đã quy định.
Bước 2: Bàn luận về ý nghĩa câu nói :
Vì sao Học mà chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc thì khó đạt hiệu quả?
+ Học mà chỉ ghi nhớ kiến thức máy móc là cách học khó đạt hiệu quả vì: khiến ta nhanh quên do không hiểu bản chất, ý nghĩa của bài học; khó ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế; không rèn luyện được tư duy của người học…
+ Ngược lại, nếu biết vận dụng những phương pháp học tập tích cực, tăng cường khả năng suy luận, ta sẽ làm chủ được kiến thức của mình…
+ Tuy nhiên, cũng cần phân biệt cách học ghi nhớ máy móc với cách ghi nhớ chính xác, khoa học, tạo dựng nền tảng kiến thức vững chắc…
Lấy ví dụ để chứng minh …
Phê phán những người có cách học chay, học vẹt, học mà chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.
Bước 3 : Rút ra bài học cho bản thân về phương pháp học hiệu quả ( sau đây là một vài gợi ý của cô)
+Khi học, cần hiểu rõ bản chất của vấn đề, phải xác định các đặc điểm, cách thức vận dụng những khái niệm, quy luật, lý thuyết… trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể. Từ đó, yêu cầu tiếp theo là phải luyện tập để hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề .
+Chúng ta sẽ nhớ tốt những thứ mà mình hiểu rõ ràng. Nếu đọc nhiều lần mà không hiểu một nội dung nào đó hãy dùng biện pháp nhớ “cưỡng chế”, tức là cứ học thuộc nội dụng và sau đó từ từ tìm hiểu những gì mình nhớ được. Ta có thể nhờ bạn bè, thầy cô giảng giải hoặc có thể tìm ở những tài liệu khác cho đến khi hiểu những kiến thức đó.