Suy nghĩ của em về ý nghĩa câu chuyện sau đây:
Ổ bánh mì và lão già kì quặc
Một người phụ nữ nọ có thói quen nướng bánh mì cho gia đình, luôn làm dư một cái để lại cho người nghèo đói. Bà để ổ bánh mì dư bên ngoài thành cửa sổ cho người nghèo đi qua dễ lấy. Ngày qua ngày cứ đến buổi, một ông lão gù lưng đến lấy ổ bánh mì đi.
Thay vì nói lời cảm ơn, ông ta vừa đi vừa lẩm bẩm những lời như niệm chú: “Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”. Điều này cứ diễn ra, ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, người già đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu: “Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi!”
Ngày qua ngày, người phụ nữ dần bực bội trong lòng nghĩ: “Nhận được bánh, không biết cảm ơn còn lải nhải mấy lời khó chịu kia! Hắn ta muốn ám chỉ điều gì?”.
Rồi một hôm, chịu hết nổi, bà nghĩ cách làm cho ông già đi khuất mắt. Bà tự nhủ: “Ta sẽ làm cho hắn mất dạng”. Bà trộn thuốc vào ổ bánh mì dư bà thường làm, tay run run để bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, bỗng cảm thấy hốt hoảng: “Ta làm gì thế này?” Bà ném vội ổ bánh có thuốc độc vào lửa và thay một cái bánh khác lên thành cửa sổ. Như mọi khi, ông lão đến lấy bánh và lại lẩm bẩm: “Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi; việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”. Ông lão cầm ổ bánh vui vẻ rời đi, không ai biết trong lòng người phụ nữ vừa trải qua một trận chiến dữ dội.
Có một điều mà không ai biết đó là mỗi khi đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà lại cầu nguyện cho đứa con trai đi tìm việc làm xa, đã nhiều tháng không nhận được tin tức. Bà nguyện cho con trở về nhà bình an, mạnh giỏi.
Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa…Anh ta gầy xọp đi, quần áo anh rách rưới đến thảm hại. Anh ta đói lả và mệt. Khi trông thấy mẹ, anh ta nói:“Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường, nhưng bỗng có một người gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn, và ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì ngon và chút nước. Ông ta nói: Đây là cái mà tôi có mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!”
Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc. Bà phải dựa vào thành cửa để khỏi ngã. Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc mà bà đã làm sáng hôm nay. Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết!
Ngay lập tức bà nhớ lại câu nói lặp đi lặp lại qua ngày của ông lão…
(Theo mục Đời sống, báo điện tử kenh14.vn, ngày 13/7/2015)
Hướng dẫn cách làm bài :

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Thí sinh nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận xã hội, vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận để làm sáng tỏ yêu cầu của đề bài và nêu suy nghĩ của bản thân.
– Bố cục mạch lạc, kết cấu chặt chẽ, thuyết phục.
– Hành văn gãy gọn, khúc chiết, có sức truyền cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết sạch đẹp.

  1. Yêu cầu về kiến thức

* Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, song cần đáp ứng được những yêu cầu sau:
– Ý nghĩa của câu chuyện: Trong cuộc sống, luôn tồn tại luật nhân quả. Những gì ta làm hôm nay là căn nguyên cho những sự việc sẽ đến với ta trong tương lai. Bởi vậy, mỗi người hãy luôn sống tốt để không bao giờ phải hổ thẹn với lương tâm của mình.
– Bàn luận về ý nghĩa của câu chuyện theo quan điểm và hiểu biết riêng của các nhân.
* Lưu ý:
Học sinh có thể có nhiều cách nhìn nhận và thể hiện khác nhau nhưng bài viết cần đảm bảo sức thuyết phục, chặt chẽ và lôgic. Trong quá trình làm bài cần biết liên hệ với cuộc sống của bản thân và mọi người xung quanh để thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề đó đối với mỗi người. Giám khảo căn cứ trên bài làm thực tế của thí sinh để đánh giá, cho điểm.
Xem thêm :
Bộ đề thi học sinh giỏi môn Văn

Bài viết gợi ý: