Đề bài : Bài học rút ra từ câu chuyện sau

Người Ăn Xin

Một người ăn xin già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi ông tái nhợt, áo quần tơi tả. Ông chìa tay xin tôi.

Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông:
– Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.
– Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười;
– Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.
Khi ấy tôi chợt hiểu ra: Cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.
Từ câu truyện trên suy nghĩ gì về lòng nhân ái của con người:
Bài làm:
Có bao giờ bạn tự hỏi, điều gì gắn kết con người với con người? Điều gì khiến họ trở nên đẹp hơn, thay vì những sự ích kỉ, vị kỉ của bản thân có lúc bị lấn át? Trên đời thiện và ác luôn song hành, làm thế nào để ta luôn chiến thắng chính mà và trở nên tốt đẹp hơn? Đọc xong câu truyện Người ăn xin, dường như ta nhận thêm một điểm sáng nữa về lòng nhân ái của con người.
Câu truyện về người ăn xin là một thông điệp ngắn và ý nghĩa. Nội dung xoay quanh cuộc đối thoại giữa một người đàn ông ăn xin già, với bộ dạng thương tâm, đôi mắt đỏ hoe, giữa tiết trời lạnh giá, đôi mắt ông giàn giụa, và đôi môi tái nhợt đi vì lạnh. Bộ dạng thảm hại đó càng toát lên qua trang phục của ông, sự tơi tả, thiếu thốn vô cùng tội nghiệp. Một người đi tới, khi đó ông chìa tay ra xin. Nhưng không may, người đó lại chẳng còn gì trong người, không tiền, không khăn tay, không gì hết. Người ăn xin già vẫn ở đó, đợi chờ, hi vọng một điều gì đó sẽ giúp lấy mình. Ta còn đang tưởng như câu truyện sẽ là một nỗi buồn dành cho người ăn xin ấy. Nào ngờ, người qua đường chìa bàn tay và nắm lấy đôi bàn tay đang run rẩy vì lạnh của ông lão. Tự nhiên ta thấy cảm động, ta hiểu đó là một sự quan tâm, một sự cảm thương sâu sắc giữa người qua đường ấy với ông lão ăn xin tội nghiệp đang chịu lạnh. Đôi tay nắm lấy, và người qua đường ấy có nói: “Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.” Vậy đấy, một tấm lòng nhân hậu, nếu không có gì thì sao? Tại sao người đó lại phải xin lỗi một ông lão ăn xin già, một người dưng trên đường, một người chưa từng mang ích gì cho cuộc sống của mình. Nhưng rồi, ông lão đáp lại: “Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.”
Đọc câu truyện đến đây, dường như ta được vỡ lẽ ra một điều. Đó thật sự không chỉ là một hành động của một tấm lòng nhân hậu tuyệt đẹp, đó còn là một sự cảm thương, yêu thương sâu sắc giữa người và người. Giữa mùa đông lạnh giá, cậu bé qua đường đã mang lại một món quà vô giá cho người ăn xin. Cái nắm tay trìu mến và cảm động, gợi một sự ứng xử cao đẹp, nhân ái. Và khi trao món quà ấy, hơi ấm từ người ăn xin cũng truyền lại cho cậu, cả hai đã tặng cho nhau một món quà từ tình thương, một sự sẻ chia, đùm bọc.
Câu truyện không dài, nhưng đọng lại cho ta nhiều dư ba vô cùng quý giá. Rốt cuộc cho và nhận. Không chỉ đơn thuần là những món quà từ vật chất, món quà của tinh thần có khi còn quan trọng và trìu mến hơn nhiều. Ta dành tình thương, ta nhận lại tình yêu, ta ban hạnh phúc, ta nhận lại niềm vui, có khi chỉ là một câu nói, hay một cử chỉ đẹp… tất cả đều đáng quý, đáng ngợi ca và trân trọng. Qua đó, dạy cho ta hãy biết cách sống yêu thương, hãy biết sẻ chia và cảm thông cho những số phận không may khác. Hãy luôn biết chia sẻ và ban tặng hạnh phúc, ta nhận lại sẽ là hạnh phúc và niềm vui của chính mình. Hãy luôn biết tôn trọng, và quan tâm tới mọi người. Phê phán những ai sống vô cảm, thơ ơ, thiếu tôn trọng người khác.
Cuộc sống luôn đầy rẫy những khó khăn, và không phải ai cũng may mắn được sinh ra một gia đình có hoàn cảnh khá giả. Vì vậy, hãy biết quan tâm chia sẻ nhiều hơn tới cộng đồng. Vun đắp cho mình một nhân cách, tấm lòng đẹp, đó quả là một điều đáng quý, cảm ơn câu truyện về người ăn xin, đã dạy cho ta một bài học nhân văn vô giá.
Xem thêm : NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

Bài viết gợi ý: