Đề bài : “Có những người đã chết ở tuổi 25 nhưng mãi đến 75 tuổi, họ mới được chôn. Lại có những người khác, đã chết ở tuổi 29 nhưng 30 tuổi họ lại được sinh ra”
Suy nghĩ về câu nói trên:
Bài làm:
Có người từng nói, đại ý, cuộc đời không dài, nhưng tại sao có những người không chọn cuộc sống an nhàn, mà vẫn tiếp tục cố gắng sống và cống hiến nỗ lực hết mình. Bản chất cuộc sống là vậy, luôn vận động không ngừng, nếu mỗi cá nhân không tìm cho mình một vị trí, chỗ đứng, sẽ khắc bị đào thải khỏi xã hội. Một cuộc sống như tồn tại, sống vô nghĩa và chật hẹp. Vì thế, như đồng quan điểm, nhưng sâu sắc hơn, có người đã nói: “Có những người đã chết ở tuổi 25 nhưng mãi đến 75 tuổi, họ mới được chôn. Lại có những người khác, đã chết ở tuổi 29 nhưng 30 tuổi họ lại được sinh ra”
Đúng, mỗi con người sống và cống hiến trong xã hội, nếu có thể ước lượng dài nhất cuộc đời mình là 100 năm, thì đến 1 phần 3 cuộc đời, con người dành thời gian để rèn luyện mình một cuộc sống có ích. Và còn lại hơn nửa cuộc đời, con người sống, lao động, và hưởng thụ những thành quả khi về già. Nhưng, không phải ai cũng có được một cuộc sống đầy đủ, sung túc, có những người từ khi sinh ra, đã không may được chọn lựa trong một gia đình khó khăn và đầy vất vả, nhưng họ đã sống và làm việc hết mình.
Vì sao? Có những người chết ở tuổi 25 nhưng mãi đến 75 tuổi họ mới được chôn? Nếu theo ý niệm logic thông thường, hẳn ta sẽ nhận thấy đây là một điều vô lí và phi thực tế. Câu nói có ý niệm ngầm, tượng trưng cho một cuộc sống của con người. Cái “chết” tìm đến ở tuổi 25, hẳn là một cái chết sớm, và cái chết không hoàn thiện. Vì sao lại không hoàn thiện? Vì 25 tuổi, con người ta mới bắt đầu đặt chân, chạm tới những dấu mốc quan trọng trong công việc, lao động và cống hiến, và 25 tuổi, cũng là thời gian ta có nhiều sức khỏe, có một trái tim dồi dào nhiệt huyết, năng lượng mà so với lúc trước, và so với tương lai, đây là thời gian huy hoàng và tươi đẹp nhất. Vậy mà ta lại chết, vào độ tuổi 25. Câu nói không đề cập đến cái chết thực, mà là cái chết trong tâm hồn, không chết về thể xác, mà chết về lí tưởng, khát vọng cuộc sống. 25 tuổi, không cống hiến, không lao động, ăn chơi và hưởng thụ, vô nghĩa và nhạt nhẽo… tất cả, đã làm nên một cái chết thích đáng và là lẽ thường tình.. khi thời gian ấy ta gần như đã trở thành một người vô nghĩa, vô hình, vô giá trị, và tận 60 năm sau, ta mới được đem chôn cuộc đời vô nghĩa của mình. Nhưng, mặt khác, thể hiện ý đối lập bằng từ “lại có”. Vậy là, lại có những cuộc đời khác ư? Phải, có những người chết ở độ tuổi 29, là cái chết thê thảm và day dứt, cái chết trong tâm hồn chứ không phải thể xác. Họ đã chết vì thành công không mong đợi, và hoài bão chưa đủ chín để đạt được thành quả, gặp những khó khăn trong quá trình chinh phục chính bản ngã của mình. Nhưng, họ lại được sinh ra một lần nữa ở độ tuổi 30. Khi con người ta đã gần như qua tuổi trẻ, họ đã vượt qua sự vô nghĩa, vô giá trị và sự lười nhác, hưởng thụ vô bổ của tuổi trẻ, để tạo ra thành công cho chính bản thân mình, họ tìm được cho bản thân một vị trí, và họ biết họ là ai. Tất cả dường như đã minh chứng cho một điều, rằng ở 30 tuổi, trái tim khối óc và lí tưởng đam mê, đã giúp họ sinh ra thêm một lần nữa…
Vậy đấy, câu nói đề cập đến “cái chết” nhưng ta đọc lại không cảm thấy bi thương như nghĩa thực. Mà như được truyền cho một ngọn lửa của tinh thần tuổi trẻ, và qua đó cũng là sự phê phán cho những ai lười nhác, ích kỉ, không có hoài bão, đam mê, sống hoài, sống phí cuộc đời, và chỉ hưởng thụ những gì cuộc đời mang lại, mà không biết cống hiến, làm giàu cho đời, làm giàu cho người thân, và cho chính bản thân mình.
Ở đời, ta gặp không ít những tấm gương điển hình minh chứng cho câu nói này, như chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, bao nhiêu năm bôn ba hải ngoại, bao nhiêu năm vượt qua nhà lao này đến nhà lao khác, sống trong ngục tối. Nhưng tinh thần, nhiệt huyết sống và cống hiến của Bác, giờ đây đã trở thành tấm gương lớn cho mọi thế hệ noi theo và học tập.
Qua đó, là học sinh, ta cũng cần nhận thức rõ về điều này. Hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Kiếp người không dài, ta không nên chọn cách sống an nhàn, giết chết tuổi trẻ, mà hãy cống hiến trở thành một công dân có ích, để mỗi ngày trôi qua, sẽ là những điều trân trọng và không bao giờ phải hối tiếc.
Câu nói thật hay, đã cho ta thêm một góc nhìn và trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Không ai trên đời này muốn trở thành những kẻ vô nghĩa, vô giá trị, vậy hãy từ hôm nay, tạo lập cho mình một cuộc sống có ý nghĩa, và hãy sống hết mình với những gì ta có thể.