KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA
NĂM HỌC 2017- 2018
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Đại đa số thanh niên thời trước không ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm về cuộc đời, vì ai đã có phận nấy.
Phận là cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người: phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi,… Con nhà lao động nghèo, nhiều lắm học đến chín, mười tuổi, là đã phải lo làm ăn mong kế nghiệp cha, anh. Con nhà giàu theo học lên cao thì làm quan, kém hơn thì làm thầy. Sinh ra ở phận nào, theo phận ấy, chỉ số ít là thoát khỏi.
Trái lại, thanh niên ngày nay tuy cái phận mỗi người vẫn còn, song trước mặt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường. Ngày nay sự lựa chọn và cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quyết định. Có lựa chọn tất phải có suy nghĩ, trăn trở.
Hết lớp tám, lớp chín, học gì đây? Trung học hay học nghề, hay đi sản xuất? Trai gái gặp nhau bắt đầu ngập ngừng. Yêu ai đây? Yêu như thế nào? Sức khỏe tăng nhanh, kiến thức tích lũy đã khá, sống như thế nào đây? Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận. Cơ hội cũng chia đều sàn sàn cho mọi người.
Thanh niên ngày xưa bước vào đời như người đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào. Ngày nay, chưa biết sẽ xem phim gì, ở rạp nào, ngồi ghế số mấy, cạnh ai. Cho đến khi ổn định được chỗ ngồi trong xã hội, xác định đúng được vai trò và vị trí của mình là phải trải qua một thời gian dài.
Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lý.
Xây dựng nên thì như tàu ra biển rộng, có kim chỉ nam để xác định hướng đi; không thì như chiếc bách giữa dòng, e dè gió dập, hãi hùng sóng va.
(Thanh niêm và số phận – Nguyễn Khắc Viện,
Dẫn theo Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, Sđd)
Câu 1. Trong đoạn trích trên, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào?
A. Giải thích B. Chứng minh C. Bình luận D. Bác bỏ
Câu 2.Theo tác giả đoạn trích trên, vì sao đại đa số thanh niên thời trước không suy nghĩ, trăn trở nhiều về số phận của bản thân ?
Câu 3. Theo tác giả đoạn trích trên, vì sao thanh niên thời nay cần phải suy nghĩ, trăn trở về số phận ?
Câu 4. Theo tác giả, những yếu tố nào có ý nghĩa quyết định đối với thành công và hạnh phúc của một con người trong thời đại ngày nay ?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1(2,0 điểm).
Anh/ chị hãy viếtmột đoạn văn (khoảng 200 chữ)bàn về sức mạnh của niềm tin và đạo lý.
Câu 2 (5,0 điểm).
Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 11) và chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12).
……………………………HẾT……………………………….
*Lưu ý: – Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
– Giám thị không giải thích gì thêm.
HƯỚNG DẪN CHẤM KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA
NĂM HỌC 2016- 2017
Môn thi: NGỮ VĂN
(Đáp án gồm có 02 trang)
Phần- Câu Nội dung Điểm
I–PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1: Đáp án đúng: C
Câu 2: Theo tác giả, đại đa số thanh niên thời trước không suy nghĩ, trăn trở nhiều về số phận của bản thân vì “phận” của mỗi người gần như đã được sắp đặt, định trước do hoàn cảnh gia đình, nguồn gốc xuất thân, sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội cũ…
Câu 3: Thanh niên thời nay cần phải suy nghĩ, trăn trở vì có nhiều con đường, nhiều cơ hội mở ra; có điều kiện để chọn lựa, vượt thoát khỏi cái “phận” của mình… Muốn lựa chọn đúng đắn để có thành công và hạnh phúc, phải biết suy nghĩ, trăn trở…
Câu 4: Theo tác giả, những yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với thành công và hạnh phúc của một con người trong thời đại ngày nay không phải là cái “phận” đã được định sẵn mà chính là “sự lựa chọn và cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè”. 0,5
II–PHẦN LÀM VĂN
Câu1
Câu 2 *Về kỹ năng: Học sinh đảm bảo cách trình bày và bố cục của đoạn văn, có câu mở đoạn, phần triển khai nội dung đoạn, câu kết đoạn.
* Về kiến thức: HS có thể trình bày theo nhiều cách, song cần tập trung làm rõ ý cơ bản sau:
– Giải thích rõ các từ:
+ Niềm tin: Là sự kiên định của con người đối với năng lực, phẩm chất của mình và những điều tốt đẹp của cuộc sống.
+ Đạo lí: Là những nguyên tắc về chuẩn mực đạo đức của con người và xã hội.
– Niềm tin và đạo lí sẽ mang đến cho con người bản lĩnh vững vàng, sức mạnh để đương đầu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách- như con tàu lớn không ngại sóng gió. Nêu ví dụ minh họa.
– Để có được niềm tin và đạo lí, mỗi con người phải học cách nhận thức về bản thân và cuộc đời; phải biết suy ngẫm để lựa chọn một con đường đúng đắn; biết tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện tri thức và nhân cách…
– Bên cạnh những người có niềm tin và sống có đạo lí còn có những người đánh mất niềm tin ở mình và người khác, mất niềm tin vào cuộc sống, không hiểu đạo lí tốt đẹp…
* Lưu ý: Đốivới những bài làm sai quy cách đoạn văn, chỉ cho điểm tối đa là ½ tổng số điểm của câu.
Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận so sánh về chi tiết có trong tác phẩm văn xuôi. Bố cục rõ ràng, mạch lạc; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp…
Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở những hiểu biết về tác gia Nam Cao và truyện ngắn Chí Phèo; tác giả Tô Hoài và truyện ngắn ” Vợ chồng A Phủ”, học sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và các đối tượng so sánh:
-Nam Cao, cây bút hiện thực xuất sắc và thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Chí Phèo (1941) là kiệt tác đã kết tinh cao nhất cho đặc điểm nghệ thuật của nhà văn. Chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” là một trong những chi tiết đặc sắc thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm.
-Tô Hoài là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ khi viết đề tài miền núi, trong đó có tác phẩm Vợ chồng A Phủ – đạt giải Nhất, Giải thưởng hội văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Thể hiện rõ điều đó có lẽ phải kể đến chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi”.
Làm rõ các đối tượng so sánh
* CHI TIẾT “TIẾNG CHIM HÓT NGOÀI KIA VUI VẺ QUÁ”
-Về nội dung:
+ Cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và trận ốm đã làm cho con quỷ dữ có sự thay đổi hẳn cả về sinh lí lẫn tâm lý.
+ Từ khi mãn hạn tù trở về, đây là lần đầu tiên Chí Phèo hết say, hoàn toàn tỉnh táo. Và lần đầu tiên Chí nghe thấy những âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh. Những âm thanh ấy chính là tiếng gọi tha thiết của cuộc sống.
+ Khi tỉnh táo, Chí phèo đã nhìn lại cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Lần đầu tiên tỉnh táo, suy nghĩ, Chí nhận thấy tình trạng bi đát, tuyệt vọng của cuộc đời mình.
– Về nghệ thuật:
+ Là chi tiết quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách tâm lí và bi kịch của nhân vật.
+ Qua chi tiết này, Nam cao khẳng định: chất người không bao giờ mất đi được ngay cả khi họ bị xã hội thối nát, tàn bạo cướp mất đi cả nhân hình lẫn nhân tính.
* CHI TIẾT “MỊ NGHE TIẾNG SÁO VỌNG LẠI, THIÊT THA BỔI HỔI”
-Về nội dung:
+ Mùa xuân trên miền núi Tây Bắc được miêu tả rất đẹp: Thiên nhiên Tây Bắc vào xuân, màu sắc của những chiếc váy hoa, tiếng cười nói của đám trẻ chơi quay đợi tết, đặc biệt là tiếng sáo da diết xoáy sâu vào trái tim tưởng như băng giá của Mị. Ngoại cảnh đã làm thức dậy trong Mị ý thức về tình yêu và hạnh phúc.
+ Khi nghe tiếng sáo, Mị nhớ về quá khứ tươi đẹp, nhận thức được hiện tại, thấm thía thân phận và dẫn đến hành động (uống rượu, thắp đèn cho sáng căn buồng, lấy váy hoa để đi chơi,…) nhưng A Sử dập tắt ý định của Mị một cách bạo tàn. Trong khi bị trói, Mị vẫn không biết mình đang bị trói, tâm hồn Mị vẫn nương theo tiếng sáo để đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. Tiếng sáo đã xúc tác mạnh tới tâm hồn Mị, đẩy tình huống truyện lên cao trào, ý muốn tự do của cô Mị lên đỉnh điểm, để cho tới khi quyết tâm cắt dây trói cứu A Phủ trong đêm đông và cùng bỏ trốn thì nút thắt của câu truyện được hóa giải.
– Về nghệ thuật:
+ Là một trong những chi tiết góp phần làm thay đổi trạng thái tâm lý của nhân vật.
+ Là chi tiết góp phần khẳng định sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong tâm hồn Mị, góp phần bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
* So sánh
– Sự tương đồng
+ Đó là những âm thanh hết sức kì lạ, nó len lỏi vào tận sâu tâm hồn vốn tưởng như đã chết của nhân vật để khơi dậy trong họ niềm ham sống và khát khao sống mãnh liệt.
+ Đây cũng là những chi tiết góp phần tô đậm giá trị nhân đạo cho hai tác phẩm
+ Là những chi tiết cho thấy sự tài năng của hai nhà văn.
– Sự khác biệt
+ Tiếng chim hót trong truyện ngắn “Chí Phèo” là âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh, âm thanh ấy hôm nào cũng có. Nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy vì chỉ đến hôm hay, Chí mới hoàn toàn tỉnh táo, các giác quan mới được đánh thức. Âm thanh ấy thổi bùng khát khao được làm người lương thiện của Chí.
+ Tiếng sáo trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là âm thanh gợi cho Mị nhớ về quá khứ tươi đẹp và khát khao một cuộc sống tự do. Tiếng sáo làm cho sức sống tiềm tàng trong Mi trỗi dậy một cách mãnh liệt.
– Lý giải sự khác biệt:
-Do sự khác biệt về bối cảnh mà chi tiết tồn tại.
-Do sự khác biệt về phong cách của hai nhà văn.
– Khái quát vấn đề và nêu cảm nghĩ của bản thân.
Xem thêm : ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NGỮ VĂN ,
DẠNG ĐỀ SO SÁNH VĂN HỌC CHÍ PHÈO , VỢ CHỒNG A PHỦ

Bài viết gợi ý: