1. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Có một chú nhện vàng tình cờ xuất hiện trên cánh tay tôi, tạo nên một cảm giác buồn buồn giữa những sợi lông măng.
Em vội vã chặn ngón tay đao phủ của tôi lại, và thổi một hơi thật nhẹ giúp chú nhện tiếp tục cuộc hành trình trên sợi tơ vô hình của chính mình.
Đúng ngày bão rớt, giờ cao điểm, tôi gọi taxi đưa ngoại đi khám theo hẹn với bác sĩ.
Ngoại dặn tôi “đừng có giục người ta, con nhé!”. Để người ta bình tâm mà đi, ngoại chờ được!”
Mẹ đi chợ, bao giờ cũng mua hoa quả, thịt cá đắt hơn người ta vài nghìn đồng. Chẳng phải vì mẹ giàu có gì.
Chỉ vì “người ta dậy sớm thức khuya, ngày kiếm được vài chục ngàn, gặp người khách dễ dãi, người ta thấy vui vẻ hơn trong cả một ngày cực nhọc, mấy ngàn mà mua được một niềm vui của ta, cũng chẳng đắt đỏ gì…”
Nội cứ đến dịp cuối năm là lại dọn đồ đạc. Những đồ đạc lâu nay không dùng, từ cái xe đạp ba bánh cũ của đứa cháu, cái bàn long chân, nội lau chùi cẩn thận rồi đem xếp ở ngoài hàng hiên…
Chỉ nửa buổi là thế nào cũng có người qua.
Có người mẹ trẻ xin cho đứa con trai đầu lòng chiếc xe đạp cũ.
Một ông bố xin cái bàn nhỏ về đóng lại cho con trai ngồi học.
Sư bác đến xin cái giường về kê thêm cho mấy đứa trẻ mồ côi nhà chùa mới nhận nuôi. Lần này nội tôi còn huy động cả mấy anh em tôi sang khiêng chiếc giường sang chùa.
Những thứ đồ cũ, nội chỉ lau sạch sẽ chứ không sửa chữa để người ta thấy “đúng là đồ cũ, người ta mang về mà không ngại vì phải mang ơn mình”.
Có người bảo nội không tiết kiệm, những thứ đồ đạc chỉ sửa sang một chút là dùng được, sao không giữ được, sao không giữ lại phòng khi dùng đến.
Nội bảo, những thứ đồ đạc còn dùng được mà không được dùng mới là đáng tiếc.
Đôi khi tôi nghĩ Trái Đất của tình yêu thương và lòng tử tế này vẫn không ngừng quay là nhờ cô bạn gái mà tôi yêu mến đã thổi đi một chú nhện. Nhờ người mẹ không giàu có của tôi hào phóng với một người mẹ cũng không giàu có khác, đang đầu tắt mặt tối với gánh rau để nuôi con mình ăn học. Nhờ nội tôi mỗi dịp cuối năm lại đem tặng đi một cách rất kín đáo những món đồ còn dùng được mà không được dùng…
Để thế giới này tiếp tục đi về phía trước, đừng để trái tim ngủ yên. Hãy dựng đứng trái tim mình lên, bạn sẽ thấy hình ảnh một ngọn lửa nhỏ, đang không ngừng sưởi ấm bạn và những người xung quanh…
(Theo Gửi bé Bống ở xứ sở niềm vui – Ngô Thị Phú Bình, NXB Kim Đồng, tr.207-210)
Câu 1. Văn bản vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào?
Câu 2. Những cử chỉ, hành động của em, ngoại, mẹ, người mẹ trẻ, ông bố, sư bác gặp nhau ở điều gì?
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao để thế giới này tiếp tục đi về phía trước, mỗi chúng ta cần đừng để trái tim ngủ yên?
Câu 4. Anh/Chị nhận được thông điệp nào từ bài viết?

  1. LÀM VĂN

Câu 1. Từ văn bản thuộc phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày câu trả lời của anh/chị trước câu hỏi: Anh/Chị đã và có thể làm gì để “thế giới này tiếp tục đi về phía trước”?
Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân).
Từ đó, liên hệ đến truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao) và làm rõ sự tương đồng, khác biệt trong tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn.
GỢI Ý LÀM BÀI

  1. ĐỌC HIỂU

Câu 1
Văn bản vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt: tự sự, biểu cảm, nghị luận.
Câu 2
Những cử chỉ, hành động của em, ngoại, mẹ, người mẹ trẻ, ông bố, sư bác gặp nhau ở sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia/ ở lòng vị tha, nhân hậu.
Câu 3
Để thế giới này tiếp tục đi về phía trước (thế giới phát triển và trường tồn vĩnh cửu), mỗi chúng ta cần đừng để trái tim ngủ yên vì đồng cảm, sẻ chia chính là một phần sức mạnh giúp con người kết nối với nhau, đạp bằng mọi chông gai, thách thức. Con người khác muôn loài khác ở điều này.
Câu 4
Thông điệp của bài viết: Hãy biết đồng cảm, sẻ chia, từ những điều nhỏ bé, giản dị nhất.

  1. LÀM VĂN

Câu 1
Trên cơ sở những hiểu biết về văn bản ở phần Đọc hiểu, thí sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề cần nghị luận (đóng góp của bản thân để “thế giới này tiếp tục đi về phía trước”) theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Thí sinh có thể lựa chọn một trong các nội dung sau đây để viết đoạn văn (khoảng 200 chữ, tương đương 2/3 trang giấy thi):
– Giải thích ngắn gọn: “thế giới đi về phía trước” nghĩa là thế giới phát triển và trường tồn vĩnh cửu.
– Chia sẻ một cách chân thực đóng góp của bản thân (những điều đã và có thể làm) để góp phần duy trì, phát triển thế giới, từ những điều nhỏ bé nhất (chẳng hạn mua một gói tăm làm từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, viết một lá thư động viên người bạn vừa mới mất người thân, trồng thêm cây xanh, giữ vệ sinh môi trường, giúp bố mẹ làm việc nhà…) đến những ý tưởng, hành động lớn lao hơn…
Câu 2
Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt, thí sinh có thể cảm nhận về giá trị nhân đạo của truyện ngắn, liên hệ đến truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao) và làm rõ sự tương đồng, khác biệt trong tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Dưới đây là một số gợi ý:
* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận
– Kim Lân là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông viết nhiều và viết hay về người nông dân và đề tài nông thôn.
– Vợ nhặt là một trong những sáng tác tiêu biểu của Kim Lân.
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (giá trị nhân đạo của truyện ngắn).
* Cảm nhận về giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt
– Giải thích sơ lược về khái niệm “giá trị nhân đạo”:
+ Nhân đạo: lòng yêu thương con người.
+ Giá trị nhân đạo (trong văn chương) được biểu hiện ở: thái độ ngợi ca vẻ đẹp (cả thể chất và tâm hồn) của con người; thấu hiểu, đồng cảm với nỗi đau khổ của con người đồng thời lên án, phê phán các thế lực phi nhân tính chà đạp lên quyền sống của con người; bênh vực con người nhỏ bé…
– Giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt:
+ Thấu hiểu, đồng cảm, xót xa, đau đớn trước thân phận rẻ rúng và hoàn cảnh éo le của con người (anh cu Tràng vì quá nghèo mà không lấy được vợ, thân phận rẻ rúng của người “vợ nhặt”, “đám cưới” ngày đói…), từ đó gián tiếp tố cáo tội ác của bè lũ thực dân – phát xít.
+ Ngợi ca tình người (lòng vị tha anh cu Tràng dành cho người vợ nhặt; lòng yêu con của bà cụ Tứ; tấm lòng nhân hậu bà cụ Tứ dành cho người vợ nhặt); ngợi ca khát vọng sống của con người (trong hoàn cảnh cận kề cái chết, con người vẫn vươn lên sự sống, vẫn yêu thương, đùm bọc nhau; tinh thần lạc quan của bà cụ Tứ)…
* So sánh tư tưởng nhân đạo của Kim Lân và Nam Cao qua hai truyện ngắn Vợ nhặt và Chí Phèo
+ Tương đồng: Cả hai nhà văn cùng thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm, xót thương đối với những người lao động nghèo khổ trước CMTT; cùng cất lên tiếng nói tố cáo các thế lực phi nhân tính chà đạp lên quyền sống của con người; cùng ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của con người, ngợi ca tình người cao đẹp.  Sự gặp gỡ của hai nhà văn trong tư tưởng nhân đạo.
+ Khác biệt:
Ÿ Vợ nhặt: Kim Lân đặc biệt ngợi ca sức mạnh của tình người.
Ÿ Chí Phèo: Nam Cao thể hiện niềm tin tưởng mãnh liệt vào nhân tính, vào bản chất lương thiện của người nông dân.
Làm phong phú hơn cho giá trị nhân đạo của văn học Việt Nam.
Xem thêm :Dạng đề liên hệ tác phẩm 12-11
CHÍ PHÈO ,VỢ NHẶT

Bài viết gợi ý: