ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KỲ II NĂM HỌC 2017 – 2018
Môn: Ngữ văn Lớp: 12
(Thời gian làm bài: 120 phút)
Đề thi gồm 2 trang
ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
“… Đáng tiếc, hiện nay rất nhiều thanh niên lại vứt bỏ quyền lựa chọn tương lai của mình, họ quen hoặc thích được người khác sắp xếp hơn, từ những việc nhỏ như thi vào trường đại học nào, học chuyên ngành gì, đến những chuyện lớn như đi đến nơi nào để phát triển sự nghiệp, lựa chọn ngành nghề nào, làm công việc gì.
Người khác có thể lựa chọn cho chúng ta phương hướng của cuộc sống nhưng không ai có thể chịu trách nhiệm đối với kết quả của cuộc đời chúng ta. Không phải họ không muốn mà là không thể chịu trách nhiệm, kể cả bố mẹ chúng ta… Giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác, chúng ta khó tránh được việc phải đóng vai hành khách. Kinh nghiệm của những người thành đạt cho chúng ta thấy, bất kì một cuộc sống lí tưởng, hạnh phúc, thành đạt nào, về cơ bản cũng đều được quyết định bởi những lựa chọn và hành động của chính bản thân họ.”
(Trích Bí quyết thành công của Bill Gates, Khẩm Sài Nhân, NXB Hồng Đức)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào về ý kiến trong đoạn trích: “Người khác có thể lựa chọn cho chúng ta phương hướng của cuộc sống nhưng không ai có thể chịu trách nhiệm đối với kết quả của cuộc đời chúng ta”? (0,75 điểm)
Câu 3.“Đáng tiếc, hiện nay rất nhiều thanh niên lại vứt bỏ quyền lựa chọn tương lai của mình”. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm đó của tác giả không, vì sao? (1,0 điểm)
Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao? (0,75 điểm)
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác, chúng ta khó tránh được việc phải đóng vai hành khách”.
Câu 2. (5,0 điểm)
Hãy phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Tràng và nhân vật Chí Phèo trong hai đoạn trích sau, từ đó nhận xét về tình cảm nhân đạo mà các nhà văn dành cho người nông dân nghèo khổ.
“Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch. Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.”
(Vợ nhặt – Kim Lân)
“Khi Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng lâu. Mặt trời chắc đã cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ. Cứ nghe chim ríu rít bên ngoài là đủ biết. Nhưng trong cái lều ẩm thấp vẫn chỉ hơi tờ mờ. Ở đây người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm thì bên ngoài trời vẫn sáng. Chưa bao giờ Chí Phèo nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hết say. Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc, hay là đói rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tý. Hắn sợ rượu cũng như những người ốm sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!
– Vải hôm nay bán mấy?
– Kém ba xu dì ạ.
– Thế thì còn ăn thua gì!
– Thật thế đấy. Nhưng chẳng lẽ rằng lại chơi.
Chí Phèo đoán một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác đi bán vải ở Nam Ðịnh về. Hắn nôn nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.
Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lí nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao?”
(Chí Phèo – Nam Cao)
———-HẾT———-
Họ và tên học sinh:………………………………………….Số báo danh:………………
Chữ ký của giám thị:………………………………………………………………………

ĐÁP ÁN
PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận (0,5)
2. Ý kiến “Người khác có thể lựa chọn cho chúng ta phương hướng của cuộc sống nhưng không ai có thể chịu trách nhiệm đối với kết quả của cuộc đời chúng ta” được hiểu là
– (0,25) Người khác có thể lựa chọn cho chúng ta phương hướng của cuộc sống
+ Người khác: Người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,…
+ có thể lựa chọn cho chúng ta phương hướng của cuộc sống: Họ có thể góp ý, tư vấn, định hướng cho chúng ta những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của chúng ta
– (0,25) Không ai có thể chịu trách nhiệm đối với kết quả của cuộc đời chúng ta: chính chúng ta, chứ không phải ai khác, phải tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình.
– (0,25) Ý cả câu: khẳng định kết quả của cuộc đời mỗi con người là do chính bản thân người đó phải tự chịu trách nhiệm
HS trình bày quan điểm riêng của mình. Câu trả lời cần hợp lí, có sức thuyết phục.
– Nêu quan điểm bản thân: 0,25
– Giải thích quan điểm: 0,75
– Tham khảo các hướng trả lời sau:
+ Nếu đồng tình, vì: nhiều thanh niên sống ỷ nại, thụ động, quen hoặc thích được người khác sắp xếp hơn.
+ Nếu không đồng tình, vì: Có rất nhiều bạn trẻ sống chủ động nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm và đã đạt được những thành công từ rất sớm.
+ Nếu đồng tình một phần (vừa đồng tình vừa phản đối): Kết hợp cả hai cách lập luận trên.
4. HS trình bày quan điểm riêng của mình. Câu trả lời cần hợp lí, có sức thuyết phục. Câu trả lời của học sinh cần đạt các yêu cầu
– Nêu thông điệp được gợi ra từ đoạn trích, có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp đối với nhận thức, quan niệm, lối sống của thí sinh nói riêng và mỗi người nói chung: 0,25
– Lí giải lí do lựa chọn thông điệp một cách ngắn gọn, thuyết phục: 0,5
HS có thể rút ra một trong hai thông điệp sau từ đoạn trích:
+ Cảnh báo việc một số thanh niên hiện nay đang thụ động, mất phương hướng trong việc quyết định tương lai của chính mình cho nên buông trôi hoặc ỷ vào người khác…
+ Thành công hay thất bại trong cuộc sống về cơ bản cũng đều được quyết định bởi những lựa chọn và hành động của chính bản thân mỗi chúng ta.
PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
* Yêu cầu chung:
– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản.
– Đoạn văn đảm bảo về hình thức; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo hình thức đoạn văn (0,25 điểm)
– Điểm 0,25 điểm: Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
– Điểm 0: đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm):
– Điểm 0,25: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. (có câu chủ đề giới thiệu được vấn đề, hoặc cả đoạn văn toát lên vấn đề )
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điểm)
Đoạn văn triển khai vấn đề theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
– Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
Giải thích:
– Giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác: Để người khác điều khiển cuộc đời của mình.
– Đóng vai hành khách: rơi vào thế bị động.
– Câu nói khẳng định: Nếu để người khác điều khiển, sắp xếp, quyết định thay, chúng ta sẽ bị động trên con đường đi đến tương lai, xây dựng hạnh phúc cho chính bản thân mình.
2. Bàn luận, chứng minh:
Việc giao tay lái chiếc xe cuộc đời mình vào tay người khác để lại hậu quả nặng nề:
– Chúng ta sẽ ỷ nại, trông chờ, phó mặc cuộc đời mình vào sự sắp đặt của người khác; đánh mất đi sự chủ động trong việc lựa chọn và quyết định tương lai của chính mình.
– Chúng ta sẽ phải sống cuộc đời của người khác, đánh mất quyền được sống với đúng khả năng, khát vọng, đam mê của chính mình.
3. Bài học nhận thức và hành động
– Không để hoàn cảnh làm chủ bản thân hay người khác lựa chọn và định đoạt cuộc đời mình, chấp nhận sự sắp xếp một cách vô điều kiện. Cần học cách tự quyết định và chịu trách nhiệm về những lựa chọn của bản thân mình.
– Tuy nhiên cũng cần lắng nghe, tham khảo một cách có chọn lọc ý kiến từ người khác để có được những quyết định đúng đắn, sáng suốt trong cuộc sống.
– Điểm 0,75: Đáp ứng 2/3 các yêu cầu trên
– Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/4 các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,25 điểm)
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
– Điểm 0,25: Mắc không quá 3 số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2:
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
– Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Triển khai vấn đề nghị luận
Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3,0 điểm):
– Điểm 2,75-3,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
a. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
– Kim Lân, “Vợ nhặt” và đoạn trích
-Nam Cao, “Chí Phèo” và đoạn trích
b. Diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng
– Hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng
– Diễn biến tâm trạng
+ Tràng bước ra sân và nhận thấy xung quanh mình có cái gì đổi mới. Nhà cửa, sân vườn, lối đi được quét don sạch sẽ. Cảnh mẹ và vợ dọn dẹp nhà cửa đối với Tràng thật cảm động thấm thía biết bao.
+ Giờ đây, nhân vật Tràng mới hiểu được giá trị của một gia đình đầy đủ. Tràng bỗng thấy yêu, gắn bó với ngôi nhà. Tràng thấy có trách nhiệm với mẹ già, với người vợ và các con sau này.
c. Diễn biến tâm lý của Chí Phèo
– Hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng
– Diễn biến tâm trạng
+ Trước hết là sự thức tỉnh. Bắt đầu là tỉnh rượu. Hắn cảm nhận được không gian xung quanh với “cái lều ẩm thấp mới chỉ lờ mờ”. Đặc biệt hắn đã cảm nhận được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống quanh mình: “Tiếng cười nói của những người đi chợ; tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!”. Những âm thanh bình dị ấy ngày nào cũng có, nhưng xưa nay hắn không thấy được. Giờ đây những âm thanh ấy bỗng vọng sâu vào trái tim hắn như tiếng gọi tha thiết của sự sống.
+ Đoạn đối thoại của hai người đàn bà đã gợi nhắc cho hắn mơ ước về một gia đình hạnh phúc, bình dị ngày xưa.
+ Chí Phèo cũng đã cảm nhận được một cách thấm thía về tình trạng thê thảm của bản thân mình (già nua, cô độc, trắng tay): “Chí Phèo dường như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét, ốm đau và cô độc, điều này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”.
d. Nhận xét về tình cảm nhân đạo mà các nhà văn dành cho người nông dân nghèo khổ
– Giống nhau: Qua sự biến đổi tâm trạng của Chí Phèo và Tràng, Kim Lân và Nam Cao đều
+ Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn, tính cách nhân vật: nhân hậu, khát khao hạnh phúc, khao khát lương thiện
+ Thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc với nhân vật qua nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật chân thực, tinh tế.
– Khác nhau:
+ Chí Phèo là hành trình thức tỉnh trở lại làm người. Qua đó, nhà văn phản ánh hiện thực bế tắc của người nông dân lao động, cất tiếng nói tố cáo hiện thực xã hội…
+ Tràng lại như trở thành một con người khác trưởng thành hơn, có trách nhiệm vun vén cho hạnh phúc gia đình. Qua đó, nhà văn phản ánh xu hướng vận động tất yếu của số phận con người, thể hiện niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai tốt đẹp
e.Đánh giá chung
– “Chí Phèo” và “Vợ nhặt” là những tác phẩm xuất sắc về đề tài người nông dân trước năm 1945. Với một đề tài cũ, song hai tác phẩm đã thể hiện sự phát hiện, khám phá mới mẻ về cảnh ngộ người nông dân và tư tưởng nhân đạo sâu sắc.
– Sự khác biệt do hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh lịch sử: “Chí Phèo” viết trước cách mạng trong hoàn cảnh đen tối của xã hội Việt Nam đương thời. Còn “Vợ nhặt” là tác phẩm của nền văn học cách mạng từ sau 1945 có khả năng và cần thiết phải chỉ ra chiều hướng tích cực của đời sống xã hội.
– Điểm 2,0-2,5 : Đáp ứng 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 1,5-1,75: Đáp ứng được 1/2 các yêu cầu trên.
– Điểm 1,0-1,25: Đáp ứng được < 1/3 các yêu cầu trên
– Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
– Điểm 0,25: Mắc không quá 3 số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Hết
Xem thêm DẠNG ĐỀ LIÊN HỆ TÁC PHẨM 12-11
CHÍ PHÈO , VỢ NHẶT , DẠNG ĐỀ SO SÁNH VĂN HỌC

Bài viết gợi ý: