Đề bài :Xuân Diệu cho rằng: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình”. Anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến ấy qua đoạn thơ sau:

– “Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Hướng dẫn cách làm :

* Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ và ý kiến của Xuân Diệu về bài thơ Việt Bắc.
– Tố Hữu là lá cờ đầu của nền thi ca cách mạng Việt Nam. Thơ ông gắn liền với từng chặng đường lịch sử của đất nước. Việt Bắc là một trong những bài thơ hay của ông viết sau chiến thắng Điện Biên Phủ, là khúc ca hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, là khúc hát ân nghĩa thủy chung của tình quân dân thắm thiết.
– Mỗi thời kỳ lịch sử đi qua, Tố Hữu đều để lại dấu ấn riêng mang đậm hồn thơ trữ tình chính trị. Chính vì vậy khi nhận xét về bài thơ Việt Bắc, Xuân Diệu cho rằng: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình”. Điều đó được thể hiện qua đoạn thơ sau:

– Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

* Thân bài:

Ý 1 : Giải thích ý kiến, nhận định
– Thơ chính trị: Là thơ trực tiếp đề cập đến những vấn đề chính trị, những sự kiện chính trị nhằm mục đích tuyên tuyền, cổ động. Chính vì thế, thơ chính trị thường có nguy cơ rơi vào khô khan, áp đặt.
– Ý kiến của Xuân Diệu: Tố Hữu đã “trữ tình hóa” thơ chính trị, để thơ chính trị thực sự là thơ, có sức rung cảm sâu xa. Đây là ý kiến đánh giá rất cao về thơ Tố Hữu.

Ý 2 : Phân tích đoạn thơ để chứng minh nhận định

Trước khi phân tích đoạn thơ, học sinh cần nêu khái quát về tác phẩm : Hoàn cảnh sáng tác, nội dung, bố cục, thể thơ, nguồn cảm hứng,…(nếu những thông tin này đã viết ở phần mở bài rồi thì không nhắc lại trong phần thân bài nữa)
– Đoạn thơ mở ra với cảnh chia tay lưu luyến đầy xúc động của những người đã từng gắn bó suốt mười lăm năm ấy, có biết bao kỉ niệm ân tình. Bao trùm trong tâm trạng kẻ ở người đi là nỗi nhớ da diết mênh mang với nhiều sắc thái khác nhau. Bốn câu thơ đầu là lời của người Việt Bắc:
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn ?
+ Nhà thơ để cho người ở lại lên tiếng trước. Hai đại từ “mình” – “ta” được lặp lại nhiều lần. Đó là cách xưng hô thân mật lấy trong ca dao, dân ca, là lời xưng hô trong tình yêu lứa đôi, nghe thiết tha bâng khuâng được Tố Hữu sử dụng rất linh hoạt. “Mình” là người cán bộ về xuôi, “ta” là người Việt Bắc.
+ Cụm từ “mười lăm năm ấy” gợi nhắc câu Kiều của Nguyễn Du:
Mười lăm ấy biết bao nhiêu tình.
đó là sự kế thừa thơ ca truyền thống của dân tộc của Tố Hữu. Câu hỏi tu từ “có nhớ ta”, “có nhớ không” nghe da diết, nhắn nhủ, tâm tình.
– Ở bốn câu đầu này, người Việt Bắc hỏi người cán bộ có nhớ Việt Bắc không. Nghĩa là có nhớ quê hương cách mạng, cội nguồn cách mạng không? Hỏi mà là nhắc nhở, nhắn gửi người về đừng quên Việt Bắc, đừng quên chính mình. Lời hỏi cũng là lời nhắc nhở, nhắn gửi người về đừng quên Việt Bắc.
– Bốn câu thơ tiếp là lời người cán bộ về xuôi. Đáp lại lời của người Việt Bắc,người cán bộ cất tiếng thiết tha:
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
+ “Ai” là đại từ phiếm chỉ, chỉ người Việt Bắc.
+ Các từ láy: “tha thiết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn” đặc tả chính xác tâm trạng vấn vương, lưu luyến, bịn rịn.
+ “Áo chàm”: Nghệ thuật hoán dụ để chỉ đồng bào Việt Bắc, vì người Việ Bắc thường mặc áo chàm. Màu chàm là màu đơn sơ, chân thực, không lòe loẹt mà giản dị, chân thành, chung thủy. Câu thơ “Áo chàm…phân li” ngắt nhịp 3/3 tạo khoảng lặng lắng đọng cảm xúc. Đó có thể là khoảnh khắc người dân Việt Bắc không thốt nên lời hay đang buông tiếng nấc nghẹn ngào tha thiết.
+ Câu hỏi tu từ và dấu “chấm lửng” ở cuối câu: “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” thể hiện tình cảm tha thiết. Ngôn ngữ bàn tay nóng ấm gắn với trái tim đầy xúc động. Biết nói gì, không phải là không biết nói gì, không có gì để nói mà là biết nói sao cho thỏa nỗi nhớ thương.
– “Việt Bắc” chỉ với tám dòng thơ mở đầu, người đọc cảm nhận một cách khá đầy đủ âm hưởng chung của cả bài thơ, âm hưởng khúc hát đối đáp, khúc hát ru nhẹ nhàng sâu lắng. Cùng với ngôn ngữ đậm màu sắc trữ tình của ca dao chúng ta có thể cảm nhận một cách sâu sắc đặc trưng trữ tình chính trị của thơ Tố Hữu.
– Ý kiến của Xuân Diệu rất xác đáng và tinh tế, đánh giá, ghi nhận đúng vị trí đặc biệt và thành tựu lớn lao của đời thơ Tố Hữu.
– Thơ Tố Hữu đúng là thơ chính trị, bởi đề tài trong thơ Tố Hữu là những vấn đề chính trị, hồn thơ Tố Hữu luôn hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn và niềm vui lớn của Đảng, dân tộc, cách mạng.
– Nhưng thơ Tố Hữu cũng rất đỗi trữ tình. Tố Hữu đã đưa thơ trữ tình chính trị lên đến đỉnh cao. Có được điều ấy là nhờ những vấn đề chính trị trong thơ Tố Hữu đã được thực sự chuyển hóa thành những vấn đề của tình cảm, cảm xúc rất mực tự nhiên, chân thành, đằm thắm với một giọng thơ ngọt ngào, tâm tình, giọng của tình thương mến.
* Kết bài:
– Đoạn thơ trên sử dụng thể thơ lục bát đậm đà bản sắc dân tộc. Lối hát đối đáp tạo ra giai điệu trữ tình phong phú cho bài thơ. Nhiều biện pháp tu từ được tác giả vận dụng khéo léo (Hoán dụ, câu hỏi tu từ, điệp từ,…). Ngôn ngữ trong sáng, nhuần nhị, và có nhiều nét cách tân.
– Tám câu thơ đầu khái quát cảm xúc bao trùm bài thơ: Tình cảm gắn bó, ân tình, thủy chung sâu nặng giữa người dân Việt Bắc và chiến sĩ cách mạng được diễn tả chân thật, tha thiết, trìu mến. Chính tình quân dân cao quý này đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Tài liệu sưu tầm

Xem thêm tuyển tập đề nghị luận ý kiến bàn về văn học :

Full tài liệu về bài thơ Việt Bắc :

Bài viết gợi ý: