Cho đoạn văn:
Sáng hôm sau, nghe chị Chiến nói, chú Năm cứ ngồi y trên ván nhìn hai cháu thiệt lâu. Một lát, chú nói:
Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non. Con nít chúng bây kì đánh giặc này khôn hơn chú hồi trước. – Chú cười, đưa mấy ngón tay cứng còng chùi mắt. – Đây rồi tao giao cuốn sổ gia đình cho chị em bay. Gọi là giao vậy chớ đưa cho bây rồi bây lội đùng đùng qua sông là hư hết. Gọi vậy chớ tao vẫn giữ, tao sẽ ghi cho hai đứa bây từng ngày.
1. Đoạn văn trên trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai? Bối cảnh ra đời của tác phẩm đó? Đoạn văn thuộc loại văn bản gì?
2. Trong đoạn văn có lời của những nhân vật nào? Tác giả đã sử dụng một số từ ngữ địa phương, đó là những từ ngữ nào, thuộc địa phương nào trên đất nước ta? Hãy nêu tác dụng của việc sử dụng các từ ngữ địa phương đó.
3. Chi tiết cuốn sổ gia đình được nói đến trong đoạn văn có ý nghĩa gì?
Trả lời
1. Đoạn văn trên trích từ tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi. Tác phẩm này được nhà văn sáng tác năm 1967, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Đây là một truyện ngắn, cho nên, văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
2. – Đoạn văn có lời của nhân vật kể chuyện vô nhân xưng và lời của nhân vật chú Năm.
– Trong đoạn văn trên, có một số từ ngữ địa phương như: thiệt, đặng, con nít, bây, chớ, lội đùng đùng. Đây là những từ ngữ địa phương của vùng Nam Bộ.
– Những từ ngữ địa phương trên đây không chỉ góp phần cá biệt hoá lời nhân vật mà còn giúp người đọc biết được nhân vật chú Năm là con người của vùng đất nào trên đất nước ta.
3. Đoạn văn có nhắc đến chi tiết cuốn sổ gia đình. Đó là một cuốn sổ nhỏ, chú Năm dùng để ghi từ việc thỏn mỏn đến chuyện trọng đại của gia đình. Chiến công đầu đời của chị em Chiến – Việt (tham gia đánh chìm tàu chiến giặc trên sông Định Thuỷ) cũng đã được chú Năm ghi vào cuốn sổ này. Như vậy, cuốn số là biểu tượng của truyền thống gia đình – một gia đình giàu tinh thần cách mạng, từng chịu nhiều mất mát đau thương nhưng cũng vô cùng oanh liệt.