ÔN LUYỆN CÁC  ĐỀ XOAY QUANH TÁC PHẨM “Vợ chồng A Phủ”- Tô Hoài

 

I. 5 DẠNG ĐỀ :

Đề 1. Sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

Đề 2. Sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm đông giải cứu A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

Đề 3. Cảm nhận về nhân vật A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

Đề 4. Giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

Đề 5. Những đặc sắc về nghệ thuật trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

 

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI :

 

Đề 1. Sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

 

Các yếu tố cần lưu ý với đề 1 :

- Yếu tố ngoại cảnh tác động đến tâm lý nhân vật Mị, gồm 2 yếu tố:

+ Dấu hiệu mùa xuân về trên Hồng Ngài: tiếng cười của trẻ con chơi quay cười ầm trước sân nhà, màu vàng ửng của cỏ gianh, cái rét dữ dội của gió và màu đỏ của những chiếc váy hoa phơi trên những mỏm đá xòe ra như những con bướm sặc sỡ.

+ Tiếng sáo gọi bạn tình: thổi từ xa đến gần tác động đến tâm trạng Mị.

- Diễn biến tâm lý của nhân vật Mị:

+ Tiếng sáo đã tác động đến tâm lý của Mị: “bồi hồi, nhẫm theo lời bài hát”, “lấy rượu uống ừng ực từng bát” cách uống rất lạ.

+ Trong Mị sống lại những ký ức đẹp về những ngày tháng tự do. Mị nghĩ đến cái chết.

+ Mị cảm thấy sung sướng và ý thức được “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”, “Mị muốn đi chơi. Mị sắp đi chơi”.

+ Từ diễn biến tâm lý đến hành động: “lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ them vào đĩa đèn cho sáng,… quấn lại tóc, với tay lấy váy hoa vắt ở trong vách…” chuẩn bị đi chơi.

+ Bị A Sử đánh, trói đứng Mị nhưng Mị vẫn còn sống trong hơi men mùa xuân “tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi”.

=> Đánh giá chung về tài năng miêu tả tâm lý tự nhiên của nhà văn Tô Hoài: Nhà văn đã khám phá và phát hiện đằng sau một tâm hồn câm lặng vẫn còn một tâm hồn khát khao sống, khát khao yêu mãnh liệt.

 

Đề 2. Sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm đông giải cứu A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

 

Các yếu tố cần lưu ý với đề 2 :

- Yếu tố tác động đến tâm lý Mị: Giọt nước mắt chảy xuống hai hỏm má đen xám lại của A Phủ.

- Diễn biến tâm lý của nhân vật Mị:

+ Ban đầu, Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Tâm hồn Mị đã trở lại với sự câm lặng, vô cảm.

+ Nhưng sau khi thấy giọt nước mắt A Phủ, Mị từ thương mình đến thương người. Mị nghĩ đến những lần Mị bị trói đứng, nước mắt chảy xuống mà không thể lau đi được.

+ Đồng thời Mị phẫn tội ác nhà Thống lý gây ra: “nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác”. Cô nghĩ đến mình: “là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”.

+ Mị nghĩ đến cứu A Phủ, nhưng cứu A Phủ thì Mị phải chết thay. Nhưng rồi Mị vượt được qua nỗi sợ dẫn đến hành động cắt dây trói cho A Phủ và giải thoát cho mình.

=> Đánh giá chung: Hành động ấy diễn ra một cách tức thời, là hành động bất ngờ nhưng tất yếu. Mị cắt dây trói cứu A Phủ đồng thời cũng tự giải thoát cho chính mình. Hành động ấy hoàn toàn phù hợp với tính cách của Mị – một người con gái giàu sức sống.

 

Đề 3. Cảm nhận về nhân vật A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

 

Các yếu tố cần lưu ý với đề 3

- Hoàn cảnh – xuất thân: Nghèo khó, mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng được trời ban cho sức khoẻ mạnh, siêng năng, bản lĩnh, là “con trâu tốt” của bản mường nhưng vì nghèo không lấy được vợ. Vì đánh A Sử mà chịu kiếp nô lệ.

1. A Phủ - sức phản kháng mạnh mẽ:

+ Do không chịu được hành động ngang ngược của A Sử mà đã đánh và ném con quay vào mặt A Sử.

+ A Phủ bị cha con nhà Thống lý bắt trói, đánh đập mà không hề kêu van nửa lời.

+ Khi hổ vồ mất bò, A Phủ nhất quyết cãi lại lời Thống Lý, quyết tâm đi bắt hổ. Nhưng cuối cùng anh đành phải tự tay đóng cọc để người ta trói mình.

+ Đặc biệt khi được Mị cởi trói, mặc dù rất đau đớn đến “khụy xuống, không bước nổi”, trong người không còn sức lực do phải chịu cực hình, trói đứng và nhịn đói, nhưng anh đã “quật sức vùng lên chạy”.

=>Đánh giá chung: A Phủ là nhân vật hành động – táo bạo, quyết liệt. Đồng thời, tiêu biểu cho những người lao động nghèo miền núi bị áp bức nhưng luôn nuôi niềm khao khát sống, đấu tranh mãnh liệt – phẩm chất của con người cách mạng.

 

Đề 4. Giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

Các yếu tố cần lưu ý với đề 4

- Giá trị hiện thực:

+ Phản ánh đời sống xã hội lịch sử trung thực: thực dân phong kiến đối với những người dân vùng núi Tây Bắc. Đại diện tiêu biểu cho chế độ phong kiến là Thống lí, người đứng đầu bộ máy chính quyền ở các bản làng vùng dân tộc. Giàu có, lại dựa vào thế lực của Tây, cha con thống lí Pá Tra tha hồ tác oai, tác quái ức hiếp dân lành. Đó là hiện trạng phổ biến xảy ra ở nước ta trước Cách mạng. Bằng chính sách cho vay nặng lãi, chúng bóc lột người dân đến tận xương tủy. Mị và A Phủ là nhân vật đại diện cho tầng lớp nông dân nghèo, là nạn nhân trực tiếp của chính sách cho vay nặng lãi. Họ đều bị bóc lột tàn nhẫn cả về tinh thần lẫn sức lao động.

+ Phản ánh quyền bình đẳng nam nữ chỉ là một khao khát không bao giờ trở thành hiện thực. Mị bị đánh đập, bị trói đứng,…

+ Phản ánh đời sống văn hóa của đồng bào Tây Bắc và những hủ tục lạc hậu như cúng trình ma, bắt dâu, hút thuốc phiện.

+ Phản ánh quá trình vùng lên đấu tranh và giác ngộ cách mạng của đồng bào Tây Bắc: qua chi tiết cởi trói cho A Phủ và hai người chạy lên Phiềng Sa gặp cán bộ cách mạng – A Châu.

+ Phản ánh chân thực đời sống nội tâm của nhân vật Mị: qua diễn biến tâm lý nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông giải cứu A Phủ.

+ Hình ảnh nhân vật Mị và A Phủ là tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến miền núi.

- Giá trị nhân đạo:

+ Vợ chồng A Phủ là tiếng nói cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với số phận bất hạnh của những người dân lao động miền núi.

+ Đồng thời, phát hiện, trân trọng và ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của họ: có sức sống tiềm tàng mãnh liệt, khát vọng sống và sức phản kháng mạnh mẽ.

+ Vợ chồng A Phủ là tiếng nói tố cáo giai cấp thống trị miền núi trước cách mạng đã tước đi ý thức, quyền sống của con người.

+ Đồng tình với con đường giải phóng bản thân và giác ngộ cách mạng của họ.

=>Đánh giá chung: Song hành cùng giá trị nhân đạo là giá trị hiện thực đã góp phần thể hiện chủ đề thiên truyện.

 

Đề 5. Những đặc sắc về nghệ thuật trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

 

* Các yếu tố cần lưu ý với đề 5 :

- Tài miêu tả tự nhiên và phong tục: Tô Hoài tạo dựng được một không gian nghệ thuật mang đậm màu sắc dân tộc độc đáo ở vùng cao Tây Bắc:

+ Đó là bức tranh thiên hùng vĩ và thơ mộng của mùa xuân Tây Bắc: mùi vị của hương rừng gió núi, cái tê lạnh của không khí vùng cao, cái hôi hổi nồng nàn của lòng người, cái rực rỡ sáng tươi của màu sắc. Những trái bí đỏ, những cái váy hoa phơi trên mỏm đá xoè như những con bướm sặc sỡ, cỏ gianh vàng ủng, gió rét dữ dội, những bếp lửa rực cháy hơi men. Đặc biệt thanh âm réo rắt của tiếng sáo trên núi rừng, khơi gợi những khát khao.

+ Đó là những bức tranh sinh hoạt và phong tục độc đáo mang màu sắc xứ lạ phương xa: cảnh vui chơi trong ngày tết, cảnh thổi sáo gọi bạn tình, cảnh xử kiện, tục cướp vợ được miêu tả chân thực, sinh động, giàu chất thơ.

- Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật:

+ Diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị chủ yếu được khắc họa qua độc thoại nội tâm. Diễn biến tâm lý tự nhiên, hợp lý.

+ Giọng điệu của tác giả có đôi lúc nhập hòa vào dòng tâm tư của nhân vật Mị, diễn tả được những ý nghĩ, tâm trạng và cả những trạng thái mơ hồ, vô thức của Mị tạo thành kiểu lời văn nửa trực tiếp:

“Rượu tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mỵ không biết. Mỵ vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mỵ mới đứng dậy. Nhưng Mỵ không bước ra đường. Mỵ từ từ vào buồng.

Chẳng năm nào A Sử cho Mỵ đi chơi hết.

Bấy giờ Mỵ ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Từ nay Mỵ thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mỵ trẻ, Mỵ vẫn còn trẻ. Mỵ muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mỵ không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau. Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mỵ sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chì thấy nước mặt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường.

" Anh ném pao

Em không bắt

Em không yêu

Quả pao rơi rồi..."

- Ngôn ngữ trong sáng, biểu cảm, giàu chất tạo hình: Xen vào giữa những đoạn văn xuôi là những câu hát trữ tình, đằm thắm, cháy bỏng khát vọng hạnh phúc và tự do.

=> Đánh giá chung: Với những thành công về nghệ thuật trên truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” xứng đáng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam, được tặng giải Nhất – giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 -1955.

Bài viết gợi ý: