BÀI LÀM
Unixt Heminguây (1899 - 1961) là một cây bút văn xuôi nổi tiếng của Mĩ. Ngoài số hơn năm mươi truyện ngắn, đầy sức hấp dẫn, trong đó có các truyện xuất sắc như Tuyết trên đỉnh Kilimangiarô, Hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macombo, Năm mươi ngàn đô la... Heminguây còn sáng tạo nên những thiên tiểu thuyết nổi tiếng thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học và công chúng độc giả: Mặt trời vẫn mọc (1926), Giã từ vũ khí (1929), Chuông nguyện hồn ai (1940), Ông già và biển cả (1952).
Ông già và biển cả góp phần đem lại niềm vinh quang cho Heminguây. Năm 1953, Heminguây được trao giải Pulilze, và năm 1954, nhà văn được nhận giải thưởng Nô-ben. Tác phẩm này là sự tiếp nối, phát triển một bước cao hơn, là sự thể hiện tập trung nhất, sinh động nhất nguyên lí “tảng băng trôi”, nghệ thuật độc thoại nội tâm và những tìm tòi, đổi mới khác về kĩ thuật tiếu thuyết của Heminguây, Đương đầu với đàn cá dữ phản ánh chặng cuối cùng trong việc săn bắt cá của ông lão khi sắp tới bờ. Đây là đoạn trích tiêu biểu thể hiện rõ nét nội dung sâu sắc và nghệ thuật độc đáo của tác phẩm Ông già và biển cả.
Mở đầu đoạn trích Đương đầu với đàn cá dữ, Heminguây tạo nên bức tranh cụ thể: Khung cảnh trời tối, “hơi lạnh ban đêm” lan tỏa khắp biển cả bao la, khiến ông lão “tê cứng cả người, mình mấy chỗ nào cũng đau nhức”, toàn thân “mệt rã rời”. Sau ba ngày hai đêm ròng rã trên biển, vật lộn với sóng gió, săn bắt cá, chống cự với đàn cá mập, ông lão Xanchiago đã kiệt sức lực, sống trong tâm trạng lo âu và có phần rệu rã tinh thần.
Nhà văn sử dụng nghệ thuật lập một cách có dụng ý trong việc thể hiện trạng thái tâm lí của ông lão: “Mình chỉ mong sao không còn phải đánh nhau với chúng nữa. Mình hết lòng mong mỏi là không phải đánh nhau với chúng nữa”. Sự lấy lại một câu nói, một ý nghĩa bộc lộ rõ sự mong mỏi lẫn nỗi ám ảnh, lo lắng của nhân vật. Nhưng cái điều luôn ám ảnh lão, điều lão không chờ đợi lại xảy ra: “oào quãng nửa đêm”, ông lão một lần nữa phải “kháng cự một cách tuyệt vọng” với đàn cá dữ. Có thể “chiếc thuyền con chòng chành trên những cái lưng cá mập”. Bằng chi tiết miêu tả gián tiếp, qua cảm giác của nhân vật, người đọc nhận thấy kẻ thù của ông lão là cả một đàn cá đông đúc và dữ tợn. Trong đêm tối, ông lão chỉ nhìn thấy “những vệt nước do những chiếc vi cá mập xẻ dọc ngay trên mặt biển và những đường lân tinh lấp lánh kéo theo đằng sau đuôi”. Những hàm răng cá mập liên tiếp táp ngoạm con cá kiếm. Kẻ thù của ông lão tụm nhau cả lại ở phía sau, khi thì con nọ tiếp con kia, khi thì cả bầy một lượt” đâm bổ vào con mồi.
Trong khi đó, ông lão chỉ có một mình tay không vũ khí, kiệt sức và buộc vào trận với nỗi ám ảnh, “lão biết rõ sự chiến đấu của lão là vô ích”. Đã vậy, bóng đêm dường như cũng vào hùa với đàn cá dữ, che chở chúng. Trong tình thế bất lợi, ông lão vẫn kiên trì chống trả, nhưng đó là một sự cố gắng tuyệt vọng: “Lão lụt nháo nhào”, lão “thảo ngay chiếc tay lái và nắm chắc cả hai tay mà vụt túi bụi ra bốn phía”, lão lại “hoa cái tay lái lên quật đúng vào hàm răng con cá mập”, “lão quật liên hồi hai bận ba bận, mười bận”. Qua ngôn ngữ người kể chuyện ta biết một chuỗi hành động liên tiếp của nhân vật hướng vào lũ cá mập. Song, đây không phải là những đòn tiến công chủ động, có tính toán mà là sự chống trả, sự đối phó bị động của ông lão. Sự “ra đòn” của ông lão không mảy may khiến đàn cá mập khiếp sợ. “Chủng đâm bổ vào xác con cá. Mỗi lần ngoạm xong một miếng, chúng lại lùi ra rồi quay trở lại, những miếng thịt chúng vừa rứt được lấp lánh dưới nước”.
Bằng nghệ thuật tương phản, Heminguây đã dựng nên bức tranh sinh động về cuộc chiến đấu không cân sức giữa ông lão và đàn cá dữ. Cuộc tấn công dữ dội của đàn cá mập để giành lấy con cá kiếm là sự chống trả liên tiếp, gắng gượng của ông lão được khắc họa một cách sắc nét qua ngôn ngữ người kể chuyện vừa giản dị, ngắn gọn, vừa khách quan. Sự kết hợp giữa kể và tả có vai trò tạo nên sức gợi hình, gợi cảm. Để nhấn mạnh, tô đậm tình thế bất lợi và sự chống cự “tuyệt vọng”, “vô ích” của ông lão, nhà văn hướng vào thể hiện cảm nhận của nhân vật về sự việc xảy ra qua các cụm từ “chợt thấy”, “hiểu rằng”, “có cảm giác”, “cảm thấy”. Với cảm giác nhạy bén, ông lão nhận ra đàn cá rất đông khi chỉ nhìn những vệt nước và đường lân tinh được tạo nên bởi vị và đuôi cá. Ông lão “nghe có” cả tiếng những hàm răng cá mập táp con cá kiếm. Tay lão “chợt thấy” có một vật gì ngoạm lấy cái chày và giật phắt đi. Sau đó, lão “cảm thấy” một mùi vị kì dị trong mồm.
Hoàn toàn đơn độc ngoài biển khơi, trong trạng thái sức khỏe suy sụp, lại phải đương đầu với đàn cá dữ trong đêm tối, dường như toàn thân ông lão căng ra, tất cả các giác quan tập trung cao độ, để theo dõi, chống đỡ với kẻ thù. Những biểu hiện kế tiếp nhau của cảm giác, thị giác, thính giác, xúc giác và vị giác của ông lão góp phần tạo nên sự gia tăng tính chất bi đát của nhân vật trong trận chiến đấu bất đắc dĩ này.
Ngoài ngôn ngữ người kể chuyện, những lời độc thoại nội tâm của Xanchiago có ý nghĩa quyết định trong việc khắc họa hình tượng nhân vật và tạo nên “mạch ngầm văn bản”. Lời độc thoại nội tâm đầu tiên biểu lộ tâm trạng lo âu, sự mệt mỏi của ông lão trước khi diễn ra cuộc đọ sức với đàn cá mập. Những độc thoại nội tâm còn lại tập trung ở phần sau của đoạn trích và lần lượt xuất hiện khi Xanchiago đã thất bại trước những đợt tấn công con cá kiếm của lũ cá mập hung dữ. Không bảo vệ được con cá kiếm và lại bị thương, ông lão nhổ nước bọt xuống biển và nói: “Cho chúng mày nuốt đi lũ cá mập kia. Nuốt đi để tưởng tượng là vừa giết được một con người”. Lời độc thoại này vừa giàu sắc thái biểu cảm vừa mang ý nghĩa hài hước. Ngôn ngữ độc thoại ở đây vừa thể hiện sự thách thức, vừa biểu hiện sự khinh bỉ của ông lão đối với kẻ thù. Sắc thái hài hước của lời “đối thoại” cho thấy, khi đã “nếm mùi thất bại”, ông lão trở nên bình tĩnh hơn, coi đó là chuyện bình thường. Suy nghĩ như vậy, lão phần nào cảm thấy thanh thản và gắng đưa con thuyền về bến một cách an toàn.
Lời độc thoại nội tâm tiếp sau đó lại mang sắc thái khác, Ông lão tự nhủ: “Ngẫm cho cùng thì giờ cũng là bạn tốt của ta. Hoặc nói cho đúng hơn, đôi khi cũng là bạn tốt. Lão lại nghĩ: Và cả chiếc giường ta nằm nữa. Chiếc giường là bạn của ta đấy! Chỉ cái giường thôi! Ôi được nằm trong giường dễ chịu biết bao!”. Suy nghĩ của ông lão rất giản dị, đời thường, đậm chất trữ tình khi nói về những cái gần gũi, thân thiết. Sắc thái hài hước đượm vẻ chua chát ẩn chứa trong sự tương phản giữa suy nghĩ mộng mơ và thực tế bị đát trước mắt. “Thua trận liếng xiểng” trong cuộc chống cự với lũ cá mập, hiện tại đàn cá dữ chưa chịu buông tha, vẫn xông tới “gậm vào bộ xương” cá kiếm, lão lại nghĩ tới sự nghỉ ngơi trên chiếc giường thân thuộc. Trong lúc một mình đơn độc ngoài biển khơi, bị đàn cá mập tấn công tứ phía, bị màn đêm bao phủ, ông lão lại muốn biến tất cả từ gió, biển cả... thành bạn bè. Lời độc thoại thể hiện đầy đủ hơn, sinh động hơn tính cách nhân vật. Ông lão từng trải qua nỗi cô đơn và tự vượt lên trên sự cô đơn.
Trong các lời độc thoại nội tâm của ông lão Xanchiago, lời độc thoại cuối cùng mang hình thức của đối thoại. Ông lão nghĩ suy, tìm ra nguyên nhân sự thất bại của mình và ông nói to lên: “Không, không có cái gì cả. Ta đã đi quá xa!”. Rõ ràng ở đây không chỉ là câu chữ đơn thuần trên văn bản: Ông lão đã đi quá xa bờ mà lời thoại còn mang ý nghĩa sâu xa: ông lão thất bại vì đuổi theo một kì vọng quá lớn, vượt ra khỏi giới hạn của con người. Ông già và biển cả không đơn thuần là chuyện săn bắt cá, chuyện ông già với biển cả. Ngay hành động bắt cá cũng không được miêu tả một cách cụ thể với những chi tiết sinh động, sắc nét. Trong tương đầu với đàn cá dữ, ngoài những chi tiết tả thực cuộc chống cự tuyệt vọng của ông già Xanchiago, những lời độc thoại nội tâm và độc thoại mang dáng dấp đối thoại của nhân vật tạo nên tầng nghĩa ẩn dụ triết lí. Cuộc săn bắt cá của ông lão là một ẩn dụ về hành trình đầy gian khổ của con người để thực hiện khát vọng lớn lao. Nhân vật Xanchiago là một kiểu anh hùng trong sáng tác của Hệminguây. Hình tượng nhân vật này vượt ra ngoài khuôn khổ của nó và trở thành một biểu tượng về con người. Ông già và biển cả là thiên anh hùng ca về con người.