A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử cuộc đời
- Ở-nít Hê-minh-uê (1899- 1961) sinh tại bang I-li-noi trong một gia đình trí thức. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông đi làm phóng viên.
- Năm 19 tuổi, ông tham gia đội lái xe cứu thương của Hội chữ thập đỏ trong Thế chiến thứ nhất ở I-ta-li-a, sau đó bị thương rồi trở về Hoa Kì.
- Thất vọng về xã hội, ông tự xem mình thuộc thế hệ mất đi và đi tìm cuộc sống bình yên trong men rượu và tình yêu. Ông sang Pháp, vừa làm báo vừa bắt đầu sự nghiệp sáng tác. Năm 1926, ông cho ra đời tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc và khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn.
- Hê-minh-uê là nhà văn Mĩ để lại dấu ấn sâu sắc trong văn xuôi hiện đại phương Tây và góp phần đổi mới lối viết truyện, tiểu thuyết của nhiều thế hệ nhà văn trên thế giới.
- Năm 1953, ông nhận được Giải Pu-lít-dơ (giải thưởng văn chương cao quý nhất của Hoa Kì), nhận Giải thưởng Nô-ben về văn học năm 1954.
2. Sự nghiệp văn học
- Hê-minh-uê để lại gia sản văn học đồ sộ với nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, một số bài thơ và rất nhiều hồi kí, ghi chép.
- Tác phẩm tiêu biểu: Giã từ vũ khí (1929), Chuông nguyện hồn ai (1940), Ông già và biển cả (1952),...
3. Phong cách nghệ thuật
- Truyện ngắn của Hê-minh-uê được đánh giá là những tác phẩm mang phong vị độc đáo hiếm thấy. Mục đích của nhà văn là viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người.
- Sáng tác của ông thể hiện lối viết tiết kiệm lời, kiệm cảm xúc và theo nguyên lí tảng băng trôi (tác phẩm phải có một phần nổi bảy phần chìm như tảng băng trôi, người đọc tự khám phá phần chìm để thấy được ý nghĩa và giá trị của tác phẩm) mà ông đã đề ra.
II. TÁC PHẨM ÔNG GIÀ VÀ BIẾN CẢ
1. Hoàn cảnh ra đời
- Sau gần mười năm sống ở Cu-ba, năm 1952, Hê-minh-uê viết Ông già và biển cả và được xuất bản lần đầu trên tạp chí Đời sống. Bối cảnh của tác phẩm là ngôi làng chài bến cảng La-ha-ba-na, nhân vật Xan-ti-a-gô được xây dựng dựa trên nguyên mẫu Phu-en-téc, một thuỷ thủ trên con tàu của ông.
- Tác phẩm gây tiếng vang lớn và hai năm sau Hê-ming-uê được trao giải Nô-ben
2. Tóm tắt
Suốt tám mươi ngày liền, ông lão Xan-ti-a-gô không bắt được một con cá nào. Mọi người xem như lão “đi đứt” vì gặp vận rủi. Trong bốn mươi ngày đầu, cậu bé Ma-nô-lin cùng ra khơi với lão, sau đó cha mẹ bắt cậu đi câu cùng thuyền khác. Từ đó lão chỉ đi biển một mình, chiều chiều lão trở về với chiếc thuyền không.
Vào ngày thứ tám mươi lăm, Xan-ti-a-gô chèo thuyền ra khơi trước khi trời sáng và lão đi thật xa. Khoảng trưa, một con cá kiếm cắn câu. Ông lão Xan-ti-a-gô chiến đấu vất vả suốt ba ngày đêm với con cá. Lão gần như kiệt sức. Nhưng rồi lão cũng kìm được nó bên thuyền và phóng lao vào tim nó. Lão cắt dây buộc con cá vào mạn thuyền bởi không thể đưa nó lên thuyền. Con cá dài hơn thuyền của lão chừng bốn tấc và chẳng có một con cá nào như nó được đưa vào cảng Ha-va-na trước đó.
Lão bắt đầu giường buồm quay về đất liền. Nhưng chỉ khoảng một giờ sau, lão thấy con cá mập đầu tiên. Rồi hai con nữa. Rồi cả đàn cá mập kéo đến. Lão lại một lần nữa nghênh chiến với đàn cá dữ, nhưng rốt cuộc lão đã nghe tiếng đàn cá mập rỉa bộ xương con cá kiếm. Lão biết chúng chẳng bao giờ để lại cho lão chút gì ngoại trừ bộ xương đồ sộ của con cá khổng lồ.
Về đến lều, lão vật người xuống giường rồi chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, dân chài tụ tập quanh thuyền ông lão, họ đo và biết con cá kiếm ấy dài gần sáu mét. Khi tỉnh dậy, lão cùng bé Ma-nô-lin bàn chuyện rèn mũi lao. Nhưng suốt ngày hôm ấy, biển động, thuyền không thể ra khơi. Có mấy du khách ở khách sạn Te-ra-xơ trông thấy bộ xương cá nhưng họ không biết là xương của loài cá nào. Trong khi đó lão vẫn ngủ, Ma-nô-lin ngồi bên giường và lão đang mơ về những con sư tử.
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
- Nhà văn tập trung miêu tả con cá kiếm như một nhân vật đặc biệt bởi những nét rất khác thường.
+ Con cá kiếm không xuất hiện ngay mà chỉ tạo ấn tượng bằng những vòng lượn tròn rất lớn. Điều này khiến cho nhân vật ông lão và độc giả có những hình dung và cảm nhận khác nhau về con cá. Khi con cá chính thức xuất hiện một cái bóng đen vượt dài qua dưới con thuyền”, thì một người lâu năm trong nghề câu cá như ông lão cũng phải kinh ngạc “đến mức lão không thể tin nổi độ dài của nó. Cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẫm. thân hình đồ sộ”. Độc giả cũng phải thán phục vì sức mạnh ghê gớm, sự oai phong, nét kì vĩ và cả sự duyên dáng của con cá. Tất cả những điều này dự báo một trận chiến ác liệt giữa ông lão và con cá.
+ Con cá không những là một chiến binh hùng dũng mà nó còn là một đối thủ khôn ngoan. “Người anh em ấy” rất tinh ranh, không cắn câu ngay mà còn thử lượn vòng. Khi đã ăn mồi, sa trận rồi, con cá cũng không dễ dàng chịu khuất phục, trái lại còn phản ứng rất dữ dội, cứ bơi đi, nhào người qua lại như đoán được ông lão đang chuẩn bị phóng lao để tiêu diệt nó.
+ Cái chết đã kề bên, con cá dường như cũng không chấp nhận mà cứ “phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực”. Đó chính là vẻ đẹp của sức mạnh và sự kiêu hùng. Điều này thể hiện một tình cảm trân trọng đặc biệt của tác giả và góp phần nâng cao tầm vóc dáng vẻ của nhân vật ông lão Xan-ti-a-gô. Rồi kết thúc trận đấu, “con cá trắng bạc, thẳng đơ và bồng bềnh theo sóng”. Một vẻ đẹp thật lãng mạn!
- Hình ảnh ông lão hiện lên với những nét đối lập, thể hiện sự phức tạp trong diễn biến tâm lí.
+ Câu được cá là niềm vui sướng, là mục đích, là cuộc sống của lão Xan-ti-a-gô. Vậy mà, ông lão lại xem con cá như một người anh em. Lại có khi xem con cá như người bạn, gọi nó là cu cậu thật thân thiết, lão lại phải giết nó bằng được mới thôi. Trong trận chiến dù gay go ác liệt, dù chiến đấu với đối thủ là con cá, ông lão vẫn thể hiện những phẩm chất cao đẹp của một con người. Con cá cũng “rất người”, nó không hạ ông lão bằng hành động lăn thật sâu cho đứt dây câu, hay lồng lên cho đắm thuyền mà nó kéo ông lão ra xa để nghênh chiến một cách “đường đường chính chính”. Chính điều đó khiến cho ông lão phải thốt lên những lời thán phục, thể hiện một sự ngưỡng mộ và ước vọng của lão trước cái đẹp, cái cao cả: “Tao chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ!”.
+ Nhưng, điều đó cũng không giấu được bi kịch của ông lão. Lão chỉ tìm thấy hạnh phúc và sự tri âm ở loài cá ngoài đại dương mênh mông, vì chốn đất liền lão không có gì ngoài sự cô độc. Còn con cá, với lão nó là cái cao đẹp là cái cao thượng mà lão hằng mong ước, thế vậy mà giờ đây lão cũng đành phải giết nó. Dường như để tồn tại và khẳng định sự tồn tại, đôi khi chúng ta phải giết đi ngay cái mà mình vốn quý trọng. Bị kịch muôn đời của con người cũng chính là đây! Ông già và biển cả thể hiện niềm tin, ý chí đồng thời là khát vọng bảo vệ và giữ gìn thành quả lao động của nhân vật ông lão Xan-ti-a-gô. Câu nói của ông lão như một lời tuyên ngôn rất đáng suy nghĩ: “Con người có thể bị huỷ diệt nhưng không thể bị đánh bại”.
b. Nghệ thuật
- Truyện có lối kể chuyện độc đáo, có sự kết hợp linh hoạt giữa lời văn kể và lời văn miêu tả cảnh vật, miêu tả đối thoại và độc thoại nội tâm. Những cụm từ được dùng đi dùng lại nhiều lần “lão nghĩ”, “lão nói”,... thể hiện sự độc thoại đồng thời khẳng định được ông lão Xan-ti-a-gô là một người biết phân tích tình hình, tự động viên mình. Nhờ vậy, chân dung tinh thần của nhân vật hiện lên rất rõ và tác phẩm càng có sức hấp dẫn hơn.
- Tác phẩm khắc hoạ thành công chân dung nhân vật qua cảm giác. Ông lão dùng cảm giác để nhận định về con cá, để đo độ sâu của nước, đo phản ứng của con cá,... để có những chiến thuật chiến thắng con cá. Để đạt được điều này, Hê-minh-uê đã vận dụng ngôn ngữ kể và ngôn ngữ nhân vật một cách nhuần nhuyễn.
- Ông già và biển cả thể hiện lối viết theo nguyên lí tảng băng trôi của Hê-minh-uê. Nhiều câu văn đã tạo ra một “khoảng trống”, nhiều hình tượng mang nhiều tầng nghĩa sâu xa, nhưng đều có sự cấu kết chặt chẽ.
3. Chủ đề
Truyện tập trung miêu tả cuộc chiến đấu giữa ông lão và con cá kiếm, con cá hùng dũng, ông lão cũng quật cường không kém. Ông lão đã chiến thắng con cá bằng kĩ năng nghề nghiệp. Qua đó, tác giả muốn gửi một thông điệp: dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, “con người có thể bị huỷ diệt nhưng không thể bị đánh bại”.
B. BÀI TẬP VẬN DỤNG
I. ĐỀ BÀI
1. Đề số 1
Tóm tắt tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê.
2. Đề số 2
Em hiểu như thế nào về nguyên lí “Tảng băng trôi” của nhà văn Hê-minh-uế?
3. Đề số 3
Phân tích cuộc đấu giữa ông lão Xan-ti-a-gô và con cá kiếm trong Ông già và biển cả của Hê-minh-uê.
4. Đề số 4
Hình ảnh con cá kiếm trước và sau khi bị ông lão đâm chết trong Ông già và biển cả của Hê-minh-uê.
5. Đề số 5
Lớp nghĩa hàm ẩn trong Ông già và biển cả của Hê-minh-uê.
II. GỢI Ý BÀI LÀM
1. Đề số 1
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Ông già Xan-ti-a-gô đánh cá ở vùng nhiệt lưu, nhưng đã lâu không kiếm được con cá nào.
- Thế rồi ngày nọ, một con cá lớn mắc mồi. Đó là một con cá kiếm to lớn mà ông hằng mong ước. Sau cuộc vật lộn cực kì căng thẳng và nguy hiểm, Xan-ti-a-gô giết được con cá.
- Nhưng lúc ông già buộc con cá vào đuôi thuyền, kéo vào bờ, thì đàn cá mập hung dữ đuổi theo rỉa thịt con cá kiếm. Ông lão phải đơn độc chiến đấu đến kiệt sức với lũ cá mập. Khi ông già mệt rã rời quay vào đến bờ thì con cá kiếm chỉ còn trơ lại bộ xương.
- Tuy vậy, ông vẫn nghĩ “không ai cô đơn nơi biển cả”, ông vẫn mơ về những đàn sư tử.
2. Đề số 2
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Hê-minh-uế dựa vào hiện tượng tự nhiên, tảng băng trôi trên mặt nước gồm một phần nổi và bảy phần chìm (có tài liệu ghi là ba phần nổi và bảy phần chìm) để sáng tạo nguyên lí tảng băng trôi.
- Theo nguyên lí này, thì có thể lí giải như sau:
+ Nhà văn nhấn mạnh vào yếu tố hàm súc, ngụ ý trong mạch ngầm văn bản tạo ra được “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời). Theo nguyên lí này, nhà văn lược bỏ những chi tiết không cần thiết, chỉ giữ lại những phần cốt lõi, sắp xếp lại theo một trình tự hợp lí để độc giả vẫn có thể hiểu được những gì mà nhà văn đã lược bỏ đi.
+ Người đọc khi tiếp nhận văn bản phải có sự sáng tạo đồng hành cùng tác giả mới có thể hiểu được “phần chìm”, những hình tượng, hình ảnh giàu tính tượng trưng đa tầng nghĩa; đồng thời phải vận dụng vốn sống để lấp đầy những khoảng trống mà nhà văn đã cố tình tạo ra trong tác phẩm.
Ví như cầu độc thoại của lão Xan-ti-a-gô: “Con cá là vận may của ta” đã tạo ra khoảng trống. Ta có thể hiểu, qua tám mươi mấy ngày ông lão không cầu được con cá nào, mọi người cho rằng lão gặp vận rủi. Nếu viết đầy đủ, câu văn có thể là: con cá là vận may của ta và việc ta bắt được nó đã chứng minh rằng ta đã thoát ra khỏi vận rủi. Mọi người sẽ không nghĩ về ta như trước nữa.
3. Đề số 3
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Hình ảnh con cá kiếm lượn vòng với nhiều vòng lượn qua con mắt từng trải của ông lão đánh cá và cảm giác đau đớn nơi bàn tay ông lão đã nói lên: ông lão là một ngư phủ lành nghề, kiên cường. Cuộc đấu giữa ông lão với con cá kiếm là cuộc đấu không cân sức, bất lợi nghiêng về phía ông lão.
- Những vòng lượn của con cá kiếm cũng nói lên những cố gắng và không chấp nhận cái chết của con cá. Con cá cũng dũng cảm, kiên cường không kém gì ông lão.
- Nghệ thuật: miêu tả tâm trạng nhân vật, khắc hoạ chân dung nhân vật qua cảm giác, lối kể chuyện độc đáo, nhiều “khoảng trống” được tạo ra và những hình tượng mang nhiều tầng nghĩa sâu xa.
4. Đề số 4
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Hình ảnh con cá kiếm trong sự cảm nhận của ông lão Xan-ti-a-gô:
+ Những vòng lượn của con cá được ông lão cảm nhận bằng thị giác và xúc giác. Sự cảm nhận ngày một mãnh liệt và trực tiếp hơn. Khi ở vòng lượn thứ ba của con cá, “lão lần đầu tiên thấy con cá” lớn đến độ “không thể tin nổi”. “Cái đuôi nhô khỏi mặt nước”, “thân hình đồ sộ và những sắc màu tía trên mình nó. Cánh ụi trên lưng xếp lại, còn bộ cây to sụ bên sườn xoè rồng”... Khi bị lao của ông lão đâm trúng, nó “sực tỉnh, phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực”.
+ Hình ảnh ông lão Xan-ti-a-gô đơn độc, dũng cảm chiến đấu và chiến thắng con cá kiếm khổng lồ ấy mang một ý nghĩa về vẻ đẹp của hành trình biến ước mơ thành hiện thực thật gian lao của con người.
- Hình ảnh con cá sau khi bị ông lão đâm chết:
+ Sau khi bị ông lão đâm chết, con cá trở nên thảm hại: “thẳng đơ và bồng bềnh theo sóng”... “còn mắt nó trông dửng dưng như những tấm kính trọng kính viễn vọng hay như một vị thánh trong đám rước”.
+ Hình tượng con cá bị chết, không còn vẻ đẹp kiêu dùng như trước gợi thêm một ý nghĩa: Ước mơ đã trở thành hiện thực, thì tất nhiên là nó không còn xa vời, khó nắm lấy nữa. Và như vậy, nó không còn đẹp và xa vời như trước nữa.
5. Đề số 5
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Ông già và biển cả không chỉ là một cuộc rượt đuổi, con cá không chỉ là con mồi, ông lão không chỉ là một ngư phủ. Vẻ đẹp kiêu dùng của con cá khi chưa bị ông lão đâm chết là biểu tượng của những ước mơ, cho lí tưởng mà con người muốn có được.
- Ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô trở nên đẹp hơn khi cuộc chiến diễn ra giữa hai đối thủ không cân sức, con cá dũng mạnh khiến ông lão phải chiến đấu bằng cả nghị lực, lòng dũng cảm và trí tuệ. Ông lão cảm nhận về con cá không bằng sự cảm nhận về kẻ thù mà bằng sự ngưỡng mộ, và với giọng thân mật: “Tao chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ”. Ông lão thật cao thượng là vậy.