Phân bón hóa học là những hóa chất có chứa các nguyên tố dinh dưỡng, được bón cho cây nhằm tăng năng suất cây trồng.
I. PHÂN ĐẠM
- Phân đạm cung cấp nitơ hóa hợp cho cây dưới dạng ion nitrat NO3- và ion amoni NH4+.
- Độ dinh dưỡng của phân đạm bằng hàm lượng % N trong phân.
- Một số loại phân đạm thường dùng: NH4Cl, NH4NO3 (đạm 2 lá), (NH4)2SO4, NaNO3, (NH2)2CO (urê)...
II. PHÂN LÂN
- Phân lân cung cấp cho cây trồng nguyên tố photpho ở dạng ion photphat.
- Độ dinh dưỡng của phân lân được tính bằng hàm lượng % của P2O5 tương ứng với lượng photpho có trong thành phần của phân đó.
- Nguyên liệu để sản xuất phân lân thường là quặng apatit, photphorit.
- Một số loại phân lân thường gặp:
1. Supephotphat
- Thành phần chính là Ca(H2PO4)2.
- Gồm 2 loại:
+ Supephotphat đơn: chứa 14 – 20% P2O5, thành phần gồm Ca(H2PO4)2 và CaSO4
Điều chế từ quặng photphorit: Ca3(PO4)2 + 2H2SO4 → Ca(H2PO4)2 + 2CaSO4
+ Supephotphat kép: chứa 40 – 50% P2O5, thành phần gồm Ca(H2PO4)2
Ca3(PO4)2 + 3H2SO4 → 2H3PO4 + 3CaSO4
Ca3(PO4)2 + 4H3PO4 → 3Ca(H2PO4)2
2. Phân lân nung chảy
- Thành phần chính chứa Ca3(PO4)2
- Đặc tính: Không tan trong nước nên cây khó hấp thụ, thích hợp với đất chua và với các loại cây ngô đậu.
III. PHÂN KALI
- Phân kali cung cấp cho cây trồng nguyên tố kali dưới dạng ion K+.
- Độ dinh dưỡng của phân kali được đánh giá bằng hàm lượng % K2O tương ứng với lượng kali có trong phân đó.
IV. MỘT SỐ LOẠI PHÂN BÓN HÓA HỌC KHÁC
1. Phân bón kép: là phân bón có chứa 2 hoặc 3 nguyên tố dinh dưỡng N, P, K.
2. Phân hỗn hợp: cung cấp đồng thời 2 hoặc nhiều nguyên tố dinh dưỡng cơ bản được tạo thành khi trộn các loại phân đơn với nhau.
Ví dụ: phân nitrophotka (NPK) là hỗn hợp muối (NH4)2HPO4 và KNO3
3. Phân phức hợp: là hỗn hợp các chất được tạo ra đồng thời bằng tương tác hóa học của các chất chứa đồng thời 2 hoặc 3 nguyên tố dinh dưỡng cơ bản.
Ví dụ: amophot là hỗn hợp của (NH4)2HPO4 và NH4H2PO4.
4. Phân vi lượng
Phân vi lượng là các hoá chất cung cấp cho cây trồng các nguyên tố vi lượng.