Đề bài: Phát biểu cảm tưởng bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh.
Bài làm
a. Mở bài
Đêm hôm ấy trăng sáng đến lại, đáng lẽ đã phải ngôi vào bàn học bài từ lúc nãy, nhưng vì thấy trăng đẹp quá em ráng ngồi lại ngắm trăng thêm chút nữa… Bài ngày mai rất nhiều em nhìn trăng luyến tiếc rồi bước vào nhà, học môn sử xong, em lấy bài môn văn ra soạn, bât ngờ và thú vị thay đó là “Tính dạ tứ” của Lí Bạch. Em đọc liền một hơi:
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghĩ thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.
b. Thân bài.
Trước mắt em hiện lên hình ảnh thi nhân Lí Bạch đang nằm nghỉ trong thư phòng trằn trọc thao thức, rồi bất ngờ nhận ra ánh trăng đang chiếu sáng ở đầu giường giật mình, thảng thốt: “Ánh trăng ư?”.
Sàng tiền minh nguyệt quang
Thi nhân ngồi dậy đi ra phía cửa sổ, sững sờ cả một không gian tràn ngập ánh trăng, ánh trăng bao la huyền hoặc:
Nghi thị địa thượng sương
Sương hay trăng? Thi nhân thoáng chút nghi ngờ thị giác của mình. Ánh trăng như những sợi khói, như làn sương mỏng lãng đãng mơ hồ. Có lẽ cả hai, sương và trăng cùng hòa quyện vào nhau thật hư ảo. Nhà thơ nhìn lên bầu trời kiểm chứng:
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đây không phải là cái nhìn bình thường, mà sự tha thiết đắm đuối – Trên bầu trời trăng thu vằng vặc, trăng càng sáng càng gợi nên nỗi niềm cô đơn trong lòng người xa quê. Nỗi nhớ tràn ngập con tim để rồi thi nhân:
Đê đầu tư cố hương
Cái đê đầu chất chứa bao nỗi niềm tâm sự suy tư, quê hương nghìn trùng vời vợi luôn là sự khắc khoải trong lòng người, có phải nhà thơ Lí Bạch đang nhờ vầng trăng vằng vặc kia chuyển nỗi nhớ của mình về quê nhà? Khép lại bài thơ là hình ảnh một con người ngồi bên cửa sổ, trong không gian tràn ngập ánh trăng của một đêm khuya tĩnh mịch cúi đầu trầm tư.
Bài thơ chỉ có 20 chữ. Hai mươi chữ đối với chúng ta nhiều khi chưa thành một đoạn văn, nhưng với hai mươi chữ của Lí Bạch đã trở thành một bài thơ tuyệt vời, với bao tâm sự… Và đâu chỉ là thơ mà còn là một bức tranh nữa chứ, bức tranh ấy có cả cảnh: bầu trời, vầng trăng và một con người đang trong tâm trạng suy tư.
c. Kết bài.
Bài đã soạn xong và bài thơ đã được nằm trong trái tim nhưng em chưa gấp sách vội, thẫn thờ ngồi trên bàn, bởi tình cảm quê hương được thể hiện một cách nhẹ nhàng thấm thía qua bài thơ đã làm cho em xúc động. Em cũng là người xa quê. Ngoài kia trăng vẫn sáng…