Kho sáng kiến và chuyên đề môn văn. Một số yêu cầu và cách thức dạy học phần tác giả trong chương trình Ngữ văn THPT. Tài liệu giảng dạy cho giáo viên tham khảo
Phần 1 – ĐẶT VẤN ĐỀ
Có lẽ không phải bàn nhiều về thực trạng, thái độ học bộ môn Ngữ văn của học sinh ngày nay. Học sinh THPT không viết được câu văn đúng; dùng sai phong cách ngôn ngữ; sai kiến thức cơ bản; trình bày, chữ viết cẩu thả … là những hiện tượng không khó gặp trong thực tế. Chép tài liệu tham khảo, đọc thuộc bài giảng của thầy là những cách thức học sinh vận dụng nhằm vượt qua trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn. Rất nhiều học sinh và có thể có cả những bậc phụ huynh mang tư tưởng học văn để đối phó, để đảm bảo tiêu chí trong đánh giá xếp loại và để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp để ra trường. Nhiều giáo viên dạy văn xót xa khi nghĩ rằng nếu tất cả các môn thi tốt nghiệp đều tự chọn có lẽ mỗi hội đồng thi chỉ có một vài học sinh chọn thi môn văn.
Học văn nói chung là vậy, dạy học những bài học về tác giả văn học hoặc các thông tin về tác giả văn học trong phần tiểu dẫn còn gặp những khó khăn riêng. Học sinh chỉ chú ý phần nội dung về tác phẩm liên quan đến những đề văn cụ thể (bởi yêu cầu chủ yếu của các bài kiểm tra là kiến thức về tác phẩm văn học) mà không chú tâm đến kiến thức về tác giả từ đó thiếu một cứ liệu để hiểu đúng, hiểu đủ hơn tác phẩm của nhà văn đó. Sự nhầm lẫn thông tin từ tác giả này đến tác giả khác, không nhớ được những tác phẩm tiêu biểu của một tác giả, nhìn một bức chân dung học sinh không biết là tác giả văn học nào, … thực sự là hiện tượng không hiếm gặp và là vấn đề cần được báo động. Một học sinh phổ thông không thể giới thiệu về một tác giả văn học học, một tác phẩm văn học lớn của đất nước, có kiến thức nghèo nàn về văn học dân tộc … vấn đề đó buộc những thầy giáo, cô giáo dạy văn phải suy nghĩ.
Đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học giả, những người trực tiếp trong nghề chỉ ra những nguyên nhân cơ bản tạo nên hiện tượng được trình bày ở trên. Nhưng chung quy lại thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân cơ bản nhất là thiếu niềm đam mê ở học sinh và thiếu một phương pháp dạy học sáng tạo, hiệu quả ở người giáo viên.
Từ thực trạng trên, tôi suy nghĩ cần có cái nhìn đúng đắn về vai trò của những bài học liên quan đến tác giả văn học, hơn nữa cần có phương pháp hiệu quả nhằm khơi dậy lòng đam mê ở học sinh từ đó nâng cao chất lượng dạy học văn và hướng tới mục tiêu xa hơn là tạo cho học sinh những hiểu biết và lòng yêu quý, trân trọng nền hóa hóa, văn học của dân tộc. Vì lẽ đó tôi mạnh dạn trình bày báo cáo Sáng kiến kinh nghiệm với đề tài “Một số yêu cầu và cách thức dạy học phần tác giả trong chương trình Ngữ văn THPT”.
Trong khuôn khổ của một sáng kiến kinh nghiệm, đề tài không trình bày nhiều về lí luận phương pháp dạy học văn nói chung mà từ kinh nghiệm cá nhân khái quát một số yêu cầu và cách thức, kỹ thuật dạy học nhằm tổ chức học sinh tìm hiểu có chất lượng các bài học về tác giả văn học Việt Nam và những thông tin cơ bản về tác giả văn học Việt Nam được tóm lược trong phần tiểu dẫn ở các bài đọc văn trong chương trình Ngữ văn THPT.
Phần 2 – NỘI DUNG

  1. Cơ sở lí luận và thực tiễn của đề tài

1.1. Cơ sở lí luận
Từ xưa đến nay các nhà lí luận văn học và những người cầm bút với sự trải nghiệm thấm thía của mình đã khẳng định mối quan hệ không thể tách rời giữa nhà văn với tác phẩm, giữa chủ thể sáng tạo với sản phẩm sáng tạo. Cao Bá Quát trong trang cuối bài thơ Rừng chuối (trong Cao Chu Thần thi tập) đã nói: “Thơ không có phẩm chất nhất định, phẩm chất của người là phẩm chất của thơ. Phẩm chất của người cao thì phẩm chất của thơ cao”, tác giả Nguyễn Đức Đạt trong Nam Sơn tùng thoại (Tạp chi văn học số 1, 1979) cũng khẳng định: “Văn thâm hậu thì con người của nó trầm và tĩnh, văn ôn nhu thì con người của nó đạm và giản, văn hùng hồn thì con người của nó cương và nhanh, văn uyên sâu thì con người của nó thuần túy mà đúng đắn”.
Có thể trích dẫn nhiều hơn nữa những lời khẳng định mang nội dung như trên, nhưng dừng ở đây cũng đủ để khẳng định một chân lí về mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng, tâm hồn nhà văn với linh hồn tác phẩm.
Vì thế người đọc văn và hơn nữa đối với người dạy văn phải làm thế nào để học sinh thấy được mối quan hệ đó, hay nói cách khác học sinh muốn hiểu đúng, muốn cảm nhận được tư tưởng của tác phẩm cần có sự liên hệ với tư tưởng tác giả, ngược lại từ sự tìm hiểu tác phẩm người đọc có cái nhìn đầy đủ, đúng đắn hơn về nhà văn. Để giúp học sinh khám phá được thế giới diệu kỳ của tác phẩm văn học, hiểu được những triết lí nhân sinh hay cảm được những cung bậc cảm xúc tinh tế trong tác phẩm văn học bên cạnh việc khám phá nhiều tầng bậc, lớp lang của tác phẩm với tư cách là một chỉnh thể cũng cần suy luận, liên hệ từ cuộc đời, con người, tư tưởng của nhà văn. Bàn luận về hình ảnh những kiếp ca kĩ trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du không thể không thấy một căn nguyên sâu xa ám ảnh Nguyễn Du trong những năm tháng tuổi thơ đi nghe hát cùng người anh Nguyễn Khản. Bình giá hình ảnh lò than rực hồng trong bài thơ Mộ của Hồ Chí Minh người đọc cần nhận thấy mối liên hệ giữa ý nghĩa hình ảnh với tâm thế của người chiến sĩ cộng sản lạc quan, luôn hướng về tương lai với một tinh thần thép. Vì sao đề tài người nông dân, người trí thức cứ trở đi, trở lại trong sáng tác của Nam Cao, vì sao Nam Cao lại dành cho Chí Phèo lòng tin tưởng về phẩm giá con người hoặc những câu hỏi tương tự người đọc có thể trả lời bằng chính cuộc đời gắn bó yêu thương với người nông dân, người trí thức của Nam Cao.
Bởi vậy, dạy học bài về tác giả văn học hoặc hướng dẫn học sinh nắm được những thông tin cơ bản về một tác giả văn học nào đó có vai trò quan trọng. Trước hết hoạt động này sẽ giúp học sinh có được một lối nhỏ (dù không phải là con đường chính thức) để đi vào thế giới nghệ thuật của một tác phẩm văn học. Hơn nữa học sinh sẽ có cơ sở để đọc hiểu những tác phẩm khác của cùng nhà văn, của một giai đoạn, một thời đại văn học.
1.2. Cơ sở thực tiễn
Mặc dù kiến thức về tác giả văn học có ý nghĩa rất quan trọng trong dạy học văn nói riêng và đời sống văn hóa, văn học nói chung nhưng trên thực tế việc dạy học phần tác giả văn đang có nhiều vấn đề phải bàn luận. Do quy định của thời lượng chương trình, có lúc người giáo viên phải cắt thời gian dành cho phần tiểu dẫn, yêu cầu học sinh đọc tại nhà. Bài Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Hạnh phúc của một tang gia thuộc chương trình lớp 11 chuẩn mỗi bài được học 03 tiết trên lớp. Trong khi ở chương trình nâng cao cũng những bài đó phân phối chương trình chỉ cho thời lượng 02 tiết kèm theo một bài đọc thêm, có nghĩa nếu chỉ sơ lược bài đọc thêm thì mỗi bài ở trên chỉ được dành thời lượng 1,5 tiết. Với thời lượng như vậy để hướng dẫn học sinh đọc hiểu những tác phẩm xuất sắc đó thì bắt buộc người giáo viên phải giản lược tới mức tối thiểu nội dung phần tiểu dẫn. Và như vậy kiến thức về tác giả Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng (riêng Nguyễn Tuân, Nam Cao sẽ được bổ sung bằng những bài học riêng sau này) đã bị giản hóa khá nhiều.
Bên cạnh đó có tác giả văn học được dạy (bài học riêng) cả trong chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, nhưng có nhiều tác giả chỉ được dạy trong chương trình nâng cao mà không có trong chương trình chuẩn.
Thực tế như vậy buộc mỗi người giáo viên dạy văn cần có phương pháp, cách thức tổ chức phù hợp để không phải tăng thời lượng chương trình mà học sinh vẫn đảm bảo những yêu cầu cơ bản về kiến thức, có được lòng yêu quý trân trọng những nhân cách, tài năng văn học lớn.

  1. Tổng hợp nội dung về tác giả văn học trong chương trình Ngữ văn THPT

1.1. Những bài học hoàn chỉnh về tác giả văn học
Chương trình lớp 10
Bài Tác giả Nguyễn Trãi – Chương trình chuẩn, nâng cao
Bài Tác giả Nguyễn Du – Chương trình chuẩn, nâng cao
Chương trình lớp 11
Bài Tác giả Nguyễn Đình Chiểu – Chương trình nâng cao
Bài Tác giả Nguyễn Khuyến – Chương trình nâng cao
Tác giả Nam Cao – Chương trình chuẩn, nâng cao
Tác giả Xuân Diệu – Chương trình nâng cao
Chương trình lớp 12
Tác giả Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – Chương trình nâng cao
Tác giả Tố Hữu – Chương trình chuẩn, nâng cao
Tác giả Nguyễn Tuân – Chương trình chuẩn, nâng cao
1.2. Nội dung về tác giả văn học được trình bày trong phần tiểu dẫn
Bên cạnh những bài học riêng về một số tác giả xuất sắc, tất cả các bài đọc văn trong chương trình đều có phần Tiểu dẫn, phần này sẽ giới thiệu những thông tin cơ bản về hoàn cảnh sáng tác, thể loại có liên quan trực tiếp nhằm gợi ý học sinh đọc hiểu văn bản. Đặc biệt trong phần tiểu dẫn luôn có những thông tin cơ bản, cô đọng nhất về tiểu sử, con người sự nghiệp… của một tác giả văn học.

  1. Một số yêu cầu và cách thức dạy học phần tác giả trong chương trình Ngữ văn THPT

3.1. Xác định đúng trọng tâm bài học
Trước hết người giáo viên cần xác định nội dung trọng tâm, cơ bản nhất về một tác giả văn học dù trong bài học riêng về tác giả hay trong phần tiểu dẫn. Theo quan điểm của tôi cần đảm bảo ba nội dung lớn.
Thứ nhất cần tìm hiểu về Cuộc đời của tác giả văn học
Trong phần Cuộc đời cần nêu lên thông tin về Tên, Hiệu, Bút danh, năm sinh – năm mất. Trong một số trường hợp giáo viên nên lưu ý, cho học sinh phát biểu cảm nhận về Hiệu, hoặc bút danh, hoặc có lúc là danh hiệu người đời khen tặng của tác giả. Bởi Hiệu và bút danh nói lên hoài bão, lí tưởng, mơ ước … của nhà văn. Ví dụ tìm hiểu về Nguyễn Bỉnh Khiêm cần cho học sinh thể hiện suy nghĩ về hiệu của ông (Bạch Vân Cư Sĩ) và danh hiệu người đời sau suy tôn (Tuyết Giang Phu Tử).
Tiếp đó cũng trong phần Cuộc đời cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu về Quê quán, Xuất thân, Thời đại, Những nét chính về đường đời của tác giả. Thực tế cuộc đời của một tác giả có nhiều những biến cố, thăng trầm, do đó người dạy, người học chỉ nên nêu lên những thông tin nào có ảnh hưởng trực tiếp tới con người, tư tưởng và tài năng của nhà văn. Như cuộc đời Nguyễn Trãi đã phản ánh cả thời kỳ vừa đau thương vừa huy hoàng, oanh liệt của dân tộc, dạy học về tác giả Nguyễn Trãi nếu nêu tất cả thông tin về ông sẽ không có thời gian và quá sức đối với học sinh. Sau đó có thể dành thời gian để khái quát một số ý về Con người của nhà văn, nhà thơ (Khái quát những điểm tiêu biểu, riêng biệt nhất về tâm hồn, cá tính … của nhà văn)
Tất nhiên trên đây theo tôi chỉ là công thức chung nhất, nếu bài học nào, tác giả nào cũng liệt kê tất cả những thông tin trên sẽ tạo áp lực kiến thức lớn có thể gây ra sự căng thẳng cho học sinh. Do vậy tùy từng tác giả, thời lượng chương trình giáo viên có thể lựa chọn và cho tìm hiểu tại lớp lượng thông tin phù hợp, còn lại có thể hướng dẫn để học sinh yêu thích sẽ tiếp tục tìm hiểu ở nhà.
Thứ hai cần tìm hiểu về Sự nghiệp văn học.
Trong phần này cần xác định nội dung trọng tâm thứ nhất là Những tác phẩm chính, cần phân loại các tác phẩm tiểu biểu của tác giả theo thể loại, giai đoạn sáng tác. Giới thiệu về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh (là tác giả có sáng tác trên nhiều lĩnh vực) cần phân loại (tương đối) các sáng tác thuộc văn chính luận, văn chương nghệ thuật, văn thơ tuyên truyền …
Cần lí giải sâu sắc về Quan niệm văn chương của nhà văn, bởi nhiều lúc nó giúp học sinh hiểu rõ hơn tư tưởng của tác phẩm văn học. Ở một khía cạnh khác nó soi sáng vẻ đẹp tâm hồn của nhà văn. Về Thạch Lam, giáo viên có thể giới thiệu với học sinh quan niệm “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”. Từ đó học sinh có thể thấy được một cây bút tiến bộ, vừa tinh tế trong cảm nhận về cuộc sống, vừa thực tế trong cái nhìn cuộc đời…
Tiếp đó dưới sự hướng dẫn của giáo viên và đọc sách giáo khoa học sinh khái quát về Một số đặc điểm về nội dung và nghệ thuật trong sáng tác của các nhà thơ, nhà văn.
Và thứ ba cần có sự đánh giá chung nhất về về vị trí của tác giả trong lịch sử văn học qua phần Kết luận.
Trong các nội dung trên, có những nội dung được trình bày cụ thể, chi tiết trong sách giáo khoa, giáo viên chỉ cần nhắc học sinh đọc và ghi nhớ, nhưng cũng có những nội dung cần yêu cầu học sinh rèn luyện kỹ năng tổng hợp, suy luận.
Ví dụ phần tiểu sử, đường đời của Nguyễn Du trong bài học về tác giả này (cả chương trình chuẩn và nâng cao) đã được sách giáo khoa trình bày rất cụ thể, chi tiết nên giáo viên yêu cầu học sinh tóm lược nhanh trước lớp và ghi nhớ. Nhưng từ những thông tin đó giáo viên cần đặt vấn đề để học sinh thấy được điều sâu sắc hơn ở nhà thơ. Có thể đặt vấn đề: Các yếu tố trên (quê quán, xuất thân, thời đại, đường đời) đã ảnh hưởng tới con người Nguyễn Du như thế nào? Học sinh sẽ từ những dữ liệu đã có khái quát được rằng: Xuất thân từ gia đình có truyền thống văn học đã góp phần hình thành tài năng văn chương; xuất thân trong gia đình nhiều đời làm quan (quan to) giúp Nguyễn Du hiểu sâu sắc bản chất của giới quan lại đương thời; “mười năm gió bụi” giúp ông hiểu cuộc sống người dân lao động và hình thành ngôn ngữ bình dân trong sáng tác của ông; …
Giáo viên định hướng ngay từ đầu năm học cho học sinh nhớ những nội dung trọng tâm như trên và vận dụng vào mỗi tác giả, bài học cụ thể. Dựa vào dàn ý này học sinh có thể dễ dàng điền các thông tin riêng của mỗi tác giả vào nội dung tương ứng, nó vừa giúp học sinh ghi nhớ, vừa có thể giúp học sinh trình bày một cách mạch lạc, có hệ thống thông tin về tác giả.
3.2. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực của mỗi học sinh nhằm tự chiếm lĩnh lượng thông tin cần thiết
Có thể nói thời đại ngày nay là thời đại của thông tin, chỉ trong thời gian rất ngắn với sự hỗ trợ của công nghệ người ta có thể có được thông tin về mọi tác phẩm, mọi tác giả văn học lớn. Bên cạnh đó số lượng tài liệu tham khảo dưới các hình thức rất đa dạng và phong phú như các tạp chí thường kỳ, các cuốn sách tham khảo, blog cá nhân … cũng vô cùng lớn học sinh không khó để tra cứu thông tin quê quán, xuất thân, con người, sáng tác, tư tưởng … của nhà văn. Ví dụ khi ta gõ từ khóa Nam Cao trong trang tìm kiếm Google.com.vn ta sẽ tìm thấy khoảng 1.320.000 kết quả trong 0.20 giây. Tất yếu bên cạnh những kết quả thiếu giá trị vẫn có những trang Web có độ tin cậy cao làm cơ sở cho sự tìm hiểu của học sinh.
Vì vậy trên tinh thần đổi mới, giáo viên cần chú ý phát huy tính chủ động tích cực, sáng tạo của học sinh. Người giáo có lúc chỉ cần nêu các yêu cầu cơ bản về nội dung trọng tâm cần đạt của mỗi bài học, gợi ý và yêu cầu học sinh tự đọc sách giáo khoa, tham khảo thông tin trên mạng Internet và qua một số tài liệu khác nếu có. Tất nhiên như quan điểm chung về nguyên tắc dạy học, các bài học về tác giả văn học không nên yêu cầu lượng thông tin quá nhiều, không nên mang tính hàn lâm, mà phải đảm bảo tính vừa sức đối với học sinh, phù hợp với đặc thù học sinh. Bên cạnh đó cũng cần có định hướng để học sinh biết lựa chọn đâu là thông tin đúng hoặc đâu là thông tin cơ bản cần thiết đối với học sinh.
Và rõ ràng rằng khi tự mình phát hiện, chiếm lĩnh lượng thông tin cần thiết học sinh sẽ ghi nhớ rất lâu, sẽ tạo được hứng thú tìm hiểu tiếp những bài học tiếp theo.
3.3. Phát huy vai trò của phương pháp làm việc nhóm
Đổi mới phương pháp không chỉ là phát huy tính tích cực chủ động của cá nhân học sinh mà bên cạnh đó cần làm cho từng cá nhân biết phối hợp với cá nhân khác để giúp người khác đồng thời là giúp chính mình hoàn thiện nhận thức. Vì vậy giáo viên nên khuyến khích và tổ chức các hình thức làm việc nhóm cho học sinh, thông qua đó học sinh sẽ có điều kiện trình bày những kiến thức của mình về tác giả văn học, những học sinh khác nghe và điều chỉnh. Có thể giao cho mỗi nhóm tìm hiểu một phương diện nào đó về tác giả và trình bày trước lớp, các nhóm khác góp ý, giáo viên là nhân tố xúc tác để tạo nên các cuộc tranh luận tích cực trong giờ học. Có như vậy học sinh sẽ có điều kiện để kiểm nghiệm thông tin mình thu thập được có tính chính xác như thế nào, nếu cần sẽ điều chỉnh ra sao. Và tất yếu được tranh luận học sinh sẽ ghi nhớ rất tốt thông tin.
3.4. Sử dụng đồ dùng, tư liệu học tập
Đổi mới phương pháp dạy học môn văn không thể không gắn với việc sử dụng đồ dùng dạy học hiện đại. Dạy học các bài đọc văn có thể khó vận dụng các trang thiết bị nghe nhìn hiện đại. Nhưng ngược lại, trang thiết bị hiện đại, các tư liệu truyền hình như phóng sự, ký sự, phim tài liệu … lại là công cụ phục vụ đắc lực cho việc dạy học một tác giả văn học. Chúng ta có hàng loạt tư liệu về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân … lựa chọn nội dung, dung lượng hợp lý các tư liệu trên, người thầy sẽ định hướng cho học sinh một hướng tiếp cận mới đối với tác giả văn học bên cạnh việc học sinh đọc sách giáo khoa. Và tất yếu những tư liệu này giúp học sinh dễ tiếp nhận và nhớ lâu hơn nội dung trọng tâm bài học.
2.5. Kể chuyện, kể giai thoại về tác giả văn học
Thực tế cho thấy, những thông tin khô khan không bao giờ làm học sinh hứng thú. Học sinh có thể học thuộc, có thể trình bày chính xác những mốc thời gian, những sự kiện hoặc những đánh giá về một tác giả văn học trong các bài kiểm tra, nhưng nếu nó không xuất phát từ sự hứng thú, say mê lượng kiến thức đó sẽ nhanh chóng bị các em lãng quên. Những giai thoại về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân … luôn được học sinh đón nhận một cách hào hứng, bởi nó phù hợp với tâm lí học sinh, nó giúp hình thành và tô đậm thêm lòng yêu quý của học sinh đối với nhà văn, đối với môn văn học.
Giáo viên cần dành thời gian tìm đọc những giai thoại hay, có ý nghĩa về các nhà văn, nhà thơ, chính những câu chuyện đó sẽ lôi cuốn học sinh, giúp các em nhớ lâu hơn về tiểu sử, con người, tính cách… của nhà văn. Cũng từ đó không khí giờ học sẽ nhẹ nhàng và cũng tự nhiên học sinh sẽ yêu thích giờ văn hơn.
2.6. Tích hợp nội dung dạy học giữa chương trình Ngữ văn các cấp học và giữa tác phẩm với tư tưởng, tâm hồn của tác giả
Chương trình Ngữ văn THPT được xây dựng trên nguyên tắc đồng tâm, vì vậy nhiều nội dung của THPT trong đó có nội dung về tác giả văn học đã được dạy học trong chương trình THCS nay được nhắc lại và củng cố ở mức độ cao hơn. Giáo viên có thể đặt những câu hỏi gợi mở giúp học sinh nhớ lại kiến thức về một nhà văn nhà thơ nào đó đã được học trước đây, kết hợp với những thông tin bổ sung trong bài học để khắc sâu kiến thức.
Cũng như đã nói ở trên tác phẩm và nhà văn có mối quan hệ khăng khít với nhau, khi đánh giá về một tác giả văn học có lúc cần thiết phải từ nội dung tư tưởng trong một tác phẩm hoặc một vài tác phẩm để đánh giá về tư tưởng nhà văn. Ví dụ từ Bình Ngô đại cáo và Lại dụ Vương Thông (Thư dụ Vương thông lẫn nừa) có thể thấy ngòi bút viết văn chính luận kiệt xuất ở Nguyễn Trãi và tư tưởng Nhân Nghĩa tiến bộ của ông; từ bài thơ Vội vàng nhắc lại tư tưởng thèm yêu, khát sống, sống vội vàng, sống cuống quýt ở Xuân Diệu … Đặc biệt đối với những tác giả không có bài học riêng, hoặc không đủ thời lượng dành cho phần tiểu dẫn thao tác này càng có vai trò quan trọng. Qua tác phẩm Hai đứa trẻ học sinh phải thấy được tấm lòng yêu thương, cảm thông sâu sắc của Thạch Lam đối với những kiếp người sống mòn mỏi tối tăm, thấy được tấm lòng trân trọng của ông đối với tâm hồn trẻ thơ … và cũng phải thấy được nét tinh tế của Thạch Lam trong nghệ thuật tả cảnh, tả người. Như đã nói ở trên, thao tác này đặc biệt quan trọng đối với những bài học không đủ thời lượng dành cho phần tiểu dẫn. Sự tích hợp này chính là việc người thầy đã củng cố, khắc sâu kiến thức về một số đặc điểm quan trọng liên quan đến nội dung và nghệ thuật trong sáng tác của các nhà văn nhà thơ.

  1. Giáo án thực nghiệm

Tiết 80 (Theo PPCT)
TRUYỆN KIỀU
(Phần 1 Tác giả Nguyễn Du)

  1. Mục tiêu
  2. Kiến thức: Học sinh nắm được một số phương diện về tiểu sử tác giả (hoàn cảnh xã hội, những nhân tố đời tư) góp phần lí giải sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du; những điểm chính yếu trong sự nghiệp sáng tác và một số đặc điểm cơ bản về nội dung nghệ thuật Truyện Kiều của Nguyễn Du.
  3. Kỹ năng: Tổng hợp, khái quát thông tin về tác giả văn học.
  4. Thái độ: Trân trọng tài năng, nhân cách của Nguyễn Du.
  5. Chuẩn bị của giáo viên và học sinh
  6. Giáo viên: Giáo án.
  7. Học sinh: Chuẩn bị bài, đồ dùng dạy học

III. Tổ chức các hoạt động dạy học

  1. Ổn định tổ chức.
  2. Tổ chức các hoạt động dạy học
HOẠT ĐỘNG CỦA GV HSYÊU CẦU CẦN ĐẠT
Hoạt động 1:
Thao tác 1: HS xem tư liệu (Giáo viên giới thiệu băng hình tư liệu về quê quán, xuất thân, cuộc đời Nguyễn Du – nội dung tương tự sách giáo khoa nhưng đã được điện ảnh hóa)
Thao tác 2: Học sinh kết hợp thông tin trong SGK phát biểu.
Trình bày những nét tiêu biểu về tiểu sử của Nguyễn Du?
Giáo viên có thể giới thiệu:
Bao giờ ngàn Hống hết cây – Sông Rum hết nước, họ này kết quan.
Giới thiệu tên một số người trong gia tộc Nguyễn Du có tài năng văn chương.


Nêu một số sự kiện tiêu biểu trong đường đời ảnh hưởng tới tư tưởng, con người và tài năng văn chương ở Nguyễn Du?





Thao tác 3: Giáo viên nêu vấn đề, các nhóm thảo luận phát biểu
Các yếu tố trên đã ảnh hưởng tới con người Nguyễn Du như thế nào?

Giáo viên nếu có thời gian kể một số giai thoại về Nguyễn Du (Thời trẻ tuổi, khi qua đời…)
Hoạt động 2:
Thao tác 1
Trình bày một số sáng tác chữ Hán tiêu biểu của Nguyễn Du?
Trên cơ sở chuẩn bị của học sinh, giáo viên nêu vấn đề bàn luận
Trong các tác phẩm đó, Bắc hành tạp lục được xem là đặc sắc nhất, trình bày nội dung của tập thơ, lấy dẫn chứng minh họa?







Những sáng tác tiêu biểu bằng chữ Nôm?
Nhớ lại kiến thức đã học trong chương trình THCS về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều trình bày:
+ Nguồn gốc và sự sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều

+ Giá trị nhân đạo của tác phẩm xuất phát từ đâu ?

+ Tại sao nói tác phẩm mang tính chất tố cáo sâu sắc về xã hội lú bấy giờ ?


Khái quát một số giá trị của văn chiêu hồn?



Thao tác 2
Đặc điểm chính về nội dung trong thơ văn Nguyễn Du?
Em hiểu sao với nhận định nội dung sáng tác của Nguyễn Du đề cao xúc cảm, đề cao chữ tình?


Thơ Nguyễn Du thường có tính chất triết lí, chỉ ra tính triết lí trong thơ Nguyễn Du về con người và xã hội?
Giáo viên có thể nêu ví dụ:
VD: Số phận của người phụ nữ
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
(Đạm Tiên, Thuý Kiều, là Tiểu Thanh, là những người mù hát rong, những ca nhi, kĩ nữ…)
(Phản chiêu hồn, Sở kiến hành, Truyện Kiều…).








Đặc điểm chính về nghệ thuật trong thơ văn Nguyễn Du?





Hoạt động 3
Giáo viên nêu vấn đề: Đánh giá về vị trí của Nguyễn Du trong lịch sử văn học dân tộc?
I Cuộc đời
1 Tiểu sử







Nguyễn Du (23/11/1765 – 16/9/1820); tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.
Quê quán: Làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; ngoài ra trong ông có dấu ấn văn hóa của nhiều vùng đất khác (Bắc Ninh quê mẹ, Thái Bình quê vợ …)


Xuất thân: trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và nhiều người sáng tác văn chương.
Thời đại: Biến động của xã hội đưa Nguyễn Du từ chỗ con em đại gia đình đại quý tộc phong kiến đến chỗ chấp nhận cuộc sống của anh đồ nghèo.
Đường đời:
Thời thơ ấu và thanh niên: sống sung túc và hào hoa ở Thăng Long trong nhà anh trai Nguyễn Khản. Từng đỗ Tam trường.
Mười năm gió bụi: lang thang ở quê vợ, rồi quê hương trong nghèo túng.
Làm quan bất đắc dĩ: dưới triều Nguyễn Gia Long (Tham tri bộ Lễ, Cai bạ Quảng Bình, Chánh sứ sang Trung Quốc), ốm và mất ở Huế ngày 10/8/1820.
2. Con người
Kết tinh tinh hoa văn hóa của nhiều vùng đất.
Có cái nhìn sâu sắc về bản chất của giới quan lại quý tộc và đời sống nhân dân lao động.
Mang trong mình nhiều suy ngẫm về xã hội, thân phận con người.
Có sự kết hợp hài hòa giữa vốn văn hóa, ngôn ngữ bác học với văn hóa, ngôn ngữ dân gian.


II Sự nghiệp sáng tác
1. Các sáng tác chính
Phong phú và đồ sộ gồm: văn thơ chữ Hán và chữ Nôm
a) Sáng tác bằng chữ Hán: 249 bài, ba tập
Thanh Hiên thi tập (78 bài) – trước thời làm quan
Nam trung tạp ngâm (40bài) – làm quan ở Huế, Quảng Bình.
Bắc hành tạp lục (131 bài) – trong thời gian đi sứ Trung Quốc
Nội dung của Bắc hành tạp lục
Phê phán chế độ Phong kiến Trung Hoa chà đạp lên quyền sống của con người.
Ca ngợi, đồng cảm với những anh hùng nghệ sĩ tài hoa, cao thượng Trung Hoa (Đỗ Phủ, Nhạc Phi).
Cảm động với những thân phận nghèo khổ, người phụ nữ tài hoa bạc mệnh (Độc Tiểu Thanh kí, Sở kiến hành).
b) Sáng tác bằng chữ Nôm:
*Truyện Kiều
Nguồn gốc:
Dựa vào Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân – (Đoạn trường tân thanh, 3254 câu thơ lục bát) từ tiểu thuyết chương hồi bằng văn xuôi c.Hán
Nguyễn Du sáng tạo lại mang những điều day dứt trăn trở mà ông đã được chứng kiến của xã hội và con người
Nội dung
+ Vận mệnh con người trong xã hội phong kiến bất công, tàn bạo
+ Khát vọng tình yêu đôi lứa.
+ Bản cáo trạng đanh thép xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống, tự do hạnh phúc của con người đặcbiệt là người phụ nữ.
+ Nguyễn Du đã tái hiện sâu sắc hiện thực cuộc sống.
*Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh)
Viết bằng thể thơ song thất lục bát
Thể hiện tấm lòng nhân ái mênh mông của nhà thơ hướng tới những linh hồn bơ vơ, không nơi tựa nương, nhất là phụ nữ và trẻ em trong ngày lễ Vu Lan (rằm tháng bảy hằng năm ở Việt Nam)
2. Một vài đặc điểm về nội dung và nghệ thuật thơ văn Nguyễn Du.
a. Nội dung
– Thơ văn Nguyễn Du coi trọng Chữ tình. Đó là:
+ Tình đời, tình người tha thiết.
+ Tấm lòng cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người (những con người nhỏ bé, những số phận bất hạnh, những phụ nữ tài hoa bạc mệnh).
– Nguyễn Du thường triết lí về số phận con người trong đó nổi bật thân phận người phụ nữ












– Khái quát bản chất tàn bạo của chế độ phong kiến, bọn vua chúa tàn bạo, bất công chà đạp quyền sống con người, dù là ở Việt Nam hay Trung Quốc.
– Là người đầu tiên đặt vấn đề về những người phụ nữ hồng nhan đa truân, tài hoa bạc mệnh với tấm lòng và cái nhìn nhân đạo sâu sắc.
– Đề cao quyền sống con người, đồng cảm và ngợi ca tình yêu lứa đôi tự do,
– Khát vọng tự do và hạnh phúc của con người (mối tình Kiều – Kim, về nhân vật Từ Hải).
b. Nghệ thuật:
Học vấn uyên bác, thành công trong nhiều thể loại thơ ca: ngữ ngôn, thất ngôn, ca, hành.
Thơ lục bát, song thất lục bát chữ Nôm lên đến tuyệt đỉnh thi ca cổ trung đại.
Tinh hoa ngôn ngữ bình dân và bác học đã kết tụ nơi thiên tài Nguyễn Du – nhà phân tích tâm lí bậc nhất.
III. Kết luận
Là nhà thơ nhân đạo tiêu biểu (có con mắt nhìn thấu sáu cõi…)
Đóng góp to lớn cho văn học trên nhiều phương diện, đặc biệt đưa thơ ca tiếng Việt phát triển đến đỉnh cao.
Xứng đáng là thiên tài văn học, danh nhân văn hóa thế giới.
  1. Tổng kết, hướng dẫn học bài

– Kiến thức cơ bản cần đạt: tiểu sử, con người và sự nghiệp văn học của Nguyễn Du.
– Viết đoạn văn khoảng 15 dòng thể hiện cảm nhận của bản thân về tác giả Nguyễn Du.

  1. Kết quả thực nghiệm

Có thể thấy phần nào hiệu quả của việc vận dụng đề tài qua bảng số liệu thống kê kết quả khảo sát (Bài kiểm tra 15 phút số 5 – Học kỳ 2 lớp 10, năm học 2012-2013).
Lớp 10A9 (Lớp CB C – nâng cao Toán, Văn, Tiếng Anh) – Không vận dụng

TỔNGĐiểm 5 Điểm 6Điểm 7Điểm 8
SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%
47919.11123.41740.4817.0


Lớp 10A1 (Lớp KHTN – nâng cao Toán, Lí, Hóa, Sinh) – Có vận dụng

TỔNGĐiểm 5 Điểm 6Điểm 7Điểm 8
SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%
4500.0817.82448.91533.3


Theo thống kê trên lớp 10A1 mặc dù không phải là lớp nâng cao môn Ngữ văn nhưng có áp dụng một số cách thức mới trong việc dạy học phần tác giả đã có kết quả đánh giá tốt hơn lớp 10A9 (hai lớp này sử dụng cùng một đề kiểm tra).
Nhìn chung việc vận dụng một số cách thức, kỹ thật dạy học như trên đã mang lại hiệu quả nhất định. Học sinh có chú ý nhiều hơn tới giờ học văn và bài học về tác giả văn học. Học sinh cũng đã đảm bảo những kiến thức cơ bản nhất định và có kỹ năng thuyết minh về tác giả đó.




Phần 3 – KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

  1. Kết luận

Cách đây khoảng 6 thế kỷ, Hoàng Đức Lương trong bài Tựa Trích diễm thi tập đã đau xót về một thực trạng thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời. Thế kỷ XVIII Nguyễn Du cũng nêu lên câu hỏi đau đớn Bất tri tam bách du niên hậu – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Nhưng lúc bấy giờ do chiến tranh, loạn lạc, do chính sách khắt khe của triều đình, do định kiến của xã hội phong kiến. Ngày nay, cả dân tộc đang trên con đường đổi mới, trong đó có đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Chúng ta mong rằng trong thời gian không xa, môn Ngữ văn (một thành tố quan trọng của văn hóa nước nhà) lại được các thế hệ học sinh trân trọng như trước. Chúng ta không phải lo lắng về một người học sinh THPT nào đó không thể giới thiệu được một tác giả, một tác phẩm văn học tiêu biểu của nước nhà.
Mặc dù có thể còn một số hạn chế, nhưng tôi đã mạnh dạn thử nghiệm đề tài này ở một số lớp của ba khối trong các năm học từ 2010-2011 đến 2012-2013 và bước đầu thấy được hiệu quả tích cực.
Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục tham khảo ở đồng nghiệp, ở các nhà nghiên cứu có uy tín để hoàn thiện hơn nữa đề tài, góp phần vào việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT.

  1. Đề xuất

Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nghiên cứu lại phân phối chương trình Ngữ văn Nâng cao lớp 11, tập 1, điều chỉnh lại thời lượng cho các bài học Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Hạnh phúc của một tang gia, Chí Phèo để giáo viên và học sinh có thêm thời gian trao đổi một số vấn đề về bài học nói chung và có phần thời lượng nhất định trao đổi thêm về tác giả Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng và một số tác giả khác, những cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam những năm trước cách mạng.

XÁC NHẬN CỦA HIỆU TRƯỞNGTĩnh Gia, ngày 22 tháng 5 năm 2014
Tôi xin cam đoan đây là SKKN do bản thân tự đúc rút, không sao chép của người khác.

Bài viết gợi ý: