Hình ảnh đất nước trong Việt Bắc của Tố Hữu và Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm?
Gợi ý:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm. Cảm hứng về đất nước mang lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc về hình ảnh Đất Nước với những nét chung và riêng đầy ấn tượng.
- Khái quát về hình ảnh đất nước trong văn học Việt Nam.
Thơ ca giai đoạn 1945-1975 có nhiều sáng tác đặc sắc về đề tài đất nước : Vũ Cao (Núi đôi) cảm nhận về Đất Nước gắn liền với tình yêu lứa đôi và sự hi sinh, mất mát. Tố Hữu (Việt Bắc) viết về Đất Nước với khúc ca hùng tráng về cuộc kháng chiến của những con người tình nghĩa, sắt son đạo lí cách mạng, Dương Hương Ly (Đất quê ta mênh mông) viết về Đất Nước gắn liền với những chiến công của các bà mẹ đào hầm trong tầm đại bác, Lê Anh Xuân (Dáng đứng việt Nam) viết về Đất Nước gắn với hi sinh của người chiến sĩ vô danh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất, Hoàng Cầm (Bên kia sông Đuống) xót xa trước cảnh quê hương bị dày xéo để rồi có khát vọng vùng lên, Đất Nước trong Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? của Chế Lan Viên gắn với hình ảnh những người anh hùng danh tiếng. Các sáng tác kể trên đều có sức sống lâu bền qua nhiều thế hệ những người yêu thơ bởi những đóng góp riêng độc đáo.
Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu và đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng có một đóng góp riêng đặc sắc thể hiện cái nhìn mới mẻ của các tác giả về đất nước.
- Nét chung về hình ảnh đất nước trong 2 đoạn trích
– Cảm hứng về tư thế độc lập, tự do của một nước Việt Nam mới, tư thế của con người tự hào làm chủ đất nước.
– Cảm hứng tự hào và tình yêu Tổ quốc của hai nhà thơ tạo nên hình ảnh đất nước chân thực, tươi đẹp, gần gũi như những gì đang hiện hữu trong cuộc sống của con người Việt Nam.
– Đất nước gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là tự hào về truyền thống bất khuất , anh hùng trong đánh giặc ngoại xâm:
+ Việt Bắc là khúc ca hùng tráng về cuộc kháng chiến chống Phấp của dân tộc, đặc biệt ca ngợi những chiến thắng dồn dập đã đi vào lịch sử.
+ Đất Nước tái hiện truyền thống đánh giặc ngoại xâm qua 4000 năm.
– Cảm hứng về đất nước của nhân dân, nhân dân làm nên đất nước.
– Đất nước đẹp hùng vĩ, khoáng đạt, tráng lệ in đậm dấu ấn một dân tộc có nền văn hiến 4000 năm.
– Cảm hứng lãng mạn, lạc quan hướng tới ngày mai chiến thắng.
– Hai bài thơ đều hướng đến nghệ thuật truyền thống, đậm chất dân gian: thi liệu, ngôn ngữ, giọng điệu, chất chính tri, chính luận kết hợp chất trữ tình, cảm xúc.
- Nét riêng – đóng góp của mỗi nhà thơ.
* Việt Bắc (Tố Hữu)
– Viết vào thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, vì vậy cảm hứng đất nước tập trung vào mảnh đất Việt Bắc – một thời gian dài nó có ý nghĩa đại diện cho đất nước, là linh hồn của đất nước cả về cảnh sắc và những trang sử. Bài thơ là khúc ca hào hùng về cuộc kháng chiến gian khổ mà vĩ đại.
– Bài thơ tô đậm phẩm chất anh hùng cách mạng, tình đoàn kết, nghĩa tình, chia ngọt sẻ bùi, thuỷ chung vẹn toàn của con người Việt Nam trong thử thách. Tất cả dồn trong nỗi nhớ da diết, sâu nặng giữa người đi-kẻ ở.
– Cảm hứng về Việt Bắc – đất nước hoà quyện trong nghĩa tình lưu luyến nhớ nhung- cách thể hiện độc đáo: thể thơ lục bát, hình thức đối đáp, ngôn từ giọng điệu của ca dao dân ca và các biện pháp tu từ.
* Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm)
– Trích từ một chương trong trường ca Mặt đường khát vọng nhưng phần thơ cũng có ý nghĩa như một bài thơ được viết độc lập vì cảm hứng có tính tập trung về hình tượng đất nước. Đất Nước được cảm nhận ở tầm khái quát với nhiều phương diện: Sự hình thành, phát triển, khái niệm, lịch sử dựng nước và giữ nước, nền văn hoá và tâm hồn dân tộc=> hình tượng Đất Nước trọn vẹn, tổng thể.
– Hình tượng Đất Nước được nhìn nhận từ một tư tưởng bao trùm chi phối tất cả, đó là tư tưởng Đất Nước của Nhân dân hay Nhân dân làm ra Đất Nước. Khẳng định điều này, chương thơ làm xúc động người đọc về một chân lí thiêng liêng và giản dị, tính giáo dục cao cần thiết cho nhận thức của thế hệ trẻ thanh niên vùng địch tạm chiếm thời kì chống Mĩ và cho hôm nay, mai sau.
– Nghệ thuật thể hiện: thơ tự do không vần, hai chữ Đất Nước viết hoa, mượn hình thức tâm tình của anh-em (đôi lứa đang yêu)…
- Lí giải:
– Có sự giống nhau là do thời đại, sự gặp gỡ trong tư tưởng các nhà thơ.
– Có sự khác nhau do phong cách nghệ thuật, cảm quan nghệ thuật của mỗi nhà thơ là khác nhau, do yêu cầu sáng tạo nghệ thuật không được lặp lại người khác và lặp lại chính mình.
6. Bình luận: Những nét chung và riêng như đã phân tích ở trên làm cho đất nước trong thơ trở nên phong phú, đa dạng, lấp lánh sắc màu hơn. Và hai tác giả đã góp hai bông hoa tươi thắm mãi trong vườn thơ dân tộc. Từ cảm nhận về đất nước trong hai đoạn trích, mỗi chúng ta không chỉ tự hào về quá khứ hào hùng của đất nước mà còn thêm yêu mến và mong được góp phần công sức nhỏ bé của mình tô thắm non sông.
Xem thêm :
- Tuyển tập đề thi, bài văn hay về Việt Bắc -Tố Hữu
- Tuyển tập đề thi, bài văn hay về Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm