TÁC DỤNG TỪ CỦA DÒNG ĐIỆN – TỪ TRƯỜNG
A)Tóm tắt lý thuyết:
1,Thí nghiệm Ơxtet:
-Đặt dây dẫn song song với kim nam châm.
-Cho dòng điện chạy qua dây dẫn, kim nam châm bị lệch khỏi vị trí ban đầu.
$\Rightarrow $ Có lực tác dụng lên kim nam châm (lực từ).
2,Lực từ:
-Dòng điện chạy qua dây dẫn thẳng hay dây dẫn có hình dạng bất kì đều gây ra tác dụng lực (gọi là lực từ) lên kim nam châm đặt gần nó. Ta nói dòng điện có tác dụng từ.
-Khi chưa đóng công tắc, chưa có dòng điện chạy qua dây dẫn thì kim nam châm định hướng Bắc – Nam. Khi đóng công tắc cho dòng điện chạy qua dây dẫn thì kim nam châm lệch khỏi hướng Bắc – Nam.
3,Từ trường:
-Không gian xung quanh nam châm, xung quanh dòng điện có khả năng tác dụng lực từ lên kim nam châm đặt trong nó. Ta nói trong không gian đó có từ trường.
-Tại mỗi vị trí nhất định trong từ trường của thanh nam châm hoặc của dòng điện, kim nam châm đều chỉ một hướng xác định.
-Cách nhận biết từ trường:
Người ta thường dùng kim nam châm (gọi là nam châm thử) để nhận biết từ trường. Nơi nào trong không gian có lực từ tác dụng lên kim nam châm thì nơi đó có từ trường.
-Từ trường thường được phát hiện ở các khu vực:
+Lân cận các đường dây cao thế.
+Các dây tiếp đất của hệ thống thu lỗi.
+Các dây tiếp đất của thiết bị điện.
+Khu vực xung qunh thiết bị điện đang vận hành: màn hình máy vi tính, đồng hồ điện, máy sấy tóc, điện thoại di động,…
Lưu ý:
+Không nên ngủ gần các thiết bị điện.
+Giữ khoảng cách vài mét đối với tivi.
+Không ngồi gần phía sau màn hình vi tính.
4,Liên hệ thực tế:
-Con người không cảm nhận được từ trường nhưng nhiều loài sinh vật có thể nhận biết được từ trường của Trái Đất như chim di trú, rùa biến,… Khả năng này giúp chúng định hướng và di chuyển rất xa.
-Ví dụ khi buộc nam châm vào một số loài chin di trú, chúng đã bị rối loạn phương hướng và mất khả năng định vị đường bay.
B)Bài tập minh họa:
Câu 1: Chọn phương án sai. Trong thí nghiệm Oxtet: Khi đặt dây dẫn song song với kim nam châm, dòng điện chạy qua dây dẫn thì:
A.Kim nam châm đứng yên không thay đổi.
B.Có lực tác dụng lên kim nam châm.
C.Lực tác dụng lên kim nam châm là lực từ.
D.Kim nam châm bị lệch khỏi vị trí ban đầu.
Hướng dẫn
Đặt dây dẫn song song với kim nam châm.
Cho dòng điện chạy qua dây dẫn, kim nam châm bị lệch khỏi vị trí ban đầu.
$\Rightarrow $ Có lực tác dụng lên kim nam châm (lực từ).
Chọn đáp án A.
Câu 2: Dòng điện chạy qua dây dẫn thẳng hay dây dẫn có hình dạng bất kì đều gây ra tác dụng lực lên kim nam châm đặt gần nó. Lực này là:
A.Lực điện.
B.Lực hấp dẫn.
C.Lực từ.
D.Lực đàn hồi.
Hướng dẫn
Dòng điện chạy qua dây dẫn thẳng hay dây dẫn có hình dạng bất kì đều gây ra tác dụng lực (gọi là lực từ) lên kim nam châm đặt gần nó. Ta cói dòng điện có tác dụng từ.
Chọn đáp án C.
Câu 3: Từ trường là:
A.Không gian xung quanh điện tích đứng yên, xung quanh dòng điện có khả năng tác dụng điện lên kim nam châm đặt trong nó.
B.Không gian xung quanh nam châm, xung quanh dòng điện có khả năng tác dụng lực từ lên kim nam châm đặt trong nó.
C.Không gian xung quanh điện tích có khả năng tác dụng lực điện lên kim nam châm đặt trong nó.
D.Không gian xung quanh dòng điện có khả năng tác dụng lực từ lên điện tích đặt trong nó.
Chọn đáp án B.
Câu 4: Ta nhận biết từ trường bằng:
A.Điện tích thử.
B.Nam châm thử.
C.Dòng điện thử.
D.Bút thử điện.
Hướng dẫn
Người ta dùng kim nam châm (gọi là nam châm thử) để nhận biết từ trường.
Nơi nào trong không gian có lực từ tác dụng lên kim nam châm (làm kim nam châm lệch khỏi hướng Bắc Nam) thì nơi đó có từ trường.
Chọn đáp án B.
Câu 5: Có một số pin để lâu ngày và một đoạn dây dẫn. Nếu không có bóng đèn để thử mà chỉ có một kim nam châm. Cách nào sau đây kiểm tra được pin có còn điện hay không?
A.Đưa kim nam châm lại gần cực dương của pin, nếu kim nam châm lệch khỏi phương Bắc – Nam ban đầu thì cục pin đó còn điện, nếu không thì cục pin hết điện.
B.Đưa kim nam châm lại gần cực âm của pin, nếu kim nam châm lệch khỏi phương Bắc – Nam ban đầu thì cục pin đó còn điện, nếu không thì cục pin hết điện.
C.Mắc dây dẫn vào hai cực của pin, rồi đưa kim nam châm lại gần dây dẫn, nếu kim nam châm lệch khỏi phương Bắc – Nam ban đầu thì cục pin đó còn điện, nếu không thì cục pin hết điện.
D.Mắc dây dẫn vào hai cực của pin, rồi đưa kim nam châm lại gần dây dẫn, nếu kim nam châm không lệch khỏi phương Bắc – Nam ban đầu thì cục pin đó còn điện, nếu lệch khỏi vị trí ban đầu đó thì cục pin hết điện.
Hướng dẫn
Muốn xác định pin còn điện hay hết chỉ với các dụng cụ: dây dẫn và kim nam châm, ta làm như sau:
Mắc dây dẫn vào hai cực của pin, rồi đưa kim nam châm lại gần dây dẫn, nếu kim nam châm lệch khỏi phương Bắc – Nam ban đầu thì cục pin đó còn điện, nếu không thì cục pin hết điện.
Chọn đáp án C.
Câu 6: Từ trường không tồn tại ở đâu?
A.xung quanh nam châm.
B.xung quanh điện tích đứng yên.
C.xung quanh dòng điện.
D.xung quanh Trái Đất.
Hướng dẫn
Từ trường không tồn tại xung quanh điện tích đứng yên.
Chọn đáp án B.
Câu 7: Để kiểm tra xem một dây dẫn chạy qua nhà có dòng điện hay không mà không dùng dụng cụ đo điện, ta có thể dùng dụng cụ nào dưới đây?
A.Một cục nam châm vĩnh cửu.
B.Điện tích thử.
C.Kim nam châm.
D.Điện tích đứng yên.
Hướng dẫn
Để kiểm tra xem một dây dẫn chạy qua nhà có dòng điện hay không mà không dùng dụng cụ đo điện, ta có thể dùng kim nam châm: Đưa lại gần dây dẫn một kim nam châm, nếu kim nam châm bị lệch khỏi phương Bắc – Nam ban đầu của nó thì dây dẫn có dòng điện, còn nếu không thì dây dẫn không có dòng điện.
Chọn đáp án C.
Câu 8: Dựa vào hiện tượng nào dưới đây để kết luận được rằng: Dòng điện chạy qua dây dẫn thẳng có từ trường?
A.Dây dẫn hút các vụn sắt ở gần nó.
B.Dây dẫn hút nam châm ở gần nó.
C.Dòng điện làm cho kim nam châm luôn cùng hướng với dây dẫn.
D.Dòng điện làm cho kim nam châm để gần và song song với nó bị lệch khỏi hướng Bắc – Nam ban đầu.
Hướng dẫn
Ta có thể kết luận: Dòng điện chạy qua dây dẫn thẳng có từ trường dựa vào hiện tượng dòng điện làm cho kim nam châm để gần và song song với nó bị lệch khỏi hướng Bắc – Nam ban đầu.
Chọn đáp án D.
Câu 9: Người ta dùng dụng cụ nào để có thể nhận biết từ trường?
A.Dùng ampe kế.
B.Dùng vôn kế.
C.Dùng áp kế.
D.Dùng kim nam châm có trục quay.
Hướng dẫn
Ta dùng kim nam châm có trục quay để có thể nhận biết từ trường.
Chọn đáp án D.
Câu 10: Có thể coi một dây dẫn thẳng có dòng điện một chiều chạy qua như một nam châm thẳng được không?
A.Có thể, vì dòng điện tác dụng lực từ lên kim nam châm để gần nó.
B.Có thể, vì dòng điện tác dụng lực từ lên vật bằng sắt để gần nó.
C.Không thể, vì dòng điện trong dây dẫn thẳng không hút các vụn sắt về hai đầu dây .
D.Không thể, vì dòng điện trong dây dẫn thẳng hút các vụn sắt đều ở nhau ở bất kì điểm nào của dây.
Hướng dẫn
Không thể coi một dây dẫn thẳng có dòng điện chạy qua như một nam châm thẳng được vì dòng điện trong dây dẫn thẳng không hút các vụn sắt về hai đầu dây.
Chọn đáp án C.