Thao tác giải thích trong nghị luận xã hội yêu cầu chúng ta đi sâu vào những lời phát ngôn thường rất súc tích để tìm hiểu và lí giải nội dung và ý nghĩa bên trong. Chúng ta hình dung có chi đó chưa hiểu những lời phát ngôn này, và chúng ta phải dẫn dắt họ từ chỗ chưa hiểu đến chỗ hiểu được: Lời kia nói gì? Tại sao lại nói như vậy? Để làm sáng tỏ, có khi chúng ta phải đi vào lí giải từ ngữ, điển tích, khái niệm, đi vào nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hẹp, nghĩa rộng, đi vào những cách nói tế nhị, bóng bẩy để hiểu được đến nơi đến chốn điều người ta muốn nói là cái lẽ khiến người ta đã nói như vậy. Trong thao tác giải thích, ta vừa dùng lí lẽ để phân tích, lí giải, vừa dùng dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề, xác định một cách hiểu đúng nhất, chống lại các cách hiểu sai, hiểu không đầy đủ, hiểu không hết ý.
Ví dụ: Cùng phê phán “thói lười biếng” mà mỗi người có một cách nói riêng:
Làm biếng ngồi ăn lở núi non.
(Nguyễn Trãi)
Sự buồn chán bước vào thế giới qua cửa lười biếng.
(La Bruy-e)
Lười biếng làm mòn rỉ trí tuệ và thân thể.
(B. Phran-klin)
Lười biếng là mẹ đẻ của thói ăn cắp và sự đói rét.
(V. Huy-gô)
Trên đường thành công không có vết chân của người lười biếng.
(Lỗ Tấn)
Trong xã hội ta không có nghề nào thấp kém, chỉ có những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ.
(Hồ Chí Minh)
Từ những cách nói khác nhau, chúng ta hiểu ý chủ đạo trong những lời trên đều tập trung phê phán thói lười biếng - nó dẫn người ta đến bần cùng, nghèo đói, nó làm mòn rỉ trí tuệ và thân thể, nó dẫn đến cả thói ăn cắp, làm hư hỏng nhân cách của con người..., nhưng sau khi tìm hiểu ta còn phải trả lời được câu hỏi quan trọng nhất là vì sao thói lười biếng lại dẫn đến những cảnh đáng buồn kia?
Lấy ví dụ câu nói của Lỗ Tấn vừa trích: “Trên đường thành công không có vết chân của người lười biếng”.
Câu nói đã khẳng định bất cứ sự nghiệp thành công nào cũng cần có sự chăm chỉ, cần cù, kẻ lười biếng không bao giờ làm được việc gì to lớn. Vì sao?
- Đó chính là điều ta phải chỉ ra được, giải đáp được trong quá trình giải thích.
• Bước chốt của thao tác giải thích là rút ra điều chúng ta cần vận dụng khi đã tìm hiểu được chân lí. Trong đề bài trên, trước những lời lên án thói lười biếng và nhận rõ sự lên án ấy là rất xác đáng thì kết luận của chúng ta là gì? Vận dụng những lời nói chí lí này vào cuộc sống hàng ngày - từ học tập, lao động đến các hoạt động khác, mỗi chúng ta phải như thế nào?
Thao tác giải thích đòi hỏi qua 3 bước:
- Làm sáng tỏ điều người ta muốn nói.
- Trả lời vì sao người ta đã nói như vậy?
- Từ chân lí được nói lên, rút ra bài học gì trong thực tiễn? Làm