Bài làm
Theo em, người bạn tốt trước hết là người dễ gần gũi, có thể hòa nhập với các bạn cùng lớp. Nếu biết hòa nhập với các bạn khác thì riêng bản thân bạn đó đã có nhiều bạn, và chúng ta dễ dàng tìm thấy ở đó một người bạn tốt.
Hai là người bạn tốt phải là người có lòng tốt, biết yêu thương bạn bè. Đối với bạn, phải thực lòng, không dối trá, thì mới có thể là bạn tốt được. Nếu thấy bạn bè gặp phải chuyện buồn thì người bạn phải biết cách an ủi, yêu thương bạn bè là biết cảm thông với bạn, tìm cách giúp đỡ bạn khi cần thiết. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà giúp đỡ bạn sao cho bạn vui lên, hết buồn, nhưng về việc học tập thì chỉ giúp đỡ khi bạn thực sự cần mình để bạn và mình đều có kết quả tốt nhất trong việc học hành. Không nên yêu bạn mà làm hộ bài cho bạn, làm cho bạn ỷ lại.
Thêm nữa một người bạn tốt phải là người cần cù, chăm chỉ. Bất cứ một người nào cũng cần có đức tính đó, một người bạn mà có đức tính đó thì người chơi với người ấy chắc chắn cũng sẽ học tập được một phần nào ở bạn mình. Cần cù, chăm chỉ không chỉ giúp chính bản thân mình, tạo điều kiện cho mình được hoàn thiện hơn mà còn làm người bạn cảm thấy họ có được người bạn như vậy và họ sẽ phải cố gắng để được như mình.
Một người dễ gần gũi, biết hòa nhập, biết yêu thương bạn bè và chăm chỉ thì chắc sẽ là một người chẳng những có sức học khá mà còn hơn thế nữa, học rất giỏi. Vậy một người bạn tốt có thể là một người học giỏi nhưng chưa chắc người bạn tốt nào cũng đều học giỏi. Không có, nếu không muốn nói rằng rất hiếm thấy một người nào có thể toàn thiện toàn mĩ. Một người bạn tốt, nói chung, dưới con mắt của những người bạn khác, là một người tốt. Tất nhiên ý kiến của những người bạn xấu đối với bạn đó thì chẳng nói làm gì.
Cuối cùng, người bạn tốt nào cũng cần có tính thẳng thắn, đứng đắn. Trong mọi trường hợp bạn ấy phải tỏ rõ đức tính đó của mình. Đó là không bao che khuyết điểm của bạn, cho dù đó là bạn thân hay bạn nào khác mà mọi người ngại “đụng tới”. Thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những thói hư tật xấu. Nếu mình có lỗi hay khuyết điểm thì phải sẵn sàng nhận. Càng không được tham gia vào những hoạt động không lành mạnh.
Mặt khác người bạn tốt ấy cũng phải có tính bao dung, rộng lượng. Nếu bạn nào có lỗi với mình mà đã hối hận, xin lỗi mình thì mình nên tha lỗi cho bạn, mà không nên chấp nê, để bụng vv... Có như vậy mọi người mới cảm thấy ở ta một con người tốt bụng và do đó, chúng ta sẽ có được nhiều bạn bè hơn. 
Em chắc chắn rằng một người tốt có đầy đủ phẩm chất như thế thì ở gia đình bạn ấy cũng sẽ là một người con ngoan của cha mẹ, được mọi người yêu mến, kính trọng.
Theo em nghĩ, tóm lại, người bạn tốt cần có các đức tính: đoàn kết, hòa nhập, yêu thương bạn bè, thẳng thắn, đứng đắn và biết bao dung, rộng lượng. Nhưng trong thực tế có lẽ rất ít ai có được đầy đủ các phẩm chất như thế. Ai cũng có mặt tốt, mặt chưa tốt, nên các đức tính nêu trên cũng chỉ là lí tưởng mà con người ta mơ ước đối với người bạn của mình. Muốn có bạn tốt mỗi người chúng ta phải góp phần xây dựng cho bạn đó, giúp bạn tránh xa cái xấu, và trở thành tốt hơn. Nếu chúng ta có được nhiều bạn tốt thì cuộc sống chúng ta cũng sẽ được nhiều hạnh phúc. Riêng em, em mong mình có nhiều bạn tốt và mình cũng là một người bạn tốt của các bạn.

Bài viết gợi ý:

1. Hãy giải thích câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

2. Thủ đô Hà Nội chúng ta đang xây dựng những nếp sống đẹp. Bởi vậy, mọi người thường hay nhắc đến câu ca dao xưa: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Theo em, ý nghĩ của câu ca dao đó là như thế nào? Người Thủ đô ngày nay nên suy nghĩ gì về ý nghĩa đó?

3. Em hiểu như thế nào về lời khuyên của nhân dân thể hiện trong câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

4. Trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.” Em hiểu lời dạy đó như thế nào? Theo em, phải làm gì để thực hiện lời dạy đó của Bác Hồ.

5. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ Khai mạc Trường Đại học Nhân dân ngày 19-5-1955, Bác Hồ dạy: “Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”. Em hiểu lời dạy trên đây của Bác Hồ như thế nào?

6. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Không thầy đố mày làm nên”, nhưng lại có câu khác: “Học thầy không tày học bạn”. Hãy giải thích rõ ý nghĩa và mối quan hệ giữa hai câu tục ngữ nói trên.

7. Giải thích câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”.