PHÂN TÍCH ĐỀ
1. Kiểu đề: Giải thích
2. Nội dung: Lời khuyên về thái độ, hành động đúng đắn của con người trước mọi điều phải trái trong cuộc sống: Điều phải, dù nhỏ vẫn cố làm cho kì được. Điều trái, dù nhỏ vẫn phải hết sức tránh.
3. Tư liệu: Dẫn chứng thực tế đời sống.
DÀN BÀI
1. Mở bài
- Bác Hồ rất quan tâm đến thanh thiếu niên chúng ta. Người luôn luôn ân cần chỉ bảo từ những điều lớn lao đến những điều nhỏ bé.
- Dẫn lời dạy của Bác.
2. Thân bài
a. Thế nào là điều phải, điều trái? Thế nào là điều phải nhỏ, điều trái nhỏ?
- Điều phải là điều đúng với lẽ phải, điều tốt, điều đúng. Có điều phải lớn lao, có điều phải nhỏ bé.
- Điều trái là điều không đúng với lẽ phải, điều xấu, điều sai. Có điều trái lớn lao, có điều trải nhỏ bé.
b. Tại sao đối với điều phải thì cố làm cho kì được, đối với điều trải thì hết sức tránh?
- Phải làm điều phải, dù là việc nhỏ. Nhiều việc nhỏ góp lại sẽ thành việc lớn. Ý thức đạo đức khiến ta không thể từ chối việc làm ấy.
- Phải hết sức tránh làm điều trái, điều có hại cho người, cho ta, dù là điều trái nhỏ. Nhiều điều trái nhỏ tích lũy lại sẽ thành điều trái lớn. Làm điều trái dù lớn dù nhỏ cũng đều vi phạm đạo đức xã hội.
c. Vâng lời Bác Hồ dạy, ta phải làm gì?
- Không được xem thường cái nhỏ nhặt dù là cái phải hay cái trái.
- Cần thận trọng, tự kiểm soát suy nghĩ và hành động của bản thân mình một cách thường xuyên.
- Cố gắng làm nhiều việc tốt, bỏ dần điều xấu.
3. Kết bài.
                                                                                                  Bài làm
Là một tấm gương tuyệt vời về đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, Bác Hồ không những đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho chính mình mà Bác còn đặt ra yêu cầu cao đối với tất cả những cán bộ cách mạng, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên Việt Nam.
Tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân ngày 19-1-1955, Bác Hồ đã dạy:
“Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trải nhỏ.”
Chúng ta phải hiểu câu nói trên ra sao và tuân theo lời dạy quý báu của Bác như thế nào?
Trước hết, điều phải là gì? Điều phải nhỏ là những điều gì? Điều phải là những điều đúng, điều tốt, đúng với lẽ phải, với quy luật, thuận với đạo lí, phù hợp với mọi người, có ích cho xã hội. Điều phải lớn như hi sinh xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì lí tưởng. Điều phải nhỏ là những việc xảy ra hàng ngày trong sinh hoạt của mọi người. Đó là những việc đúng, việc tốt, đúng với lẽ phải, hợp lí vừa lòng đối với mọi người chung quanh ta. Chẳng hạn như việc nhặt được của rơi đem trả lại cho người mất hay như giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, không xả rác bừa bãi chẳng hạn.
Còn điều trái là gì? Điều trải là những điều sai, sai với lẽ phải, với sự thật, làm hại kẻ khác, không có lợi cho mọi người. Điều trái lớn như phản bội lại quyền lợi dân tộc, nhân dân, tổ quốc làm tổn hại tới cuộc sống của cộng đồng. Điều trái nhỏ là những việc sai, không đúng, tuy là nhỏ nhặt nhưng cũng có tổn hại ít nhiều đến người khác. Đối với học sinh chúng ta, chẳng làm như việc nói chuyện trong lớp tuy lỗi không lớn nhưng cũng là vi phạm nội quy lớp học và gây ảnh hưởng không tốt đến trật tự, có ảnh hưởng nhất định đến việc học tập của người khác.
Bác Hồ đã dạy rõ: Đối với điều phải, đã cho là đúng, là phải và cần thiết làm thì dù việc đó có nhỏ thì chúng ta cũng quyết tâm thực hiện cho kì được quyết không trốn tránh hay bỏ cuộc nửa chừng. Trên phương diện đạo đức, người ta đánh giá việc làm phải của mỗi người là ở tinh thần và mục đích của việc làm ấy chứ không phải là ở tầm cỡ hay kết quả của nó. Hơn thế nữa, nhiều đều phải nhỏ góp lại sẽ thành điều phải lớn. Không phải lớn không phải lúc nào cũng xảy ra và ai làm cũng được. Do đó, chúng ta nên “tùy theo sức của mình” mà là những việc phải nhỏ thường xuyên có mặt trong cuộc sống của mình.
Còn đối với điều trái, đã cho là không đúng thì phải hết sức tránh, dù là điều trái nhỏ. Nghĩa là chúng ta bằng mọi cách phải từ chối, không tham gia, phải tự chiến thắng bản thân mình, chiến thắng những cám dỗ vật chất. Bác Hồ căn dặn chúng ta không được coi thường điều trái nhỏ, phải hết sức tránh nghĩa là không nên làm, tuyệt đối không được làm. Tại sao vậy? Bởi vì đã là điều tra thì tất nhiên là có hại cho chính bản thân mình và cho người khác. Về mặt đạo đức, đặc biệt cách mạng không cho phép con người nhúng tay vào điều trái dù là điều trái nhỏ. Hơn thế nữa, nhiều điều trái nhỏ góp lại sẽ thành điều trái lớn. Nhiều lần làm điều trái sẽ dẫn chúng ta tới thói quen “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Không tránh làm điều trái nhỏ là ta đã vi phạm vào đạo đức xã hội.
Câu nói trên là một lời khuyên dạy ngắn gọn về mặt hình thức rõ ràng dễ hiểu về mặt nội dung.
Bác Hồ nhắc nhở, giáo dục mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ một phương châm sống và hành động là hãy làm theo lẽ phải, bảo vệ chân lí, nhất quyết không làm điều trái có hại cho người khác.
Lời khuyên dạy của Bác thật vô cùng quý giá và sâu sắc. Qua đây, chúng ta thấy Người luôn luôn quan tâm đến mọi người nhất là đến thanh thiếu niên chúng ta.
Để thực hiện được lời khuyên dạy trên, trước hết chúng ta không được khinh suất coi thường những điều nhỏ nhặt kể cả những điều phải lần điều trái. Hàng ngày nên cố tập làm những việc tốt dù đó là việc tốt nhỏ và quyết tâm từ bỏ, tuyệt đối không làm việc trái dù đó là việc trải nhỏ. Là học sinh, chúng ta nên phấn đấu làm theo Năm điều Bác Hồ dạy vì trong đó đã chứa đựng đầy đủ tất cả những việc chúng ta cần phải làm, phải phấn đấu.

Bài viết gợi ý: