A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. TIỂU SỬ CUỘC ĐỜI
- Tố Hữu (1920-2002), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống văn chương, từ sáu, bảy tuổi, Tố Hữu đã học và tập làm thơ.
- Ông giác ngộ cách mạng trong thời kì Mặt trận Dân chủ và trở thành người lãnh đạo Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế.
- Những bài thơ đầu tiên của ông được sáng tác năm 1937, 1938. Tháng 4 – 1939, ông bị thực dân Pháp bắt và giam giữ ở các nhà lao miền Trung và Tây Nguyên. Tháng 3 - 1942, Tố Hữu vượt ngục Đắc Lay, tiếp tục hoạt động cách mạng.
- Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa ở thành phố Huế, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
- Tố Hữu đã vinh dự nhận giải Nhất Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1954 - 1955, Giải thưởng văn học ASEAN (1996), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
II. SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
- Tố Hữu đến với cách mạng và thơ ca gần như cùng một lúc. Nhà thơ giác ngộ cách mạng và cũng gắn bó chặt chẽ với cách mạng. Chặng đường thơ của ông cũng là chặng đường của cách mạng Việt Nam. Vì thế đặc điểm chủ yếu của thơ Tố Hữu là thơ trữ tình - chính trị.
- Từ ấy (1937-1946) là tập thơ đầu tay của Tố Hữu. Từ ấy là tiếng reo vui của một thanh niên giác ngộ lí tưởng, quyết hi sinh phấn đấu cho lí tưởng cách mạng. Tâm hồn ấy đã vượt qua máu lửa, vượt qua xiềng xích để đi đến ngày giải phóng cùng với đất nước.
- Việt Bắc (1954) được ra đời trong thời kì kháng chiến chống Pháp, tập trung thể hiện hình ảnh nhân dân, bộ đội và căn cứ kháng chiến Việt Bắc. Việt Bắc ngợi ca những con người bình thường, những người phụ nữ, anh vệ quốc đã làm những việc phi thường bảo vệ Tổ quốc.
- Gió lộng (1961) là tập thơ viết khi miền Bắc được giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là thời kì tràn đầy sức sống và niềm vui: tập làm chủ, tập làm người xây dựng; dám vươn mình cai quản cả thiên nhiên. Đồng thời nhân dân cả nước tiếp tục đấu tranh thống nhất đất nước. Đây là tập thơ phơi phới tinh thần lãng mạn cách mạng.
- Ra trận (1972), Máu và hoa (1977) tập hợp những bài thơ được sáng tác trong thời kì cả nước kháng chiến chống Mĩ. Hai tập thơ ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi chiến thắng của nhân dân ta, bất chấp những hi sinh, tổn thất mà chiến tranh gây ra.
- Một tiếng đờn (1992) và Ta bởi ta (1999) cùng được ra đời trong thời kì đất nước đổi mới. Khuynh hướng trữ tình - chính trị vẫn là một nét ổn định trong thơ Tố Hữu. Tuy nhiên, nó không còn là mạch cảm hứng trội nhất. Nhà thơ thể hiện những suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc sống, về giá trị bền vững bất chấp những thăng trầm. Giọng thơ thấm đượm chất suy tư.
III. PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
- Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình - chính trị, chủ yếu bộc lộ những cảm nhận về đời sống trên phương diện chính trị mà ít đề cập đến phương diện đời thường, đời tư. Chính trị trở thành nguồn cảm hứng, nguồn cảm xúc chân thật, sâu lắng.
- Giọng thơ tâm tình của Tố Hữu là lời ca ngọt ngào, thương mến: “Đồng bào ơi, anh chị em ơi”, “Hỡi các chị các anh”,... Nhà thơ thường bộc lộ sự xót xa thương cảm, hay trìu mến, say mê. Thơ lục bát của ông ngân nga, đi vào âm điệu tâm hồn của dân tộc.
- Thơ Tố Hữu đậm nét cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi. Ông luôn hướng về tương lai với niềm tin, tin vào tương lại cách mạng, tin vào con người sống đẹp: “Người yêu người sống để yêu nhau”.
- Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc thể hiện ở cả nội dung lẫn hình thức. Vấn đề cốt lõi của cách mạng và đời sống được Tố Hữu phản ánh theo truyền thống đạo lí của ông cha. Tính dân tộc còn thể hiện ở thể thơ truyền thống; trong vận dụng tục ngữ, ca dao, những lối nói dân dã; trong cách cảm, cách thể hiện.
B. BÀI TẬP VẬN DỤNG
I. ĐỀ BÀI
1. Đề số 1
Tóm tắt những đặc điểm về phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.
2. Đề số 2
Phân tích những biểu hiện tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
3. Đề số 3
Thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Hãy làm sáng tỏ điều đó.
II. GỢI Ý BÀI LÀM
1. Đề số 1
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị.
- Thơ Tố Hữu có giọng tâm tình ngọt ngào.
- Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn.
- Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc.
2. Đề số 2
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
Tính dân tộc trong thơ của Tố Hữu thể hiện ở cả phương diện nội dung và hình thức:
- Về phương diện nội dung: Tố Hữu nhìn nhận và phản ánh hiện thực cách mạng theo truyền thống đạo lí và tình cảm của cha ông. Ở Tố Hữu, tình thương mến của người cộng sản gắn liền với tinh thần lá lành đùm lá rách, với truyền thống thương người như thể thương thân.
- Về phương diện hình thức:
+ Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn và thành công nhiều ở thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát và thơ bảy chữ. Chính vì thế, thơ Tố Hữu dễ đi sâu vào lòng người.
+ Tính dân tộc trong thơ của ông còn thể hiện ở việc vận dụng các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, việc sử dụng các chất liệu ca dao dân ca, tục ngữ,...
+ Thơ của Tố Hữư dễ ngâm, dễ hát và dễ thuộc, đó là nhờ nhạc điệu du dương và lời thơ với giọng tâm tình, ngọt ngào của những bài hát giao duyên.
+ Thơ ca của ông cũng được kết cấu theo kiểu điệu hát thường thấy trong ca dao dân ca.
3. Đề số 3
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
Tính trữ tình chính trị của thơ Tố Hữu thể hiện ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật thơ:
a. Về phương diện nội dung
- Mục đích trong những sáng tác của Tố Hữu là tập trung phụng sự cho cách mạng trong từng giai đoạn (thể hiện qua các tập thơ Từ –ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa).
- Nhân vật trong thơ Tố Hữu:
+ Trong Từ ấy, nhân vật là những thanh niên yêu đời, say mê lí tưởng cách mạng: “Sống đã vì cách mạng, anh em ta! Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà” (Trăng trối),...
+ Trong Việt Bắc, nhân vật là người chiến sĩ, quần chúng cách mạng trong kháng chiến chống Pháp: “Vụt qua mặt trận / Đạn bay vèo vèo/ Thư đề thượng khẩn / Sợ chi hiểm nghèo” (Lượm), ...
+ Trong Gió lộng, nhân vật là những người tập làm chủ, tập làm người xây dựng, đoàn kết, cần kiệm xây dựng đất nước: “Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá/ Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô / Ta nâng niu, gom góp dựng cơ đồ” (Bài ca mùa xuân 1961),...
+ Trong Ra trận, Máu và hoa, nhân vật là hình ảnh nhân dân hai miền của Tổ quốc với độ lớn và trưởng thành hơn trong công cuộc kiến tạo và bảo vệ Tổ quốc trong thời kì mới: “Anh đi xuôi ngược tung hoành Bước dài như gió lay thành chuyển non” (Tiếng hát sang xuân),...
- Tình cảm trong thơ Tố Hữu thiên về chính trị.
+ Đó là tình yêu dành cho Đảng: “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng/ Tấm lòng son chói sáng nghìn thu” (Ba mươi năm đời ta có Đảng).
+ Đó là tình yêu dành cho Bác Hồ: “Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa..” (Theo chân Bác).
+ Đó là tình yêu dành cho đất nước, quê hương: “Ôi Huế ngàn năm, Huế của ta! Đường vào sẽ nối lại đường ray Như con của mẹ về quê mẹ Huế lại về vui giữa Cộng hoà” (Quê mẹ).
+ Đó còn là tình yêu dành cho đồng bào, đồng chí: “Chết nằm xuống còn hôn cờ Đảng/Chết còn trao súng đạn quên đau Chết còn trút ảo cho nhau / Bát cơm dành để người sau ấm lòng” (Việt Bắc).
b. Về phương diện nghệ thuật
- Thơ Tố Hữu tác động vào xúc cảm độc giả bằng những hình ảnh gợi , cảm, nhạc điệu réo rắt, giọng điệu tâm tình của người chiến sĩ cách mạng: “Mình về mình có nhớ ta/ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng” (Việt Bắc).
- Thơ Tố Hữu vận dụng nhiều bút pháp tượng trưng để thể hiện lí tưởng và những ước mơ của người cộng sản: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lí chói qua tim/Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim...” (Từ ấy).
- Hình ảnh đặc biệt nhất vẫn là những gì gần gũi, đơn sơ nhưng rất gợi cảm của quê hương đất nước: “Trời xanh càng rộng càng cao/ Đôi con diều sáo lộn nhào từng không” (Khi con tu hú).