Bài 1:
Con người sống vốn không chỉ để tồn tại một cách riêng lẻ mà luôn luôn có sự chung sức của những người xung quanh. Bởi vậy mà tình làng nghĩa xóm vốn là một truyền thống quý giá của ông cha ta tự bao giờ. Em rất yêu quý những người hàng xóm của em, nhưng trong tất cả, em vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho cô Vi - người họ hàng xa và cũng là người hàng xóm thân thiết của nhà em.
Cô năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi. Dáng người cô nhỏ bé, có khi còn thấp bé hơn cả chính em nữa. Cô Vi có một làn da rám nắng, là minh chứng của những mệt nhoài sau những buổi làm đồng dưới ánh nắng gắt gao của mùa hè rực nắng. Tóc cô mỏng nhưng rất dài được cô búi gọn ra đằng sau đầu. Mỗi khi cô xõa tóc xuống lại thoang thoảng hương bưởi thơm ngan ngát. Cô thích gội bồ kết với hoa bưởi, vì thế mà cái hương thơm dịu dàng truyền thống kia vẫn luôn vương trên mái tóc cô.
Cô không đẹp, nhưng lại mang một vẻ gì đó rất cần cù, chăm chỉ của người phụ nữ Việt Nam. Đôi mắt cô cứ có một vẻ gì đó buồn buồn nhưng cùng ánh lên một vẻ dịu dàng đến lạ. Em ấn tượng nhất vẫn là đôi bàn tay của cô. Đôi tay ấy, chẳng mịn màng hay trắng bóc. Đôi tay ấy in hằn những vết chân chim, những dấu vết của một cuộc đời vất vả, lo toan. Đôi bàn tay không đẹp nhưng cần cù, chăm chỉ, đã chăm sóc biết bao nhiêu loài cây sinh sôi, đã vun được bao nhiêu mảnh ruộng thành hạt thóc thơm cho đời. Đôi tay ấy làm việc không biết mệt nghỉ: cô ra đồng vào sáng sớm tinh sương và về nhà lúc bóng tối đã bắt đầu lan đến. Có thể nói cuộc đời cô có một cuộc đời đầy vất vả.
Cô sống có một mình, bởi thế, em hay thấy cô trở đi rồi trở về một cách rất lặng lẽ. Thế nhưng người phụ nữ ấy không có một vẻ gì yếu đuối mà luôn luôn mạnh mẽ để tự mình làm chủ cuộc sống của chính mình. Biết cô như thế nên nhà em rất hay sang trò chuyện với cô, có khi là cho đi một bát canh, một đĩa thức ăn để cô khỏi phải nấu nướng khi trời đã tối. Cô cũng rất quý gia đình em: khi thì cô biếu gia đình một mớ cua mới bắt, lúc lại cho một rổ tép cô mới xúc ở ngoài đồng. Tỉnh cảm làng xóm cứ thế phát triển qua ngày ngày tháng tháng. Lúc em còn bé, chính cô là người hay sang giúp đỡ bế bồng, chăm sóc. Nay em đã khôn lớn, cô vẫn hay giúp đỡ nhà em mỗi khi khó khăn. Em càng lớn lên thì tấm lưng cô lại càng còng xuống bởi những buổi làm đồng hết sức vất vả. Chỉ có một mình mà cô cấy đến hai mẫu ruộng. Em rất khâm phục sức mạnh của người phụ nữ ấy.
Làm nghề nông, cô thấu hiểu những vất vả mà nó đem đến. Ngày mùa hè, thời tiết thất thường, những trận mưa rào có thể đến bất cứ lúc nào và khiến sân thóc ướt trượt. Cô lại bắt đầu chạy đi giúp đỡ những người xung quanh vun lại đống thóc để chúng khỏi ướt, khỏi trôi dưới dòng nước mưa. Hay giúp đỡ người khác, lại cần cù chăm chỉ nên cô giành được rất nhiều tình cảm của những người xung quanh.
Cô vẫn luôn là người hàng xóm, người cô thân thiết nhất với gia đình em. Cô ngày một già đi, em ngày một lớn lên nhưng tình cảm mà hai gai đình dành cho nhau vẫn y nguyên như ngày trước. Dẫu có đi đâu xa em vẫn luôn nhớ tới cô, tới người hàng xóm tốt bụng đã đi qua hết tuổi thơ và một phần tuổi trẻ của em.
Bài 2:
Bác Tư gần nhà em là một người bán cà rem dạo. Bác là người hàng xóm mà em yêu quý nhất.
Khuôn mặt bác nhăn nheo, như đọng lại biết bao chông gai của một cuộc đời lam lũ. Mái tóc bác đã điểm hoa râm. Đôi mắt bác hiền từ, hiện rõ sự khắc khổ và lắm lo toan. Môi bác nứt nẻ, sầm sậm màu tím. Thân hình bác lộ một vẻ gì đó dày dạn phong trần. Những lúc đi bán hàng, bao giờ bác cũng chỉ mặc một chiếc áo cũ đã sờn bạc. Đôi giày rách cũ kĩ của bác “đôi hia bảy dặm” đã giúp bác bước trên bao nhiêu quãng đường dài. Rồi cứ thế, bác mang thùng cà rem đi ra đường. Bước những bước chân vô định, thỉnh thoảng, bác dừng lại trước bao cặp mắt them thuồng của mọi người và dõng dạc hô to câu nói muôn thuở: “Cà rem đây! Cà rem năm trăm một cây đây!”. Tiếng rao của bác vang xa, vọng mãi trên bầu trời xanh thẳm không cùng. “Cà rem” – những đứa trẻ thường nhại lại lời ra của bác. Những lúc rảnh rỗi, bác thường trò chuyện với em và dặn: - Cháu cố gắng học lên, được đi học là một niềm hạnh phúc. Không có học thức, cháu sẽ phải làm lao động chân tay nặng nhọc, sẽ khổ như bác đấy!
Mà bác khổ thật, bán cà rem về, bác còn phải làm biết bao nhiêu công việc không lúc nào nghỉ ngơi. Bác thức khuya dậy sớm, không sợ khó, không sợ khổ. Ấy vậy mà bác luôn hòa nhã, hiền từ, dễ mến đối với mọi người. Sự khổ cực không thể đánh phá được những cái tốt, cái đẹp trong con người hiền hòa như bác.
Bác Tư ơi! Bác mãi là người hàng xóm mà em yêu quý nhất.
Bài 3:
Ông bà em đã già, sức khỏe không được như trước nữa nên bố mẹ em quyết định chuyển sang ở hẳn cùng với ông bà để tiện chăm sóc. Trong khoảng thời gian đó, em đã được làm gặp và làm quen cô Liên – một giáo viên mầm non đồng thời cũng là người hàng xóm thân với gia đình em.
Cô có dáng người mảnh mai và dong dỏng cao. Khuôn mặt cô thon tròn, trắng với đôi gò má ửng hồng. Đôi mắt cô to và hiền dịu, đeo cặp kính cận đen và dày cộm. Mái tóc của cô dài ngang lưng, đen óng ả. Cô thường chải và sau đó búi gọn gàng. Thường ngày cô hay mặc áo có cổ cùng quần Âu để đi dạy học. Khi ở nhà, cô mặc áo phông cùng quần sooc. Những hôm trời hè oi ả, cô mặc váy hoa xòe nhìn rất đáng yêu.
Cô thường hay sang nhà em chơi. Mỗi lần như thế, cô thường mang những món quà nho nhỏ cho em: lúc thì là một cái cặp tóc nơ hồng, lúc thì gói bim bim, có khi lại là một cuốn truyện tranh thiếu nhi. Cô rất tốt bụng và chu đáo. Ông bà em kể rằng, có những hôm trái gió trở trời, ông bà đau nhức mình mẩy không thể tự mình lo việc bếp núc nhà cửa, mà bố mẹ em đi công tác xa không thể tới thì cô hay qua phụ giúp. Cô quét dọn nhà cửa và nấu cơm rồi ở lại ngồi ăn cùng ông bà. Vào những ngày nghỉ hay sau giờ làm, cô hay qua xem tình hình sức khỏe của ông bà nữa. Bố mẹ em biết vậy cũng yêu quý cô lắm. Gia đình em ai ai cũng coi cô là một thành viên trong nhà.
Sang tháng cô đi lấy chồng và sẽ không còn ở lại đây nữa. Tuy rất buồn và sẽ rất nhớ cô, nhưng em luôn mong cô sẽ hạnh phúc và thành công trong công việc.
Bài 4:
Anh Nam là người hàng xóm cạnh nhà em. Anh hơn em năm tuổi nhưng có nhiều đức tính tốt em cần học hỏi. Mọi người trong làng ai cũng quý mến anh.
Anh có dáng người cao dong dỏng, nước da rám nắng có lẽ vì những khó khăn cuộc sống còn vương lại, in đậm trên màu da của anh. Đôi mắt anh đen láy, anh luôn nhìn mọi người với ánh mắt trìu mến, ánh nhìn thẳng đầy tin tưởng và sự quả quyết. Gương mặt anh tròn cùng với vầng trán cao rộng tô đậm sự cương trực, nét thông minh. Anh Nam là người dễ gần, phải chăng anh sở hữu nụ cười duyên với chiếc răng khểnh luôn tạo thiện cảm với người khác. Giọng nói của anh trầm ấm như tính cách của anh vậy. Vậy mà đôi lúc anh cũng giỏi pha trò cười bởi sự hóm hỉnh của mình, nét tươi duyên luôn để lại sự bâng khuâng, xao xuyến nơi người đối diện. Mái tóc đen bóng được hớt gọn gàng tạo thêm vẻ lanh lợi cho khuôn mặt. Sống với người ông nội, còn bố mẹ ở xa nhà nên mọi việc nhà anh đều phải tự lo liệu. Điều đó làm đôi bàn tay rắn chắc của anh xuất hiện nhiều vết chai sần khác với đôi bàn tay trắng trẻo của bạn bè cùng trang lứa.
Anh Nam học rất giỏi, anh biết cách sắp xếp thời gian một cách hợp lý. Ở trường, anh là cậu học sinh chăm ngoan, trong top đầu những môn tự nhiên. Những tấm giấy khen ghi nhận bao cố gắng của anh trong học tập. Điều đáng quý là anh luôn hòa đồng với bạn bè, thầy cô thay vì kiêu ngạo. Lúc ở nhà, anh phụ ông chăm sóc đàn gà, cơm nước và giặt giũ…mọi việc đều được thực hiện chu đáo. Thỉnh thoảng vào buổi chiều, em qua nhà, nhờ anh giảng cho một bài toán. Dù dở tay anh cũng niềm nở giải đáp thắc mắc của em trong khi giọt mồ hôi còn lăn dài trên nét mặt. Sống xa sự chăm sóc của bố mẹ, anh lại tập cho mình lối sống tự lập. Em thấy anh là người vui tính, cởi mở và lạc quan. Em không thể tưởng tượng được nếu mình không trong vòng tay yêu thương của bố mẹ thì điều gì sẽ xảy ra! Em còn học tập ở anh sự quyết đoán, ngay khi bước vào lớp mười anh tự xác định bước đi tiếp theo của cuộc đời mình mà không cần ai trỏ vẽ. Em nhớ anh từng nói sự siêng năng, bền bỉ và nỗ lực không ngừng nghỉ là chìa khóa của sự thành công. Anh có vốn hiểu biết sâu rộng bởi anh lúc nào cũng chăm chỉ đọc sách, em coi anh như tấm gương sáng để noi theo, học hỏi.
Em coi anh Nam người hàng xóm cạnh nhà em như người anh trai của mình. Em hứa sẽ cố gắng tốt như người anh ấy.
Bài 5:
Xung quanh chúng ta bên cạnh người thân trong gia đình thì vẫn luôn tồn tại những người hàng xóm tốt bụng. Bác Hoàng, hàng xóm bên cạnh nhà em chính là một người như vậy.
Bác Hoàng là một người đàn ông hòa đồng, vui vẻ, thân thiện và tốt bụng. Hiện tại bác đang là một bác sĩ mở phòng khám tư tại nhà. Năm nay bác đã tròn năm mươi tuổi, bác sống một mình cùng bác gái còn con cái của bác thì đi làm ở xa, lâu ngày mới về. Chính vì thế lúc nào bác cũng cưng chiều em, yêu quý em, coi em như người thân trong gia đình vậy. Mái tóc bác dày và đen, trên mái tóc điểm những sợi tóc bạc trắng như cước do dấu hiệu của tuổi tác. Dáng người bác cao, hơi gầy với một làn da ngăm màu bánh mật. Khuôn mặt bác vuông chữ điền, hiền từ và phúc hậu. Bác có đôi mắt nhỏ, đen láy, nơi khóe mắt đã xuất hiện những nếp nhăn xô lại với nhau. Đặc biệt, bác thường hay đeo kính, mỗi khi đeo thêm chiếc kính vào, trông bác càng thêm trí thức. Bác Hoàng có đôi bàn tay to, nổi lên những chấm đồi mồi và những vết chai sạm của một đời lao động cần cù,vất vả. Bác hoàng rất hay cười, khuôn mặt bác lúc nào cũng tươi vui khiến mọi người xung quanh ai cũng yêu quý bác. Trong ấn tượng của em, bác Hoàng lúc nào cũng là một người vô cùng lịch sự và đứng đắn. Bác thường mặc áo sơ mi và quần âu thắng thớm khi đi ra ngoài, còn khi ở trong phòng khám, bác lại khoác trên mình bộ áo blouse trắng đặc trưng của người bác sĩ.
Bao nhiêu năm qua, bác đã giúp cứu sống, chữa trị cho biết bao người, thỉnh thoảng, có một vài người là bệnh nhân cũ của bác thường mang quà đến cảm ơn. Bác đã không quản nắng mưa vất vả, chăm lo cho những người xung quanh. Bác cũng giúp đỡ gia đình em rất nhiều. Mỗi khi nhà em có việc gì quan trọng, bác đều tham gia lo toan, đóng góp công sức của mình. Có gì ngon bác cũng đều mang biếu nhà em để cùng chia sẻ, đặc biệt là hay cho em những gói bánh, gói kẹo, mong em hay ăn chóng lớn. Em rất yêu quý bác Hoàng và biết ơn bác.
Bác Hoàng đôi khi giống như một người ông, người cha, người bạn của em vậy. Trong công việc, bác là một người nghiêm túc, hết mình, tận lực tận tâm, còn trong cuộc sống hàng ngày, bác lại là một người hòa đồng, gần gũi với mọi người xung quanh. Dù có đi đâu xa, em cũng sẽ không bao giờ quên người hàng xóm tốt bụng của em.
Đề 6:
Cạnh nhà em là gia đình một bác hàng xóm đã nghỉ hưu. Bác tên là Hậu, bác tuy năm nay đã gần 60 tuổi nhưng bác vẫn còn nhanh nhẹn và tinh tường mọi thứ.
Sáng nào em đi học cũng thấy bác đã dậy sớm đi chợ về trên tay bác là cái làn với đầy đủ thức ăn hoa quả cho một ngày. Hôm nào em chào bác bác cũng cười thật tươi với mẹ con em. Nụ cười ấy thật hiền từ và phúc hậu. Bác có mái tóc dài nhưng đã điểm những sợi tóc bạc lốm đốm, bác thường búi tóc đằng sau rất gọn gàng. Người bác hơi đậm và cao, bác bước đi chậm rãi nhưng chắc chắn. Da bác đã điểm những nốt đồi mồi màu nâu nhưng vẫn để lộ ra đôi mắt hiền từ. Mỗi khi bác cười là đôi mắt ấy lại nheo lại và hiền từ phúc hậu làm sao.
Điều em yêu quý nhất ở bác là bác rất hiền lành và không bao giờ quát mắng trẻ con. Bác rất quý chúng em, lần nào bác đi chợ hay đi lễ về bác đều gọi chúng em lại cho quà cho lộc. Cầm như cái kẹo những gói bánh bác cho em cảm thấy rất vui và cảm động vì bác đã già rồi nhưng vẫn rất quan tâm đến chúng em. Bác rất thích trồng cây cảnh, sáng nào em cũng thấy tưới nước trên mỗi chậu cây hay dùng kéo để tỉa cành lá rụng. Nhìn những chậu cây cảnh xanh tốt của bác em biết bác là người rất yêu cây và rất cẩn thận chu đáo. Có lần chúng em đá bóng chẳng may vào chậu cây cảnh của bác làm một cành cây bị gãy và hoa rụng xuống đất khi đó chúng em nghĩ bác sẽ giận và mắng chúng em tuy nhiên khi chúng em lí nhí xin lỗi bác chỉ mỉm cười nhẹ nhàng và bảo “không sao các cháu lần sau chú ý hơn nhá”.
Có một lần em bị điểm kém, trên đường về nhà em vừa đi vừa khóc vì sợ buổi tối về nhà mẹ sẽ mắng quát em, vậy là em ngồi ngoài công viên gần nhà không dám về nhà. Khi đó bác Hậu đi đâu về và nhìn thấy em, sau khi hỏi rõ đầu đuôi và bác bảo em về nhà bác đã. Em ngoan ngoãn đi theo bác, rồi bác nhẹ nhàng ân cần vỗ về em và phân tích cho em hiểu rằng đó không phải là điều xấu rằng ai cũng có những lỗi lầm và động viên em về nhận lỗi với bố mẹ và hứa sẽ ngoan hơn sẽ học chăm hơn để không bị điểm kém. Hôm đó em nghe lời bác em về nhà làm theo lời bác dặn, hôm đó bố mẹ em cũng không quát mắng em như mọi lần nữa.
Em rất yêu quý bác hàng xóm bởi vì bác rất tốt bụng không chỉ với em mà còn với mọi người xung quanh. Bố mẹ em dặn em luôn phải ngoan ngoãn với bác Hậu để không phụ lòng tốt của bác.
Bài 7: Đoạn văn
Trong xóm em yêu quý nhất là bác Hà. Nhà bác ở ngay cạnh nhà em. Năm nay bác đã ngoài bốn mươi tuổi. Bác là bạn của mẹ em, cùng công tác với nhau nên nhà em và nhà bác thân nhau lắm. Bác và mẹ em coi nhau như hai chị em gái vậy. Bác có dáng người dong dỏng cao, gương mặt thanh thoát ưa nhìn. Bác có mái tóc dài, den nhánh luôn được bác buộc gọn gàng và vào những ngày hè nóng nắng oi bức bác thường buộc lên cho mát. Bác rất hay cười và rất thân thiện với mọi người xung quanh. Bác luôn giúp đỡ mọi người trong bất kì công việc gì. Điều em yêu nhất ở bác là luôn yêu thương mọi người. Bác rất yêu quý em, có cái gì bác cũng gọi em sang. Bác làm công chức nhà nước nên ngoài giờ đi làm thì bác chăm sóc vườn rau. Bác rất vui tính và thân thiện. Em nhớ hồi nhỏ hay sang nhà bác chơi, bác kể cho em biết bao nhiêu là những câu chuyện hay và dạy cho em rất nhiều điều bổ ích. Bác thường hay nói với em rằng tình làng nghĩa xóm là để chỉ sự gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, dòng tộc, mà cao hơn, là sự gắn kết cộng đồng. Bởi vậy mà không ruột rà máu mủ, không họ hàng thân thích, vậy mà bác Hà chăm sóc, thương yêu em như con gái của bác vậy. Đi đâu xa về, bao giờ bác cũng có quà cho chị em tôi. Lúc thì hộp bánh sô cô la, lúc thì con búp bê tóc văng, mắt xanh, lúc thì con gấu nhồi bông mập ú…Điều đó thật đáng quý. Em rất yêu quý bác.
Bài 8: Đoạn văn
Mẹ em thường nói “ Bán anh em xa, mua láng giềng gần” bởi tình nghĩa xóm làng rất quan trọng. Em kính mến bác Hoa- người hàng xóm tốt bụng cạnh nhà em. Bác Hoa năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi, dáng người bác cao dong dỏng. Khuôn mặt trái xoan ánh lên vẻ hiền từ, khiêm tốn. Đôi mắt bác đeo một cặp kính dày bởi bác làm nghề giáo viên, bao năm tháng miệt mài với đèn sách, giáo án nhưng em vẫn cảm nhận được sự trìu mến, dễ gần mỗi lần em gặp bác. Khi bác cười để lộ hàm răng đều đặn cùng với giọng nói ấm áp tạo ấn tượng với người đối diện. Đôi bàn tay bác không thon thả, trắng mịn bởi cuộc sống làm lụng cực nhọc trước đây còn vương lại những vết chai sần. Mái tóc bác dài, đen mượt luôn tỏa ra hương thơm thoang thoảng của hoa bưởi, trái bồ kết. Bác thường mặc chiếc áo hoa màu xanh giản dị. Bác Hoa sống hòa đồng với những người xung quanh nên được mọi người yêu quý. Bác tổ chức lớp học miễn phí cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, động viên các bạn học tập- đó là con đường dẫn đến tương lai tươi đẹp. Những cuộc vận động, ủng hộ người nghèo, đồng bào miền trung, bác luôn đi đầu, nhiệt tình hưởng ứng. Dù bận rộn với công việc giảng dạy trên trường nhưng mỗi khi em có thắc mắc về bài vở, bác Hoa đều giảng giải cho em rất dễ hiểu. Nhờ sự quan tâm của bác, thành tích học tập của em khá lên. Bác Hoa là người hàng xóm thân thiện, có những đức tính tốt em cần noi theo.
Bài 9:
Ngay sát nhà em là nhà bác Khoa . Bác là hàng xóm thân thiết lâu năm nhất của gia đình em. Năm nay, bác năm mươi tuổi. Bác Khoa là giáo viên trường trung học cơ sở Nguyễn Du. Có lần đi xa về, bác cho em tập truyện ngắn. Tuy món quà nhỏ nhưng đó là quyển truyện hay nhất mà em từng đọc. Bác có dáng người cân đối, da trắng, khuôn mặt nhân hậu.
Bác Khoa rất yêu quý trẻ em trong xóm.Thỉnh thoảng, bác kể chuyện cho chúng em nghe.Có lần, sang nhà bác chơi chẳng may em làm vỡ bình hoa. Em xin lỗi bác nhưng bác không trách em mà căn dặn : “ Lần sau cháu phải cẩn thận hơn nhé ! . Bác quả là người nhân hậu.
Em coi bác Khoa như người thân trong gia đình.
Bài 10: Đoạn văn
Ở cách nhà tôi hai căn hộ là nhà bác Khánh. Bác là bạn của ba tôi, cùng công tác với nhau trên tỉnh. Nhà tôi và nhà bác thân nhau lắm. Ba tôi coi bác như người anh ruột của mình. Còn bác thì lại coi ba tôi như người em trai của bác. Tết nhất cúng giỗ hai nhà đều có nhau. Ba tôi thường nói: “Bác Khánh là một người rất tốt, ai cũng quý trọng bác ấy, thương bác ngần ấy tuổi đời rồi mà không có được một mụn con. Nhiều lần ngồi uống cà phê với bác ấy, thấy bác ấy cứ thẫn thờ nhìn những đôi vợ chồng vui vẻ dẫn những đứa con đi dạo chơi mà thương bác đến vô cùng”. Bác coi hai chị em tôi như những đứa con của bác vậy. Đi đâu xa về, bao giờ bác cũng có quà cho chị em tôi. Lúc thì hộp bánh sô cô la, lúc thì con búp bê tóc văng, mắt xanh, lúc thì con gấu nhồi bông mập ú… Bác thường gọi hai chị em tôi bằng một tên gọi thật dễ thương: “Con gái!”. Mỗi lần như thế, tôi thường chạy đến bên bác. Bác ôm tôi vào lòng, rồi đặt lên trán tôi, má tôi những cái hôn ấm áp. Tôi có cảm giác giống hệt như ba tôi thường ôm tôi vào lòng vậy. Cả hai chị em tôi là tôi nhớ như nhớ ba của mình. Nhớ đến da diết.