Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904, tại xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam qua đời ngày 10/12/2010. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, mẹ Nguyễn Thị Thứ có 9 con ruột, 1 con rể và 2 cháu ngoại lần lượt hi sinh. Cuộc đời mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hi sinh. Tại Núi Cấm, thành phố Tam Kì, tỉnh Quảng Nam, công trình tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ, đã được khởi công xây dựng từ ngày 27/7/2009.
(Phác thảo chân dung tượng đài theo nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ – dantri.com.vn)
Từ hiểu biết của mình về người mẹ Việt Nam và các thông tin trên, anh (chị) hãy viết bài văn với tiêu đề: Tượng đài về lòng yêu nước và đức hi sinh.
Có thể tham khảo dàn ý sau đây:
Tượng đài về lòng yêu nước và đức hi sinh
1) Giới thiệu khái quát
– Đất nước Việt Nam với sự hi sinh lớn lao của các bà mẹ qua hai cuộc kháng chiến.
– Hình tượng bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ là tiêu biểu (thông tin như đễ văn đã cung cấp)
2) Phân tích lòng yêu nước và đức hi sinh của các bà mẹ Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến. Lòng yêu nước và đức hi sinh ấy đáng được đúc tượng đài, đáng được Tổ quốc và muôn đời cháu con ghi nhớ.
a) Vai trò và ý nghĩa của người mẹ trong cuộc sống gia đình và với mỗi con người, trong cuộc sống đời thường.
b) Những biểu hiện của lòng yêu nước và đức hi sinh của người mẹ Việt Nam khi đất nước có chiến tranh.
– Từ xa xưa, phụ nữ Việt Nam đã có truyền thống "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Trong các cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, nhiều người phụ nữ cũngnối bước nam nhi lên đường vào trận tuyến, trực tiếp đánh ouàn thù, với biết bao gian khổ, mất mát, hi sinh cả tính mạng (nữ bộ đội, giao liên, những nữ biệt động, dân quân, thanh niên xung phong…). Có thể dẫn ra các tấm gương như: chị út Tịch, bà Nguyễn Thị Định hay 10 cô thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc….
– Không chỉtrực tiếp ra trận, những người phụ nữ trong chiến tranh đã phải một nắng hai sương, thay chồng nuôi con giữ yên gia đình, củng cố hậu phương, chi viện sức của, sức người cho tiền tuyến… Cần tìm hiểu và nêu lên các tấm gương phụ nữ đảm đang trong các cuộc kháng chiến… và trên nhiều bình diện của cuộc sống.
– Tất cả đều là những biểu hiện của lòng yêu nước và đức hi sinh của những người mẹ, người vợ… Nhưng có thể nói một trong những biểu hiện rực rỡ, chói ngời nhất của lòng yêu nước, đức hi sinh của những người mẹ Việt Nam là cống hiến chồng và con, cháu của mình cho Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh.
+ Phân tích ý nghĩa, vai trò của chồng, con, cháu đối với người phụ nữ.
+ Nỗi đau đớn về tinh thần nhiều khi còn ghê sợ hơn nỗi đau thể xác; từ đó thấy nỗi đau, sự thử thách và sức chịu đựng ghê gớm trước cái chết của chồng, con, cháu của những người phụ nữ…
– Phân tích sự hi sinh và thử thách nghiệt ngã của mẹ Nguyễn Thị Thứ: với một người phụ nữ thì một người con hi sinh đã bạc cả mái tóc, đã như mất một cánh tay… ở đây, với mẹ Thứ là 9 người con. Có lẽ trên thế giới khó có một bà mẹ nào phải chịu một mất mát lớn đến như vậy.
3) Ý nghĩa của tượng đài
– Tượng đài là biểu tượng của sự vững bền, vĩnh cửu, trường tồn với thời gian, năm tháng. Điều đó có nghĩa là các thế hệ sau muốn mãi mãi ghi nhận, ghi tạc vào tâm khảm công lao và sự hi sinh của những bà mẹ Việt Nam.
– Tượng đài lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ nhưng nhìn vào đó người ta thấy muôn khuôn mặt anh hùng của triệu triệu bà mẹ Việt Nam; thấy như mẹ Âu Cơ hiện lên sừng sững giữa mây trời non nước; thấy Bà Trưng, Bà Triệu và bao thế hệ người mẹ trong quá khứ lịch sử hào hùng hiện về. Đó là Nguyễn Thị Minh Khai – nữ chiến sĩ tiền bối của phong trào cộng sản Việt Nam; nữ Anh hùng lực lượng vũ trang trẻ nhất, chị Võ Thị Sáu; đó là chị Nguyễn Thị Chiên, người nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; đó là nữ đại tá tình báo Anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Thị Vân (1916 – 1995); đó là nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thế kỉ XX – bà Nguyễn Thị Định; đó là hình ảnh của người sinh viên yêu nước, chiến sĩ biệt động Võ Thị Thắng với "Nụ cười chiến thắng" nổi tiếng…
– Bà mẹ Việt Nam trăm ngàn lần đáng được đúc tượng đài nhất là tượng đài về lòng yêu nước và đức hi sinh.
4) Liên hệ với bản thân và nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với truyền thống yêu nước và đức hi sinh của người mẹ Việt Nam.