Nội dung của câu hát thực chất nói về hai vấn đề: quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Mỗi người đều có Tổ quốc, đó là quốc gia, là quê hương, xứ sở – nơi họ sinh ra và lớn lên. Sống trong quốc gia, xã hội đó, con người được hưởng những quyền lợi nhất định, song họ cũng phải tham gia vào việc xây dựng quốc gia, xã hội ấy. Câu hát đặt ra vấn đề: Mỗi người hãy cống hiến, làm tròn bổn phận, nghĩa vụ của mình để góp phần xây dựng một quốc gia, xã hội giàu mạnh, rồi từ đó chính họ sẽ được hưởng nhữns quyền lợi mà sự giàu mạnh ấy mang lại. Chúng ta sẽ không ngồi chờ hay đòi hỏi những quyền lợi mà bản thân mình không góp sức vào việc tạo nên những quyền lợi ấy.
Đểtriển khai được bài viết có thể nêu lên và trả lời một số câu hỏi như: Vì sao "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay"? Nếu ai cũng sống theo phương châm ấy thì sẽ mang lại điều gì? Và ngược lại? Trong cuộc sống, phương châm này đã được thể hiện như thế nào? Từ những lĩnh vực nào?…
Có thể tham khảo một số ý sau đây:
– Tổ quốc là do nhiều yếu tố, nhiều thành phần tự nhiên, xã hội cũng như nhiều cá nhân con người tạo nên. vẻ đẹp và sự thiêng liêng của Tổ quốc là do công sức, trí tuệ, máu xương của bao thế hệ tạo nên và phải trải qua nhiều tháng năm lịch sử… Có thể nói, mỗi con người khi sinh ra đã chịu ơn Tổ quốc, đã phải có trách nhiệm với Tổ quốc.
– Mang ơn thì phải trả, có trách nhiệm thì phải hành động, nhất là tuổi trẻ đang dồi dào sức lực và trí tuệ – là những người phải nghĩ đến cống hiến trước, hưởng thụ sau; phải nghĩ đến trách nhiệm với Tổ quốc trước đã, không thể ngồi tính toán thiệt hơn.
HS tìm những ví dụ, dẫn chứng cụ thể về bao tấm gương tuổi trẻ sẵn sàng xả thân, cống hiến trí tuệ, sức lực, máu, mồ hôi và nước mắt cho Tổ quốc vinh quang, cho non sông được sáng ngời rạng rỡ trên khắp tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.