Một buổi chiều mùa hè, nắng tàn, không khí không còn vẻ oi nồng, gió thổi mát dịu. Bên Hồ Gươm, mọi người bắt đầu ùa đến, đi bộ, tập thể dục… Tôi ngồi ngắm cảnh đẹp của Hồ Gươm, lơ đãng nhìn về phía cầu Thê Húc duyên dáng, nhìn đoàn khách Tây sang trọng rảo bước. Bỗngmột đám trẻ chạy đến bu xung quanh những người khách nước ngoài. Chúng chĩa món đồ lun niệm vào mặt họ, nhao nhao mời mua. Lòng nao buồn, trong tôi chợt dâng lên những cảm xúc khó tả. Sống mũi cay xộc.
Tôi thấy thương những đứa trẻ. Chúng trạc tuổi em trai tôi (8-9 tuổi) nhưng quần áo cũ kĩ, nhàu nát, đôi dép cáu bẩn vì bụi đường, khuôn mặt lem luốc. Nước da sạm đen vì nắng, vì gió, vì sương… vẻ ngoại hình của chúng hằn lên vẻ nhọc nhằn, sự tự bươn chải kiếm sống.
Thật xót xa khi tận mắt chứng kiến công cuộc mưu sinh nhọc nhằn của chúng. Chúng rao bán quà lưu niệm, trên tay nào là những chiếc nón nhỏ xíu, có đứa thì con rùa màu vàng…. nhao nhao dí vào mặt du khách, nói những câu tiếng Anh bồi trọ trẹ: Help me! Buy ít! Vừa bán mà vừa như ăn xin. Vừa bán mà vừa như cướp giật. Một khách hàng Tây có vẻ dễ tính, vừa rút ví tiền, chúng nhào tới xô đẩy, du nhau, ấn dúi món quà vào tay du khách và xoè tay ra lấy tiền…. Có đứa không nhanh nhảu trong trò cướp khách đành lủi thủi ra xa, nhìn về phía đám đông, bất lực, và thẫn thờ… Có đứa trẻ khác vác chiếc thùng gỗ nhỏ, chạy lăng xăng từ người này qua người khác xin đánh giày. Cuộc trò chuyện với một đứa trẻ lang thang cứ ám ảnh tôi mãi. Đứa bé trai bán báo, đến bên tôi chào mời mua báo. Tôi hỏi giá bao nhiêu.
– Giá bìa đó chị!
– Thế em bán một ngày có hết xấp báo này không?
– Ơchị ơi, đó là niềm mơ ước của em mà!
– Thế em không đi học à?
Đứa bé cười tỏ vẻ từng trải trước sự ngô nghê của tôi, như thể nó biết rằng tôi chẳng hiểu quái gì sất. Đi học? Hoạ có phép màu!
Rồi cậu bé đó lùi lũi bước đi, em tiếp tục rao bán báo. Xấp báo oằn trên cánh tay gầy guộc, người em vẹo một bên, liêu xiêu.
Tôi thấy buồn trước những gì những đứa trẻ lang thang đó nhận được. Có người thì lắc đầu, có người đáp lại lời em bằng tiếng gắt, nhưng có người thì khinh khỉnh không thèm nói, không thèm nhìn…
Điều gì khiến những đứa trẻ bé bỏng vô tội ấy rơi vào cảnh sống lang thang không được học hành, không được ăn no, mặc ấm? Rồi chúng sẽ đi về đâu?
Đường phố Hà Nội về đêm lung linh ánh đèn. Các cửa hiệu buôn bán sáng trưng. Đám trẻ nhỏ lúc trước hung hăng trong cuộc tranh giành khách hàng là thế, bây giờ tản ra, mỗi đứa một ngả. Dáng chúng nhỏ bé, lầm lụi đi trong bóng tối và trong thứ ánh sáng nhấp nháy lập loè của các cửa hiệu hắt vào khuôn viên bờ hồkhiến hình ảnh chúng trở nên chập chờn…
Chúng đi về đâu?
Hay chúng sẽ về một căn nhà trọ ẩm thấp và tồi tàn nào đó?
Hay về một ngôi nhà mà toàn là tiếng chửi rủa?
Hay tìm đến một ghế đá công viên? Lạnh lẽo, trống tênh và thiếu tình yêu thươngủ ấp?
Những tai hoạ nào đang rập rình trước mắt chúng? Chúng có thể dễ dàng đi vào con đường tệ nạn xã hội như ăn Cắp, móc túi vì ra đời sớm, chưa có nhận thức về cuộc sống, không thể tự lao động nuôi sống bản thân,… Đối với các em lớn hơn một chút, có sức khoẻ thì đi làm mướn, làm thuê nhưng cũng dễ bị người xấu dụ dỗ vào con đường phạm pháp, nghiện ngập. Hơnnữa, những trẻ em lang thang này thường sống thành từng băng nhóm, sinh hoạt không lành mạnh, tiêu xài hoang phí với số tiền bất chính có được. Các em nữ lại càng khó khăn và dễ bị lạm dụng hơn…
Những cuộc đời, những số phận ấy cần biết bao những tấm lòng nhân ái dang rộng cánh tay cưu mang các em: Làng trẻ SOS, Trung tâm Hi Vọng, Mái ấm tre xanh, cô nhi viện,…
"Hãy lau khô cuộc đời em bằng tình thương, lòng nhân ái của con người. Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em, bằng tất cả trái tim con người Việt Nam!"
Lòng nhân ái của người Việt Nam là một nguồn vốn xã hội không nhỏ. Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa cho việc biến tình thương thành hành động. Hãy cùng nhau thắp lửa trong trái tim nhân ái của chính mình để cứu những mảnh đời bất hạnh. Hãy đem nụ cười đến với những gương mặt non nớt sớm lo toan, xoa dịu những âu lo già hơn tuổi để đến một ngày không xa, khắp nơi trên mọi mién đất nước của chúng ta không còn một trẻ em nào phải sống cuộc đời lang thang, cơ nhỡ.