Sáu năm sau từ ngày tôi rời ngôi trường đại học này, tôi có dịp trở lại cổng trường. Tôi đứng chờ cháu tôi ở cổng. Chợt tôi nhận ra mình và nhiều người đang đứng dưới bóng mát một cây bồ đề. Tôi nhớ lại chuyện cũ...
Anh làm nghề bơm vá xe. Ít ai để ý đến anh trừ khi chiếc xe đạp hay xe máy của mình có vấn đề. Anh làm việc trên lề đường, trước cổng một trường đại học lớn của thành phố. Vỉa hè một quãng dài cháy nắng vì không một bóng cây. Cái nóng như dữ dội vì đây là con đường chính dẫn vào cảng, nhiều cây. Cái nóng như dữ dội vì đây là con đường chính dẫn vào cảng, nhiều xe qua lại. Những người chờ nhau trước cổng trường vẫn chịu đựng tình cảnh ấy. Một ngày kia anh đi làm và mang theo một cây bồ đề bé tí. Anh trồng nó xuống vỉa hè. Đám sinh viên chúng tôi ngồi gần đấy. Có đứa yên lặng nể phục công việc tình nguyện của anh nhưng cũng có đứa lắc đầu thương cảm cho cái anh vá xe lẩn thẩn, rằng: “Hơi đâu làm chuyện công quả, bao nhiêu năm sau mới được hưởng bóng mát, mà có ai ghi công đâu cơ chứ?”
Rồi chúng tôi ra trường. Tôi cũng quên bằng chuyện đó qua bao nhiêu ngày tháng. Cây bồ đề lặng lẽ thuộc về mọi người. Những người khách ghé qua cần anh giúp đỡ, có ai biết anh còn giúp đỡ cả bóng mát nữa không? Giờ đây, cây bồ đề cao lớn tỏa bóng râm. Nhiều vết mé nhánh của nhân viên cây xanh đường phố cho biết giờ đây nó thuộc về Nhà nước. Anh vẫn ngồi đó dưới bóng cây “của mình”. Thỉnh thoảng nhẹ nhàng anh bưng cái hộp sắt đựng đồ nghề lùi vào trong nhường chỗ cho người khác.
Tôi và bạn vẫn quen hưởng một cái gì có sẵn hơn là tạo ra nó phải không - nhất là tạo ra nó một cách vô tư? Ta vẫn quen đòi hỏi hơn là cho đi, và khi cho đi vẫn quen được công nhận hơn là vô danh? Tôi nhớ văn hào Geoth đã nói “cây đời mãi mãi xanh tươi”. Cuộc đời có biết bao nhiêu là lòng tốt ẩn danh, biết bao bóng mát khuyết danh.