Phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương qua hai tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Giới thiệu về hai tác giả,hai tác phẩm:
– Nguyễn Tuân(1910- 1987) là người có ý thức cao về cái tôi cá nhân tài hoa, uyên bác. Ông tìm đến với thể tùy bút như một điều tất yếu. Tùy bút Người lái đò sông Đà là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc, tác phẩm được in trong tùy bút Sông Đà.
– Hoàng Phủ Ngọc Tường(1937), là nhà văn có sở trường về thể bút ký, tùy bút, với một phong cách nghệ thuật độc đáo. Ai đã đặt tên cho dòng sông được viết vào tháng 1-1981 tại Huế. Bài ký đã thể hiện một lối hành văn phóng túng, tài hoa của nhà văn.
Phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương
* Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà
– Được gợi ra từ lời đề từ: “Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”
– Nhìn từ trên cao xuống: Sông Đà mềm mại thướt tha với vẻ đẹp xuân sắc: “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.
– Sự biến ảo của sắc nước sông Đà qua các mùa: mùa xuân dòng xanh ngọc bích, mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da người bầm đi vì rượi bữa.
– Qua kỷ niệm, sông Đà như một cố nhân. Xa lâu thì nhớ, gặp lại thì cuống quýt mừng vui: “Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà…”
– Cảnh hai bên bờ sông: vẻ đẹp lặng tờ hoang dại, trong trẻo nguyên sơ: “thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ …”
-> Nhận xét: Miêu tả sông Đà trữ tình, ngòi bút của Nguyễn Tuân biến hóa liên tục với những hình ảnh nhân hóa, so sánh, những liên tưởng độc đáo thú vị. Câu văn của Nguyễn Tuân co duỗi nhịp nhàng, chuyển đến người đọc những cảm giác của cảm xúc. Không phân biệt đâu là ngoại giới, đâu là tâm giới, tiếng lòng của thiên nhiên hòa với tấm lòng yêu thương của người nghệ sĩ. Cùng với sông Đà trữ tình ta bắt gặp một Nguyễn Tuân tình nhân, thi nhân.
* Vẻ đẹp trữ tình của sông Hương:
– Là dòng sông chảy giữa lòng thành phố Huế, tạo nên vẻ đẹp riêng cho xứ Huế.
– Trong rừng thượng nguồn:Sông Hương sống một nửa cuộc đời mình như một cô gái digan man dại và phóng khoáng, tự do mà phóng túng. Nhưng rừng già đã chế ngự sức mạnh bản năng của sông Hương tạo cho nó một vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ.
-> Tác giả đã nhấn mạnh đến hai đặc điểm quan trọng của sông Hương: một con sông tạo nên bản sắc văn hóa của Châu Hóa; một thiếu nữ đẹp sống hết mình say đắm trong tình yêu.
– Trên đường đến Huế: Sông Hương chuyển dòng liên tục đột ngột như một cuộc tìm kiếm có ý thức. Tác giả lần theo dòng chảy của sông Hương như một nhà địa lý, như một chàng trai khám phá tính cách của người đẹp (sắc nước xanh thẳm, dòng sông mềm như tấm lụa, màu sắc nhạy cảm với ánh sáng, vẻ kiêu hãnh âm u…)
-> Sông Hương như một người con gái đẹp làm duyên: vốn đã có vẻ đẹp dịu dàng, trí tuệ nay lại càng quyến rũ hơn với vẻ đẹp lịch lãm, kiêu sa và trầm mặc.
– Trong lòng Huế: sông Hương chảy thực chậm. Đó là điệu slow tình cảm mà sông Hương dành riêng cho Huế.
-> Sông Hương đẹp một cách hạnh phúc. Nó đã bị Huế chinh phục, ngả trọn vào vòng tay của Huế. Tình yêu với Huế tạo nên bản sắc văn hóa của dòng sông.
– Khi rời xa Huế: như sực nhớ điều gì chưa kịp nói, dòng sông đột ngột đổi dòng rẽ ngoặt sang hướng đông tây gặp lại Huế ở thị trấn Bao Vinh.
->Dòng sông mang vẻ đẹp của người con gái lưu luyến với tình nhân. Hành động đột ngột quay trở lại gặp Huế là một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu.
=> Nhận xét: Sông Hương được miêu tả sát với bản đồ địa hình. Nó tạo nên không gian văn hóa đôi bờ với vẻ đẹp quyến rũ. Từ thực tế ấy nhà văn ví sông Hương như một thiếu nữ đẹp cùng với Huế làm nên một tình yêu nồng thắm, say mê. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, mượt mà, nhiều liên tưởng độc đáo tạo nên một dòng sông quyến rũ, đắm say lòng người.
* Đánh giá
Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông là những trang hoa , tờ hoa thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tinh thần dân tộc của Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường.
– Điểm gặp gỡ trong phong cách viết của hai tác giả;
+ Một cái tôi uyên bác với những hiểu biết sâu sắc về sông Đà, sông Hương xứ Huế.
+ Vốn hiểu biết về lịch sử, địa lý, thi ca, âm nhạc… soi chiếu đối tượng ở nhiều góc độ khác nhau tạo nên những liên tưởng độc đáo.
+ Một cái tôi tài hoa tinh tế với trí tưởng tượng phong phú kỳ diệu.
+ Ngôn từ phong phú, gợi cảm đem đến cho người đọc cảm giác câu văn như những câu thơ trữ tình.
Xem thêm : Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông

Bài viết gợi ý: