Hướng dẫn

– Hãy quan sát một cái cây quen thuộc trong vườn: trên cành, những bông hoa khoe sắc, toả hương, ong bướm rộn ràng. Phía dưới là cội rễ bám chật vào đất. Thưởng thức hương sắc của hoa, mấy ai đoái hoài đến cái gốc cây gân guốc, bộ rễ sần sùi. Nhưng nếu không có gốc rễ âm thầm hút dinh dưỡng nuôi cây, cây sẽ héo tàn, hoa rơi, lá rụng. Đó là một hình ảnh đầy tính biểu tượng, nhìn vào, ta không khỏi liên tưởng đến cuộc sống của mỗi con người cũng như của cả xã hội.

– Trên đời, ít hoặc nhiều, ai cũng có những điều tốt đẹp, những thành quả đáng tự hào. Những thành quả đó không bỗng dưng mà có, ngược lại, là kết quả của những ngày tháng lao động miệt mài “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Nếu thành quả là hoa, thì quá trình làm việc bền bỉ, âm thầm là rễ. Hãy lấy việc học của bản thán làm ví dụ. Có phải mỗi tiến bộ của ta đều được trả giá bằng sự khổ ải, nhọc nhằn, bằng nỗ lực vươn lên không mệt mỏi? về điều này, người Hi Lạp có câu ngạn ngữ rất đáng suy ngẫm: “Việc học có chùm rễ đắng cay mà quả ngọt ngào”. Câu ngạn ngữ nêu lên mối quan hệ nhân quả. Không có sự lao tâm khổ tứ (chùm rễ đắng cay) thì đừng mong có kết quả tốt đẹp (quả ngọt ngào). Nhận thức đúng đắn đó giúp ta làm việc nghiêm túc hơn, có ý thức phấn đấu thường xuyên hơn trong mọi công việc.

– Trong đời sống xã hội, chúng ta thường nghe nói nhiều về thành tích, vinh quang. Đó là những chiến công hiển hách trong thời chiến, là những thành tựu kinh tế, văn hoá, xã hội trong thời bình. Chúng xứng đáng được vinh danh, xứng đáng là niềm tự hào của cộng đồng, dân tộc. Có thể xem đó là "hoa” của cuộc sống.

– Nhưng để có được những bông hoa ấy, chúng ta đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, máu xương, bằng trí tuệ của hàng chục triệu con người. Một chiến thắng oanh liệt trên chiến trường đâu chỉ có công của những tướng lĩnh tài ba mà còn có sự dũng cảm hi sinh của bao người lính vô danh. Một thành tích kinh tế trong thời hội nhập, ngoài sự chỉ đạo sáng suốt của tư lệnh các ngành, còn có công sức của hàng triệu công nhân, nông dân trong các công trường, xưởng máy, trên gò bãi, ruộng đồng. Nguyễn Khoa Điềm đã nhận thức điều này rất sâu sắc trong đoạn thơ Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng). Ông cho rằng, chính những người vô danh, không ai nhớ mặt đặt tên đã làm nên Đất Nước muôn đời. Đó thực sự là những “bộ rễ” cần cù, nhờ đó mà xã hội tồn tại và phát triển.

– Như vậy, hai hình ảnh hoa trên cành và rễ dưới đất chứa đựng những ý nghĩa sâu xa. Nó nhắc nhở ta rằng, đừng bao giờ nhìn cuộc sống của cá nhân và xã hội một cách giản đơn. Nhận thức đó cũng giúp ta biết hướng tới những điều tốt đẹp bằng nỗ lực của bản thân, đồng thời có trách nhiệm hơn khi thụ hưởng những thành quả của cuộc sống.

Bài viết gợi ý: