Anh/chị hãy nêu những nét chính về nội dung và nghệ thuật bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi.
Gợi ý:
a) Nội dung: Thể hiện cảm hứng tổng hợp, khái quát về đất nước. Đó là những suy cảm một đất nước đẹp giàu, hiền hoà, tình nghĩa; về lịch sử cách mạng của đất nước – một đất nước đau thương, nô lệ, lầm than đã đứng lên chiến đấu anh dũng và chiến thắng hào hùng.
b) Đặc sắc nghệ thuật:
– Bài thơ giàu nhạc điệu, những tìm tòi và sáng tạo trong cách lựa chọn từ ngữ.
– Hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa có tính khái quát cao, mang đặc trưng của lối tư duy và cảm xúc hiện đại.
– Sự tổ chức các ý thơ không theo lôgic truyền thống mà theo cảm hứng tổng hợp, tự do. Điều này làm nên chất mới lạ và phong cách riêng của thơ Nguyễn Đình Thi.
– Sửdụng thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn rất linh hoạt, phù hợp với sự Vận động của mạch cảm xúc trữ tình.
– Có sự phối hợp nhiều kiểu trùng điệp (từ, ngữ, kiểu câu), cách gieo vần, phối, phối âm, ngắt nhịp đã tạo cho bài thơ rất giàu chất nhạc. Bài thơ tựa một bản giao hưởng với tiết tấu từ khoan thai dìu dặt đến hối hả trào sôi.
– Ngôn ngữ trong bài thơ trong sáng, cô đọng hàm súc, giàu chất tượng hình.
Hình ảnh mùa thu Hà Nội (Đất nước của Nguyễn Đình Thi) trong hoài niệm của nhà thơ hiện ra với những điểm gì đặc sắc?
Gợi ý:
Hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của nhà thơ đặc sắc ở những khía cạnh sau đây:
– Một mùa thu chia tay đầy lưu luyến bâng khuâng
– Một mùa thu có những ấn tượng về thời tiết thủ đô: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”.
– Một mùa thu có những hình ảnh rất đẹp mà buồn đến mức ám ảnh “Những phố dài xao xác hơi may”, “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
– Một mùa thu, đầu thu của cuộc kháng chiến: “Những phố dài xao xác heo may”, “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”
Anh chị nhận xét như thế nào về độ dài ngắn của các câu thơ, cách chọn lựa hình ảnh và nhịp điệu trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Cách viết như vậy có tác dụng gì?
Gợi ý:
Bài thơ được làm theo thể thơ tự do với các đặc điểm: câu thơ dài ngắn khác nhau, nhịp điệu khi nhanh, khi chậm. Kết hợp với việc lựa chọn sử dụng những hình ảnh có tính khái quát cao phù hợp với việc diễn tả nội dung tư tưởng và mạch cảm xúc của tác giả. Tác dụng:
– Giúp tác giả dựng được một bức tượng đài đẹp đẽ, sống động về hình ảnh đất nước trong chiến đấu và chiến thắng.
– Gợi được cảm nhận rõ ràng về sự chiến thắng của dân tộc: Chiến thắng ấy là kết quả của bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu mồ hôi và nỗi đau vò xé; chiến thắng ấy cũng là kết tinh cao nhất của tình yêu, của tinh thần chiến đấu và khát vọng hoà bình sâu thẳm.
– Tạo được cảm hứng hào hứng cho khúc tráng ca của dân tộc từ nô lệ đến tự do, từ buồn thương đến mừng vui, hạnh phúc. Đây chính là sự vận động đẹp đẽ, sâu sắc trong tứ thơ của Nguyễn Đình Thi.