I. TÓM TẮT LÍ THUYẾT

1. Chất có ở đâu?

  • Một số vật thể : Cây, núi, sông, đá núi, bàn, ghế, sách, ấm đun nước, bình gas ...
  • Phân loại theo 2 loại:
    • Vật thể tự nhiên : Cây, núi, sông, đá núi.                                                   
    • Vật thể nhân tạo : Bàn, ghế, sách, bình gas, ấm đun nước. (Nồi làm từ nhôm, cửa sổ làm từ thép, dây điện làm từ đồng, lốp xe làm từ cao su...)

2. Tính chất của chất

2.1. Mỗi chất có những tính chất nhất định

Tính chất vật lí: Trạng thái (hay thể) rắn, lỏng, khí; màu, mùi, vị, tính tan hay không tan trong nước (hay trong một chất lỏng khác); nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi, khối lượng riêng, tính dẫn điện, dẫn nhiệt.

Tính chất hóa học: Khả năng biến đổi thành chất khác như bị phân hủy, tính cháy được,...

  • Quan sát (giúp biết được một số tính chất bề ngoài của nó)
    • Lưu huỳnh là chất rắn màu vàng tươi
    • Đồng là kim loại có màu đỏ
    • Nhôm là kim loại có màu trắng
  • Dùng dụng cụ đo
  • Làm thí nghiệm: Những tính chấy như có tan trong nước hay không. có dẫn điện hay không thì phải thử, tức là làm thí nghiệm.

2.2. Việc hiểu biết tính chất của chất có lợi ích gì?

  • Giúp phân biệt chất này với chất khác
  • Biết cách sử dụng chất
  • Biết ứng dụng chất thích hợp trong đời sống và sản xuất.

3. Chất tinh khiết

3.1. Hỗn hợp

  • Hai hay nhiều chất trộn lẫn nhau gọi là hỗn hợp.
  • Ví dụ: Nước khoáng, nước muối, nước đường...

3.2. Chất tinh khiết

  • Chất tinh khiết là chất không pha trộn với bất kì chất nào khác.
  • Ví dụ: Nước cất

3.3. Tách chất ra khỏi dung dịch

  • Dựa vào sự khác nhau về tính chất vật lí có thể tách một chất ra khỏi hỗn hợp. 
  • Ví dụ: Tách muối ra khỏi hỗn hợp muối + nước ta đun sôi hỗn hợp, nước bốc hơi đi, còn lại chất rắn màu trắng là muối.

II. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Câu 1.(Trang 11 SGK) 

a) Nêu thí dụ về hai vật thể tự nhiên, hai vật thể nhân tạo.

b) Vì sao nói được : ở đâu có vật thể, ở đó có chất ?

Bài làm:

a)Ví dụ về vật thể tự nhiên và vật thể nhân tạo

  • Vật thể tự nhiên: cây, gạo,...
  • Vật thể nhân tạo: máy tính, tủ lạnh,....

b) Trong tự nhiên chất có mặt ở khắp nơi từ trong vật thể tự nhiên đến vật thể nhân tạo. Vậy nên, ta có thể nói rằng, ở đâu có vật thể, ở đó có chất.

Câu 2.(Trang 11 SGK)

Hãy kể tên ba vật thể được làm bằng :

a) Nhôm ;          

b) Thủy tinh;           

c) Chất dẻo.

Bài làm:

Tên ba vật thể được là từ

  • Nhôm: ấm nhôm, móc phơi quần áo, chậu nhôm
  • Thủy tinh: Cốc, bát, kính
  • Chất dẻo: dép, lốp xe, vỏ dây điện

Câu 3.(Trang 11 SGK)

Hãy chỉ ra đâu là vật thể, đâu là chất (những từ in nghiêng) trong những câu sau :

a) Cơ thể người có 63 - 68% về khối lượng là nước.

b) Than chì là chất dùng làm lõi bút chì.

c) Dây điện làm bằng đồng được bọc một lớp chất dẻo.

d) Áo may bằng sợi bông (95 - 98% là xenlulozơ) mặc thoáng mát hơn may bằng nilon (một thứ tơ tổng hợp).

e) Xe đạp được chế tạo từ sắt, nhôm, cao su,...

Bài làm:

Trong các câu trên:

  • Các từ là vật thể là: cơ thể người, lõ bút chì, dây điện, áo, xe đạp.
  • Các từ là chất là : nước, than chì, xenlulozơ, nilon, sắt, nhôm, cao su.

Câu 4.(Trang 11 SGK)

Hãy so sánh tính chất : màu, vị, tính tan trong nước, tính cháy của các chất muối ăn, đường và than

Bài làm:

 

Màu

Vị

Tính tan trong nước

Tính cháy

Muối ăn

Trắng

Mặn

Tan

Không cháy

Đường

Nhiều màu

Ngọt

Tan

Cháy

Than

Đen

Không

Không tan

Cháy

Câu 5.(Trang 11 SGK)

Chép vào vở những câu sau đây với đầy đủ các từ hay cụm từ phù hợp :

"Quan sát kĩ một chất chỉ có thể biết được.....Dùng dụng cụ đo mới xác định được... của chất. Còn muốn biết một chất có tan trong nước, dẫn được điện hay không thì phải....."

Bài làm:

"Quan sát kĩ một chất chỉ có thể biết được (trạng thái, màu...).Dùng dụng cụ đo mới xác định được (nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi, khối lượng riêng...) của chất. Còn muốn biết một chất có tan trong nước, dẫn được điện hay không thì phải (làm thí nghiệm...).

Câu 6.(Trang 11 SGK)

Cho biết khí cacbon đioxit (còn gọi là cacbonic) là chất có thể làm đục nước vôi trong. Làm thế nào để có thể nhận biết được khí này có trong hơi thở của ta.

Bài làm:

Ta dùng ống hút thổi vào cốc chứa sẵn nước vôi trong. Nếu trong cốc thấy vẩn đục chứng tỏ trong hơi thở của chúng ta có khí cacbon ddioxxit.

Câu 7.(Trang 11 SGK)

a) Hãy kể hai tính chất giống nhau và hai tính chất khác nhau giữa nước khoáng và nước cất.

b) Biết rằng một số chất tan trong nước tự nhiên có lợi cho cơ thể. Theo em, nước khoáng hay nước cất, uống nước nào tốt hơn ?

Bài làm:

 a) Giống nhau : đều là chất lỏng, không màu, có thể hòa tan các chất khác

      Khác nhau : nước cất là nước tinh khiêt, không có thành phần nào khác ; nước khoáng chứa nhiều chất tan, nó là một hỗn hợp.

   b) Nước khoáng uống tốt hơn nước cất vì nó có một số chất hòa tan có lợi cho cơ thể, nước cất uống không tốt cho sức khỏe, nếu uống một thời gian dài làm thiếu đi các ion có lợi cho sức khỏe gây ra tăng huyết áp và loạn nhịp tim.

Câu 8.(Trang 11 SGK)

Khí nitơ và khí oxi là hai thành phần chính của không khí. Trong kĩ thuật, người ta có thể hạ thấp nhiệt độ để hóa lỏng không khí. Biết nitơ lỏng sôi ở -196 oC, oxi lỏng sôi ở - 183 oC. Làm thế nào để tách riêng được khí oxi và khí nitơ từ không khí ?

Bài làm:

Do nitơ lỏng sôi ở -196 oC, oxi lỏng sôi ở - 183 oC , 2 nhiệt độ này cách khá xa nhau. Nên ta hóa lỏng không khí tại -196 oC , sau đó tăng nhiệt độ lên sao cho dưới - 183 oC lúc đó khí nitơ bay đi còn lại khí oxi ở dạng lỏng.

 

Bài viết gợi ý: