Đề thi thử kì thi THPT Quốc gia năm 2017. Tài liệu ôn thi dành cho học sinh lớp 12, đề đọc hiểu và Nghị luận xã hội 200 chữ , đề thi về bài Đất nước nguyễn khoa điềm
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
Câu I (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4 :
Pablo là một nhạc công chơi violon điêu luyện, ở quê nhà, ai cũng biết tới anh vì Pablo được mời tới chơi ở hầu hết các sự kiện trong vùng. Pablo cũng muốn được vào học một trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp để phát triển sự nghiệp của mình, vì thế nên khi biết Học viện âm nhạc Paris nổi tiếng tuyển sinh, Pablo đã ghi danh thi và ngày đêm luyện tập mong sẽ thi đỗ.
Trong buổi thi tuyển, mặc dù Pablo đã cố gắng hết sức thể hiện tài năng của mình với những cảm xúc rất thật nhưng anh vẫn không được trong danh sách trúng tuyển. Thất vọng và buồn bã, Pablo đi lang thang giữa Paris hoa lệ và đến một quảng trường rộng, Pablo đứng kéo cây vĩ cầm thể hiện những bản nhạc kinh điển với tâm trạng buồn. Anh quên mất xung quanh, chìm đắm vào những bản nhạc, hết bản này nối tiếp bản khác. Khi dừng lại thì quanh anh là một đám đông đứng nghe và họ vỗ tay rào rào đề nghị anh chơi tiếp, hộp đàn của anh đầy các đồng xu do những người nghe đặt vào.
Pablo nâng đàn lên chuẩn bị chơi tiếp theo yêu cầu của khán giả thì một người khách chen vào và ném những đồng xu vào hộp đàn của anh với vẻ rất ngạo mạn. Pablo liền cúi xuống nhặt hết những đồng xu ấy và đưa lại cho người khán giả nọ, rồi bảo: “Thưa ông, tiền của ông bị rơi này”. Người đàn ông cầm mấy đồng xu và lại ném xuống, nói: “Tiền của anh đấy, nhận lấy đi”.
Pablo cúi đầu và nói: “Xin cảm ơn tấm lòng của ông, vừa rồi tiền của ông rơi, tôi đã nhặt giúp ông lên, bây giờ tiền của tôi rơi, xin phiền ông cũng nhặt giúp nó lên cho tôi”. Khán giả đứng xung quanh xì xào nhận xét, người đàn ông thoáng mỉm cười, cúi xuống nhặt những đồng xu để vào hộp đàn rồi bỏ đi.
Người đàn ông ấy là một trong những vị giám khảo của Học viện âm nhạc Paris đã bất ngờ đi qua quảng trường, nghe Pablo chơi đàn và quyết định thử anh. Ông nói: “Một người nghệ sỹ chân chính cần phải có nhân phẩm tốt nữa”. Và ông đã quyết định thêm Pablo vào danh sách học viên mới. Đúng như ông suy nghĩ, Pablo sau này đã trở thành một nghệ sỹ đàn vĩ cầm nổi tiếng về tài danh và nhân đức.
(Theo An ninh Thủ đô)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Anh/Chị hiểu thế nào về hành động Pablo liền cúi xuống nhặt hết những đồng xu ấy và đưa lại cho người khán giả nọ?
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao vị giám khảo của Học viện âm nhạc Paris đã quyết định thêm Pablo vào danh sách học viên mới?
Câu 4. Văn bản trên gửi gắm bức thông điệp gì đối với anh/chị?
II:LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói“Một người nghệ sỹ chân chính cần phải có nhân phẩm tốt nữa”được rút ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu.
Câu 2(5,0 điểm): Phân tích tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” đã thể hiện trong đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm).
Đáp án
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 3.0 | |
1 | Phương thức biểu đạt chính: tự sự | 0,5 | |
2 | Hiểu về hành động Pablo liền cúi xuống nhặt hết những đồng xu ấy và đưa lại cho người khán giả nọ: – Pablo không tức giận trước thái độ quá đáng của người khách khi ông ta cố tình ném những đồng xu vào hộp đàn của anh với thái độ không thiện chí; – Pablo cúi xuống là thể hiện sự nhún nhường, nhẫn nhịn trong ứng xử, thể hiện hành vi rất văn hoá của người nghệ sĩ chân chính. | 0,5 | |
3 | Vị giám khảo của Học viện âm nhạc Paris đã quyết định thêm Pablo vào danh sách học viên mới: -Vì ông đã nhận ra ở Pablo những đức tính tốt đẹp mà người nghệ sĩ khác không có; – Vì ông đã tìm được người có tài năng và đức độ để cống hiến cho nghệ thuật. | 1,00 | |
4 | Văn bản trên gửi gắm bức thông điệp Trong cuộc đời, có những lúc bạn sẽ gặp phải sự khinh thường và hạ nhục đến từ những người xung quanh, đó thật sự là những giây phút khó khăn vì khi ấy nhân phẩm của chúng ta bị chà đạp. Phản kháng lại gay gắt là bản năng của con người khi gặp phải những điều này nhưng có thể lại làm cho tình hình tệ hại hơn. Thế nên, lúc đó, bạn đừng dùng lý trí mà hãy dùng một tâm thái khoan dung, độ lượng để đối lại, bạn sẽ bảo vệ được danh dự của mình. Bởi vì, khi đứng trước chính nghĩa, không dã tâm nào có thể đứng vững. Hãy biết cúi xuống để thể hiện phẩm chất sáng ngời của bạn. | 1,00 | |
II | LÀM VĂN | 7.0 | |
1 | Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói có trong phần Đọc hiểu: | 2,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đề cao giá trị nhân phẩm đối với người nghệ sĩ. | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. | 1,5 | ||
– Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan để nêu vấn đề. “Một người nghệ sỹ chân chính cần phải có nhân phẩm tốt nữa” – Các câu phát triển đoạn: + Giải thích: ++ Nghệ sĩ chân chính: là người ý thức được thiên chức của mình trong quá trình sáng tạo; ++Nhân phẩm là toàn bộ những phẩm chất mà mỗi con người có được. Nói cách khác, nhân phẩm là giá trị làm người của mỗi con người. ++ Ý cả câu: Nhân phẩm là thước do dành cho nghệ sĩ chân chính nói riêng, con người nói chung. +Phân tích, chứng minh, bình luận: ++ Người có nhân phẩm tốt là người có lương tâm, có nhu cầu vật chất và tinh thần lành mạnh, biết tôn trọng các quy tắc, chua63m mực đạo đức tiến bộ; ++Người có nhân phẩm được xã hội đánh giá cao và được kính trọng. Người thiếu nhân phẩm hoặc tự đánh mất nhân phẩm sẽ bị xã hội đánh giá thấp, bị coi thường và bị khinh rẻ, bị tố cáo và lên án; | 0,25 0,25 0,5 | ||
– Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp. Gợi ý: Để có nhân phẩm tốt, ta cần có lương tâm trong sáng,biết sống độ lượng và vị tha. Biết tôn trọng nhân phẩm của chính mình cũng như của mọi người xung quanh… | 0,5 | ||
d. Sáng tạo Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. | 0,25 | ||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,25 | ||
2 | tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” đã thể hiện trong đoạn trích Đất Nước | 5,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận | 0,25 | ||
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. | |||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận | 0,50 | ||
tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” đã thể hiện trong đoạn trích Đất Nước | |||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng. | 3.50 | ||
I. Mở bài: -Giới thiệu Nguyễn Khoa Điềm- hồn thơ giàu suy tư, chiêm nghiệm; – Giới thiệu đoạn trích Đất nước – thuộc chương V của trường ca Mặt đường khát vọng. – Nêu vấn đề cần nghị luận: tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” đã thể hiện trong đoạn trích Đất Nước . II. Thân bài 1. Phân tích a.Hình thức nghệ thuật: – Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn hình thức trữ tình là lời tâm tình đằm thắm của một người con trai với một người con gái. Những đôi lứa yêu nhau khi tình tự thường nói đến những gì riêng tư nhất song ở đây họ lại nói đến đất nước. Bởi vì trong những năm tháng chiến tranh, đất nước chính là mối quan tâm lớn nhất, thường trực nhất của người Việt Nam. Nội dung chính luận thường có vẻ khô khan song nhờ được thể hiện qua hình thức này mà trở nên thấm đẫm màu sắc trữ tình tươi mát. – Trong đoạn trích, chất liệu văn hoá dân gian đã trở thành chất liệu cơ bản để xây dựng hình tượng, thể hiện tư tưởng. Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn và sử dụng rất nhiều yếu tổ của văn hoá dân gian: thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, cổ tích và cả kiến thức về những phong tục, tập quán lâu đời của người Việt. Ngay từ câu thơ mở đầu đoạn trích, nhà thơ đã gợi ra bầu không khí quen thuộc của cổ tích qua “những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”. Đất nước là một khái niệm thiêng liêng, một hình vóc lớn lao song thật ra nó đã thấm thìa trong tâm hồn ta từ thời thơ ấu – có từ chính những gì đơn sơ, bình dị nhất vẫn bao bọc xung quanh cuộc sống của chúng ta. Đó là miếng trầu, cây tre, gừng cay muối mặn, cái kèo cái cột, hạt gạo một nắng hai sương… Đó là nơi anh đến trường, nơi em tắm, nơi ta hò hẹn, nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm… Phát hiện ra điều này, Nguyễn Khoa Điềm đã dùng chính chất liệu văn hoá, văn học dân gian, cái thứ chất liệu đặc biệt luôn sẵn có trong tâm thức người Việt để thể hiện và truyền đạt tư tưỏng “đất nước của nhân dân”. Mật độ các yếu tố văn hoá – văn học dày đặc. Đặt trong đoạn trích, yếu tố đó làm cho toàn bộ đoạn trích như được bao bọc trong bầu khí quyển dân gian. Có lẽ không gì tốt và hay hơn là dùng chính chất liệu dân gian, kết tinh tài năng và tâm hồn nhân dân lao động để thể hiện tư tưởng ”Đất nước của nhân dân”. b. Nội dung Khái niệm đất nước thường được hiểu trên các phương diện địa lí, lịch sử, văn hoá, trong mối quan hệ với con người. Mang tư tưởng “Đất nước của nhân dân”, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định rõ trong đoạn trích này: Địa lí là hoá thân cuộc đời nhân dân, lịch sử do nhân dân tạo thành và văn hoá cũng do nhân dân xây dựng trong quá trình sinh sống. b.l. Địa lí của nhân dân: Nhân dân hoá thân vào dáng hình Đất Nước. Khác với nhà khoa học, nói tới địa lí là nói tới ranh giới lãnh thổ, địa phận, nói đến những thông tin số liệu về các vùng miền và có thể mô hình hoá thành bản đồ, biểu đồ… Nguyễn Khoa Điềm đã gợi niềm tự hào về địa lí quê hương bằng cách gợi ra những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử – văn hoá của đất nước. Mỗi địa danh ấy đều gắn với một truyền thuyết, một huyền thoại do nhân dân lao động sáng tạo để giải thích nguồn gốc sự hình thành của nó. Trong các truyền thuyết, mỗi ngọn núi, con sông đều là hoá thân của một con người. Trong tích truyện xưa, những con người ấy có thể có tên hoặc không tên, song trong cách nói của Nguyễn Khoa Điềm, họ đều là những con người vô danh. Người vợ nhớ chồng, cặp vợ chồng yêu nhau, người học trò nghèo, người dân nào… Những con người vô danh ấy đã hoá thân và làm nên eái hữu danh cho đất nước. Trong mỗi vóc dáng của núi sông gò bãi đều có dấu ấn cuộc đời và tâm hồn cha ông. Với cách nói này, Nguyễn Khoa Điềm không những đã khẳng định địa lí quê hương được làm nên bởi nhân dân mà còn thể hiện sự tri ân với công lao nhân dân đã làm nên đất nước. b.2. Lịch sử của nhân dân: Nhân dân làm nên lịch sử Đất Nước.Cũng nói về 4000 năm lịch sử, song Nguyễn Khoa Điềm không nói đến các sự kiện, các nhân vật nổi tiếng, các biến cố hay quá trình vận động. Nhà thơ đã nhìn vào chiều sâu của cả quá trình lịch sử 4000 năm để nhận ra một quy luật bất biến của sự sống, của nhịp sống: đó là “cần cù làm lụng” lúc hoà bình và “ra trận” khi có giặc. Chính việc chiến đấu và dựng xây, vun đắp và bảo vệ mới làm nên một đất nước hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Và những ai đã “làm lụng” và “ra trận”! Đó chính là “những người con gái con trai bằng tuổi chúng ta”. Cách nói này vừa khẳng định nhân dân vô danh đã làm nên lịch sử, vừa tạo nên liên tưởng về một sức mạnh vô hình gắn kết mọi thế hệ là lịch sử của sức sống, sự sống dân tộc, vừa khẳng định lịch sử được làm nên bởi lớp lớp ”nhữrtg người con gái con trai bằng tuổi chúng ta”, vừa khẳng định rằng chính chúng ta có trách nhiệm viết tiếp trang sử mới của dân tộc, của đất nước mình. b.3. Văn hoá của nhân dân: Nhân dân để lại dòng chảy văn hoá dân tộc. Nhà thơ đã gợi ra một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ của các thế hệ nhân dân (họ) để nuôi dưỡng, bồi đắp, lưu truyền dòng chảy văn hoá để kết nối các thế hệ. “Hạt lúa”, “ngọn lửa” là biểu tượng văn hoá vật chất của nền văn minh lúa nước ở Việt Nam; “giọng nói”, “tên xã tên làng” là biểu trưng thiêng liêng của văn hoá tinh thần (“tiếng nói” lưu giữ và biểu hiện đời sống tâm hồn, tinh thần, “tên xã tên làng” gợi nhắc cội nguồn, truyền thống). Văn hoá tinh thần còn bộc lộ trong cách ứng xử với những thế lực đố kị với sự sống dân tộc (ngoại xâm và nội thù). Văn hoá tinh thần kết tinh cao nhất, sâu sắc nhất trong ca dao, thần thoại. Nhà thơ đã sử dụng một cách sáng tạo, tài hoa những câu ca dao đặc sắc tiêu biểu cho diện mạo tinh thần người Việt: say đắm trong tình yêu, quý trọng tình nghĩa song cũng thật mãnh liệt và dữ dội trong căm thù. Những vẻ đẹp ấy được ca dao thần thoại lưu truyền từ đời này sang đời khác để làm nên khuôn mặt tinh thần đặc sắc của người Việt Nam. 2.Bình luận, đánh giá – Quan niệm về đất nước đã xuất hiện nhiều trong văn học: Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Việt Nam quốc sử diễn ca… song trong các tác phẩm ấy, chủ thể sở hữu đất nước không phải là nhân dân: là vua trong Nam quốc sơn hà, là các triều đại trong Bình Ngô đại cáo, là các anh hùng trong Việt Nam quốc sử diễn ca. Phải đến những năm kháng chiến chông Pháp và chông Mĩ, các nhà thơ khi gắn số phận mình với số phận dân tộc mới nhận ra đất nước là của nhân dân. Đất nước vĩ đại vì có nhân dân vĩ đại. -Với thể thơ tự do, những câu thơ dài ngắn khác nhau thể hiện rất linh hoạt những cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình, ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ lại giàu tính triết lí có khả năng khơi gợi những liên tưởng xa và rộng, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định vẻ đẹp kì diệu, vĩ đại của đất nước qua tư tưởng đất nước của nhân dân. Từ nhận thức đúng đắn này, lớp trí thức trẻ tuổi miền Nam trong những năm đánh Mĩ đã tự nguyện “gắn bó”, “san sẻ” và “hoá thân” cho đất nước, nghĩa là xuống đường hoà nhập với cuộc đấu tranh chung của dân tộc. III. Kết bài: – Tóm lại ý nghĩa tư tưởng Đất Nước của nhân dân – Liên hệ và nêu cảm nghĩ về vai trò của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước. | 0,50 2,00 0,5 0,5 | ||
d. Sáng tạo | 0,50 | ||
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. | |||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu | 0,25 | ||
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | |||
ĐIỂM TOÀN BÀI THI : I + II = 10,00 điểm |
Đề văn sưu tầm
Xem thêm những đề thi khác tại đây : Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án