Người ta thường có xu hướng tạo ra hình ảnh thật đẹp đẽ về chính mình trong tuổi ấu thơ. Gòn ở bài thơ Đò Lèn, tác giả đã thể hiện thời thơ ấu của mình như thế nào? Nét quen thuộc mới mè trong cách nhìn của tác giá về chính mình trong quá khứ?
Gợi ý:
Nhắc đến kỉ niệm – đặc biệt kỉ niệm của tuổi thơ – hầu hết người ta thường nhớ về những kỉ niệm đẹp. Đó là một thói quen khá phổ biến trong thơ ca. Với Nguyễn Duy, kỉ niệm được nhắc đến trong Đò Lèn trước hết đó là tính chân thật.
– Tuổi thơ của tác giả phải nếm trải những cơ cực, nghèo đói do chiến tranh; nhưng hình ảnh tác giả thời ấu thơ vẫn vừa rất tình cảm, tội nghiệp, đáng yêu, vừa tinh nghịch ranh mãnh, và có cả cái xấu hồn nhiên của đứa trẻ:
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chua Trần
Những kỉ niệm vừa đẹp vừa không đẹp nhưng hấp dẫn chúng ta vì sự chân thành hết lòng, khác với xu hướng phổ biển là tô đẹp cho những kỉ niệm thuở nhỏ của mình.
– Nét mới: nói ra cả những kỉ niệm không đẹp nhưng là sự thật lẽ ra phải giữ kín, hoặc phải quên đi: “ăn trộm nhãn chùa Trần” là một lỗi lầm của tác giả thời trẻ con, nhưng là lỗi lầm nhỏ, có thể thông cảm được và khi tác giả thành thật thú nhận thì người còn thấy đó là một đứa trẻ dễ mến, đáng yêu và còn rất xúc động trước sự chân thật ấy. Đây cũng là sự đổi mới trong cách nhìn, cách cảm của những nhà văn, nhà thơ sau 1975; dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dám nói ra sự thật từ góc nhìn không thuận chiều.
Hình ảnh người bà (trong bài thơ Đò Lèn) âm thầm chịu đựng muôn vàn vất vả để nuôi dạy đứa cháu mồ côi nghịch ngợm, sống lại tròng kí ức thể hiện tình cảm gì trong lòng tác giả đối với bà khi đã trưởng thành?
Gợi ý:
Hình ảnh người bà âm thầm chịu đựng, hi sinh vì đứa cháu mồ côi trong tình thương của tác giả được tái hiện rất cảm động:
– Hình ảnh người bà lam lũ, vất vả, lặn lội thân cò trong tình thương của đứa cháu:
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
– Hình ảnh người bà đi bán trứng ở ga Lèn đầy cảm động giữa cái tan hoang của cảnh vật.
Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
– Nỗi xót xa của người cháu thi sĩ ấy là ngày trở lại, ngày chiến thắng trở về không còn được gặp người bà thân yêu. Hình ảnh nam mồ thể hiện sự hối hận chân thành và đó cũng là tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ đối với bà của mình:
"Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nắm cỏ thôi"
Cách thể hiện tình thương bà của tác giả (trong bài thơ Đò Lèn) cógì đặc biệt? So sánh với bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt?
Gợi ý:
Trong Bếp lửa, nhà thơ Bằng Việt thể hiện tình cảm dành cho bà bằng việc tái hiện những hồi ức thiêng liêng, cảm động về tình bà cháu. Tình cảm ấy được thể hiện qua tiếng tu hú tha thiết, qua hình ảnh bếp lửa bập bùng:
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà…
Rồi sớm rồi chiều bếp lửa bà nhen…
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn…
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm…
Nhóm dậy cả nhũng tâm tình tuổi nhỏ…
Nét độc đáo trong cách thể hiện tình cảm đối với người bà của Nguyễn Duy là bộc lộ tình cảm trực tiếp, những kí ức ùa về dào dạt rất chân thành, không che đậy dưới bất kì hình ảnh, biểu tượng nào. Mặt khác, nhà thơ bày tỏ tình cảm đối với bà bằng những lời thơ như tự trách mình, như ăn năn, hối lỗi khi nhớ về một thời vô tâm, vụng dại đã qua, chưa kịp làm gì để thương và đền đáp công ơn của bà. Lời thơ rưng rưng đau nhói lòng người:
Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!