– Cảnh đói rét cùng cực năm 1945 được biểu hiện thông qua những cảnh tượng, những hình ảnh chân thực đến nhói lòng trong tác phẩm:
+ Đám người đói "lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma", "nằm ngổn ngang khắp lều chợ", "dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma", "người chết như ngả rạ", "thấy nằm còng queo bên đường",… Toàn cảnh bức tranh hiện thực ấy hiện lên qua những chi tiết đầy ám ảnh, nhức nhối: "không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người". "Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt". Cái đói đã trở thành nỗi đe doạ đối với sinh mệnh của từng con người, của cả dân tộc. Cái gia đình nhỏ bé của Tràng là một phần của cái toàn cảnh thê thảm, khủng khiếp ấy.
Những hình ảnh trong tác phẩm phản ánh rõ rệt cái không khí ảm đạm, chết chóc, cái thảm cảnh thê lương kinh hoàng trong bước ngoặt quan trọng của một thời kì lịch sử, thời kì tiền khởi nghĩa, thời kì mà cái đói, cái chết rình rập khiến cả dân tộc, cả cộng đồng chỉ còn một lựa chọn duy nhất: vùng lên để đòi quyền sống.
+ Nỗi khổ của Tràng, bà cụ Tứ, người "vợ nhặt" và nhữne người dân trong xóm ngụ cư: Có thể hình dung nỗi bất hạnh hằn sâu trong từng con người qua hình ảnh những gương mặt người dân nơi xóm ngụ cư "hốc hác, u tối" vì đói khát, cái bóng đêm nặng nề vì "không nhà nào có ánh đèn, lửa" và cả những đứa trẻ "ngồi ủ rũ dưới những xó đường không buồn nhúc nhích". Chính cái đói đã khiến Tràng, người vợ theo không và người mẹ già bám víu vào nhau dưới mái nhà tồi tàn nhưng nỗi tủi cực, khốn khổ khiến tất cảkhông tránh khỏi những cảm giác bẽ bàng, cay đắng bên nồi cháo cám "đắng chát và nghẹn bứ trong cổ". Hình ảnh người vợ – cô con dâu mới thật thương tâm: "áo quần tả tơi như tổ đỉa", "gầy sọp hẳn đi", "trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt". Hình ảnh "mái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại" có thể đổ ập xuống bất kì lúc nào cũng giống như sinh mệnh của những con người khốn cùng trong đó…
– Hiện thực đen tối, nghiệt ngã của nạn đói, những khoảnh khắc ngặt nghèo giữa sự sống và cái chết đã trở thành cái nền để nhà văn làm nổi bật vẻ đẹp của tình người, khát vọng sống và yêu thương, chia sẻ:
+ Đó là tình người ấm áp giữa những con người cùng cảnh ngộ: sự chia sẻ, cảm thông hồn nhiên, thô mộc, chất phác giữa Tràng và người "vợ nhặt" trong lúc khốn cùng. Chỉ vừa nhận nhau là vợ chồng, Tràng đã ân cần, quan tâm đến người đàn bà hãy còn xa lạ. Có lẽ lần đầụ tiên trong đời, anh con trai vụng về, thô kệch được biết đến cảm giác gắn bó, yêu thương một "người dưng". Trên con đường đưa cô "vợ nhặt" về nhà, Tràng muốn nói một lời tình tứ để làm thân mà không nói được, chỉ biết lúng túng "tay nọ xoa xoa vào vai kia". Nhưng trong lòng Tràng trỗi dậy niềm vui sướng khiến anh ta "hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe doạ, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bấy giờ chỉ còn tình nghĩa với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng". Đặc biệt, đó là tình thương và sự thấu hiểu của bà cụ Tứ đối với con trai và con dâu trong tình cảnh trớ trêu. Tình thương yêu ấy là ngọn lửa ấm xua đi cái lạnh lẽo, đắng chát, bẽ bàng của số phận. Nhà văn biểu hiện tấm lòng vị tha của một người mẹ đã trải qua bao cay đắng trong đời một cách thật cảm động: "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không". Trong bữa cơm "thật thảm hại" của ngày đói, bà mẹ vẫn gắng gượng vượt qua nỗi tủi cực để xua đi phần nào cảm giác "đắng chát và nghẹn bứ" cho tất cả mọi người. Nhà văn Kim Lân đã biểu hiện thật tinh tế những khoảnh khắc mà ánh sáng của tình người, tình thương nhen nhúm ngọn lửa sống trong mỗi con người: "Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thìa, cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng".
+ Đó là khát vọng hạnh phúc và niềm tin vào sự sống vẫn bừng lên trong tâm trí những con người đang ở bờ vực của nạn đói. Vượt lên nỗi tủi hờn, mặc cảm, bẽ bàng,họ vẫn hi vọng về một tương lai và cố nương tựa vào nhau để hướng tới những điều tốt đẹp. Khát vọng sống trong tình thương yêu, chia sẻ đã khiến Tràng và người vợ dạt vào nhau, dắt díu nhau về xóm ngụ cư. Khát vọng sống đã khiến họ cố vun vén cho cái tổ ấm nhỏ nhoi của mình, ngay giữa lúc cái đói, cái chết bủa vây tứ bề. Cảm giác ngọt ngào, êm ái đó càng rõ nét hơn khi Tràng chứng kiến sự đổi thay trong ngôi nhà "rúm ró, xiêu vẹo" của mình vào buổi sáng hôm sau. Nhìn chỗ nào, Tràng cũng thấy mới mẻ, khác lạ: "Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch". Quan sát mẹ và vợ quét tước, dọn dẹp nhà cửa, Tràng bỗng thấy "thấm thìa cảm động". Bởi vì, cảnh tượng thật bình thường, đơn giản ấy chính là "bằng chứng" cho một điều kì diệu: "Hắn đã có một gia đình". Tràng bỗng thấy thương yêu, gắn bó với cái nhà của hắn một cách lạ lùng vì bây giờ nó đã trở thành tổ ấm: "Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy". Trong khoảnh khắc, cả tâm hồn Tràng trưởng thành với ý thức về bổn phận của một người đàn ông trụ cột trong gia đình: "Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này".
+ Cũng chính niềm hi vọng ấy đã đưa họ đến với "lá cờ đỏ bay phấp phới". Đó cũng là hình ảnh nhà văn chọn để kết thúc tác phẩm: "Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới". Nó gieo vào lòng người đọc niềm tin rằng, trong dòng người "như nước vỡ bờ" của những ngày tháng Tám năm 1945, không thể không có Tràng. Từ đó, tác phẩm gợi ra một viễn cảnh, một xu hướng của lịch sử. Xu thế đó là phần hàm ẩn, không được miêu tả trực tiếp và đậm nét nhưng được gợi lên từ toàn bộ không khí, cảnh tượng của đời sống trong tác phẩm.
Kim Lân đã thực hiện thành công ý đồ sáng tác của mình: biến câu chuyện ngày đói cay đắng, đau khổ thành khúc ca chiến thắng của tình người và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc tha thiết, mãnh liệt.