Hướng dẫn

– Trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, cảnh cho chữ thực sự gây ấn tượng rất mạnh cho người đọc. Có thể nói, tác giả đã dồn bút lực tạo nên một kiểu kết truyện đặc sắc, để lại rất nhiều dư âm. Chỉ với cảnh này, các nhân vật mới thực sự bộc lộ tất cả những gì vốn có của mình. Một Huấn Cao trước đây chỉ được biết đến qua lời truyền tụng viết chữ rất nhanh và rất đẹp, thì giờ đây bàn tay tài hoa ấy sẽ vung bút viết nên những nét chữ vuông vắn, tươi tắn trên tấm lụa trắng còn nguyên vẹn lần hồ trước con mắt cảm phục của những người được vinh hạnh chứng kiến. Một thầy thơ lại trước đây ta ngờ rằng “hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình", thì lúc này “run run bưng chậu mực” với thái độ khiêm nhường, cung kính, như tự chứng thực phẩm cách trong sạch của mình. Một quản ngục vốn có thiên lương và tấm lòng biệt nhỡn liên tài, trong tình huống này đã không ngần ngại cúi đầu trước khí phách, tài hoa. Rõ ràng, trong cảnh cho chữ, tất cả đều được đẩy đến đỉnh điểm, tột cùng, là sự thăng hoa của mọi vẻ đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân đã xem đây là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

– Muốn lí giải sâu hơn ý nghĩa nghệ thuật của đoạn kết đặc sắc này, trước hết cần hiểu rằng: việc cho chữ được nhà văn miêu tả ở đây là sáng tạo ra một bức tranh chữ (sản phẩm của nghệ thuật thư pháp), cũng có nghĩa là một cái đẹp cao quý được khai sinh. Thử hỏi trên đời này đã có tác phẩm nghệ thuật nào được sáng tạo trong những điều kiện lạ lùng như bức thư pháp được viết đêm nay trong nhà ngục tỉnh Sơn? Hãy xem: không gian dành cho người nghệ sĩ chảng phải là một thư phòng ấm áp, sang trọng như xưa nay vẫn thấy, mà là một buồng giam chật chội, ẩm thấp, hôi hám; tường đầy mạng nhện, nền nhà đầy phân chuột, phân gián. Thời gian là vào ban đêm, nhưng lại là đêm cuối cùng của một tử tù. Ánh sáng soi tỏ căn buồng là một bó đuốc tẩm dầu đỏ rực, khói toả nghi ngút như một đám cháy nhà gọi cảm giác thật dữ dội. Người nghệ sĩ – nhân tố trung tâm quyết định sự ra đời của tác phẩm – là một người tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng", chỉ vài giờ sau sẽ bị giải đến pháp trường. Nội chừng ấy yếu tố cũng đủ thấy cảnh cho chữ là một cảnh thật hiếm có, lạ lùng.

– Trong đoạn kết của tác phẩm, người đọc còn được chứng kiến sự thay đổi vị thế kì lạ và ngoạn mục, đảo lộn cả trật tự vốn có của chốn lao tù. Người coi ngục, đại diện của quyền lực nhà nước, thì trở nên nhỏ bé, lặng lẽ phục dịch bên cạnh người tử tù và chắp tay cúi đầu vái nhận lời khuyên bảo của tử tù. Còn người tử tù, kẻ bị tước hết mọi quyền (kể cả quyền sống) thì lại trở nên cao lớn lồng lộng, với quyền uy tối thượng của người nghệ sĩ trong giây phút xuất thần sáng tạo.

– Tuy nhiên, trong khung cảnh trang nghiêm, xúc động này, khoảng cách ấy không phải là bất biến. Khi bức chữ đã được viết xong, khi mùi mực thơm tho tinh khiết toả ngát cả căn buồng, thanh tẩy những gì ô uế, thì trước mát ta không còn kẻ cao người thấp, kẻ sang người hèn. Ba con người, ba mái đầu chụm vào nhau cung kính lặng lẽ ngắm nhìn bức chữ, rưng rưng xúc động trước cái đẹp vừa được sinh thành. Phút tương ngộ diệu kì của những tấm lòng trong thiên hạ, sự giao hoà, toả sáng của tài năng, khí phách và thiên lương, sự thăng hoa của cái đẹp… đó mới thực là điều chưa thấy bao giờ.

– Chiêm ngưỡng cảnh cho chữ đầy ngoạn mục, người đọc còn bị cuốn hút bởi nghệ thuật độc đáo, già dặn của Nguyễn Tuân. Nhà văn có biệt tài trong việc dựng không khí, tạo tình huống, khắc hoạ nhân vật. Chỉ vài nét chấm phá, lập tức một cảnh tượng sáng tạo nghệ thuật thư pháp, đặc trưng của nền văn hoá chữ Hán, hiện ra trước mắt ta thật rõ nét. Đúng như có người đã nhận xét: cảnh cho chữ mang đậm chất điện ảnh bởi Nguyễn Tuân đã biết phát huy tối đa hiệu quả của phép tương phản. Đó là sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng; giữa cái đẹp cao cả của nghệ thuật và chốn lao tù ô uế, phàm tục; giữa người tù thân thể bị gông xiềng mà nhân cách và tinh thần tự do với viên quản ngục có quyền hành mà chảng khác nào chịu án chung thân về mặt tinh thần; giữa con người thiên lương và con người công cụ… Xét trên mọi phương diện, cảnh cho chữ là biểu hiện sâu sắc nhất của cảm hứng lãng mạn của Nguyễn Tuân trong Chữ người tử tù.

Bài viết gợi ý: