1. Tìm những từ ngữ địa phương trong phương ngữ mà em đang sử dụng hoặc trong các phương ngữ khác mà em biết:
a) Chỉ các sự vật, hiện tượng... không có tên gọi trong các phương ngữ khác và trong ngôn ngữ toàn dân.
Mẫu: sầu riêng, chôm chôm (phương ngữ Nam Bộ).
Ngữ liệu bổ sung: Nhút (món ăn làm bằng xơ mít muối trộn với một vài thứ khác, được dùng phổ biến ở một số vùng Nghệ An - Hà Tĩnh), bồn bồn (một loại cây thân mềm, sống ở nước, có thể làm dưa hoặc xào nấu, phổ biến ở một số vùng Tây Nam Bộ),...
b) Giống về nghĩa nhưng khác về âm với những từ ngữ trong các phương ngữ khác hoặc ngôn ngữ toàn dân.
Ngữ liệu bổ sung: mệ (phương ngữ Trung Bộ, có nghĩa là bà), mạ (phương ngữ Trung Bộ, có nghĩa là mẹ), bọ (phương ngữ Trung Bộ, có nghĩa là bố, cha), tía (phương ngữ Nam Bộ, có nghĩa là bố, cha), mô (phương ngữ Trung Bộ, có nghĩa là đâu), giả đò (phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ, có nghĩa là giả vờ), ghiền (phương ngữ Nam Bộ, có nghĩa là nghiện)...
c) Giống về âm nhưng khác về nghĩa với những từ ngữ trong các phương ngữ khác hoặc ngôn ngữ toàn dân.
Ngữ liệu bổ sung: hòm trong phương ngữ Bắc Bộ chỉ một thứ đồ đựng, hình hộp, thường bằng gỗ hay kim loại mỏng, có nắp đậy kín, còn trong phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ chỉ ảo quan (dùng để khâm liệm người chết); nón trong phương ngữ Trung Bộ và ngôn ngữ toàn dân chỉ thứ đồ dùng để đội đầu, che mưa nắng, thường bằng lá và có hình một vòng tròn nhỏ dần lên đỉnh, còn trong phương ngữ Nam Bộ nghĩa như nón và mũ trong ngôn ngữ toàn dân...
2. Có những từ ngữ địa phương như trong phần 1.a vì có những sự vật, hiện tượng xuất hiện ở địa phương này, nhưng không xuất hiện ở địa phương khác. Điều đó cho thấy Việt Nam là một đất nước có sự khác biệt giữa các vùng, miền về các điều kiện tự nhiên, đặc điểm tâm lí, phong tục tập quán... Tuy nhiên, sự khác biệt đó không quá lớn, bằng chứng là những từ ngữ thuộc nhóm này không nhiều.
3. Phương ngữ được lấy làm chuẩn của tiếng Việt là phương ngữ Bắc (trong phương ngữ Bắc có tiếng Hà Nội). Phần lớn các ngôn ngữ trên thế giới đều lấy phương ngữ có tiếng của thủ đô làm chuẩn cho ngôn ngữ toàn dân.
4. Trong đoạn trích bài thơ Mẹ Suốt của Tố Hữu có những từ địa phương sau: chi, rứa, nờ, tui, cớ, răng, ưng, mụ. Những từ ngữ này thuộc phương ngữ miền Trung, được dùng phổ biến ở các tỉnh Bắc Trung Bộ như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Mẹ Suốt là bài thơ Tố Hữu viết về một bà mẹ Quảng Bình anh hùng. Những từ ngữ địa phương trên đây góp phần thể hiện chân thực hơn hình ảnh của một vùng quê và tình cảm, suy nghĩ, tính cách của một người mẹ trên vùng quê ấy, làm tăng sự sống động, gợi cảm của tác phẩm.