CHUYÊN ĐỀ 3: CẢM ỨNG Ở THỰC VẬT

A. LÝ THUYẾT

* Cảm ứng:

- Khái niệm: Là khả năng phản ứng của thực vật đối với các kích thích của môi trường.

- Đặc điểm: Phản ứng chậm, phản ứng khó nhận thấy, hình thức phản ứng kém đa dạng.

- Có 2 hình thức: Hướng động (vận động định hướng) và ứng động (vận động cảm ứng).

I. HƯỚNG ĐỘNG

- Hướng động là vận động sinh trưởng định hướng đối với kích thích từ một phía của tác nhân trong ngoại cảnh do sự sai khác về tốc độ sinh trưởng tại hai phía của cơ quan (thân, rễ).

- Vận động sinh trưởng có thể hướng tới nguồn kích thích (hướng động dương) hoặc tránh xa nguồn kích thích (hướng động âm).

1. CÁC KIỂU HƯỚNG ĐỘNG

1.1. Hướng sáng:

- Phản ứng sinh trưởng của thực vật đáp ứng lại tác động của ánh sáng.

- Thân, cành hướng sáng dương, rễ hướng sáng âm.

1.2. Hướng đất (hướng trọng lực):

- Phản ứng sinh trưởng của thực vật đáp ứng lại tác động của trọng lực (hướng về tâm quả đất).

- Rễ hướng đất dương, thân cành hướng hướng đất âm.

1.3. Hướng hóa: Phản ứng sinh trưởng của thực vật đáp ứng lại tác động của hóa chất.

1.4. Hướng nước: Phản ứng sinh trưởng của thực vật tới nguồn nước

1.5. Hướng tiếp xúc: Phản ứng sinh trưởng của thực vật đáp ứng lại tác động của vật tiếp xúc với bộ phận của cây.

2. VAI TRÒ

Hướng động giúp cây sinh trưởng hướng tới tác nhân môi trường thuận lợi →  giúp cây thích ứng với những biến động của điều kiện môi trường để tồn tại và phát triển.

II. ỨNG ĐỘNG

Ứng động là vận động của cây phản ứng lại sự thay đổi của tác nhân môi trường tác động đồng đều đến các bộ phận của cây.

1. CÁC KIỂU ỨNG ĐỘNG

Tùy theo vận động có gây ra sự sinh trưởng của thực vật hay không mà người ta chia ra ứng động sinh trưởng và ứng động không sinh trưởng.

1.1. Ứng động sinh trưởng:

- Thường là các vận động liên quan đến đồng hồ sinh học. Là vận động cảm ứng do sự khác biệt về tốc độ sinh trưởng của các tế bào tại hai phía đối diện nhau của cơ quan (như lá, cánh hoa).

- Tùy thuộc tác nhân kích thích, ứng động sinh trưởng được chia thành các kiểu tương ứng: Quang ứng động, nhiệt ứng động.

- Các vận động này có thể liên quan đến các hoocmon thực vật.

1.2. Ứng động không sinh trưởng:

- Các vận động cảm ứng có liên quan đến sức trương nước của các miền chuyên hóa.

- Các dạng ứng động không sinh trưởng: Ứng động sức trương (như vận động tự vệ), ứng động tiếp xúc và hóa ứng động (vận động bắt mồi).

2. VAI TRÒ

Ứng động giúp thực vật thích nghi đa dạng đối với sự biến đổi của môi trường để tồn tại và phát triển.

 B. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

I. Câu hỏi tự luận

Câu 1: Cơ chế hướng động ở mức độ tế bào là gì ?

Trả lời :

    Cơ chế hướng động ở mức độ tế bào là sự sinh trưởng không đồng đều của các tế bào tại hai phía đối diện nhau của cùng một cơ quan (thân, rễ, bao lá mầm,...). Các tế bào tại phía không được kích thích sinh trưởng nhanh hơn phía được kích thích làm cơ quan này uốn cong và phát triển hướng về phía có nguồn kích thích.

Câu 2: Hướng sáng dương của thân, cành có vai trò gì trong đời sống của thực vật ?

Trả lời :

    Hướng sáng dương của thân, cành giúp cây tìm đến nguồn ánh sáng để quang hợp. Ví dụ : các cây mọc ven bờ ao thường nghiêng mình, mọc hướng về trung tâm ao để tận dụng nguồn ánh sáng trong khoảng không quang đãng, những cây đặt ở cửa sổ thì mọc hướng ra ngoài cửa sổ để đón lấy ánh nắng mặt trời,…

Câu 3: Những hiểu biết về hướng động được áp dụng như thế nào trong thực tiễn sản xuất ?

Trả lời :

   Khi nắm vững các kiến thức về hướng động, chúng ta có thể vận dụng chúng vào thực tiễn sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, cụ thể là :

   - Hướng đất : làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, đủ ẩm để rễ cây sinh trưởng ăn sâu.

   - Hướng nước : nơi nào tưới nước thì rễ phân bố đến đó nên nếu muốn rễ lan rộng, ta tưới nước tại các rãnh, nếu muốn rễ đâm sâu, ta phun trực tiếp vào cây để nước thấm sâu vào lòng đất.

   - Hướng hoá : nguồn phân bón sẽ là tác nhân kích thích để lá và rễ cây vươn tới. Ta có thể bón phân theo tán lá hoặc nơi có nhiều rễ phụ và lông hút, bón gốc làm phát triển bộ rễ theo chiều sâu… Khi bón phân, chúng ta còn cần chú ý đến đặc điểm của bộ rễ : bón phân nông cho cây có rễ chùm, bón phân sâu cho cây có rễ cọc.

   - Hướng sáng : nhu cầu ánh sáng của mỗi loại cây là khác nhau. Do đó, ta có thể trồng xen canh cây ưa sáng và cây ưa bóng. Khi trồng nhớ chú ý đến mật độ để đáp ứng đủ nhu cầu ánh sáng của từng cá thể. Ngoài ra, ta có thể chiếu sáng sát mặt đất cho cây và cành thấp phát triển, tạo ra nhiều quả.

Câu 4: Điểm khác biệt cơ bản nhất của ứng động sinh trưởng và ứng động không sinh trưởng là gì ?

Trả lời :

    Ứng động sinh trưởng xuất hiện do tốc độ sinh trưởng không đồng đều của các tế bào tại mặt trên và mặt dưới của cơ quan như phiến lá, cánh hoa… dưới tác động của kích thích không định hướng từ ngoại cảnh gây nên còn ứng động không sinh trưởng xuất hiện không phải do sinh trưởng mà là do sự biến đổi sức trương nước trong các tế bào, trong các cấu trúc chuyên hoá hoặc do sự lan truyền kích thích cơ học, hoá chất gây ra.

Câu 5: Em hãy phân biệt hướng động và ứng động ở thực vật.

Trả lời :

   Sự khác biệt của hướng động và ứng động thể hiện ở hai diểm :

   - Hướng kích thích : đối với hướng động là tác nhân kích thích từ một hướng còn đối với ứng động là tác nhân kích thích mọi hướng (không định hướng).

   - Cấu tạo của cơ quan thực hiện : các cơ quan thực hiện hướng động có thiết diện cắt ngang dạng hình tròn như bao lá mầm ở cây Hoà thảo, thân, cành, rễ của nhiều loài thực vật khác còn các cơ quan thực hiện ứng động là lá, cánh hoa, đài hoa, cụm hoa hoặc có cấu tạo khớp phình nhiều cấp như cây trinh nữ.

II. Câu hỏi trắc nghiệm

(Check đáp án ở cuối bài)

Câu 1: Cho các nội dung sau:

(1) Vận động liên quan đến đồng hồ sinh học

(2) Các tb ở 2 phía đối diện của cơ quan thực vật có tốc độ sinh trưởng khác nhau

(3) Vận động liên quan đến hoocmon thực vật

(4) Các tb ở 2 phía đối diện của cơ quan thực vật có tốc độ sinh trưởng giống nhau

(5) Vận động liên quan đến sức trương nước ở thực vật

Số ý đúng về ứng động sinh trưởng:

A. 2               B. 3                 C. 4                 D. 5

Câu 2: Đặc điểm nào sau đây không thuộc ứng động sinh trưởng?

A. Vận động liên quan đến đồng hồ sinh học

B. Các tb ở 2 phía đối diện của cơ quan thực vật có tốc độ sinh trưởng khác nhau

C. Vận động liên quan đến hoocmon thực vật

D. Các tb ở 2 phía đối diện của cơ quan thực vật có tốc độ sinh trưởng giống nhau

Câu 3: Ứng động khác cơ bản với hướng động ở đặc điểm nào?

A. Tác nhân kích thích không định hướng.         

B. Có sự vận động vô hướng

C. Không liên quan đến sự phân chia tế bào.      

D. Có nhiều tác nhân kích thích.

Câu 4: Hướng động thường xảy ra khi có sự sinh trưởng không đồng đều tại hai phía của

A. Các cơ quan có cấu tạo dẹt kiểu lưng bụng.           

B. Các cơ quan sinh dưỡng.

C. Các cơ quan sinh sản.                                             

D. Các cơ quan cấu tạo tròn (thân, cuống hoa, cuống lá).

Câu 5: Hiện tượng nào dưới đây là ứng động không sinh trưởng?

A. Hoa mười giờ nở vào buổi sáng, khí khổng đóng mở.

B. Hoa mười giờ nở vào buổi sáng, hiện tượng thức ngủ của chồi cây bàng.

C. Sự đóng mở của lá cây trinh nữ, khí khổng đóng mở.

D. Lá cây họ đậu xoè ra và khép lại, khí khổng đóng mở.

Câu 6: Những ứng động nào sau đây là ứng động sinh trưởng?

A. Hoa mười giờ nở vào buổi sáng, khí khổng đóng mở.

B. Hoa mười giờ nở vào buổi sáng, hiện tượng thức ngủ của chồi cây bàng.

C. Sự đóng mở của lá cây trinh nữ khí klhổng đóng mở.

D. Lá cây họ đậu xoè ra và khép lại, khí klhổng đóng mở.

Câu 7: Những ứng động nào dưới đây theo sức trương nước?

A. Hoa mười giờ nở vào buổi sáng, hiện tượng thức ngủ của chồi cây bàng.

B. Sự đóng mở của lá cây trinh nữ khí klhổng đóng mở.

C. Lá cây họ đậu xoè ra và khép lại, khí klhổng đóng mở.

D. Hoa mười giờ nở vào buổi sáng, khí klhổng đóng mở.

Câu 8: Chọn phát biểu không đúng về hướng động ở thực vật.

A. Luôn có ý nghĩa thích nghi.                        

B. Chỉ xảy ra khi kích thích tác động từ một phía.

C. Luôn hướng tới nguồn kích thích.              

D. Do ảnh hưởng của hoocmon sinh trưởng.

Câu 9: Những ứng động nào dưới đây theo sức trương nước?

A. Hoa mười giờ nở vào buổi sáng, hiện tượng thức ngủ của chồi cây bàng.

B. Sự đóng mở của lá cây trinh nữ, khí khổng đóng mở.

C. Cây bắt mồi khép lại khi có con mồi tiếp xúc, khí khổng đóng mở.

D. Hoa mười giờ nở vào buổi sáng, khí khổng đóng mở.

Câu 10: Hiện tượng nào sau đây không phải là hướng động?       

A. Ống phấn luôn mọc dài về phía noãn hoa.                         

B. Rễ cây phát triển về phía nguồn nước.

C. Tua cuốn của cây mướp quấn chặt vào cọc rào.               

D. Chạm vào cây trinh nữ, lá lập tức xếp lại.

ĐÁP ÁN

1B. 2D. 3A. 4D. 5C. 6B. 7B. 8C. 9B. 10D ./.

Bài viết gợi ý: