CHUYÊN ĐỀ: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN KỊCH, NGHỊ LUẬN VÀ TẠO LẬP ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐƯỢC ĐẶT RA TỪ
VĂN BẢN KỊCH, NGHỊ LUẬN
Đây là phần 2 của chuyên đề. Mời các bạn xem phần 1 tại link này https://loga.vn/chuyen-de-on-thi-phan-kich-nghi-luan-lop-12/
Phần 2 như sau
III. TẠO LẬP ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐƯỢC ĐẶT RA TỪ VĂN BẢN KỊCH, NGHỊ LUẬN

  1. Định hướng và những lưu ý

1.2. Để viết được đoạn Nghị luận bàn về vấn đề xã hội được đặt ra từ văn bản kịch, nghị luận, cần chú ý một số định hướng sau:
– Người học cần trang bị cho mình phương pháp đọc, cách tìm hiểu, phân tích, đánh giá …
– Nội dung và yêu cầu yêu cầu của câu nghị luận xã hội gắn với phần Đọc – hiểu, dựa vào kết quả đọc hiểu. Muốn rút ra được đúng vấn đề xã hội trong đoạn đọc – hiểu, học sinh cần có kĩ năng đọc hiểu tốt; người ra đề cần lựa chọn được những ngữ liệu có vấn đề nghị luận, biên soạn được các câu hỏi định hướng tốt trong phần Đọc – hiểu để học sinh có thể xác định đúng được vấn đề xã hội đặt ra trong đoạn đọc hiểu.
– Đề nghị luận xã hội thường là câu hỏi mở nên học sinh cần có những hiểu biết cơ bản về dạng đề này.
1.2. Những điểm cần lưu ý:
– Câu nghị luận xã hội trong bài thi THPT quốc gia thường được dung lượng bài viết: khoảng 200 chữ và viết dưới hình thức một đoạn văn. Người viết cần nắm chắc những yêu cầu đối với đoạn văn: Tính liên kết chặt chẽ; Tính lô – gic trong diễn đạt.
– Để viết đoạn văn thành công, cần chú ý các bước sau:
+ Xác định chủ đề: căn cứ yêu cầu của đề bài, xác định rõ chủ đề cần bàn luận của đoạn văn là gì? Chủ đề cần được giới thiệu trực tiếp, ngắn gọn ở phần mở đoạn.
+ Triển khai ý: Khi đã xác định được chủ đề của đoạn văn, cần vận dụng kiến thức đọc hiểu có liên quan, kĩ năng làm các dạng nghị luận xã hội để triển khai thành các ý cụ thể, chi tiết. Các ý cần được tổ chức, trình bày một cách chặt chẽ, khoa học, có trọng tâm; tránh lan man, xa chủ đề.
+ Lựa chọn cách diễn đạt: Đề bài không có yêu cầu bắt buộc về kiểu diễn đạt, nhưng vẫn nên chọn kiểu đoạn văn diễn dịch hoặc tổng-phân-hợp cho dễ triển khai ý.
– Trong đoạn văn nghị luận xã hội, bên cạnh việc cắt nghĩa, lí giải và đánh giá, khâu chứng minh rất quan trọng. Nó chứng tỏ mức độ hiểu và sự chủ động trong cách xử lí vấn đề của người viết. Vì vậy, cần có một hệ thống dẫn chứng thích hợp. Đó là những những dẫn chứng chính xác, khách quan, tiêu biểu, chọn lọc. Vì dung lượng hạn chế nên việc đưa dẫn chứng cũng cần được xem xét. Không kể lể dài dòng mà nên thuật lại một cách ngắn gọn, nhấn mạnh vào khía cạnh ứng dụng của dẫn chứng đối với ý trình bày. Đưa dẫn chứng cần đúng lúc, đúng chỗ và có tính mục đích cao.
– Khi liên hệ thực tế, người viết cần có thái độ chân thành và nghiêm túc, tránh cách nói sáo mòn, gượng ép, giải tạo…

  1. Cách viết đoạn nghị luận về vấn đề xã hội được rút ra từ văn bản kịch, nghị luận

2.1. Mở đoạn: Giới thiệu ngắn gọn về văn bản, nêu vấn đề xã hội rút ra từ văn bản.
2.2. Thân đoạn
– Phân tích sơ qua ý nghĩa các xung đột, mâu thuẫn, hành động… then chốt (đối với văn bản kịch); hình ảnh, lé lẽ, luận điểm, cách lập luận… (đối với văn bản nghị luận) để rút ra vấn đề cần nghị luận.
– Quy vấn đề về một trong hai dạng: một tư tưởng, đạo lí hoặc một hiện tượng đời sống và tiến hành nghị luận về vấn đề
+ Nếu là một tư tưởng, đạo lí:
> Giải thích ngắn gọn ý nghĩa tư tưởng, đạo lí đó
> Bày tỏ ý kiến: Đưa ra đánh giá về vấn đề (Đúng hay sai?), luận giải bằng lí lẽ và dẫn chứng (Vì sao?)
> Bàn mở rộng: Tác giả của văn bản đọc hiểu trên khuyên con người điều gì? Phê phán điều gì? Cần phải hiểu rộng ra như thế nào (nếu có)? Nêu bài học nhận thức và hành động.
+ Nếu là một hiện tượng đời sống
> Nêu rõ hiện tượng đời sống cần nghị luận.
> Đánh giá thực trạng của hiện tượng (hiện tượng diễn ra thế nào trong đời sống)
> Lí giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng (dẫn chứng)
> Phân tích tác dụng hoặc tác hại của hiện tượng ( tốt – xấu, lợi – hại như thế nào? )
> Đề xuất những giải pháp khắc phục hiện tượng hoặc nhân rộng hiện tượng
2.3. Kết đoạn: Đánh giá ý nghĩa của văn bản, của vấn đề xã hội ấy.









PHẦN HAI: HỆ THỐNG CÂU HỎI RÈN LUYỆN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU VĂN BẢN KỊCH, VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VÀ VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐẶT RA TỪ NGỮ LIỆU ĐỌC HIỂU

  1. Văn bản kịch

1.1. Kĩ năng đọc hiểu văn bản kịch
Hướng dẫn HS cách đọc kịch bản văn học:
– Đọc kĩ lời giới thiệu, tiểu dẫn để có hiểu biết chung về tác giả, tác phẩm, thời đại tác phẩm ra đời, vị trí của trích đoạn trong toàn tác phẩm
– Tập trung vào lời thoại của nhân vật để xác định quan hệ của các nhân vật, tìm hiểu đặc điểm, tính cách từng nhân vật
– Phân tích hành động kịch, xung đột kịch (diễn tiến, kết quả của từng xung đột)
– Nêu chủ đề tư tưởng, ý nghĩa xã hội của tác phẩm.
=> Đặc trưng kịch và cách đọc- hiểu kịch cơ sở quan trọng để xây dựng câu hỏi đọc- hiểu văn bản thuộc thể này. Chẳng hạn có thể ra những câu hỏi về: xung đột kịch, ý nghĩa của hành động kịch, nhân vật kịch, ngôn ngữ kịch,…
1.2. Hệ thống câu hỏi/ bài tập và các đơn vị kiến thức cần lưu ý

Nhận biếtThông hiểuVận dụng Vận dụng cao
– Nhận diện thể loại của văn bản kịch.
– Chỉ ra chi tiết/ hình ảnh/ biện pháp tu từ/ thông tin,… nổi bật trong văn bản.
– Xác định kiểu loại nhân vật/tuyến nhân vật.
-Khái quát nội dung chính/ vấn đề chính mà văn bản đề cập.
-Xác định mâu thuẫn, xung đột kịch.
Hiểu được ý nghĩa/ tác dụng/ hiệu quả của việc sử dụng từ ngữ/ chi tiết/ hình ảnh/ biện pháp tu từ,… trong văn bản.
– Nắm được đặc điểm ngôn ngữ kịch
– Hiểu được quan điểm/ tư tưởng/tình cảm của tác giả.
– Nhận xét/ đánh giá về tư tưởng/ quan điểm/ tình cảm/ thái độ của tác giả thể hiện trong văn bản.

– Nhận xét ý nghĩa nhân sinh, giá trị tư tưởng/đặc sắc về nghệ thuật của văn bản .
– Rút ra bài học về tư tưởng/ nhận thức cho bản thân.
– Thể hiện quan điểm (đồng tình/phản đối) với một ý kiến được đề ra trong VB.
– Rút ra thông điệp/bài học ý nghĩa nhất từ văn bản.


1.3. Một số đề tham khảo
Đề bài 1:
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các yêu cầu từ 1 đến 4:
TRÍCH CẢNH 3 (Phòng giám đốc)
Việt đứng sau bàn làm việc, ngồi trước anh là Lê Sơn, Nguyễn Chính, Thanh,ông Quých, Dũng, bà Bộng, anh công nhân râu quai nón, các trưởng phòng và Quản đốc các phân xưởng
HOÀNG VIỆT: (Chỉ một cô gái) Cô Loan kế toán trưởng phòng tài vụ, hãy chuẩn bị cho công nhân lĩnh lương mới từ tháng tới.
LOAN: Sao ạ? Lương mới?
HOÀNG VIỆT: Lương khoán theo sản phẩm. Chúng tôi đã định lại giá khoán, mở rộng lương khoán và biết chắc chắn rằng: nếu trả lương khoán, năng suất của mỗi công nhân sẽ tăng gấp năm, sẽ không ai phải lo bện thừng gia công kiếm thêm nữa. Mức sản phẩm của xí nghiệp sẽ tăng ít nhất gấp năm, đương nhiên lương của công nhân viên xí nghiệp ta sẽ phải tăng ít ra là bốn lần
(Mọi người xôn xao)
NGUYỄN CHÍNH: Đồng chí giám đốc, sản xuất tăng gấp năm mới chỉ trên dự tính. Chúng ta chưa làm được, đã vội lĩnh lương cao sao?
HOÀNG VIỆT : Với số lương tối thiểu ấy người công nhân mới có thể sống mà không chết đói, không làm bậy. Muốn tăng sản xuất phải đầu tư. Khâu cần đầu tư trước tiên là con người. Đến cái máy cũng phải có đủ nhiên liệu mới làm việc được. (Với mọi người) Và phải làm ra trò! Cái dở lâu nay của chúng ta là: người chăm và kẻ lười được đối xử như nhau, người tài năng và kẻ dốt nát đều hưởng chung một quyền lợi, thậm chí có những kẻ không làm gì cả, chỉ ngồi phán thôi lại được vì nể hơn những người đã vất vả cống hiến. Xã hội chủ nghĩa gì mà lạ thế? Không, từ nay ai càng làm được nhiều sản phẩm sẽ phải được hưởng lương cao, ai làm tồi sẽ bị phạt bằng tiền, đó sẽ là nguyên tắc của xí nghiệp chúng ta!
(Mọi người hoan hô rầm rộ)
BÀ TRƯỞNG PHÒNG TÀI VỤ : Nhưng, thưa đồng chí giám đốc, các nguyên tắc ấy dựa trên văn bản nào vậy?
HOÀNG VIỆT : Văn bản do tôi và các đồng chí thảo ra.
BÀ TRƯỞNG PHÒNG TÀI VỤ: Thật ra chưa hề có các nguyên tắc như thế, chưa hề có.
HOÀNG VIỆT: Thì bây giờ chúng ta sẽ đặt ra, có sao đâu! Miễn là nó giúp chúng ta làm thêm được nhiều sản phẩm. Tất cả phải tạo mọi thuận lợi cho người trực tiếp sản xuất. Số cán bộ nhân viên gián tiếp phải giảm tới mức tối thiểu
(Trích Tôi và chúng ta, Tuyển tập kịch Lưu Quang Vũ, NXB Sân khấu, 2013, tr. 124 )
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn bản trên?
Câu 2. Anh chị thấy lớp kịch trên chứa đựng mâu thuẫn gì?
Câu 3. Từ cuộc đối thoại của các nhân vật, hãy nhận xét ngắn gọn về con người bà trưởng phòng tài vụ và giám đốc Hoàng Việt?
Câu 4. Nêu ngắn gọn suy nghĩ của anh/chị về quan điểm của giám đốc Hoàng Việt: “Cái dở lâu nay của chúng ta là người chăm và kẻ lười được đối xử như nhau, người tài năng và kẻ dốt nát đều hưởng chung một quyền lợi, thậm chí có những kẻ không làm gì cả, chỉ ngồi phán thôi lại được vì nể hơn những người đã vất vả cống hiến” .
Câu NLXH: Từ văn bản đọc hiểu ở trên, anh/chị hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể trong xã hội hiện nay.
HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu ý Nội dungĐiểm
Đọc hiểu1 – Tự sự0,5
2– Mâu thuẫn giữa tư tưởng bảo thủ, khư khư giữ lấy các nguyên tắc, quy chế đã lỗi thời, lạc hậu (mà đại diện là nhân vật Nguyễn Chính và bà Trưởng phòng tài vụ) với tinh thần dám nghĩ dám làm, khát khao đổi mới vì lợi ích của mọi người (mà đại diện là giám đốc Hoàng Việt).1,0
3– Bà trưởng phòng tài vụ: Bảo thủ, nguyên tắc một cách máy móc;…
– Hoàng Việt: Vị giám đốc có trí tuệ, bản lĩnh, dám phá bỏ cơ chế làm việc lạc hậu, cũ kĩ; mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ dám làm, luôn vì lợi ích của mọi người trong xí nghiệp.
0,5

0,5
4
-HS nêu quan điểm của bản thân nhưng phải hợp lý và thuyết phục. Dưới đây là một vài gợi ý:
– Cần có sự đánh giá công bằng, khách quan về thành tích, đóng góp của từng cá nhân dựa trên thực làm; tạo động lực, sự phát triển tận độ năng lực sáng tạo của từng cá nhân.
– Cái “chúng ta” được tạo thành từ sự đóng góp của nhiều “cái tôi” cụ thể nên cần quan tâm, chăm chút đến quyền lợi, hạnh phúc của từng cá nhân con người.
0,5

II1 2,0
Viết đoạn văn NLXH *Yêu cầu: Đoạn văn đảm bảo dung lượng 200 chữ, có thể trình bày theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp, song hành, tổng phân hợp…, lập luận thuyết phục, có lí lẽ, dẫn chứng cụ thể; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
*Nêu rõ quan điểm cá nhân, lí giải quan điểm một cách thuyết phục (1,5 điểm). Có thể trình bày theo hướng sau: – “Cá nhân” là đơn lẻ, là cá thể, là một con người cụ thể trong một môi trường xã hội, một tổ chức, một tập thể.
– “Tập thể” là một tập hợp những cá nhân hội tụ lại, cùng nhau tham gia vào một hoạt động, một công việc chung nào đó trong xã hộ
– Trong cuộc sống , các cá nhân và tập thể luôn luôn có mối quan hệ qua lại với nhau, bổ trợ, hỗ trợ cho nhau để cùng phát triển. Mỗi cá nhân khi thực hiện tốt mọi việc, mọi quy định sẽ xây dựng, tạo dựng và phát triển nên thành một tập thể tốt. Ngược lại một tập thể tốt là khi các cá nhân trong tập thể đó luôn có sự tôn trọng, bình đẳng, cùng quan tâm giúp đỡ nhau thực hiện vì một mục đích, một lợi ích chung.
– Mỗi cá nhân cần có ý thức xây dựng tập thể vững mạnh, đoàn kết vì sự phát triển chung của toàn xã hội.
– Tuy nhiên trong xã hội hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều người sống trong môi trường tập thể nhưng lại có lối sống ích kỉ cá nhân,chỉ nghĩ đến bản thân mình; Cũng có nhiều trường hợp, tập thể lại không biết tạo điều kiện cho cá nhân phát triển thậm chí còn lấy đi lợi ích cá nhân, khiến cho nhiều người mất mãn. Đây là mặt trái của xã hội vì vậy cần lên án và loại bỏ.

0,25




0,25




0,75









0,25


Đề bài 2:
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các yêu cầu từ 1 đến 4
Hồn Trương Ba: Như vậy thì suýt nữa là tôi chết hẳn bà nhỉ?
Vợ Trương Ba: May mà có ông Đế Thích…
Hồn Trương Ba: Kinh thật! Chết hẳn không được sống nữa! (Ngẫm nghĩ). Ai bảo không sợ chết là nói khoác, chứ tôi, tôi sợ lắm. Cứ nghĩ đáng nhẽ mình…là lại sợ. May quá, mình lại được sống. lại được đi lại, làm lụng, trông thấy mặt trời, được ăn những trái cây trong vườn, ngửi mùi hoa ngâu, hoa lý trước thềm, uống nước chè tươi bà nấu.. Lại được bên bà, nhìn thấy bà.. Sống, thật là lý thú!
Vợ Trương Ba (Rụt rè) Nhưng…nhưng.. ông đã…
Hồn Trương Ba: Đã khác hẳn trước, phải không? (Rầu rĩ). Bà đã quen hình vóc này của tôi chưa?
Vợ Trương Ba: Đã gần một tháng, cũng…cũng quen dần ông ạ!
Hồn Trương Ba: Vậy là sao.. Tôi vẫn chưa quen được! Cái thân xác có phải bộ quần áo đâu mà dễ quen, dễ đổi. Có khi người ngoài nhìn vào còn dễ quen chứ chính bản thân mình thì… đã gần một tháng, tôi là tôi mà cứ như không phải là tôi.. Trước kia tôi đâu có biết Anh hàng thịt này là ai.. (Ngắm nghía lại tay chân mình). Cái thân xác cũ của tôi, tôi mang đã 50 năm chứ cái thân xác cồng kềnh này.. (Lắc đầu).
Vợ Trương Ba: Quen dần..nhưng mà..Lắm lúc không hiểu sao tôi vẫn nhớ tới hình vóc ông hôm qua, lại thương cho cái người nằm dưới đất ấy…
Hồn Trương Ba: Người nào? Dưới đất chỉ là cái xác..Thế mà bà bảo: Chỉ có cái hồn mới là đáng kể! Thân xác là kẻ khác nhưng hồn vẫn là mình cơ mà!
Vợ Trương Ba: Tôi hỏi thật, từ hôm mang thân Anh hàng thịt, mình thấy trong người thế nào, có như xưa không?
Hồn Trương Ba: Tôi khỏi hẳn cái chứng đau lưng với bệnh hen xuyễn. Người thấy khoẻ mạnh lắm. Anh hàng thịt này là người lực lưỡng to béo nhất chợ mà.
Vợ Trương Ba: Giờ một bữa ông ăn 8,9 bát cơm. Trước ông ăn yếu lắm. Mà giờ ông lại hay đòi uống rượu.
Hồn Trương Ba: (Ngại ngùng) Chẳng hiểu tại sao. Chắc vì Anh hàng thịt nghiện rượu. Xưa tôi ghét nhất cái thứ đó! Bây giờ tôi vẫn ghét, nhưng cái thân xác tôi mang đã quen với thói cũ của nó…
Vợ Trương Ba: (Ngậm ngùi) Bây giờ ông trẻ hơn xưa đến hơn hai mươi tuổi, Anh hàng thịt mới ngoài ba mươi mà.. ông sức vóc như thế, mắt ông còn tinh, tóc ông đen nhánh còn tôi đã già rồi, tôi đã là bà lão rồi..
Hồn Trương Ba: Kìa bà nó.. Thì tôi có muốn thế đâu!
(Lưu Quang Vũ, Hồn Trương Ba da hàng thịt, NXB Văn học )
Câu 1: Tìm những từ ngữ nói về sự thay đổi của Trương Ba.
Câu 2: Nêu ý nghĩa của các chú thích nghệ thuật (phần in nghiêng trong ngoặc đơn) trong đoạn trích?
Câu 3: Đoạn trích trên đã bắt đầu cho anh/ chị thấy bi kịch nào của nhân vật Trương Ba?
Câu 4: Anh /chị có đồng tình với quan niệm “Chỉ có cái hồn mới là đáng kể” không? Tại sao?.
Câu NLXH: Từ những điều đã thu nhận được qua đoạn văn bản trên, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề Sống là chính mình.
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1: Những từ ngữ nói về sự thay đổi của Trương Ba:
+ Khỏi hẳn cái chứng đau lưng với bệnh hen xuyễn
+ khoẻ mạnh lắm
+ một bữa ông ăn 8,9 bát cơm
+ hay đòi uống rượu
+ trẻ hơn xưa đến hơn hai mươi tuổi, mắt ông còn tinh, tóc ông đen nhánh.
Câu 2: Ý nghĩa của các chú thích nghệ thuật (phần in nghiêng trong ngoặc đơn) trong đoạn trích:
– Ghi chú về các hành động, biệu thị thái độ, của nhân vật.
– Giúp người đọc, người nghe hình dung cụ thể hơn thái độ, tâm trạng của nhân vật.
Câu 3: Đoạn trích trên đã bắt đầu cho ta thấy được bi kịch nào của nhân vật Trương Ba, đó là:
– Sự lệch lạc giữa Hồn và Xác. Dù xa lạ, không phù hợp với xác hàng thịt nhưng hồn Trương Ba vẫn phải trú ngụ trong đó và đang chứng kiến sự thay đổi của mình dưới thân xác hàng thịt.
– Người thân của Trương Ba cũng bắt đầu cảm thấy ngậm ngùi, xa lạ dần trước sự thay đổi của Trương Ba.
Câu 4: HS có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng lý giải phải hợp lý, thuyết phục.
– Nếu đồng tình: chỉ ra ý nghĩa của đời sống tâm hồn, và tác hại của đời sống xác thịt đối với con người: đề cao, coi trọng sự sống tâm hồn mà phủ nhận đời sống của xác thịt của con người.
– Nếu phản đối: cần chỉ ra vai trò, sự cần thiết của đời sống tâm hồn và xác thịt, con người bình thường cần phải có được sự cân bằng cả về tâm hồn về thể xác, mọi sự lệch lạc đều dẫn tới bi kịch.
Câu NLXH: Ý nghĩa của việc được sống là chính mình:
*Yêu cầu về hình thức: (0,5 điểm)

  • Viết đúng một đoạn văn khoảng 200 từ
  • Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
  • Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận, có lí lẽ và căn cứ xác đáng, thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • *Yêu cầu về nội dung: (1,5 điểm)
    Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo được những nội dung sau:
    – “sống là chính mình”: Là sự hài hòa thể xác và tâm hồn
    -Vai trò, ý nghĩa của việc được sống là chính mình trong cuộc sống :
    + Tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống
    + Góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn (HS lấy dẫn chứng chứng minh vấn đề nghị luận

  • Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân:
  • + Sống bản lĩnh, không đánh mất bản thân.
    + Sống chân thật, luôn có ý thức hoàn thiện nhân cách.
    + Luôn đấu tranh vượt lên trên lối sống tầm thường, chiến thắng bản năng.

    1. Văn bản nghị luận

    2.1. Kĩ năng đọc hiểu văn bản nghị luận
    2.1.1. Câu hỏi đọc hiểu về nội dung văn bản nghị luận
    Câu hỏi về luận đề: Vấn đề mà văn bản đề cập tới là gì, có gì mới mẻ, đặc sắc và có ý nghĩa gì? (đặt trong bối cảnh văn bản ra đời, trong thời đại hiện nay?). Hiểu được ý nghĩa của nhan đề, biết phát hiện các từ ngữ lặp đi lặp lại, xuất hiện nhiều lần trong văn bản; tìm ra câu then chốt, chứa thông tin quan trọng; biết so sánh, đối chiếu vấn đề nêu lên trong văn bản này với các văn bản khác của cùng tác giả, cùng một thời đại để tìm ra sự khác biệt mang tính độc đáo, mới mẻ, đặc sắc; biết cách kết nối vấn đề của văn bản với bối cảnh để đọc ra ý nghĩa của luận đề; biết trình bày tác động của văn bản đối với nhận thức, tư tưởng, tình cảm của bản thân.
    Câu hỏi về tư tưởng: Thái độ của tác giả về vấn đề được cập trong văn bản là gì (đồng tình hay phản đối, ca ngợi hay phê phán, phủ định hay khẳng định)? Tình cảm của người viết thể hiện qua văn bản như thế nào (trân trọng, thành kính/ngưỡng mộ, phê phán, ngợi ca…)? Qua đó tác giả thể hiện tư tưởng gì? Yêu cầu HS đọc nhiều lần văn bản nhận ra tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả qua giọng điệu, cách cấu trúc câu, cách dùng từngữ, cách xưng hô của chủ thể bàn luận hoặc cách gọi tên đối tượng nghị luận. Hoặc căn cứ vào mục đích nghị luận, đối tượng hướng tới của văn bản nghị luận mà nhận ra tình cảm, thái độ của tác giả.
    2.1.2. Câu hỏi đọc hiểu về nghệ thuật của văn bản nghị luận
    Câu hỏi về lập luận: Văn bản đã dùng các thao tác lập luận như thế nào? Đâu là thao tác lập luận chính? Tác dụng của thao tác/các thao tác lập luận đó?
    – Câu hỏi về luận điểm: Văn bản triển khai luận đề bằng các luận điểm phong phú đa dạng và thuyết phục như thế nào? (Yêu cầu HS nhận diện được những câu mở đầu đoạn, hoặc kết thúc đoạn xem có phải đó là luận điểm không?; biết kết nối, tổng hợp, khái quát ý nghĩa của các câu trong đoạn để tìm ra nội dung chính của VB/ đoạn VB; biết chỉ ra mối liên hệ về ý nghĩa giữa các ý kiến triển khai luận đề với nhau và với luận đề).
    Câu hỏi về luận cứ: Hệ thống lí lẽ đã chính xác chưa, có sắc sảo và mới mẻ không? Các số liệu, dẫn chứng, bằng cứ tiêu biểu, toàn diện, đa dạng, phong phú và làm rõ luận điểm ở mức độ nào?
    Câu hỏi về hình thức nghị luận: Lớp từ ngữ được sử dụng trong văn bản có ý nghĩa gì trong việc thể hiện luận đề của văn bản; thái độ, tư tưởng, tình cảm của người viết? Giọng điệu và sức thuyết phục, truyền cảm của văn bản được thể hiện như thế nào và có ý nghĩa gì trong việc thuyết phục người nghe, người đọc?
    2.2. Hệ thống câu hỏi/bài tập và các đơn vị kiến thức cần lưu ý
    Bài đọc hiểu VB nghị luận trong đề thi thường hướng tới kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu của HS với các mức độ như sau:

    Nhận biếtThông hiểuVận dụng Vận dụng cao
    -Nhận diện đúng, chính xác: thể loại/ phương thức biểu đạt/ phong cách ngôn ngữ / thao tác lập luận của văn bản.
    – Chỉ ra chi tiết/ hình ảnh/ biện pháp tu từ/ thông tin,… nổi bật trong văn bản.
    – Nhận diện các phép liên kết của văn bản/ nhận diện cách thức trình bày của đoạn văn/ kết cấu của đoạn văn (hoặc VB).
    – Khái quát chủ đề/ nội dung chính/ vấn đề chính mà văn bản đề cập.
    – Hiểu được quan điểm/ tư tưởng, tình cảm,… của tác giả.
    Dựa vào nội dung VB để lý giải ý nghĩa/tác dụng/ hiệu quả của việc sử dụng từ ngữ/ chi tiết/ hình ảnh/ biện pháp tu từ/ thao tác lập luận… trong văn bản.
    – Lí giải được sự lựa chọn các thao tác lập luận/ sự sắp xếp các luận điểm, luận cứ phù hợp với ý kiến, quan điểm của người viết.
    -Nhận xét được giọng điệu tranh luận và con người tác giả qua việc đọc hiểu VB.
    – Đặt nhan đề cho VB.
    – Nhận xét/ đánh giá về tư tưởng/ quan điểm/ tình cảm/ thái độ của tác giả thể hiện trong văn bản.
    – Nhận xét về một giá trị nội dung/ nghệ thuật của văn bản.
    – Dựa vào VB để giải quyết các tình huống, các vấn đề đặt ra trong VB.
    -Thể hiện quan điểm của bản thân trước một vấn đề đặt ra từ VB/ vận dụng những tri thức của bản thân để đề xuất các giải pháp trước một tình huống của thực tiễn.
    – Rút ra bài học (thông điệp) ý nghĩa nhất về nhận thức/ hành động cho bản thân.


    2.3. Các đề tham khảo
    Đề 1
    Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các yêu cầu từ 1 đến 4:
    (1)Cuộc sống này vốn không chỉ là hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông, nó bao gồm cả những phút giây bạn bị gai đâm cho tứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng nước chảy xiết nữa. Những khó khăn và cạm bẫy luôn chực chờ, chỉ cần ta lơ là và mất cảnh giác sẽ xô tới, nhào nặn ta thành những vật thể đôi khi chính ta cũng không thể hình dung.
    (2) Sẽ có những lúc bạn loay hoay, hoang mang và vô định, cảm giác chông chênh, mệt mỏi và hoàn toàn mất phương hướng. Đó có thể là khi bạn thi trượt cuộc thi mà bạn nghĩ là quan trọng nhất đời mình. Đó là khi người bạn thân nhất quay lưng đi sau khi đâm vào lưng bạn một vết dao. Đó có thể là khi người yêu ngàn năm của bạn nói rằng không còn yêu thương bạn nữa. Đó cũng có thể là khi bạn làm cha mẹ thất vọng về mình vì bạn không nghe theo họ. Đó là khi con đường sự nghiệp của bạn bị khựng lại sau nhiều năm phấn đấu…
    (3) Sẽ có nhiều, rất nhiều những khoảnh khắc bạn hoang mang, lo sợ và run rẩy vì không biết bám víu vào đâu. Vì những gì bạn tin tưởng đều tan biến. Đó thật sự là một cảm giác đáng ghét, và tồi tệ. Làm cách nào để ta đứng vững giữa muôn vàn cạm bẫy khó khăn, thử thách? Làm cách nào để ta luôn hiên ngang vững vàng trên đôi chân mình và luôn mở rộng vòng tay chào đón những điều dễ thương của cuộc đời? Liệu có thứ gì luôn ở bên và giúp ta vượt qua những trở ngại? Thứ gì đó dẫn đường chỉ lối cho ta đi xuyên qua màn đêm sóng gió để đạt được điều mong muốn?. Thì đây, cuộc sống, ngay cả khi có một ngàn lý do để làm cho bạn khóc, bạn vẫn phải tìm một triệu lý do để giữ nụ cười.
    (Phi Tuyết, dẫn theo http://soha.vn/xa-hoi/, 8/8/2014)
    Câu 1: Ở đoạn văn (1), tác giả đã sử dụng các cách trình bày nào trong các cách sau: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành?
    Câu 2: Theo tác giả, vì sao bạn rơi vào trạng thái “ loay hoay, hoang mang và vô định” ?
    Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về nội dung câu văn: “Cuộc sống này vốn không chỉ là hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông, nó bao gồm cả những phút giây bạn bị gai đâm cho tứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng nước chảy xiết nữa.”
    Câu 4: Bài học ý nghĩa nhất đối với anh/chị sau khi đọc đoạn văn bản trên?
    Câu NLXH: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh (chị) về quan điểm của tác giả đã nêu ở đoạn đọc hiểu: cuộc sống, ngay cả khi có một ngàn lý do để làm cho bạn khóc, bạn vẫn phải tìm một triệu lý do để giữ nụ cười.
    HƯỚNG DẪN CHẤM

    Câu ý Nội dungĐiểm
    Đọc hiểu1– Đoạn 1: Song hành
    0,5
    2-Theo tác giả, vì sao bạn“ loay hoay, hoang mang và vô định” :
    + Vì bạn thất vọng vào bản thân khi không đạt được mục tiêu đề ra: thi trượt cuộc thi quan trọng, con đường sự nghiệp không như ý.
    + Vì người bạn thân nhất gây tổn thương cho bạn, người bạn yêu không còn dành tình cảm cho bạn nữa, cha mẹ bạn buồn lòng kji bạn không nghe theo họ.
    Lưu ý:
    1,0
    3–“hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông”:Là hình ảnh ẩn dụ cho những điều tốt đẹp, kỳ diệu của cuộc sống.
    –“phút giây bạn bị gai đâm cho tứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng nước chảy xiết”: Khoảnh khắc gặp khó khăn, thất bại trong cuộc đời.
    => Sự phong phú, muôn màu của cuộc sống: vừa thơ mộng, đẹp đẽ vừa chứa đầy những khó khăn thử thách có khả năng tôi luyện ý chí, bản lĩnh và nghị lựccủa con người.
    0,25

    0,25


    0,5
    4 -HS rút ra một bài học có ý nghĩa nhất cho bản thân nhưng phải hợp lý và thuyết phục. Dưới đây là một vài gợi ý:
    +Lạc quan là thái độ sống tích cực khi đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống.
    + Cuộc đời không phải lúc nào cũng êm đềm, thơ mộng, bão tố cuộc đời có thể đánh gục ta bất cứ lúc nào. Điều quan trọng là cách ta ứng xử trước mỗi khó khăn.
    0,5

    II1“cuộc sống, ngay cả khi có một ngàn lý do để làm cho bạn khóc, bạn vẫn phải tìm một triệu lý do để giữ nụ cười.”2,0
    Viết đoạn NLXH *Yêu cầu: Đoạn văn đảm bảo dung lượng 200 chữ, có thể trình bày theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp, song hành, tổng phân hợp…, lập luận thuyết phục, có lí lẽ, dẫn chứng cụ thể; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
    *Nêu rõ quan điểm cá nhân, lí giải quan điểm một cách thuyết phục (1,75 điểm). Có thể trình bày theo hướng sau:
    “Khóc”: biểu hiện của sự bi quan, yếu đuối; “nụ cười”: tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống. -> Câu nói ngắn gọn làm nổi bật triết lý sống sâu sắc: Sống lạc quan, chủ động trong mọi tình huống khó khăn của cuộc đời.
    – Cuộc sống làm cho bạn khóc vì: Cuộc sống có nhiều khó khăn, trở ngại, vấp ngã là điều khó tránh khỏi, thất bại là điều tất yếu.
    – Luôn tìm lý do để giữ nụ cười vì: Duy trì tinh thần lạc quan chính là giải pháp giúp chúng ta luôn đủ sức mạnh tinh thần để đứng dậy sau mỗi vấp ngã, mỗi thất bại; luôn giữ cho mình sự lạc quan là một kỹ năng sống quan trọng khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. ( HS lấy dẫn chứng…)
    – Phê phán những người yếu đuối, thụ động trước mỗi khó khăn; rút ra bài học cho bản thân.

    0,25



    0,5



    1,0



    0,25


    Đề 2:
    Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các yêu cầu từ 1 đến 4:
    (1)Sáng nay tôi nhìn thấy em ở ngã tư. Đèn đỏ còn sáng và đồng hồ đang đếm ngược. Ba mươi chín giây. Em đang vội, chiếc xe đạp điện màu đỏ cứ nhích dần lên. Không chỉ mình em, nhiều người khác cũng vội, những chiếc xe máy cứ nhích dần, nhích dần lên…Sống là không chờ đợi. Dù chỉ mấy mươi giây.Tôi nhớ có hôm nào đó, em đã nói với tôi rằng đấy là một triết lý hay, ta phải tranh thủ sống đến từng giây của cuộc đời.Nhưng em biết không, đừng vì bất cứ một triết lý nào mà gạt bỏ ý nghĩa của sự chờ đợi. Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời. Em sẽ bằng lòng đợi chứ, nếu em biết về điều sẽ xảy ra. Đợi tín hiệu đèn xanh trước khi nhấn bàn đạp, vì biết đó là tuân thủ luật pháp và sự an toàn cho chính bản thân. Đợi một người trễ hẹn thêm dăm phút nữa, vì biết có bao nhiêu điều có thể bất ngờ xảy ra trên đường. Đợi một cơn mưa vì biết rằng dù dai dẳng mấy, nó cũng phải tạnh. Đợi một tình yêu đích thực vì biết rằng những thứ tình yêu “theo trào lưu” chỉ có thể đem đến những tổn thương cho tâm hồn nhạy cảm của em…
    (2) Vì vậy, hãy cứ bình tâm, em nhé. Cuộc đời ta cũng như rượu vang vậy. Có những loại vài tháng là uống được. Nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay là muộn mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm.
    (…)Tôi nhớ có một câu danh ngôn, đại ý rằng: “Bạn sẽ có được con gà con lông vàng mũm mĩm bằng cách ấp trứng, chứ không phải bằng cách đập vỡ cái trứng ra”. Vậy thì đó là lý do tại sao con sâu phải nằm trong kén đủ ngày rồi mới được hóa thân. Cũng như con người phải chín tháng mười ngày mới nên rời lòng mẹ. Đó cũng là lý do của ba mươi chín giây đèn đỏ, của mười hai năm miệt mài trên ghế nhà trường, của một mối tình tha thiết còn chưa chịu hé lộ. Và của rất nhiều khoảnh khắc chờ đợi trong cuộc đời.Mọi vật có thời điểm của nó, em đừng cố rút ngắn thời gian. Nếu trái chưa chín thì đừng nên hái. Nếu nhộng chưa chín thì đừng phá vỡ kén tằm. Nếu chưa gặp được một tâm hồn đồng điệu thì đừng trao gửi trái tim. Đừng để thế giới này tác động.
    (3) Xuân qua hè tới. Đông sang thu về. Đừng nôn nóng khi nhìn thấy những loài cây đã khoe lá khoe hoa. Hãy cứ bình tâm. Hãy đợi thời điểm của mình, em nhé. Hãy tận dụng khoảng lặng này để bồi đắp cho chính mình và học cách khám phá điều sẽ xảy ra. Nếu em biết suy tư, khoảng thời gian chờ đợi không bao giờ là vô nghĩa. Dù cuộc sống có trôi nhanh đến mấy, em nhớ để dành trong đời mình những khoảng lặng chờ đợi. Không chỉ như chờ đèn xanh bật sáng ở ngã tư, mà như chờ rượu chín rồi hãy uống. Như chờ tình đến rồi hãy yêu.
    (Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Văn học 2015, tr. 84 – 85)
    Câu 1: Ở đoạn (1), tác giả thuyết phục người đọc về quan điểm của mình chủ yếu bằng thao tác lập luận nào?
    Câu 2: Giọng điệu tranh luận của tác giả trong đoạn văn bản là gì? Từ giọng điệu tranh luận ấy, anh (chị) thấy tác giả là người như thế nào?
    Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời
    Câu 4: Anh/ chị có đồng ý với quan điểm sống của giới trẻ mà tác giả nhắc đến trong đoạn trích “Sống là không chờ đợi” không? Vì sao?
    Câu NLXH: Suy nghĩ của em về quan điểm của tác giả đã nêu ở đoạn đoc hiểu: Dù cuộc sống có trôi nhanh đến mấy, em nhớ để dành trong đời mình những khoảng lặng chờ đợi
    Lưu ý: Ngữ liệu trên quá dài, vì vậy cần rút kinh nghiệm: Khi biên soạn đề đọc hiểu cần chú ý độ dài của ngữ liệu (Đ/c Phạm Thị Huệ đã lưu ý điều này khá nhiều lần. Mong các đ/c chú ý)
    HƯỚNG DẪN CHẤM

    Câu ý Nội dungĐiểm
    Đọc hiểu1– Thao tác lập luận bác bỏ.0,5
    2-Giọng điệu tranh luận: nhẹ nhàng mang tính chiêm nghiệm.
    – Tác giả là người:
    + Từng trải, có hiểu biết sâu rộng về cuộc đời.
    + Sống sâu sắc và có trách nhiệm với cuộc đời.
    0,25

    0,25
    0,25
    3–“chờ đợi”:là mong ngóng một điều gì đó sẽ đến.
    –“há miệng chờ sung”: trông chờ vào sự may rủi của số phận.
    – “bài học của cuộc đời”: kinh nghiệm bổ ích được rút ra từ những sai lầm, thất bại,… trong cuộc sống.
    => Chúng ta cần phải biết kiên nhẫn chờ đợi bởi chờ đợi là một phần tất yếu của cuộc đời. Sự chờ đợi sẽ đem đến cho chúng ta nhiều bài học về kinh nghiệm và cách ứng xử trong cuộc sống.
    0,25
    0,25
    0,25


    0,5
    4
    -HS có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng lý giải phải hợp lý và thuyết phục. Dưới đây là một vài gợi ý:
    + Đồng tình vì: Đó là lối sống không để thời gian trôi qua một cách lãng phí vì thời gian là vàng; là biểu hiện của lối sống không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mà phải biết tự mình nắm bắt lấy các cơ hội; đó là lối sống của những con người năng động, chủ động…có cá tính mạnh mẽ.
    + Không đồng tình vì: Sống không chờ đợi sẽ làm con người mệt mỏi, áp lực cuộc sống tăng cao vì lúc nào cũng phải chạy đua với thời gian; con người dễ bị cuốn vào vòng xoáy bận rộn của cuộc sống mà lãng quên đi những giá trị sống khác, cứ sống mãi như vậy con người dễ bị biến thành hời hợt, vô cảm;…
    0,25

    0,75

    II1Dù cuộc sống có trôi nhanh đến mấy, em nhớ để dành trong đời mình những khoảng lặng chờ đợi2,0
    Viết đoạn văn NLXH *Yêu cầu: Đoạn văn đảm bảo dung lượng 200 chữ, có thể trình bày theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp, song hành, tổng phân hợp…, lập luận thuyết phục, có lí lẽ, dẫn chứng cụ thể; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
    *Nêu rõ quan điểm cá nhân, lí giải quan điểm một cách thuyết phục (1,75 điểm). Có thể trình bày theo hướng sau:
    “Để dành”: giữ lại; “khoảng lặng”: giây phút tâm hồn con người được thư thái nhất; “chờ đợi”: mong ngóng một điều gì đó sẽ đến. -> Lời nhắn nhủ của Phạm Lữ Ân khuyên ta lối sống kiên nhẫn, bình thản, có chiều sâu tâm hồn để nhận ra được những giá trị đích thực của cuộc sống.
    – Trong cuộc sống, phải “để dành những khoảng lặng chờ đợi”:
    + Để giảm bớt áp lực giữa nhịp đời vội vã.
    + Có những giây phút tĩnh tại dể hiểu mình và hiểu đời.
    + Để sống sâu sắc và chất lượng.( HS lấy dẫn chứng…)
    – Mở rộng, phê phán và rút ra bài học: “Để dành những khoảng lặng chờ đợi” không phải là lối sống cố níu giữ hay lãng phí thời gian mà là cách chúng ta thưởng thức cuộc sống một cách ý nghĩa nhất; Đáng sợ nhất là chúng ta sống mà không kịp nghĩ, để dành những khoảng lặng chờ đợi giúp chúng ta vừa sống, vừa nghĩ. Đó là thái độ sống tích cực của con người hiện đại.

    0,25



    0,5



    0,75




    0,5



    Đề 3:
    Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

    “Ta hạnh phúc liền giây phút này…

    Nội dung những bài thiền ca, trong đó có câu hát trên, đều là khuyến khích người hát lẫn người nghe trở lại giây phút hiện tại để nhận ra hạnh phúc đích thực (sự an trú trong cái mình đang có, điều mình đang trải qua, việc đang diễn ra có ý thức). Theo đó, hãy thưởng thức việc bạn đang làm, nơi bạn đang sống, kể cả… cơn đau đang biểu hiện.”Chào em” là lời dễ thương dành cho cơn đau và nỗi khổ mình đang đối diện, như thể đó là một phần không thể thiếu.
    Thật vậy, nếu chúng ta có thái độ chấp nhận để sống (với mọi thứ, kể cả đau buồn) nhẹ nhàng thì cái đau và cái khổ sẽ dễ dàng trôi qua hơn. Điều đó cũng giống như hai người cùng leo núi, một người thì than thở núi cao, xa, leo mệt và người kia thì thấy đây là việc giống như tập thể thao để rèn luyện sức khỏe thì họ sẽ có cảm nhận trái ngược nhau: bên kia như cực hình, bên này hào hứng và hạnh phúc.
    Có rất nhiều cách để trau dồi sự chịu đựng, đồng nghĩa với trau dồi năng lực chấp nhận và chuyển hóa khổ đau (bất như ý) thành hạnh phúc. Tất nhiên, đó hoàn toàn không phải là sự cam chịu, mà là ý thức rõ việc vui vẻ trải qua những điều mình không mong muốn.
    Thực ra, đây chính là cách kiến tạo hạnh phúc và từ đó nâng tầm bản thân thành người có bản lĩnh. Cách đây mấy ngày, thế giới ngả nón kính chào giáo sư Stephen Hawking– người được biết đến là anh hùng không chỉ trên phương diện chuyên môn là khoa học vũ trụ, mà còn là người vượt lên chính mình một cách hoàn hảo, như biểu tượng về việc không đầu hàng “số phận”. Hình ảnh của ông và những người như ông đã truyền một thông điệp khác, rằng bạn có thể thành công ngay cả khi bạn có nhiều điều kiện để đi tới… thất bại.
    Theo đó, bạn có thể có thật nhiều hạnh phúc ngay cả khi sinh ra bạn đã bị hạn chế khá nhiều điều kiện để hạnh phúc và dư thừa điều kiện đẩy tới khổ đau.
    Cảm ơn câu chuyện có thật về những con người đã tạo nên phép mầu cho bản thân, để rồi chính họ là nguồn cảm hứng giúp nhiều người khác tiếp tục tạo ra phép mầu, làm nên điều kỳ diệu. Nghĩ về họ, chúng ta có thể thấy hổ thẹn vì mình có nhiều điều kiện để có cuộc sống an vui hay ít ra để vui sống, nhưng chỉ vì mình tự ti và thường than vãn nên không kích hoạt được năng lượng tốt đẹp để vận hành suy nghĩ, lời nói, hành vi mang tới an vui cho bản thân và cuộc sống
    Tất nhiên, đây là câu chuyện thiền giúp phản tỉnh những ai còn đang loay hoay kiếm tìm hạnh phúc, nào ngờ hạnh phúc chính là khi mình bỏ bớt cái tôi, bỏ bớt cái mong cầu để sống “biết đủ”, để phấn đấu và an nhiên trong nỗ lực thay đổi bản thân.
    (Theo Lưu Đình Long – Báo tuổi trẻ online ngày 18.3.2018)
    Câu 1: Đoạn văn bản trên sử dụng kết hợp những phương thức biểu đạt nào?
    Câu 2: Xác định nội dung của đoạn văn bản trên?
    Câu 3: Theo tác giả, làm thế nào để có hạnh phúc đích thực?
    Câu 4: Thông điệp người viết muốn gửi gắm trong văn bản?
    Câu NLXH: Từ những điều đã thu nhận được qua phần đọc hiểu, anh (chị) hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về Hạnh phúc.

    Đề 4:
    Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các yêu cầu từ 1 đến 4:
    Phải thừa nhận một thực tế là, nếu cuộc sống xung quanh ta vận động và phát triển càng nhanh, chúng ta càng dễ bị cuốn theo vòng xoáy tốc độ của nó, và ta càng khó có điều kiện để rèn luyện tính kiên nhẫn. Trong cuộc sống thường nhật, chắc chắn có những lúc ta phải chịu đựng sự chậm chễ khách quan, ngoài ý muốn như phải xếp hàng đợi đến lượt mình, bị kẹt hàng giờ liền trong dòng xe cộ đông đúc ồn ào đầy khói bụi, hay phải tuân theo hệ thống hướng dẫn tự động… Đó thật sự là những vấn đề cần được xã hội quan tâm cải thiện. Nhưng hãy suy ngẫm mà xem, chờ đợi như vậy đã là gì so với những thử thách khắc nghiệt khác của cuộc sống: bệnh tật, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, khủng hoảng trong công việc, các vấn đề phức tạp rắc rối trong đời sống tình cảm, gia đình… Không kiên nhẫn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự gây khó khăn cho chính bản thân, chính cuộc sống của mình. Để có thể đạt được sự thanh thản thật sự trong tâm hồn, để có đủ sức mạnh và niềm tin đương đầu với mọi khó khăn thử thách, và quan trọng hơn hết là để nuôi dưỡng tình yêu và sự sáng suốt, ta nhất định phải rèn luyện tính kiên nhẫn!
    ( Trích Sức mạnh của lòng kiên nhẫn– M. J. Ryan, Nhà xuất bản trẻ, 6/2016)
    Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên?
    Câu 2: Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của một phép tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên ?
    Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả bài viết lại cho rằng: :” Không kiên nhẫn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự gây khó khăn cho chính bản thân, chính cuộc sống của mình”.
    Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất anh/ chị rút ra cho bản thân từ đoạn văn bản trên.
    Câu NLXH: Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: “…ta nhất định phải rèn luyện tính kiên nhẫn”

    Đề 5:
    Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các yêu cầu từ 1 đến 4:
    Các bạn nhìn xem, cả cuộc đời tôi chỉ cố gắng để giàu có và nổi tiếng. Đó là tất cả những gì tôi từng quan tâm. Tôi phải chiến thắng cuộc đấu. Tôi đánh đổi hôn nhân của mình, gia đình mình, bạn bè mình chỉ để chiến thắng trận đấu thôi sao?. Để làm gì?. Để rồi hoàn toàn cô đơn trên thế giới này?. Cuộc sống không phải là việc chiến thắng một trận đấu. Cuộc sống là việc hoàn thành một trận đấu, là bạn có thể giúp bao nhiêu người hoàn thành trận đấu này. Là việc chúng ta có thể tử tế hơn với người khác như thế nào, là việc làm thế nào để giúp những học sinh này vượt qua những bi kịch trong tương lai, là việc làm thế nào để chúng ta có thể ngừng gây tổn thương cho người khác.
    Cuối cùng, tôi đã biết điều gì mới thực sự là quan trọng. Đó mới chính là món quà quý giá của cuộc sống và nó có thể biến mất bất cứ lúc nào. Cái gì ở trong túi bạn không quan trọng, quan trọng là cái gì ở trong tim bạn. Đó là tình yêu. Tình yêu chỉ là một từ, cho tới khi có ai đó tới và mang lại ý nghĩa cho nó. Các bạn chính là ý nghĩa đó.
    (Trích Bài diễn thuyết của vận động viên Marc Mero, Zing.vn, ngày 27/01/2016)
    Câu 1: Chỉ ra thao tác lập luận chính trong đoạn trích và nêu tác dụng của thao tác lập luận ấy?
    Câu 2:Cuối cùng, tác giả đã nhận ra “điều gì mới thực sự là quan trọng” trong cuộc sống của mình?
    Câu 3: Theo anh (chị) vì sao tác giả cho rằng: :“Cuộc sống không phải là việc chiến thắng một trận đấu. Cuộc sống là việc hoàn thành một trận đấu, là bạn có thể giúp bao nhiêu người hoàn thành trận đấu này”.
    Câu 4: Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh (Chị)?
    Câu NLXH: Anh/ chị suy nghĩ gì về quan điểm của tác giả nêu ra ở đoạn trích: Cái gì ở trong túi bạn không quan trọng, quan trọng là cái gì ở trong tim bạn.
    Ngày 6 tháng 4 năm 2018
    Người báo cáo: Phạm Thị Kiều Oanh
    Tài liệu tập huấn thi THPT QG môn văn 2018. Sở GD ĐT Nam Định, loga.vn sưu tầm và giới thiệu

    Bài viết gợi ý: