Cảm nhận về đoạn thơ sau:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Từ đó liên hệ với đoạn thơ: Gió theo lối gió, mây đường mây/Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay/ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?
để nhận xét điểm giống và khác nhau trong nét tài hoa của mỗi tác giả.

+ Giới thiệu vấn đề nghị luận: Cảm nhận đoạn thơ trong bài “Tây Tiến”, liên hệ so sánh với đoạn thơ trong “Đây thôn Vĩ Dạ” để nhận xét điểm giống và khác nhau trong nét tài hoa của mỗi tác giả.
+ Giải thích: “Nét tài hoa” ở đây được hiểu là tài năng nghệ thuật, là sự thể hiện độc đáo, tài tình của các tác giả trong sáng tác của mình.
+ Cảm nhận về nét tài hoa của Quang Dũng qua đoạn trích:
– Bức tranh sông nước miền Tây được thi sĩ xứ Đoài thể hiện một cách độc đáo với những nét vẽ phóng khoáng, cốt để thâu tóm được cái thần, cái hồn của cảnh, của người: Một buổi chiều sương lặng lẽ, mơ màng; cây cỏ, bến bờ mang một nỗi niềm bâng khuâng, man mác. Trên cái nền của cảnh sông nước là “dáng người trên độc mộc”, một vẻ đẹp tình tứ, quyến rũ, như gần như xa.
– Từ bức tranh sông nước chiều sương, ta cảm nhận được chất lãng mạn, mộng mơ, rất học trò mà cũng rất lính của “người đi”, của tác giả.
– Đoạn thơ có giọng điệu trầm buồn. Các câu hỏi tu từ gieo vào lòng người nỗi bâng khuâng nhung nhớ. Ngôn ngữ thơ giàu sức gợi, tạo hình, biểu cảm. Hình ảnh thơ đẹp, đậm chất lãng mạn “lau”, “bến bờ”, “dáng người”, “hoa đong đưa”…
+ Liên hệ, so sánh với đoạn thơ của Hàn Mặc Tử
– Nét giống nhau: Đều dùng bút pháp gợi tả, với những nét vẽ phóng khoáng cốt để gợi cái hồn của cảnh, của người. Giọng điệu của cả hai đoạn thơ tràm lắng, đượm nỗi buồn bâng khuâng. Ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu, giàu liên tưởng.
– Nét khác nhau: Nét tài hoa trong thơ Quang Dũng mang cái “chất” của một người lính- một sinh viên trí thức Hà Thành. Những “chất liệu” trong đoạn thơ gắn với kỉ niệm sâu đậm của người lính một thời gắn bó với đồng đội nơi mảnh đất miền Tây hoang sơ, hùng vĩ mà thơ mộng trữ tình.
Nét tài hoa trong thơ thi sĩ họ Hàn là nét tài hoa của một hồn thơ “lạ nhất” trong phong trào Thơ mới. Cảnh vật trong đoạn thơ được cảm nhận bằng cái “tôi” nội cảm của thi nhân- một con người thiết tha yêu đời, tuyệt giao mà chẳng thể “tuyệt tình” với thế giới “ngoài kia”. Sự mặc cảm đã chia lìa cả những thứ vốn chẳng thể chia lìa. Cảm xúc đó không chỉ bao phủ lên cảnh vật: gió mây tan tác, dòng nước buồn thiu…mà còn thể hiện ngay ở hình thức câu thơ với cấu trúc điệp, nghệ thuật tương phản, cách ngắt nhịp 4/3: “Gió theo lối gió, mây đường mây”. Ngôn ngữ, hình ảnh trong đoạn thơ trôi giữa hai bờ “thực” và “ảo”: thuyền trăng, bến sông trăng. Các câu hỏi tu từ tạo nên giọng điệu khắc khoải, da diết. Vẫn níu kéo và hi vọng dù biết rồi thất vọng. Nỗi đau vì thế càng nhân lên. Những “chất liệu” trong đoạn thơ có nét riêng của thi sĩ Hàn Mặc Tử nhưng cũng có cái quen thuộc của ca dao, của Thơ mới: hoa bắp lay (Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông thấy gió người không thấy về- Trúc Thông; Ai về giồng dứa qua truông/ Gió lay bông sậy bỏ buồn cho ai?)
loga.vn sưu tầm và giới thiệu
Xem thêm: ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NGỮ VĂN , DẠNG ĐỀ LIÊN HỆ TÁC PHẨM 12-11, TÂY TIẾN , ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Bài viết gợi ý: