I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. An-đéc-xen (1805 – 1875) là nhà văn Đan Mạch nổi tiếng với loại truyện viết cho trẻ em. Nhiều truyện ông biên soạn lại từ truyện cổ tích, nhưng cũng có những truyện do ông hoàn toàn sáng tạo ra. Truyện của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Việt Nam, truyện An-đéc-xen được Nhà xuất bản Văn hoá in năm 1963.

2. Tóm tắt truyện Cô bé bán diêm :

Đêm giao thừa, trời rét mướt, một cô bé bán diêm nghèo mồ côi mẹ, đầu trần, chân đi đất, bụng đói đang dò dẫm đi trong bóng tối. Suốt cả ngày em không bán được bao diêm nào. Em không dám về nhà vì sợ bố sẽ đánh em. Ngồi nép vào một góc tường, em quẹt một que diêm để sưởi ấm. Que diêm thứ nhất cho em cảm giác ấm áp như ngồi bên lò sưởi. Em quẹt que diêm thứ hai, em được thấy bàn ăn thịnh soạn. Quẹt que diêm thứ ba, em được thấy cây thông Nô-en. Quẹt que diêm thứ tư, em gặp bà em. Em đã quẹt hết cả bao diêm để được gần gũi bà em. Em đã chết trong giá rét khi mơ cùng bà bay lên cao mãi.

3. Với cách kể chuyện giản dị, đan xen giữa mộng tưởng và hiện thực, nhà văn An-đéc-xen đã làm cho chúng ta thương cảm sâu sắc trước cái chết của em bé bán diêm trong đêm giao thừa lạnh giá, và phê phán sự lạnh lùng tàn nhẫn, dửng dưng của những người xung quanh em.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Nếu lấy việc em bé quẹt những que diêm là trọng tâm thì có thể chia làm ba phần. Phần thứ nhất từ đầu đến đã cứng đờ ra : Hoàn cảnh của cô bé bán diêm và việc cô bé không dám về nhà. Phần thứ hai tiếp theo cho đến vchầu thượng đế : Những lần quẹt diêm của em bé. Phần thứ ba còn lại : Cái chết của em bé và thái độ của mọi người.

Việc chia phần thứ hai thành những đoạn nhỏ hơn căn cứ vào những lần quẹt diêm của em bé. Ba lần quẹt diêm để em được thấy ấm áp, được mơ thấy thức ăn và đồ chơi. Lần thứ tư em thấy bà em. Lần thứ năm, em đã quẹt cả bao diêm để níu giữ hình ảnh của bà.

2. Trong phần thứ nhất, người đọc có thể thấy được hoàn cảnh của cô bé bán diêm : nhà cửa sa sút, mẹ chết, bà nội qua đời, chỉ còn người bố khó tính hay mắng nhiếc, chửi rủa, và đánh đập em. Nhà em lúc này là một xó tối tăm, trên gác sát mái nhà.

Thời gian câu chuyện xảy ra vào đêm giao thừa lạnh buốt. Không gian là ngoài đường phố lạnh lẽo. Em phải ngồi nép trong một góc tường cho đỡ lạnh.

Các hình ảnh tương phản : ngôi nhà đẹp đẽ, xinh xắn, nơi em sống đầm ấm xưa kia so với một xó tối tăm, trên gác sát mái nhà gió lùa lạnh lẽo ; cửa sổ mọi nhà sáng rực ấm áp với ngoài đường phố tối, lạnh lẽo, nhất là chỗ góc tường ; phố sực nức mùi ngỗng quay với cảnh em bé đói rét. Sự tương phản làm nổi bt nỗi khổ lang thang, đói rét của em bé. Em càng khổ hơn khi người mẹ đã qua đời, người bà thương em cũng đã mất, chỉ còn lại người bố hay mắng nhiếc, chửi rủa, đánh đập.

3. Những mộng tưởng của cô bé mỗi lần quẹt diêm diễn ra rất hợp lí. Trước hết em đang rét, nên em muốn lò sưởi để sưởi ấm. Sau đó, em đang đói, nên mơ ước có bàn ăn để được ăn. Khi đã được ấm no trong tưởng tượng, em mới ao ước đồ chơi trên cây thông Nô-en. Và đón năm mới, em nghĩ đến người hiền hậu của mình. Em đã quẹt cả bao diêm để được ở với bà.

Trong số các mộng tưởng ấy, những điều gắn với thực tế là lò sưởi, bàn ăn, cây thông Nô-en. Những điều thuần tuý chỉ là mộng tưởng là ngỗng quay nhảy ra khỏi đĩa, mang cả dao ăn, phuốc sét cắm trên lưng tiến về phía em bé. Một điều hoàn toàn mộng tưởng ấy là bà em đang mỉm cười với em, bà cầm lấy tay em, hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi...

4. Có thể nêu những cảm nghĩ của em về cô bé bán diêm : Đây là một em bé mồ côi, đói khổ. Em đã mất đi những người thân thiết yêu quý em. Đó là mẹ và bà. Em cũng đã mất ngôi nhà êm ấm nơi em có thời hạnh phúc. Em sống với nời cha hay chửi bới, mắng nhiếc và đe doạ đánh đập. Trong đêm giao thừa rét mướt, em đã nhờ những que diêm bé nhỏ mà có được giây phút ấm áp, sung sướng. Nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh. Em đã chết đói và chết rét trong đêm giao thừa, trong giấc mơ được gặp bà và cùng bà bay lên.

Cảnh tượng đoạn kết cho thấy người đời rất vô tâm trước số phận của em. Không ai mua diêm cho em, không ai giúp đỡ em. Họ vẫn vui vẻ ra khỏi nhà đón năm mới và bàn tán về cái chết của em.

Nhà văn viết “em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười” là xuất phát từ tình thương, sự thông cảm với em bé bất hạnh. Ông muốn em được sung sướng, được giải thoát khỏi cuộc sống đói rét, thiếu tình thương yêu của người thân và mọi người.

III – THAM KHẢO

Đó là câu chuyện thương tâm về một em bé bán diêm chết đói và chết rét trong đêm giao thừa. Tuy nhiên, là một người kể chuyện đôn hậu và nhân từ, An-đéc-xen đã cảm thông sâu sắc với nỗi bất hạnh của em bé. Và bằng chính những que diêm, que diêm rất nhỏ bé, tầm thường, chứ không phải là đũa thần, tấm da dê hay cây đèn, chiếc nhẫn, chính que diêm giản dị đó đã cho em bé những gì mà em mơ ước. [..]

Trước lúc rời bỏ cuộc sống nặng nề “ luôn luôn nghe những lời mắng nhiếc chửi rủa”, em chỉ đánh một que diêm là tạm đủ ấm, một que diêm là tạm no, một que diêm là có thể được chơi cây thông. Em chỉ cần một que diêm đã có thể tạm quên đi cái rét, cái đói, cái buồn vì thiếu đồ chơi. Nhưng em đã bật cả bao diêm vì bà em. Phải chăng điều mà em cần nhất là tình thương của người bà hiền hậu ? Và tình thương nơi người bà thân thiết đã khiến cho em phải đánh hết cbao diêm. Em cần đến tình thương biết bao ![...]

Con người cần xiết bao những mộng tưởng, dù chỉ để an i trong chốc lát. Con người cần xiết bao tình thương, sự quan tâm và chia sẻ của đồng loại.

Bài viết gợi ý: