ĐỀ THI THỬ THPTQG CHUẨN CẤU TRÚC- ĐỀ 01
Môn thi: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
Họ, tên thí sinh: .......................................................................
Số báo danh: ............................................................................
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Có bao giờ bạn tự hỏi giá trị thực của cuộc sống không? Tại sao cả đời người, chúng ta cứ mê mải đi tìm, trăn trở suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của nó?
Phải chăng...
Cuộc sống là một đường chạy marathon dài vô tận, nếu ta không cố gắng thì sẽ mãi bị bỏ lại ở phía sau và không bao giờ tới đích.
Cuộc sống là một đường chạy vượt rào, nếu ta không cố gắng ta sẽ không thể vượt qua bất kì rào cản nào.
Cuộc sống là một đường chạy nước rút, nếu ta không cố gắng ta chỉ là người chạy cuối cùng.
Cuộc sống là một đường chạy tiếp sức, biết giúp đỡ nhau chúng ta sẽ chiến thắng.
Vậy cuộc sống của bạn là đường chạy nào?... Hay là tất cả?...
(Dẫn theo http://khotangdanhngon.com/danh-ngon-cuoc-song)
Câu 1: Phương thức biểu đạt trong đoạn trích trên là gì?
Câu 2: Xác định biện pháp tu từ trong đoạn trích trên?
Câu 3: Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?
Câu 4: Anh (chị) hiểu câu: “Cuộc sống là một đường chạy marathon dài vô tận, nếu ta không cố gắng thì sẽ mãi bị bỏ lại ở phía sau và không bao giờ tới đích” là như thế nào?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Cuộc sống là một đường chạy vượt rào, nếu ta không cố gắng ta sẽ không thể vượt qua bất kì rào cản nào”.
Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên và con người qua đoạn trích thơ sau:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trăng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam)
Từ đó liên hệ với bức tranh sông nước xứ Huế qua khổ thơ:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cao nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
(Trích Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)
và đoạn thơ:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
(Trích Nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngữ văn 10, NXB Giáo dục Việt Nam)
để thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn của con người.
-------------------- HẾT --------------------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC-HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1: - Phương thức biểu đạt trong đoạn trích trên là phương thức nghị luận.
Câu 2: - Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên là: Ẩn dụ, so sánh.
Câu 3: - Nội dung chính của đoạn trích trên là bàn về giá trị thực của cuộc sống.
Câu 4: Câu cuộc sống là một đường chạy marathon dài vô tận, nếu ta không cố gắng thì sẽ mãi bị bỏ lại ở phía sau và không bao giờ tới đích nghĩa là:
- Cuộc sống luôn phải phấn đấu không ngừng.
- Nhịp sống luôn trôi chảy nếu không chịu cố gắng, ta sẽ là người tụt hậu.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm):
Câu 1: (2,0 điểm)
A. Về kĩ năng
- Biết viết một văn bản nghị luận xã hội với độ dài đúng quy định.
- Bài viết có bố cục chặt chẽ; lập ý sáng tạo; vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận...; hành văn mạch lạc, trôi chảy, có cảm xúc; không mắc lỗi dùng từ, chính tả.
B. Về kiến thức
Bài làm có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
1. Giải thích
- “Đường chạy vượt rào” nghĩa là trên đường chạy có những rào chắn, đòi hỏi sức bật để vượt qua. Có vượt qua được những rào cản mới về được đến đích.
→ Cách nói hình ảnh, có ý nghĩa biểu tượng: Nói về con đường đời với những tính chất và yêu cầu, đòi hỏi khác nhau, song có một điểm chung là con người luôn phải cố gắng nỗ lực hết sức, bằng khả năng của bản thân và kết nối với mọi người, để chúng ta đến được một cái đích, đạt được một mục tiêu nào đó đã đặt ra.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề
- Có thể khẳng định: Đường đời của chúng ta không thể chỉ là một trong những con đường trên mà phải là sự tổng hợp linh hoạt của cả bốn con đường, tùy từng chặng, từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời...
- Dù ở chặng nào, điều quan trọng và cần thiết để chúng ta vượt qua và chiến thắng là:
+ Sự cố gắng nỗ lực của bản thân.
+ Sự đoàn kết, chung sức, hợp lực với những người khác
- Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng là những đường chạy, những cuộc đua, những cái đích hữu hạn, hữu hình. Nhưng cuộc sống luôn đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ để có những cuộc “về đích” thật ngoạn mục.
- Phê phán:
+ Những người không nỗ lực, cố gắng trên hành trình sống...
+ Những người dựa dẫm, ỷ lại vào người khác...
3. Bài học nhận thức và hành động
- Từ nhận thức đúng đắn về đường đời và điều kiện, sức mạnh để đến đích, mỗi người xác định được ý thức và hành động để mỗi chặng đường đời của mình đều có thể gặt hái nhiều thành công, sự sống nhiều giá trị và ý nghĩa...
Câu 2: (5,0 điểm)
1. Mở bài
Khi ta ở, chỉ là nơi ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn.
(Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên)
Việt Bắc đã hóa tâm hồn dào dạt nghĩa yêu thương trong thơ Tố Hữu với những lời thơ như tiếng nhạc ngân nga, với cảnh với người ăm ắp những kỉ niệm ân tình có bao giờ quên được.
Mỗi lần nhắc đến Việt Bắc là gợi lại trong ta nhớ đến cội nguồn của cách mạng, nhắc đến mảnh đất Trung du nghèo khó mà nặng nghĩa nặng tình – nơi đã in sâu bao kỉ niệm của một thời kì cách mạng gian khổ nhưng hào hùng sôi nổi khiến khi chia xa, lòng ta không khỏi xuyến xao bồi hồi. Và cứ thế sợi nhớ, sợi thương đan cài xoắn xuýt như tiếng gọi “ta – mình” của đôi lứa yêu nhau. Cả bài thơ là một niềm hoài niệm nhớ thương tuôn chảy về những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc rất gian khổ nhưng vui tươi, hào hùng. Ở đó, bên cạnh những bức tranh hùng tráng, đậm chất sử thi thì vẫn còn bức tranh về cuộc sống đời thường gần gũi, thân thiết được bao bọc bởi thiên nhiên vô cùng tươi đẹp:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
2. Thân bài
2.1. Khái quát chung
- Việt Bắc là một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu. Lời thơ như khúc hát ân tình tha thiết về Việt Bắc, quê hương của cách mạng Việt Nam. Việt Bắc là một trong những định cao của thơ Tố Hữu nói riêng, của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. Bài thơ được viết vào tháng 10 - 1954, khi Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác Hồ và cán bộ kháng chiến từ giã “Thủ đô lồng lộng gió ngàn” về với “Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình”. Cuộc chia tay đầy lưu luyến nhớ thương giữa những người cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc được nhà thơ Tố Hữu phản ánh trong bài thơ Việt Bắc như cuộc chia tay của một đôi bạn tâm tình. Ta và mình đã sống với nhau mười lăm năm keo sơn gắn bó, giờ đây phải chia tay để làm nhiệm vụ mới. Bài thơ được kết cấu theo lối hát đối đáp bằng thể thơ truyền thống của dân tộc. Đoạn trích trên là lời của người cán bộ kháng chiến nói lên nỗi thương nhớ của mình đối với Việt Bắc, với thiên nhiên tươi đẹp và với con người Việt Bắc tình nghĩa.
2.2. Phân tích
→ Hai dòng đầu là lời khẳng định nỗi nhớ thương da diết và tình cảm thủ chung của người ra đi dành cho quê hương Việt Bắc: Ta về, mình có nhớ ta. Nỗi nhớ đã làm sống dậy trong tâm tưởng hình ảnh thiên nhiên, con người nơi chiến khu cách mạng.
- Nỗi nhớ ở đây mượn nguyên màu sắc ca dao, là sự nối tiếp, là khía cạnh tinh vi trong quan hệ khăng khít: “hoa” - “người”. Quê hương hiện hình trong vẻ đẹp cụ thể: vẻ đẹp tinh tuý của thiên nhiên (hoa) hòa hợp với vẻ đẹp và sức sống của con người.
- Mỗi một hình ảnh hoa cùng người như đem lại ấn tượng riêng biệt về nét đẹp núi rừng Việt Bắc. Sự nối tiếp, đan xen sắc màu làm nên mạch cảm xúc của đoạn thơ, nỗi nhớ qua từng câu càng đậm đà và mãnh liệt hơn. Trên cơ sở đó, nhà thơ hướng toàn bộ tâm tư về con người - nhân dân với những phẩm chất bình thường mà vĩ đại.
→ Không gian vô cực của thi ca - gói trọn bốn mùa: xuân – hạ – thu – đông trong những sắc màu đẹp nhất, hài hòa nhất. Bước luân chuyển của thời gian được tác giả chọn ở những thời điểm nên thơ, tạo ấn tượng không phai mờ trong kí ức. Nhớ cảnh để nhớ người.
a. Bức tranh mùa đông:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
- Nét son của bức tranh núi rừng ở đây là màu “đỏ tươi” của “hoa chuối”. Chấm phá của tranh thủy mặc điểm một sắc đỏ trong không gian xanh bao la, không gian mang sức sống mãnh liệt. Ở đấy là cách nhìn của thi nhân Á Đông, người đọc có thể nhớ đến một cảm xúc quen thuộc trong thơ Nguyễn Trãi:
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiện còn phun thức đỏ.
(Cảnh ngày hè)
- Mùa đông trong câu thơ Tố Hữu cũng lan tỏa hơi ấm của mùa hè, không hề có cảm giác lạnh lẽo, bởi sắc đỏ hoa chuối cũng như phun trào từ giữa màu xanh của rừng.
- Bên cạnh nét đẹp của hoa là nét đẹp của người thật khỏe khoắn với nắng ánh dao gài thắt lưng là hình ảnh người dân miền sơn cước. Cách hoán dụ không phải tình cờ ngẫu nhiên mà chọn con dao đi rừng - vật bất li thân của người miền núi - nét đặc trưng của cuộc sống Việt Bắc. Con người nổi bật trong không gian đèo cao, càng nổi bật trong ánh nắng, thành một điểm sáng giữa khung cảnh mùa đông, mang trong mình nét hiên ngang hùng vĩ kiêu hãnh của núi rừng, làm tăng thêm sự cảm phục, ngưỡng mộ và yêu mến vô cùng trong
lòng người ra đi.
b. Bức tranh mùa xuân:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
- Không gian mùa xuân bừng sáng trong sắc hoa mơ. Sức sống mùa xuân lan tỏa khắp núi rừng Việt Bắc.
Phép đảo ngữ trong cụm từ “trắng rừng” đem lại ấn tượng về những khu rừng Việt Bắc mênh mông, trắng xóa sắc hoa mơ; động từ “nở” cho thấy sức sống sinh sôi, tràn trề của núi rừng mùa xuân.
- Giữa nền trắng hoa mơ, nổi bật hình ảnh “người đan nón”. Nỗi nhớ ở đây cụ thể đến từng chi tiết “chuốt từng sợi giang”. Người Việt Bắc hiện lên ở nét đẹp cần mẫn, chịu thương chịu khó. Trong cách tả không có một âm vang nào của núi rừng, những vẻ đẹp của mùa xuân vẫn sinh động nhờ hoạt động của con người. Sợi nhớ, sợi thương đan dày trong tâm tưởng, con người đẹp tự nhiên trong những công việc tỉ mẩn hàng ngày. Đó là những nét đáng yêu, đáng nhớ của Việt Bắc mãi in đậm trong lòng người ra đi.
c. Bức tranh mùa hạ:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
- Không gian nỗi nhớ hình như rõ nét nhất, đậm đà nhất trong bức tranh mùa hạ. Và cũng đọng lại hình ảnh ngọt ngào thân thương nhất của “cô em gái hái măng”. Câu thơ tả cảnh giàu sức biểu cảm, tiếng ve ran gọi màu vàng tràn ngập không gian.
- Không gian lung linh hơn khi sắc vàng đổ xuống. Ấn tượng màu vàng đẹp như bức vẽ tả thực vừa làm xao xuyến lòng người trong tiếng ve gọi hè, như gọi cả màu vàng đất trời về phủ kín cánh rừng. Động từ “đổ” miêu tả sự chuyển màu đột ngột, nhanh chóng của bức tranh thiên nhiên, đưa đến cảm giác ngỡ ngàng, choáng ngợp trong lòng người.
- Nổi bật giữa khung cảnh là hình ảnh “cô em gái”. Cách gọi biểu lộ niềm thân thương trìu mến của con người. Câu thơ gợi nhớ vẻ đẹp nên thơ của một cô hái mơ thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ (Cô hái mơ - Nguyễn Bính). Nhưng ở đây cô gái Việt Bắc mang vẻ đẹp khỏe khoắn mộc mạc hơn. Một mình nhưng không tạo cảm giác cô đơn hiu quạnh, vì cả không gian nhuộm rực ánh vàng, làm lưu luyến bước chân người ra đi.
d. Bức tranh mùa thu:
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
- Mùa thu kết thúc đoạn tứ bình, cũng là thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến gian nan, oanh liệt, thời điểm chia li giữa Việt Bắc và những người kháng chiến. Không gian chuyển về đêm. Như hoàn chỉnh bức tranh tuyệt mĩ của núi rừng Việt Bắc. Đêm thu và ánh trăng như lan tỏa vào màu xanh của núi rừng. Vẻ đẹp của khu rừng dưới ánh trăng gợi lên vẻ huyền ảo. Khung cảnh gọi hồn thơ.
- Rọi” là động từ miêu tả nguồn sáng tập trung soi chiếu xuống một điểm hẹp trong không gian. Cách dùng từ này không chỉ giúp nhà thơ miêu tả chính xác ánh trăng lọt qua vòm cây, kẽ lá của núi rừng mà còn thể hiện tinh tế những cảm xúc của con người: đêm nay trăng sao cũng như thấu hiểu lòng người, trong giờ phút chia li như muốn dành riêng cho Việt Bắc, muốn tập trung soi chiếu hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc trong nỗi nhớ thương tha thiết của người ra đi.
- Nỗi nhớ cũng mênh mang như ánh trăng, thành tiếng hát ân tình thủy chung. Nhớ không cụ thể một đối tượng nào. Như ca dao đã diễn tả:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai.
- Tình người bâng khuâng trong câu thơ gợi cảm xúc đồng điệu giữa kẻ ở - người đi. Đọng lại trong nỗi nhớ là “ân tình thủy chung” dào dạt. Ánh trăng đã là hình ảnh của cuộc sống hòa bình, tiếng hát vang lên giữa rừng sâu, dưới ánh trăng thanh càng làm đậm hơn cảm giác tươi vui, thanh bình và sự hồi sinh sau chiến tranh. Cụm từ “nhớ ai” khiến hình ảnh con người như nhòa đi, nỗi nhớ trở nên sâu đậm, ám ảnh hơn...
→ Đoạn thơ diễn tả nỗi nhớ gắn với hình ảnh của núi rừng Việt Bắc. Mỗi mùa mang một sắc màu riêng và bốn mùa hòa chung màu sắc đa dạng, làm nên vẻ hấp dẫn cho bức tranh phong cảnh trữ tình. Thời gian diễn tả không tuần tự, nhưng không làm phai nỗi nhớ. Mỗi mùa đi qua có một khoảnh khắc đáng nhớ - đó là khi trái tim nhà thơ bắt nhịp cùng không gian - cảnh vật. Đoạn thơ mang nét đẹp cổ điển mà hiện đại: cổ điển - bức tranh tứ bình hiện lên qua những nét gợi tả; hiện đại - hình ảnh con người đã trở thành tâm điểm, tạo nên vẻ đẹp, sức sống của bức tranh.
2.3. Liên hệ với đoạn trích trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm để thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn của con người
→ Ở đoạn trích thơ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ? đến Lá trúc che ngang mặt chữ điền” và đoạn thơ trong bài Nhàn có nét tương đồng với đoạn trích thơ Việt Bắc phía trên về cảm hứng khắc họa thiên nhiên và con người. Cụ thể:
- Ở bài Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử không chỉ miêu tả vẻ đẹp của thôn Vĩ xứ Huế mộng mơ với hình ảnh “nắng hàng cau, nắng mới lên” tinh khôi buổi sớm mai, khu vườn thôn Vĩ xanh mượt mà như ngọc bích (Vườn ai mướt quá xanh như ngọc). Mà ở đó còn có sự xuất hiện của bóng dáng con người thôn Vĩ ở câu thơ cuối: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Bóng dáng con người xuất hiện kiến tạo một nét hồn, đầy ấn tượng, gợi tả vẻ đẹp cổ điển, kín đáo, duyên dáng của phụ nữ Việt. Nhìn chung con người và thiên nhiên qua trang thơ của Hàn Mặc Tử có sự gắn kết hài hòa.
- Khác với đoạn thơ trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, đoạn thơ trong bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện rõ mối quan hệ tâm giao hòa hợp nhau giữa con người với thiên nhiên. Mặc dù sống ở nơi thôn quê còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng ở đó lại có các thú vui riêng và được thưởng thức những món ăn dân dã nhưng lại rất ngon. Chỉ có “măng, trúc” và “giá” thôi, mùa nào thức nấy, những thứ ấy dù rất bình thường vì lúc nào cũng có sẵn trong nhà. Thế nhưng khi ăn chúng ta cảm nhận được vị ngon của nó nhờ vào sự hoà hợp, cảm thông của tấm lòng với tấm lòng. Bởi vì đã không ít lần Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rằng: “Câu thanh nhàn đọc qua ngày tháng” hay: “Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách”.
- Đoạn trích trong bài thơ Việt Bắc, thiên nhiên và con người hòa quyện gắn bó với nhau, thiên nhiên làm nền để tôn lên vẻ đẹp của con người, con người tô điểm cho bức tranh thiên nhiên.
- Nhìn chung, ba đoạn trích có nhiều điểm tương đồng nhưng nó cũng có nét khác nhau do phong cách sáng tác, quan niệm nghệ thuật, tư tưởng và thời đại mà mỗi nhà thơ sống. Điều đó đem lại nét độc đáo cho bức tranh thiên nhiên trong mỗi đoạn thơ:
+ Trong đoạn trích Việt Bắc cảm hứng thơ khơi nguồn từ những hoài niệm đầy ắp tình quân dân. Cách vận dụng sáng tạo thể thơ lục bát, mỗi câu lục miêu tả thiên nhiên, mỗi câu bát lại miêu tả hình ảnh con người tạo nên bức tranh tứ bình trọn vẹn và đẹp đẽ. Nó như một vòng tròn của mười lăm năm gắn bó giữa người cách mạng với người dân Việt Bắc.
+ Đến với đoạn trích thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ, cảm hứng khắc họa bức tranh thiên nhiên và con người lại được khơi nguồn từ tình yêu đôi lứa và khát vọng hướng về cuộc sống của một tâm hồn tha thiết yêu đời nhưng bị tách biệt khỏi cuộc đời. Về nghệ thuật, Hàn Mặc Tử chọn thể thơ thất ngôn mang vẻ đẹp cổ điển, chau chuốt. Nghệ thuật khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên và con người bằng nghệ thuật điểm xuyết, tức là chỉ bằng một nét khắc họa như “khôn mặt chữ điền” trong câu cuối đã khơi gợi khuôn mặt người phụ nữ Huế phúc hậu, vừa gợi khuôn mặt người tình của Hàn Mặc Tử, vừa gợi được khuôn mặt Hàn trở về thôn Vĩ với bao mặc cảm bệnh tật chỉ dám đứng sau khóm trúc... Đó là nghệ thuật cách điệu hóa.
+ Còn ở đoạn thơ trong bài Nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lấy những hình ảnh của “măng, trúc, giá, hồ sen” để nói về sự hòa hợp với thiên nhiên của một ẩn sĩ đang sống đúng với thiện lương của mình. Cuộc sống ấy mang dấu ấn lánh đời thoát nét gần gũi với triết lí “vô vi” của đạo Lão, “thoát tục” của đạo Phật. Nhưng gạt sang một bên những triết lí siêu hình, ta nhận ra con người nghệ sĩ đích thực của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hòa hợp với tự nhiên một cách sang trọng bằng tất cả cái hồn nhiên trong sạch của lòng mình.
2.4. Đánh giá chung
- Bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc là một đóng góp lớn của Tố Hữu từ góc nhìn nghệ thuật thơ ca về đề tài thiên nhiên và con người; một đoạn trích thơ đặc sắc mà tìm trong kho tàng văn học hiện đại Việt Nam khó có bức tranh tứ bình thứ hai đẹp như thế. Đoạn trích mở đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ lại kiến tạo vẻ đẹp thiên nhiên và con người mang nét đẹp riêng của vùng miền, văn hóa; còn hai câu luận trong bài Nhàn là bức tranh thiên nhiên tinh tế thanh nhã hiếm có trong văn học Việt Nam: vừa trữ tình phóng khoáng vừa bộc lộ một mối tình tượng giao hòa hợp giữa tạo vật với con người. Thiên nhiên ấy chính là chốn thanh u tinh khiết để khi trở về từ kinh kì bụi bặm, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại tìm thấy sự thư nhàn, bình thản. Hòa mình vào phong cảnh hữu tình ấy, có lẽ nhà thơ gu thời mẫn thế Nguyễn Bỉnh Khiêm được phần nào xoa dịu nỗi buồn thế nhân.
- Là một đóng góp lớn cho đề tài thiên nhiên và con người Việt Nam. Cả ba đoạn trích thơ trên đều cho thấy tài năng xứng đáng là những nhà thơ lớn Việt Nam.
3. Kết bài
Với những nét chấm phá đơn sơ giản dị, vừa cổ điển vừa hiện đại, đoạn thơ trên của Tố Hữu đã làm nổi bật được bức tranh cảnh và người qua bốn mùa của chiến khu Việt Bắc. Cảnh và người hòa hợp với nhau tô điểm cho nhau, làm cho bức tranh trở nên quen, sống động và có hồn hơn. Tất cả đã tan chảy thành nỗi nhớ nhung, quyến luyến, thiết tha trong tâm hồn người cán bộ về xuôi. Vẻ đẹp của bộ tranh tứ bình ấy giúp ta cảm nhận thấm thía hơn tình yêu thiên nhiên của tác giả và cũng giúp chúng ta ngộ ra được tình yêu đất nước nào đâu phải ở đâu xa, yêu những điều bình dị quanh ta cũng là yêu đất nước, quê hương. Vâng! Hãy yêu quê hương, đất nước mình, vì:
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.
(Quê hương - Đỗ Trung Quân)