Câu 1 (8,0 điểm)

Đọc hai bài báo sau:

Bài báo thứ nhất:  “Những người mẹ ung thư nhường sự sống cho con” 

(15/07/2016  01:00 GMT+7, Vietnamnet)

           “ Vừa mang thai lại phát hiện bị ung thư khiến sản phụ vô cùng đau đớn. Tuy nhiên giữa thời khắc sinh tử này họ vẫn kiên quyết chấp nhận hy sinh tất cả chỉ để giữ lại sự sống cho con...

   Ung thư giai đoạn cuối mẹ vẫn sinh con (Ngày 28-5-2012, chị Trần Thị Nga, 32 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM )…    

   Sinh con khi hôn mê ở giai đoạn cuối ung thư máu (Ngày 3-10-2014, chị Lan, 30 tuổi, Thái Bình)…

    Ung thư gan giai đoạn cuối vẫn gắng sức sinh con (Ngày 29-5-2015, chị Bùi Hải Linh, 20 tuổi, Quảng Ninh)…

     Mẹ ung thư di căn mổ ngồi cứu thai 28 tuần (Ngày 10-7-2016, chị Đậu Thị Huyền Trâm, 26 tuổi, Hà Tĩnh)…”

Bài báo thứ hai: “Tám câu chuyện có thật về sự hy sinh của cha mẹ chắc chắn sẽ khiến bạn rơi nước mắt” ( Theo Tri thức trẻ, 22.05.2016)

“ …  Câu chuyện thứ  hai: Cảnh tượng sau cơn động đất khiến ai cũng rớt nước mắt

Câu chuyện cảm động này xảy ra hồi tháng 3/2014 trong một vụ động đất ở Nhật Bản, lấy đi sinh mạng của rất nhiều người. Sau động đất, khi lực lượng cứu hộ bắt đầu tìm kiếm người bị nạn, thì họ nhìn thấy thi thể một người phụ nữ qua vết nứt của một ngôi nhà bị đổ nát. Tư thế của cô khá kỳ lạ: Có vẻ như cô đang quỳ gối cầu nguyện, hai tay đỡ lấy một thứ gì đó. Và cả ngôi nhà đang đè hết lên người cô. Mọi người nghĩ rằng cô đã chết rồi, không thể cứu được nữa, toan quay đi. Nhưng đội trưởng đội cứu hộ bỗng có một linh cảm kỳ diệu nào đó, nên anh lệnh cả đội ở lại.

Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi anh đưa tay vô khe hẹp để tìm kiếm bên dưới xác chết người phụ nữ. Có một đứa bé! Và đứa bé ấy còn sống! Đứa bé khoảng 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa, nằm an toàn trong vòng tay ôm của người mẹ. Rõ ràng, khi ngôi nhà đổ sập, cô đã lấy thân mình ra để bảo vệ con trai. Và trong tấm chăn đó có một chiếc điện thoại di động cùng một tin nhắn trên màn hình. Đoạn tin nhắn đó đã làm cho tất cả mọi người trong đội cứu hộ phải bật khóc.

Tin nhắn viết rằng: Nếu con có thể sống sót, hãy nhớ rằng, mẹ rất yêu con….

trình bày suy nghĩ của anh, chị về hiện tượng được đề cập đến trong hai bài báo trên.

Câu 2 (12,0 điểm )

Khi kiến tạo lại thế giới này, nhà văn đồng thời kiến tạo nên gương mặt mình.

Anh, chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ quan điểm của mình bằng truyện ngắn “Đời thừa” của Nam Cao

 

                                                   **********************

Câu 1

1. Nêu vấn đề, hiện tượng cần nghị luận: HS cần phân tích hai bài báo và khái quát được hiện tượng xã hội được đề cập: Có những người mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả, thậm chí cả tính mạng của mình để mang lại sự sống cho con.

2. Trình bày suy nghĩ về hiện tượng:

- HS  cần chỉ ra được những biểu hiện cụ thể của hiện tương:

Đây là một hiện tượng rất phổ biến trong thực tế cuộc sống. Những người mẹ đang lặng thầm ngày đêm chăm lo cho con,  sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân, khát vọng sự nghiệp, thậm chí cả tính mạng để giữ lấy sự sống, đem lại hạnh phúc cho con.

- HS phân tích nguyên nhân của hiện tượng:

Hiện tượng ấy xuất phát từ một tình cảm rất thiêng liêng của con người: Tình mẫu tử, tình yêu thương vô bờ bến đối với con cái.

- HS phân tích tác động của hiện tương đối với mỗi con người và đối với toàn xã hội

Hiện tượng ấy có một ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc sống:

 + Giữa rất nhiều những giá trị “lệch chuẩn” đang lên ngôi thì tình yêu thương và đức hi sinh của những người mẹ vẫn sáng lên một giá trị nhân văn cao quý, là một điểm tựa tinh thần vững chắc giúp con người giữ vững lòng tin vào cuộc sống và vững lòng vượt qua những biến động khôn lường của cuộc sống hiện đại.

 + Những người mẹ như vậy sẽ sinh ra những đứa con biết yêu thương, tự tin yêu thương và cũng sẽ có thể sẵn sàng hi sinh vì tình yêu thương đối với người khác.

- HS mở rộng vấn đề

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có những sự việc đau lòng làm chúng ta hoài nghi về sự đổ vỡ của một giá trị đạo đức:

 + Những người mẹ đã bỏ rơi đứa con vừa mới chào đời.

 + Những người mẹ đã bạo hành con cái.

 + Những đứa con đối xử tàn nhẫn với cha mẹ.

 3. Bài học nhận thức và hành động:

- Hãy thấu hiểu và trân trọng sự hi sinh của những người mẹ.

- Hãy giữ lấy những giá trị cao quý của tình mẫu tử để con người có một nền tảng vững chắc để hoàn thiện nhân cách.

 (Học sinh liên hệ bản thân để rút ra bài học cho riêng mình)

Câu 2:

       1. Giải thích:

- “Kiến tạo lại thế giới này” : Phản ánh hiện thực cuộc sống vào trong tphẩm văn học.

- “Kiến tạo nên gương mặt mình”: Khắc họa những nét riêng, độc đáo của nghệ sĩ

* “Khi kiến tạo lại thế giới này, nhà văn đồng thời kiến tạo nên gương mặt mình” có nghĩa là: Khi phản ánh hiện thực cuộc sống vào trong tác phẩm, nhà văn đồng thời xây dựng nên phong cách nghệ thuật của mình.

2. Bình luận: Ý kiến trên là một nhận thức đúng đắn và sâu sắc về  đặc trưng của văn học và bản chất của quá trình sáng tạo nghệ thuật.

- Trong văn chương nghệ thuật, người nghệ sĩ không chỉ phản ánh, tái hiện cuộc sống, nêu lên những hiểu biết về thế giới, nhận thức thế giới mà còn bày tỏ thái độ chủ quan của mình, nói lên ước mơ, khát vọng của mình về thế giới, về cuộc sống.

- Văn chương nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Hiện thực cuộc sống không được “bê nguyên xi” vào tác phẩm mà được “kiến tạo lại” dưới một cái nhìn mới, một cách cảm mới của người nghệ sĩ. “Tác phẩm nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan” là vậy. Điều đó cũng có nghĩa là sáng tạo nghệ thuật là một quá trình kép. Nhà văn vừa sáng tạo ra tác phẩm vừa “sáng tạo nên bản thân mình”. Trong quá trình lao động nghệ thuật, nhà văn chân chính luôn có ý thức tạo ra cho mình một phong cách nghệ thuật. Bởi đó là đòi hỏi tất yếu của hoạt động sáng tạo.

3. Phân tích truyện ngắn “Đời thừa” của Nam Cao để làm sáng tỏ quan điểm.

“Đời thừa” là một tác phẩm xuất sắc của ngòi bút Nam Cao trong đề tài tiểu tư sản, là tác phẩm thể hiện khá hoàn chỉnh tư tưởng nghệ thuật cũng như những đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật của Nam Cao.

- Xây dựng nhân vật Hộ với số phận “bị áo cơm ghì sát đất”, Nam Cao thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội thành thị Việt Nam trước CM, đồng thời bộc lộ nỗi đau đớn khôn nguôi trước tình trạng con người không giữ nổi nhân tính, nhân phẩm vì miếng cơm manh áo, vì những vụn vặt trong cuộc sống đời thường. Đó là chiều sâu trong chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao.

- Cốt truyện “Đời thừa” khá đơn giản, song từ câu chuyện dường như tầm thường ấy, nhà văn đã đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa xã hội, nhân sinh to lớn, sâu sắc, có sắc thái triết học. Nhiều vấn đề hệ trọng trong đời sống tinh thần thời đại được đặt ra một cách đầy ám ảnh: cá nhân và xã hội, lý tưởng và hiện thực, nghệ thuật và tình thương, nhân cách và hoàn cảnh.

- Nam Cao thực sự là “nhà văn hiện thực tâm lí” khi lách sâu ngòi bút vào thế giới nội tâm của nhân vật Hộ với những giằng xé dữ dội và đau đớn trong một bi kịch không lối thoát.

- “Đời thừa” mang chất giọng đối nghịch: vừa tỉnh táo sắc lạnh lại vừa nặng trĩu suy tư và đằm thắm yêu thương. Qua giọng điệu trần thuật, Nam Cao hiện lên với bề ngoài lạnh lùng đến tàn nhẫn nhưng thẳm sâu bên trong là niềm cảm thông, nỗi xót xa, đau đớn của nhà văn trước bi kịch của người nghệ sĩ không giải quyết được những mâu thuẫn giữa nghệ thuật và tình yêu thương con người.

4. Đánh giá:

- Với “Đời thừa” và nhiều tác phẩm khác, Nam Cao đã thực sự “kiến tạo nên”  một phong cách nghệ thuật độc đáo, để lại một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử văn học dân tộc.

- Trong thế giới của văn chương, chính phong cách nghệ thuật đã giúp cho nhà văn có được một vị trí trên văn đàn và làm cho diện mạo văn học thời kì ấy trở nên phong phú, đa dạng và độc đáo.

- Vì vậy mỗi nhà văn phải thực sự nghiêm túc trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, phải luôn có ý thức xây dựng cho mình một “gương mặt nghệ thuật” độc đáo và có giá trị thẩm mĩ. Đó là vấn đề sống còn trong cái thế giới cầu toàn với quy luật đào thải khắc nghiệt của văn chương.

Bài viết gợi ý: