Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
(…)
“Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Bây giờ xinh đẹp là em
Em ra thành phố dần quên một thời
Về quê ăn Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ… một khoảng trời pha lê.
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…”
(Phạm Công Trứ)
1.Xác định các phương thức biểu đạt của đoạn thơ? (0.5đ)
2. Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thơ: (0.5đ)
“Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ… một khoảng trời pha lê”?
3. Anh/chị nhận xét như thế nào về hai nhân vật trữ tình “tôi” và “em” trong đoạn thơ ? (0.5đ)
Đáp án
1.Xác định các phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ : Tự sự, biểu cảm
– Điểm 0.5đ : Trả lời đúng, đủ hai phương thức.
– Điểm 0.25 : Nêu được 01 phương thức.
– Điểm 0 : Trả lời sai hoặc không trả lời
2. Trình bày cách hiểu của bản thân về hai câu thơ :
“Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ… một khoảng trời pha lê”
– Sự vô tâm, vô tình của “em”
– Tâm trạng nuối tiếc, hụt hẫng, ngỡ ngàng của “tôi” trước sự thay đổi của “em”
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ, có cơ sở từ văn bản thơ.
– Điểm 0.5 : Trả lời đúng đáp án (2 ý trở lên) hoặc có cách trả lời hợp lí, thuyết phục, cách diễn đạt tương đồng
– Điểm 0.25 : Trả lời được 01 ý hoặc trả lời chung chung, chưa thuyết phục
– Điểm 0 : Trả lời sai (so với ý của văn bản thơ) hoặc không trả lời.
3. Nêu nhận xét về hai nhân vật trữ tình “tôi” và “em” trong đoạn thơ :
+ “Tôi”: giàu tình cảm, thủy chung, hồn nhiên tin yêu và đợi chờ.
+ “Em”: vô tâm, vô tình, dễ đổi thay.
– Điểm 0.5 : Trả lời đúng đáp án (2 ý trở lên) hoặc có cách trả lời hợp lí, thuyết phục, cách diễn đạt tương đồng
– Điểm 0.25 : Trả lời được 01 ý hoặc trả lời chung chung, chưa thuyết phục
– Điểm 0 : Trả lời sai (so với ý của văn bản thơ) hoặc không trả lời.
(Tài liệu sưu tầm )
Xem thêm :Tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia ngữ văn