ĐÁP ÁN VÀ BÀI MẪU ĐỀ MINH HỌA LẦN 3.
ĐỌC HIỂU
1. Cách trình bày
– Đoạn 1: Tổng phân hợp
– Đoạn 2: Quy nạp
2. Theo tác giả, khi “nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học”, ta sẽ “bổ sung được kiến thức mới”
3. Tác giả cho rằng “biết đâu trong một lần tò mò…” vì chỉ khi ta có hứng thú, có mong muốn tìm hiểu một vấn đề, đặt cảm xúc của mình vào công việc, sự tìm tòi thì khi đó ta mới có cơ hội, ta sẽ được kích thích để phát hiện, tiếp thu những kiến thức, những cái mới
4. Để niềm đam mê khám phá những điều kì diệu “trở thành một phần trong cá tính”, mỗi chúng ta cần tăng cường việc tiếp thu kiến thức: bằng cách đọc sách (không ai thông minh mà không có kiến thức, mà sách là kho kiến thức đã được tích lũy qua nhiều thế hệ,…), bằng cách trải nghiệm, thực hành,..kiến thức sẽ chẳng
thể vận dụng nếu chỉ nằm im trong sách vở, có trải nghiệm mới giúp ta sáng tạo, thể hiện những khả năng bản thân…Bên cạnh đó hãy luôn nỗ lực, cố gắng , không nên bằng lòng với kiến thức mình đang có, tích lũy kiến thức là việc cần làm hằng ngày, liên tục, là cả quá trình kiên trì,..
NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
Đã bao giờ bạn cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt, mọi thứ dường như chỉ xoay vòng như một bộ máy được lập trình sẵn? Đó chính là khi bạn không còn động lực để làm việc, không còn niềm đam mê để bước tiếp. Thứ mà chúng ta sống cùng nó cả đời, làm việc vì nó, kiếm tiền từ nó và để lại những giá trị cho người khác từ nó. Tôi gọi đó là đam mê. Đam mê cũng có thể là cảm giác âm thầm hài lòng, biết rằng bạn đang sống cuộc sống của chính mình. Bạn cũng có thể gọi tên đam mê bằng “ước mơ, hoài bão, khát vọng,…” ,là lý do bạn thức dậy mỗi sáng, và chỉ cần nghĩ đến nó thôi cũng đủ để bạn hào hứng thức khuya hàng đêm,…không sao cả bởi chúng ta đâu phải ở một giờ học ngôn ngữ, đam mê không chỉ có một định nghĩa cố định. Không quan trọng bạn định nghĩa đam mê là gì mà quan trọng là chúng ta hiểu ý nghĩa của nó thế nào và làm gì để nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê của bản thân? Đặc điểm cơ bản nhất mà mọi đam mê đều có chính là sự kích thích, nghĩa là khi bạn làm việc trong đam mê thì sẽ không có mệt mỏi, chán nản, lo lắng mà thường trực nhất chính là niềm vui. Được làm việc với đam mê là một loại hạnh phúc. Đây là một điểm quan trọng trên con đường tìm kiếm đam mê của chính mình nếu ta chưa tìm thấy nó. Đam mê được xem là động lực có khả năng kích thích, truyền cảm hứng và thổi bùng lên nhiệt huyết. Ban-dắc đã
từng khẳng định “Tất cả tính nhân văn lá sự đam mê, không có đam mê, tôn giáo, tiểu thuyết, lịch sử đề là vô ích”. Khi làm việc với tất cả nhiệt huyết đam mê, con người sẽ khai phá năng lực tiềm ẩn, bất ngờ của mình mà đạt hiệu quả cao hơn trong công việc. Khi đam mê quyết cháy hết mình cho công việc, con người sẽ đủ ý chí, nghị lực để vượt ca hành trình xa thẳm, đầy gian nan để cán đích thành công. Cũng nhờ đam mề và chỉ có đam mê, óc sáng tạo mới được thăng hoa mãnh liệt nhất. Chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều người chạm tay đến cánh cửa thành
công của mình nhờ vào niềm đam mê. Điển hình như là nhân tài về thế giới. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ đến Steve Jobs, bậc thầy vĩ đại về công nghệ. Ông từng tâm sự rằng “Trở thành người giàu nhất thế giới trong nghĩa trang không có gì là quan trọng đối với tôi. Đi ngủ vào ban đêm và nghĩ rằng mình đã làm được 1 cái gì đó thật tuyệt vời… điều đó mới quan trọng đối với tôi”. Những lúc khó khăn nhất, tưởng chừng như muốn lùi bước, ông vẫn luôn cố gắng vượt lên, nỗ lực hết mình bằng sự đam mê, bằng lòng nhiệt huyết. Nhưng Đặc điểm nguy hiểm nhất của đam mê chính là sự nhầm lẫn. Đây cũng là điểm khiến cho nhiều người có lòng phải bỏ phần lớn cuộc đời vẫn chưa thể tìm thấy đam mê chân chính của họ. Một phần cũng là do sự định hướng của thời đại, ví dụ như vài năm trước công nghệ thông tin mới phát triển làm cho nhiều người trẻ nghĩ rằng mình cũng rất có thể là Bill Gates thứ hai, họ lao theo ngành tin học và nhận ra nó không dễ dàng, thú vị như họ nghĩ. Tôi nghe ai đó hay nói là: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.” Rất hay và rất đúng! Nhưng đoạn đường từ lúc bạn theo đuổi đam mê
cho tới khi thành công đuổi kịp bạn là bao xa? Bao lâu? Trong thời gian đó bạn sống bằng gì? Hãy thật sự bình tâm để trả lời những câu hỏi ấy, xác định rõ đam mê của mình là gì? Có vô số người vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi đam mê của mình bằng cách này hay cách khác, điều đó thật đáng quý và đáng ghi nhận. Nhưng không gì ý nghĩa hơn bằng việc chúng ta tồn tại trên đời và dám sống cháy bỏng cho những khát khao, cho những đam mê bằng tất cả trái tim, khối óc và đặt lòng tin vào nó. Hạnh phúc ở rất gần trong mỗi đam mê ấy và chẳng mấy xa vời
cho cái chạm ngưỡng thành công nếu bạn luôn hết mình với đam mê. Hãy luôn giữ ngọn lửa ấy trong suốt hành trình sống, con tàu thời gian sẽ giúp bạn tới bến bờ của thành Rome – thành công đang đợi bạn!
NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
“Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời.” (Trích trong Nhất ký của Nguyễn Văn Thạc). Có lẽ ta không thể cảm nhận trọn vẹn “niềm sầu buồn” hay “giọt nước mắt” đó nếu nhà văn Kim Lân không dùng ngòi bút của mình để in dấu tất cả qua hình tượng nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt. Nhưng có ý kiến cho rằng “Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh” nhưng có ý kiến lại cảm nhận rằng “Đó là con người đầy khát khao, tốt bụng”. Vậy nên giải mã hình tượng nhân vật như thế nào?
“Vợ nhặt” là một truyện ngắn xuất sắc có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”, Kim Lân viết ngay sau cách mạng tháng Tám, nhưng bị mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), tác giả dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn. Ta đã từng bắt gặp một ông Hai trong “Làng”, một con người đậm chất “Kim Lân”, đậm chất làng quê. Nhân vật Tràng trong “Vợ nhặt” cũng là một con người như thế. Vậy tại sao lại có những ý kiến, nhận định khác nhau về nhân vật như vậy?
Ý kiến thứ nhất, “Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh” hướng đến một phần tính cách của nhân vật. ” Nông nổi, liều lĩnh” chỉ hành động nhất thời, bốc đồng, theo cảm tính, chưa suy nghĩ thấu đáo…Hướng đến chi tiết “Tràng nhặt vợ” một cách nhanh chóng, dường như không hề suy tính. Chỉ qua những hành động “Chậc lưỡi”, lời nói bông đùa, mà Tràng đã quyết định “nhặt vợ”.
Nhưng liệu đằng sau đó còn một ý nghĩa sâu sắc nào khác ? Ý kiến thứ hai đã đi sâu lí giải điều này. “Khát khao” ở đây phải chăng chính là khát khao hạnh phúc, khát khao có một gia đình ấm êm. Đó có thể là điều bình dị với bao người nhưng với Tràng, một chàng trai “thô kệch”, lại kéo theo gia cảnh nghèo đói thì đó là cả một ước mơ. Khát khao hạnh phúc còn là mong muốn được giải phóng, được tự do. Và điều mà Kim Lân muốn bạn đọc khám phá còn là vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân ấy. Tất cả hành động tưởng chừng như bồng bột ấy là tình yêu thương giữa con người với con người, là tình sẻ chia thật cảm động, là vẻ đẹp nhân cách đáng trân trọng mà ngòi bút Kim Lân đã khám phá được. Hai ý kiến được thể hiện đan cài, xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm.
Có thể nói, Kim Lân đã rất tài tình khi “đặt nhân vật kề bên nanh vuốt của cái chết” (Nguyễn Đăng Mạnh). Bối cảnh là một xóm ngụ cư những năm nạn đói năm 1945. Khi mà cái chết hiện lên thành hình những người chết “nằm còng queo, nằm ngổn ngang, đi lại dật dờ”, cái chết vẩn lên thành mùi “ẩm thối của rác rưởi, mùi gây của xác người. mùi khét lẹt khi đốt đống rấm”. Cái chết hiện hình trong cả những âm thanh người hờ khóc tỉ tê, tiếng quạ trên cành cây gạo… Thậm chí là trong cả màu “xanh xám”, gợi cái cảm giác “heo hút, ngăn ngắt”, lạnh lẽo trong cảm nhận của mỗi người. Đặc biệt hơn cả là cảm quan hiện thực sắc sảo của nhà văn khi miêu tả “những người sống đi lại dật dờ như những bóng ma”. Ta thấy ở đó rùng rợn một bức tranh mà ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mỏng
manh, cõi âm nhập nhòa trong cõi dương, trần gian mấp mé miệng vực của âm phủ.Giữa cái nền ấy xuất hiện anh cu Tràng. Như bao nhân vật khác trong truyện ngắn Kim Lân, Tràng là một gã nông dân “khố rách áo ôm”. Hắn sống với mẹ già trong một “cái nhà vắng teo, đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”. Đã nghèo, nhưng bên trong nhà còn bừa bãi, lộn xộn: một tấm phên rách, những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất, mấy cái quần rách như tổ đỉa vắt khươm mươi niên, cái ang nước khô cong, đống rác mùn không
buồn quét… Kim Lân đã thật tài tình khi chọn lọc một loạt những chi tiết đắt giá làm nổi bật tình cảnh éo le nhà Tràng, chắt chiu từng “hạt bụi vàng” làm nên “bông hồng vàng” danh giá. Tràng là một nông dân nghèo khổ lại xấu xí. Nếu như trong thời bình Tràng thuộc típ người khó có khả năng lấy vợ. Nhưng điều đó lại xảy ra vào đúng cái nạn đói khủng khiếp. Tràng lấy được vợ hay nói đúng hơn là “nhặt được vợ”. Tại sao hành động của Tràng có thể coi là “nông nổi, liều lĩnh” ? Thật ra ban đầu Tràng không chủ tâm tìm vợ. Tràng cũng thừa biết người như hắn thì không thể có vợ. Khi đẩy xe bò mệt mỏi anh chỉ hò một câu cho vui ” Muốn ăn cơm trắng mấy giò này/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”. Tràng chỉ muốn hò để xua đi mỏi mệt trong người. Anh cũng chẳng có ý chòng ghẹo ai cả. Ai ngờ có người đàn bà đói xông xáo đến đẩy xe thật. Nhưng vì đùa vui nên Tràng đã không giữ đúng thỏa thuận. Khi Tràng đang ngồi nghỉ trước cổng chợ tỉnh thì bất ngờ có người đàn bà sầm sập chạy đến cong cớn sưng sỉa với hắn ” Điêu người thế mà điêu”. Tràng không nhận ra người đàn bà ngày trước đẩy xe cho mình. Trước mặt hắn là một người đàn bà thảm hại đã bị cái đói tàn hại cả nhan sắc lẫn nhân cách. Thị gầy sọp hẳn đi ngực gầy lép khuôn mặt lưỡi cày hốc hác quần áo rách như tổ đỉa. Thấy người đàn bà đói rách rưới thảm hại. Tràng động lòng thương. Có ai ngờ được rằng trong con người thô kệch ấy lại có một tấm lòng thương người cao cả. Thế rồi Tràng cho người đàn bà kia ăn không chỉ ăn mà còn cho ăn rất nhiều ” bốn bát bánh đúc”.Liều lĩnh là khi Tràng quyết đưa thị về nhà. Vốn tính hay đùa Tràng lại tầm phơ tầm phào “Nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân đồ lên xe rồi về”. Nói đùa thế thôi ai ngờ thị về thật. Lúc đầu Tràng phảng phất lo sợ về cái đói và cái chết”mới đầu anh cũng chợn nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”. Đó là nỗi sợ hãi có thật nhất lại là thời đói kém như thế này. Nhưng sau đó anh chặc lưỡi ” Chậc kệ!” . Chỉ một từ “kệ” thôi Tràng như đã bỏ lại sau lưng mình tất cả nỗi sợ hãi, bất chấp hoàn cảnh đưa thị về nhà.Trên cái nền của nạn đói, Tráng dẫn thị về nhà. Khi nạn đói bao trùm, dường như Tràng đã đánh cược cả số phận khi “nhặt” vợ, Tràng không có chút suy nghĩ, lo lắng về tương lai, liệu rồi cuộc sống ấy sẽ ra sao? Nhưng dường như sức bốc đồng ấy lại bắt nguồn từ một tình cảm vô cùng cao đẹp, đáng quý : khát vọng, tình người, sự sẻ chia.
Ý kiến thứ hai đã đưa người đọc đi khám phá vẻ đẹp tâm hồn Tràng. Ẩn sau trong những hành động thô kệch kia là một con người “đầy khát khao và tốt bụng”. Tràng đưa thị về nhà là hành động xuất phát từ sự hào phóng, tốt bụng của Tràng, tinh thần “Thương người như thể thương thân”, xuất phát từ niềm khao khát mái ấm hạnh phúc gia đình của Tràng. Tràng đã bất chấp tất cả để đánh đổi lấy một lần tận hưởng cuộc sống hạnh phúc trong đời. Tràng và người đàn bà kia như hai cành củi khô nhưng họ đã chụm vào nhau để nhen lên ngọn lửa. Tội nghiệp thay người
này thì cần hạnh phúc còn người kia thì lại cần chỗ dựa. Một người vì cuộc sống gia đình, người kia vì miếng ăn. Họ Liều nhưng cái Liều kia của họ làm người ta bật khóc. Bây giờ thì họ là người dũng cảm bởi vì họ dám nắm tay nhau để bước qua ranh giới của sự sống và cái chết.Và rồi khi người phụ nữ chấp nhận làm vợTràng đã có ý thức chăm sóc, yêu thương, trân trọng. Hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa no nê… Anh còn mua 2 hào dầu để thắp sáng. Đó có vẻ như là sự cố gắng quá mức
của Tràng nhưng cũng rất dễ hiểu vì Tràng sự khao khát, trân trọng của Tràng đối với cuộc sống gia đình. Đã là người, ai chẳng có bản năng ham sống? Nhưng tôi thấy ở Tràng, đó không chỉ là bản năng, đó còn là khát vọng. Khát khao sống, khát khao hạnh phúc. Hành động nhặt vợ chính là một biểu hiện như thế. Không khao khát, làm sao hắn dám dẫn một người dàn bà không tên không tuổi về làm vợ? Và tất cả đã làm thay đổi tâm trạng, hành động của Tràng. Trên đường về, không còn hình ảnh anh Tràng buồn bã cúi mặt lo âu nghĩ ngợi. Hôm nay Tràng có niềm vui lạ một niềm hạnh phúc tràn ngập khiến mặt Tràng cứ “phớn phở khác thường”. Thỉnh thoảng lại còn cười nụ một mình. Lúc thì hắn đi sát người đàn bà lúc lại lùi ra sau một tí hai tay cứ xoa vào vai nọ vai kia lại muốn nói đùa một câu lại cứ thấy ngường ngượng. Kim Lân đã làm người đọc thấy được sự thay đổi về tâm lí của Tràng. Tràng thật sự đã khác với Tràng hôm qua. Trong lòng Tràng tràn ngập niềm vui sướng miên man khiến “Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề tăm tối hằng ngày quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy nó ôm ấp mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ dọc sống lưng” . Thế là rõ rồi: Hạnh phúc đang làm anh thay đổi. Khi về đến nhà lúc đầu Tràng thấy ” ngượng nghịu” rồi cứ thế ” đứng tây ngây ra giữa nhà chợt hắn thấy sờ sợ”. Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua thôi. Hạnh phúc lớn lao quá khiến Tràng lại lấy lại được thăng bằng nhanh chóng. Lúc sau Tràng tủm tỉm cười một mình với ý nghĩ có phần ngạc nhiên sửng sốt không dám tin đó là sự thật: “hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư ?”. Đó là sự ngạc nhiên trong sung sướng. Lúc chờ đợi mẹ về, Tràng nóng ruột đi đi lại lại. Chưa bao giờ người ta thấy hắn nôn nóng như thế. Khi mẹ về hắn mừng rỡ rối rít như trẻ con vì dù sao Tràng vẫn còn có mẹ – đó là đấng tối cao của Tràng vì chỉ có mẹ mới quyết định được hạnh phúc của hắn. Tràng nóng lòng thưa chuyện với mẹ. Bắt mẹ ngồi lên giường để thưa chuyện. Khi được đồng ý Tràng thở đánh phào một cái nhẹ cả người. Thế là Tràng đã có gia đình có vợ không tốn tiền cưới hỏi Tràng lấy được vợ thật hiển hách.Sau khi lấy vợ Tràng trở thành một người sống có trách nhiệm biết suy nghĩ chín chắn. Nhà văn đã mang đến cho người đọc hơi thở mới của Tràng vào sau cái đêm tân hôn. Tràng thức dậy đầu tiên đó là một cảm giác dễ chịu “Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Đó là tâm trạng hạnh phúc. Tràng cảm động khi thấy mẹ và vợ dọn dẹp lại nhà cửa nhất là khi nghe tiếng chổi tre quét từng nhát sàn sạt trên sân. Một nỗi lòng yêu
thương một nguồn vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng”.Từ một anh phu xe cục mịch sống vô tư chỉ biết việc trước mắt Tràng đã là người quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội và khao khát sự đổi đời. Khi tiếng trống thúc thuế ngoài đình vang lên vội vã dồn dập Tràng đã thần mặt ra nghĩ ngợi đây là điều hiếm có đối với Tràng xưa nay. Trong ý nghĩ của anh lại vụt hiện ra
cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp để cướp kho thóc của Nhật và đằng trước là lá cờ đỏ. Tràng nhớ tới cảnh ấy và lòng ân hận tiếc rẻ và trong óc vẫn thấy đám người đói và lá cờ bay phấp phới…Chỉ có Cách mạng mới là con đường giải phóng cho những người nông dân nghèo khổ. Hy vọng, tương lai tươi đẹp mà Tràng nghĩ về, khát khao tự do cháy bỏng của anh nông dân ấy cũng là niềm tin, khát vọng của bao kiếp người nghèo khổ. Như vậy, tưởng chừng, hành động của Tràng là nông nổi, cảm tính, nhưng thực chất, đằng sau ấy là tình người, niềm cảm thương, khát khao được đùm bọc, sẻ chia,…Tình người thật xúc động, vẻ đẹp nhân cách người nông dân vẫn ngời sáng dù trong đói nghèo. Hai ý kiến được nhìn từ 2 góc độ khác nhau, nếu ý kiến
thứ nhất chỉ nhìn từ bề nổi hiện tượng, còn chưa giải mã được thông điệp của nhà văn, chua thấy được vẻ đẹp cua nhân vật thì ý kiến thứ hai đã thành công với điều đó, đã nhìn sâu vào bản chất, thể hiện được giá trị nhân đạo của ngòi bút Kim Lân. Xây dựng thành công nhân vật Tràng, Nhà văn đã vận dụng thành công đặc trưng thể loại truyện ngắn: Cốt truyện đơn giản nhưng nhiều chi tiết nghệ thuật sắc nét, đa nghĩa. Bút pháp miêu tả tâm lý tài tình, bắt nhạy từng chuyển biến trong tâm trạng nhân vật. Ngôn ngữ cá thể hóa cao độ mang đến sự giản dị, gần gũi của làng quê Việt Nam… Qua “vỏ mỏng” nhưng Kim Lân đã dựng được một lớp “lõi dày” cho tác phẩm. Hình tượng nhân vật Tràng chính là tấm chìa khóa mở ra tư tưởng của toàn bộ câu chuyện, nhà văn như muốn nói: Dẫu cho hoàn cảnh có đè nén, có “bèo bọt hóa” con người, nhưng con người vẫn không chịu làm kiếp bèo bọt mà
vẫn kiên nhẫn làm Người. Những người đói, họ không nghĩ đến cái đói mà nghĩ đến cái sống. Xuất thân trong cái cảnh chết chóc nhưng sự sống vẫn kiên định chống chọi. “Sự sống chưa bao giờ chán nản” (Xuân Diệu), sự sống vươn lên trên cái chết, sự sống chiến thắng cái chết. Đó chính là thông điệp nhân sinh sâu sắc nhất mà Kim Lân muốn mang đến cho chúng ta qua nhân vật Tràng. Với vai trò là người đọc, chúng ta cần tiếp nhận nhân vật, tác phẩm với cái nhìn đa chiều, hướng đến những ý nghĩa đằng sau tác giả muốn gửi gắm, tránh “những ngộ nhận” sai
lầm.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nói: “Thời gian có thể phủ bụi một số thứ, Nhưng có những thứu càng rời xa thời gian, càng sáng, càng đẹp”. Tôi cho rằng “Vợ nhặt” của Kim Lân là một tác phẩm như thế, Tràng là hình tượng nhân vật như thế. Ra đời cách đây gần nửa thế kỉ nhưng sức sống của nó vẫn sẽ tồn tại đến muôn đời.
Đề minh họa lần 3 năm 2017 :
ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Thế giới của chúng ta có muôn vàn điều thú vị để khám phá. Cho dù bạn đang ở độ tuổi nào, bạn cũng nên phá vỡ các giới hạn của nhận thức và luyện cho mình kĩ năng quan sát bằng cách ra khỏi nhà, ra ngoài thiên nhiên và chú ý tới mọi điều xung quanh. Hãy đặt cho bản thân những câu hỏi như: “Tại sao…? Tại sao không…?” và thử tự tìm các câu trả lời hay sự trợ giúp của những người quen biết. Đừng bao giờ tự cao tự đại nói rằng: “Tôi đã biết hết
rồi, anh/chị sẽ không chỉ cho tôi được điều gì mới đâu!”. Vì chỉ khi chúng ta nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học, chúng ta mới có thể bổ sung được nhiều kiến thức mới. Hãy nghe nhạc cổ điển, đến thăm các viện bảo tàng và các phòng trưng bày nghệ thuật, hãy đọc sách về nhiều chủ đề khác nhau, hãy có những sở thích như khiêu vũ, chơi đàn, hội họa hay tập luyện một bộ môn thể thao. Dù bạn chọn cho mình bộ môn nào đi nữa, bạn cũng nên theo học đến cùng và tìm hiểu không ngừng nghỉ cho đến khi đạt được kiến thức sâu sắc về lĩnh vực đó mới thôi. Đừng chỉ “chạm đến một lần rồi bỏ xó”. Hãy quyết tâm rèn luyện và củng cố trí tò mò để nó trở thành một phần trong cá tính của bạn. Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân. Có khát vọng khám phá và tìm tòi là một trong những động lực giúp bạn tiếp cận với thế giới và vươn ra biển lớn.
(Trích Tìm kiếm niềm đam mê, theo Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, Nhà xuất bản Thế giới, 2017, tr17-18)
Câu 1. Ở mỗi đoạn văn trên đây, tác giả đã sử dụng cách trình bày nào trong các cách sau:
diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành?
Câu 2. Theo tác giả, chúng ta sẽ có được lợi ích gì khi “nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học”?
Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng “Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân”?
Câu 4. Theo anh/chị, cần làm thế nào để niềm đam mê khám phá những điều kì diệu “trở thành một phần trong cá tính”?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm)
Về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh. Lại có ý kiến nhấn mạnh: Đó là một con người đầy khao khát, tốt bụng.
Bằng cảm nhận của mình về nhân vật Tràng, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.
Đề minh họa của Bộ Giáo dục, đáp án được soạn bởi cô Diễm Hằng

Bài viết gợi ý: