BỘ ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN VĂN 2017
Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn số 84
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
B’lao, 23 tháng 9/ 1965
Ánh
Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh về đây. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ sát bờ hồ. Bờ hồ bây giờ đã điêu tàn lắm. Người ta đã chặt bỏ những cây khô sống bao nhiêu năm nay trong hồ. Có một vài chỗ nước rút xuống chỉ còn bùn đen.
Buổi chiều gió thật lạnh. Anh đã mặc áo ấm suốt ngày ở đây.
Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.
Ngồi ở đây nhìn ra từng ô cửa kính rất lớn anh mơ hồ thấy mình như lạc về một vùng đất nào mới sơ khai. Cả thành phố chỉ xanh rì những cây cối và từng khoảng đất đỏ.
Hiện giờ ở tỉnh đang có một buổi văn nghệ sẽ tổ chức vào cuối tháng. Anh phụ trách chương trình này nên bây giờ vẫn còn được rỗi rảnh không làm việc gì cho đến cuối tháng.
Anh nhớ Ánh lạ lùng đó Ánh. Mà Ánh thì chỉ mong anh chóng đi xa, anh nghĩ thế. Mùa thu hầu như không có trên miền này. Ở đó lá đã bắt đầu vàng chưa Ánh.
(Trích thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Nêu nội dung của văn bản.
Câu 3: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật trong đoạn văn sau và nêu tác dụng: Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh về đây.
Câu 4. Anh/Chị có cảm nhận gì qua bức thư?
II. LÀM VĂN
Câu 1. Từ nội dung phần Đọc hiểu, Anh/Chị hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tình yêu tuổi học trò.
Câu 2. Nhận xét về bài thơ Tây Tiến, tác giả Hà Minh Đức Viết: Tây Tiến là bài thơ giàu nhạc điệu, nhạc điệu của cuộc sống và của tâm hồn (Nxb Văn học, 2006, tr.67-68). Anh/Chị hãy làm rõ ý kiến đó qua đoạn thơ sau:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(Tây Tiến, Quang Dũng)
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1: Phương thức biểu cảm.
Câu 2: Nội dung: Tình yêu, nỗi nhớ da diết, miên man, bồi hồi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho Dao Ánh và cả sự trách móc, dỗi hờn, yêu thương nhẹ nhàng, sâu lắng.
Câu 3: Biện pháp nghệ thuật nhân hóa Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh về đây. Cách miêu tả mưa có sắc thái tình cảm giống như con người, làm cho cách diễn đạt thêm gợi hình, gợi cảm.
Câu 4:
* Yêu cầu: Cảm nhận được tình cảm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho người mình yêu thật đẹp, thật nhẹ nhàng và sâu sắc.
* Gợi ý: Nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ngoài những bản tình ca đi theo năm tháng, chúng ta còn biết đến ông qua những bức thư tình nổi tiếng có giá trị ngôn ngữ. Tình yêu với ông là niềm say mê đến cháy bỏng mãnh liệt, không giới hạn. Khi yêu, trong con người nhạc sĩ tài hoa cháy lên ngọn lửa thiêu đốt những cái tầm thường, vượt qua những vị kỉ, nhỏ nhen để luôn hướng đến người mình yêu bằng một tình yêu cao cả, chân thành. Tình yêu chân chính sẽ làm cho người ta thêm yêu cuộc sống, thôi thúc ước mơ, nâng người mình yêu lên một giá trị cao hơn, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
(Đoạn văn mẫu)
Bên cạnh tình bạn, tình yêu tuổi học trò là điều được nhiều người quan tâm. Ở cái tuổi không còn bé nhưng cũng chưa trưởng thành, các bạn luôn muốn khẳng định cái tôi cá nhân của mình. Và yêu đương tuổi học trò là một trong những điều mà các bạn muốn thử. Việc tạo dựng tình yêu tuổi học trò cũng xuất phát từ ý thức của mỗi người. Có những mối tình tuổi học trò trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên, không ích kỉ. Có những cô cậu chỉ dám thầm thương, trộm nhớ ai đó. Có người lại mãnh liệt thể hiện rằng mình đã có người yêu. Tình yêu tuổi học trò không ai cấm, nhưng đừng biến nó thành những tình cảm vụ lợi, ích kỉ và vô tình đánh mất đi thứ tình cảm trong sáng, đáng trân trọng đó. Có rất nhiều người sau này kể lại vẫn nức nở khi nhớ về mối tình ngây thơ tuổi học trò, vì với họ đó là quãng thời gian tươi đẹp nhất khi nhớ lại. Nhưng có nhiều người lại phải đánh đổi nhiều thứ cũng vì tình yêu tuổi học trò. Như vậy, tình yêu tuổi học trò luôn là những khoảnh khắc, những mối quan hệ trong sáng mà mỗi người khi nhớ về đều bồi hồi xúc động. Hãy để quãng thời gian đó là thời gian tươi đẹp nhất đã từng trải qua.
Câu 2.
* MB:
– Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc nhưng thành công hơn cả là ở lĩnh vực thi ca, với hồn thơ hồn hậu, lãng mạn, phóng khoáng và tài hoa. Quang Dũng tham gia đoàn quân Tấy Tiến từ năm 1947 đến cuối năm 1948 thì chuyển sang đơn vị khác. Trong một đêm liên hoan mừng công tại Phù Lưu Chanh, ông viết bài thơ Nhớ Tây Tiến, về sau đổi là Tây Tiến và in trong tập Mây đầu ô. Là một nghệ sĩ có rất nhiều tài năng nên chất họa chất nhạc luôn hào quyện vào thơ ông, khiến những bài thơ ông viết đều có sức tạo hình và ngân nga trong lòng người đọc. Cũng chính vì vậy, khi nhận xét về bài thơ Tây Tiến, tác giả Hà Minh Đức Viết: Tây Tiến là bài thơ giàu nhạc điệu, nhạc điệu của cuộc sống và của tâm hồn. Điều đó được thể hiện rõ hơn qua đoạn thơ:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
…
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
* TB:
– Chất liệu của hội họa là màu sắc, đường nét. Chúng thể hiện sự cảm nhận trực tiếp thế giới và con người của nhà văn. Còn chất liệu của âm nhạc là âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu,.. Nhà văn, nhà thơ dùng âm thanh làm phương tiện diễn đạt tư tưởng, tình cảm. Khi khám phá tính nhạc trong thơ nghĩa là xem việc tác giả đã sử dụng, kết hợp từ ngữ như thế nào để tạo ra hài hòa về âm thanh, sự nhịp nhàng cho thơ.
– Nếu 14 câu đầu chủ yếu thể hiện sức mạnh hào hùng của người chiến sỹ Tây Tiến trong cuộc hành quân giữa núi rừng miền Tây hiểm trở thì tới đoạn hai, qua những kỷ niệm ngọt ngào tươi sáng, nhà thơ đã tập trung miêu tả nét hào hoa nghệ sỹ trong tâm hồn những chàng trai Hà thành lãng mạn, mộng mơ.
– Bốn câu đầu miêu tả những ấn tượng sâu sắc, những cảm nhận tinh tế của người chiến sỹ Tây Tiến về một đêm lửa trại nơi trú quân giữa một bản làng nào đó ở miền Tây. Bốn câu đầu ru ta trong nhạc điệu cất lên từ men say của tâm hồn người lình Tây Tiến:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
+ Đây là lần thứ hai đuốc được liên tưởng đến hoa – nếu trong đêm sương Mường Lát, chiến sỹ Tây Tiến nhìn đuốc soi đường lung linh, huyền ảo như hoa về trong đêm hơi thì lần này, trong một đêm lửa trại giữa bản mường miền Tây, bút pháp lãng mạn đã khiến ảnh lửa bập bùng nơi đóng quân trở thành đuốc hoa rực rỡ, gợi những liên tưởng thú vị, đem đến sự náo nức, rạo rực trong lòng người, khiến đêm liên hoan giữa bộ đội và dân làng trở thành đêm hội tưng bừng.
+ Cụm từ bừng lên là một nốt nhấn tươi sáng cho cả câu thơ, nó đem đến ấn tượng về ánh sáng và đây là ánh sáng chói lòa, đột ngột của lửa, của đuốc, xóa đi cái tối tăm lạnh lẽo của núi rừng, thể hiện niềm vui sướng, rạo rực trong lòng người. Người đọc còn có thể hình dung ra những ánh mắt ngỡ ngàng, những gương mặt bừng sáng của các chiến sỹ, bừng sáng vì sự phản chiếu của ánh lửa bập bùng đêm hội, bừng sáng còn vì ngọn lửa ấm nóng trong tâm hồn, ngọn lửa của niềm vui trẻ trung, lạc quan, ngọn lửa của tình yêu với con người và mảnh đất miền Tây.
– Câu thơ thứ hai là hình ảnh trung tâm của hội đuốc hoa là các thiếu nữ miền sơn cước:
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
+ Từ kìa và cụm từ nghi vấn tự bao giờ đã bộc lộ cảm giác vừa ngỡ ngàng thú vị, vừa ngưỡng mộ trìu mến của các chiến sỹ trước sự xuất hiện của các cô gái miền Tây. Đó là cảm giác rất chân thực trong một dịp vui hiếm hoi sau bao ngày hành quân giữa rừng già với núi cao, dốc thẳm, sương dày, với mua rừng và thú dữ. Với niềm vui tỏa ra từ câu thơ, Quang Dũng còn đưa người đọc đến một cảm nhận thú vị khi liên tưởng tới câu thơ đầu. Doanh trại bừng lên hình như không chỉ vì ánh sáng của lửa, của đuốc mà còn vì sự xuất hiện đột ngột của các sơn nữ miền Tây.
+ Các cô gái hiện lên với hai ấn tượng đẹp đẽ bởi bút pháp mỹ lệ hóa trong xiêm áo lộng lẫy và nét e ấp đầy nữ tính. Những ấn tượng ấy khiến các cô đẹp hơn trước một đoàn quân xanh màu lá, duyên dáng hơn trước những người lính dữ oai hùm. Nét tương phản của cảm hứng lãng mạn đã tạo nên chất thi vị làm dịu đi rất nhiều hiện thực khắc nghiệp của chiến tranh.
+ Người lính Tây Tiến không chỉ ngỡ ngàng, say đắm trước vẻ đẹp của những thiếu nữ miền Tây e ấp và duyên dáng mà còn mơ màng trong man điệu núi rừng. Man điệu có thể hiểu là vũ điệu uyển chuyển của các sơn nữ, cũng có thể là giai điệu mới mẻ của vùng đất lạ trong tiếng khèn lên mê hoặc lòng người. Với tâm hồn hào hoa nghệ sỹ, đặc biệt nhạy cảm với cái đẹp, người lính Tây Tiến say đắm chiêm ngưỡng và cảm nhận những hình ảnh rực rỡ, những âm thanh ngọt ngào, những đường nét duyên dáng trong đêm lửa trại để được thả hồn phiêu diêu bay bổng trong thế giới mộng mơ với những vẻ đẹp say người của phương xa đất lạ. Câu thơ có tới sáu thanh bằng đã diễn tả tinh tế cảm giác mơ màng chơi với ấy.
-> Nhịp điệu của bốn câu thơ như nhịp nhặt khoan, dìu dặt của tiếng khèn, gợi vẻ khỏe khoắn, trẻ trung. Bốn câu thơ chan chứa màu sắc, âm thanh, vừa ấm áp tình người.
– Bốn câu sau thể hiện nỗi nhớ về cảnh của người miền Tây. Những hoài niệm rực rỡ và sống động về một đêm lửa trại đã được thay bằng những bâng khuâng xa vắng trong nỗi nhớ tha thiết mênh mông về cảnh sắc con người miền Tây Bắc:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
+ Nỗi nhớ miền Tây được gửi vào lời nhắn với người đi, nhưng đâu chỉ là nhắn với ai đó mà thực ra nhà thơ đang để lòng mình hướng về Châu Mộc, hướng về núi rừng Miền Tây, trong một chiều sương nhạt nhòa, màn sương huyền ảo của núi rừng, màn sương huyền ảo của hoài niệm, nhớ nhung.
+ Trong tiếng Việt, ấy là một đại từ chỉ định luôn đem đến sắc thái xa xôi, mơ hồ cùng nỗi nhớ tiếc cho những danh từ đứng cùng với nó như: thuở ấy, ngày ấy, người ấy.
– Và bây giờ, khi đang ngồi ở Phù Lưu Chanh, Quang Dũng cũng nhắc về chiều sương ấy với bao nỗi nhớ thương lưu luyến khi Châu Mộc trở nên nhạt nhòa trong sương khói và buổi chiều miền Tây với cảnh, với người đã bị đẩy về một quá khứ thật xa xăm:
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
+ Sau lời nhủ thầm xao xuyến, nhà thơ cất lên những tiếng hỏi mà phép điệu trong cấu trúc câu: Có thấy hồn lau… có nhớ dáng người… đã thể hiện nỗi nhớ nhung đầy trăn trở hướng về cảnh và người:
– Câu hỏi thứ nhất hướng về những hàng lau xám buồn bên bờ sông hoang dại:
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
+ Nét đặc sắc trong câu thơ chính là hình ảnh ẩn dụ về hồn lau thay vì bờ lau, hàng lau hay rừng lau… Hoa lau có màu xám trắng, bông lau được tạo bởi muôn ngàn hạt nhỏ li li nên chỉ cần một chút gió rất nhẹ hoa cũng xao động, cả bờ lau đung đưa mềm mại. Sắc trắng của hoa lau trong chiều sương nhạt nhòa, mơ ảo, cái phơ phất của ngàn lau trong xạc xào gió núi đã khiến rừng lau như có hồn, như biết sẻ chia nỗi niềm với con người, sự giao cảm khiến nỗi nhớ càng mênh mông da diết.
+ Khi đã xa miền Tây, câu hỏi có thấy hồn lau nẻo bến bờ càng làm xao xác lòng người. Hoa lau thường mọc ven bờ sông, triền núi, nơi vắng người qua lại. Trong những năm tháng quá khứ, người chiến sỹ Tây Tiến hành quân giữa núi rừng miền Tây, bên dòng sông Mã, giữa phơ phất ngàn lau, lau như linh hồn của rừng núi chia sẻ buồn vui với chiến sỹ trên đường hành quân. Nay người đã đi xa, ngàn lau vẫn ở lại giữa mênh mông gió núi, cảm giác về những bờ lau cô đơn nẻo bến bờ khiến nỗi nhớ càng xao xác trong lòng người đã chia xa.
– Câu hỏi thứ hai dành cho con người miền Tây Bắc:
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
+ Trong làn sương mờ của hoài niệm, con người miền Tây chỉ hiện lên như một bóng dáng mờ xa huyền ảo. Dáng người ấy vừa cứng cỏi, kiên cường trên con thuyền độc mộc đè thác lũ băng băng lướt tới, vừa mềm mại, duyên dáng trong hình ảnh ẩn dụ hoa đong đưa. Quang Dũng không viết hoa đung đưa mà là hoa đong đưa vừa nhằm miêu tả sự duyên dáng của hoa trên dòng nước lũ vừa gợi tả tinh tế dáng vẻ dịu mềm, tình tứ của những sơn nữ miền sơn cước. Xuân Diệu cũng thật có lý khi nói rằng: Đọc Tây Tiến, ta có cảm tưởng như ngậm nhạc trong miệng.
-> Đoạn thơ miêu tả thiên nhiên và con người Tây Bắc đẹp, lãng mạn, có sự kết hợp giữa chất họa và chất nhạc.
– Ý kiến của tác giả Hà Minh Đức hoàn toàn xác đáng. Đoạn thơ không chỉ được khắc, crạm hình sắc, đường nét vào người và cảnh, mà còn được tác giả phổ vào câu thơ những nốt nhạc tinh tế. (Nhạc điệu thể hiện ở vần chân: “Bờ-đưa”,vần lưng: “ấy-thấy”; ở điệp âm, điệp thanh: “Châu Mộc, độc, dòng, đong” ). Nhưng đây là nhạc điệu được cất lên từ một tâm hồn say đắm với cảnh và người miền Tây Tổ quốc của người lính “Giữa chiến trường nhiều khi thay cho nhạc; là những tâm hồn có nhạc ở bên trong” (Phạm Tiến Duật). Cho nên rất có lý khi Xuân Diệu nhận xét: Đọc bài thơ “Tây Tiến”, ta có cảm giác như ngậm âm nhạc trong miệng.
* KB:
– Mỗi phần của bài thơ Tây Tiến đều mở ra những khung cảnh những hoài niệm khó quên trong kí ức bản thâm của mỗi người lính. Những hình ảnh mộc mạc ấy dưới ngòi bút tài hoa của nhà thơ, mỗi nét đậm nhạt với sự kết hợp cả cảnh và con người đều thật sống động.
– Tám câu thơ của khổ hai đã vẽ nên khung cảnh thiên nhiên, con người miền tây với vẻ đẹp mĩ lệ, thơ mộng, trữ tình. Từng nét vẽ của Quang Dũng đều mềm mại, tinh tế, uyển chuyển. Đây là đoạn thơ bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, lãng mạn của tác giả trong tổng thể bài thơ.
Thầy Phan Thế Hoài
Xem thêm Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án chi tiết :
Tải trọn bộ tài liệu ôn thi THPT Quốc gia, đề đọc hiểu, đề Nghị luận xã hội 200 chữ, đề cương ôn thi phần Nghị luận văn học :